Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

Bài giảng CN II Phục Sinh - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:

Tôma cứng lòng (Ga 20,19-31)

Từ lâu, gương mặt của Tôma đã cuốn hút nhiều người. Người ta thường nhìn thấy nơi ông, một con người hoài nghi.
Chúng ta có thể nhận ra chính mình nơi ông, khi đức tin chúng ta bị lung lay bởi hoài nghi.
Ông là anh em sinh đôi của chúng ta và tỏ ra rất đáng yêu.
Nhưng chúng ta hãy nhìn kỹ hơn, Gioan giải thích thái độ và cử chỉ của Tôma làm sao.
Ông đã không có mặt khi Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ, chiều ngày Phục Sinh và khi Ngài đã thổi hơi trên họ.
Mặc dù các môn đệ kể lại cho ông điều họ đã nhìn thấy, ông vẫn không tin.
Ông đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25).
Trong thực tế, Tôma không phải là người hoài nghi, mà là người muốn tự mình cảm nhận tất cả. Ông không bằng lòng với những gì người khác kể lại.
Ông còn phải thấy và tự mình sờ chạm và chỉ tin với điều kiện ấy mà thôi.
Gioan mời gọi chúng ta theo gót Tôma để tin vào sự Phục Sinh.
Điều kiện mà Tôma đưa ra để tin, chất vấn mỗi người chúng ta.
Tại sao ông lại đặt nặng vấn đề các thương tích của Đức Giêsu, những dấu đinh trên bàn tay và vết đâm nơi cạnh sườn Ngài?
Có lẽ ông cần đến bằng chứng rằng Đấng bị đóng đinh và Đấng Phục Sinh là một, vì thật lòng mà nói quả là rất khó tin rằng người chết trong những đớn đau khủng khiếp như thế, lại có thể sống lại một hai ngày sau đó.
Ông khó lòng chấp nhận rằng Đấng Messia đã chết trên Thập Giá, một cách bất ngờ, khủng khiếp như vậy. Cho nên ông cần một bằng chứng rõ ràng để tin vào một Đấng Phục Sinh.
Tám ngày sau, các môn đệ lại tề tựu, các cửa đều đóng kín vì sợ người Do Thái.
Bấy giờ Chúa Giêsu hiện đến và nói với Tôma:
“Hãy đặt ngón tay vào đây, hãy đưa bàn tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”  
Tóm lại, chúng ta thấy nơi Tôma:
Ông nhất định không chịu nói là tin khi ông không tin,
không bao giờ nói mình hiểu trong khi không hiểu.
Ông không hề đè nén sự nghi ngờ.   
Tôma không thuộc loại người chịu thông qua điều chưa hiểu.               
Ông muốn biết chắc mọi sự. Một người đòi hỏi chắc chắn thì có đức tin vững vàng hơn kẻ chỉ lặp đi lặp lại như con vẹt những điều mình chẳng bao giờ suy nghĩ đến.
Chính hoài nghi như thế cuối cùng sẽ đạt đến một đức tin chắc chắn.
Và khi biết chắc, ông sẽ đi đến cùng.
Ông nói: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”
Với Tôma không có chuyện nửa vời.     
Ông nghi ngờ vì muốn trở thành người biết chắc,
và khi đã biết chắc rồi, ông hoàn toàn vâng phục.                 
Khi một con người chiến đấu với nỗi hoài nghi để đi đến chỗ tin Đức Giêsu là Chúa,
người ấy đạt được sự chắc chắn mà những người dễ dàng chấp nhận không suy nghĩ sẽ chẳng bao giờ đạt tới được.
Hôm nay cũng là ngày kính Lòng Chúa Thương Xót.
Khi xin Chị Thánh Faustina người Balan vận động để xin Tòa Thánh thiết lập Lễ Kính Chúa Tình Thương vào Ngày Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh, Chúa Giêsu không nói lý do tại sao Người chọn ngày này.
Tuy nhiên, căn cứ vào những gì Chúa hướng dẫn chị liên quan đến bức ảnh Chúa Giêsu có hai luồng sáng phát ra từ trái tim Chúa, và hàng chữ "con tín thác nơi Chúa" ở phía chân bức ảnh, chúng ta thấy rất thích hợp với bài Phúc Âm của Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh hôm nay. Bởi vì, trong bài Phúc Âm hôm nay, phần đầu liên quan đến lòng thương xót Chúa (Divine Mercy), khi nói với Tôma:
Hãy đặt tay vào cạnh sườn Thầy. Cạnh sườn nhắc chúng ta đến hình ảnh quân lính cầm đòng đâm vào cạnh sườn Chúa thì máu cùng nước chảy ra. Những giọt máu cuối cùng Chúa Giêsu cũng hiến dâng hết không còn giữ lại một chút nào.
Điều này nói lên lòng thương xót vô biên của Chúa.
Khi cảm nghiệm về nỗi đau của Chúa Giê-su,
Tôma đã được biến đổi. Ông quỳ xuống tôn thờ Chúa.
Ông mong muốn dành cuộc đời để loan truyền tình thương Chúa cho nhân loại.
Ông hiểu hơn về lòng thương xót của Chúa dành cho nhân loại.
Chính vì yêu.
Chính vì muốn biểu lộ lòng thương xót cho nhân loại mà Chúa đã can tâm tình nguyện chịu chết trên thập giá.
Chính Chúa đã bày tỏ lòng thương xót của mình khi tự nguyện gánh lấy những cực hình, những đau đớn để cứu độ chúng sinh.
Chính Chúa không chỉ nhìn thấy những khổ đau của con người để xót xa, chạnh lòng thương mà ngài còn dấn thân phục vụ để xoa dịu nỗi đau của chúng ta.
Chúa xót thương khi sống nghèo khó để đồng cảm với những người nghèo.
Chúa xót thương khi sống phục vụ để xoa dịu nỗi đau cho những kẻ bất hạnh.
Chúa xót thương nhân loại đang chết trong tội lỗi nên đã gánh lấy cực hình để đền thay tội lỗi nhân gian.
Lòng thương xót của Chúa mãi mãi chịu hiến tế để cứu nhân loại.
Lạy Chúa con tín thác nơi Chúa.

Lạy Chúa xin thương xót chúng con. Amen



**********************************************************

SỢI CHỈ ĐỎ CHÚA NHỰT II PHỤC SINH

*** Từ Chúa nhựt II đến Chúa nhựt VI mùa Phục sinh,
- Bài đọc I luôn trích từ sách Công vụ tông đồ, trình bày cuộc sống và hoạt động của Hội Thánh sơ khai.
- Bài đọc II trích nối tiếp từ thư thứ I của Thánh Phêrô, trừ Chúa nhựt IV không theo thứ tự liên tục này vì hôm đó Phụng vụ muốn nhấn mạnh ý tưởng Đức Giêsu là mục tử.
- Bài Tin Mừng trích từ Tin Mừng Gioan, trừ Chúa nhựt III.
KẾT QUẢ VIỆC CG PHỤC SINH TRONG CUỘC SỐNG CỦA CÁC TÍN HỮU



 

"Đức Giêsu hiện ra giữa các tông đồ" (Ga 20,19)
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I : Cuộc sống mới thắm tình huynh đệ của các tín hữu cộng đoàn sơ khai.
- Bài đọc II : Nhờ Đức Giêsu phục sinh, chúng ta được tái sinh và hưởng gia tài của Thiên Chúa, vì vậy chúng ta hãy vui mừng.
- Bài Tin Mừng : Hai cuộc hiện ra của Đức Giêsu phục sinh. Ngài ban cho các môn đệ bình an, niềm vui và đức tin.

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Sau tuần bát nhật lễ Phục sinh, có lẽ chúng ta nghĩ rằng thế là xong, chúng ta trở về với cuộc sống đơn điệu nhàm chán. Nghĩ thế là lầm, Đức Giêsu sống lại không phải chỉ là một biến cố diễn ra một lần rồi hết, nhưng ảnh hưởng đến suốt cuộc đời chúng ta. Chúng ta phải tiếp tục đào sâu đức tin và tận hưởng niềm vui của đức tin này.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Mặc dù là thành phần của cộng đoàn những người tin, nhưng nhiều khi chúng ta thờ ơ không quan tâm đến những người khác.
- Mặc dù thừa hưởng niềm hy vọng sống động, nhưng đôi khi chúng ta buồn chán, thất vọng.
- Mặc dù được Chúa Thánh Thần tác sinh, nhưng nhiều khi chúng ta lại kém lòng tin.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I : Cv 2,42-47

Cuộc sống thắm tình huynh đệ của cộng đoàn tín hữu sơ khai có những nét sau :
- Một cộng đoàn phượng tự : việc phượng tự này gồm lời giáo huấn của các tông đồ và Thánh lễ (lễ bẻ bánh).
- Một cộng đoàn bác ái : việc bác ái được thể hiện cụ thể bằng việc mọi người tự nguyện để tài sản riêng thành của chung.
- Một cộng đoàn mở cửa : cộng đoàn tín hữu sơ khai không khép kín trong nội bộ, nhưng mở rộng cửa trong việc duy trì liên hệ với đồng bào do thái (họ vẫn lên đền thờ Giêrusalem) và "được mọi người mến thương".
Kết quả của nếp sống này là ảnh hưởng truyền giáo mạnh : "Số người gia nhập công đoàn ngày càng tăng".

2. Đáp ca : Tv 117

(Như Chúa nhựt Phục sinh).

3. Bài đọc II : 1 Pr 1,3-9

Lời chúc tụng Thiên Chúa của Thánh Phêrô :
- Lý do của tâm tình chúc tụng là "Ngài cho ta được tái sinh nhờ việc Đức Kitô sống lại từ cõi chết" (xem thêm cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu với Nicôđêmô về việc tái sinh, Ga 3).
- Chỗ dựa của tâm tình này là niềm vui mà Đức Kitô phục sinh ban cho các tín hữu, một niềm vui vững bền ngay cả giữa những gian nan khốn khó : "Anh em sẽ được vui mừng mặc dù còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách".
- Thể hiện bằng một niềm tin vững vàng mặc dù không thấy : "Tuy anh em chưa bao giờ thấy Ngài mà vẫn yêu mến, chưa được giáp mặt nhưng lòng vẫn kính tin".
Tất cả những điều trên là hoa quả của việc Đức Giêsu phục sinh.

4. Bài Tin Mừng : Ga 20,19-31

Đoạn Tin Mừng này gồm 2 cuộc hiện ra của Đức Giêsu phục sinh :
a/ Cuộc hiện ra thứ nhất :
- Đấng phục sinh mang đến niềm vui và bình an cho các tông đồ.
- Trao sứ mạng ra đi cho các ông
- Ban Thánh Thần cho các ông.
b/ Cuộc hiện ra thứ hai vào 8 ngày sau nhằm củng cố đức tin : Đức tin được nâng lên trình độ cao : tin không phải vì thấy mà vì nghe lời chứng của những người đã tin. Từ nay tín hữu tin không phải vì được tiếp xúc trực tiếp với Đức Giêsu mà tin vì lời chứng của các tông đồ.

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Tin thì vui

Các bài đọc hôm nay cho thấy một đặc tính tất yếu của đức tin : nếu thực sự tin thì tất nhiên sẽ vui. Bài Tin Mừng kể rằng trước khi gặp Đức Giêsu phục sinh thì các tông đồ sợ, nhưng khi gặp Ngài thì "các môn đệ vui mừng" ; Đoạn sách Công vụ kể : các tín hữu cộng đoàn Giêrusalem "ăn uống với nhau rất đơn sơ vui vẻ" ; còn trong bài đọc 2, thánh Phêrô bảo "Anh em sẽ được vui mừng mặc dù còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em".
Vậy mà hiện nay nhiều người ở ngoài nhìn vào Giáo Hội thì thấy hình như các kitô hữu có vẻ buồn, đức tin giống như một cái khuôn, thậm chí một nhà tù giam hãm họ. Tại sao ?

2. Sống với nhau như anh em

Con người thời nay khao khát được sống trong một cộng đoàn có tình có nghĩa. Có nhiều người than "Tôi thấy mình chỉ là một con số giữa một đám đông vô tình". Các nhà tâm lý xã hội đặt cho tình trạng này cái tên là "đám đông cô độc". Đó là kết quả của chủ nghĩa cá nhân mà chúng ta được giáo dục ngay từ nhỏ.
Vậy niềm khao khát trên phải chăng là một trong những dấu chỉ của thời đại ? Làm thế nào để thỏa mãn được khát vọng tốt đẹp ấy ?
Bài trích sách Công vụ có thể cho ta một số yếu tố để trả lời :
- Cầu nguyện và lắng nghe lời Chúa : vì sống cộng đoàn huynh đệ là một việc vượt quá khả năng con người ích kỷ, nên nếu có Chúa giúp thì mới thực hiện được.
- Chia sẻ : vì yêu thương thì phải cho đi.
- Cởi mở : mỗi người không tự khép kín trong cái tôi cô độc của mình nhưng phải mở lòng ra với mọi người.

3. Tin vì thấy và tin do nghe

Trên lý thuyết, tin vì thấy có giá trị hơn tin do nghe.
Nhưng trên thực tế, người ta tin do nghe nhiều hơn tin vì thấy : đứa trẻ không dám thọc tay vào ổ điện là do nó nghe lời cha mẹ căn dặn chứ không phải vì đã có kinh nghiệm bị điện giật ; cậu học sinh tin rất nhiều điều thầy cô dạy mặc dù chưa bao giờ cậu thấy…
Và xét cho cùng, nội dung của một niềm tin có lẽ không quan trọng cho bằng lòng tín nhiệm vào uy tín của người thông tin : do không tín nhiệm vào một tên bá vơ ngoài đường cho nên dù hắn có hứa hẹn bao nhiêu điều tốt đẹp tôi vẫn không tin ; ngược lại do tín nhiệm vào cha mẹ, thầy cô nên các vị này bảo gì tôi cũng tin.
Và như thế, cuối cùng, tin do tín nhiệm là một thể hiện của tình yêu. Do đó tin do tín nhiệm có giá trị hơn tin nhờ bằng chứng.

4. Chuyện minh họa

a/ Đức tin lớn lao
   Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hi vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi :
- Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao ?
- Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.
b/ Tin người đáng tin
   Một bà già đứng ở ngã tư có nhiều chuyến tàu đi qua. Vì ít khi ra ngoài, nên bà chẳng biết tàu nào về đâu. Sợ đi lạc, bà giơ vé ra hỏi một người đứng kế bên :
- Tôi định đi Bay City, có phải đi tàu này không ?
- Phải đó bà.
Nhưng bà chưa an tâm. Biết đâu người ấy cũng không rành. Bà gặp người khác, cũng hỏi :
- Tôi định đi Bay City, có phải đi tàu này không ?
- Phải đó bà.
 Nhưng bà vẫn chưa hết áy náy. Rồi bà gặp một người đeo phù hiệu nhân viên hoả xa, bà hỏi :
- Tôi định đi Bay City, có phải đi tàu này không ?
- Phải, thưa bà.
   Thế là bà an tâm bước lên tàu. Bà đã tin người đáng tin. Đức tin là thế !
c/ Đức tin nhỏ, đức tin lớn
Một đức tin nhỏ sẽ đưa linh hồn bạn vào thiên đàng ; một đức tin lớn sẽ đưa thiên đàng vào linh hồn bạn (H. Spurgeon).

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến
Đức Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết, đem lại bình an, tin yêu và hy vọng cho tất cả những ai tin vào Người. Trong niềm vui phục sinh, chúng ta cùng tin tưởng nguyện cầu.
1. Trên con đường về quê trời / Hội Thánh gặp không biết bao nhiêu là thử thách gian nan / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa / củng cố đức tin của Hội Thánh trên đường lữ thứ trần gian / để Hội Thánh làm chứng cho nhân loại biết rằng / Chúa đã phục sinh vinh hiển.
2. Hiện tại có biết bao người đang cộng tác với nhau / để xây dựng một cuộc sống xứng với nhân phẩm / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa / ban Thánh Thần trợ lực và thánh hóa những cố gắng này.
3. Đời sống đức tin không phải là không có những khó khăn / người kitô hữu gặp biết bao là hoài nghi / tăm tối / và nghe cũng không ít những lời xuyên tạc và bôi nhoi đầy ác ý / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho ánh lửa đức tin / luôn cháy sáng trong tâm hồn mỗi kitô hữu / đặc biệt là các kitô hữu trẻ.
4. Đời sống đức tin sâu sắc của các kitô hữu thời Giáo Hội sơ khai / là một gương mẫu tuyệt vời cho các tín hữu ngày nay / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết luôn sống với nhau trong tình huynh đệ / siêng năng tham dự thánh lễ / và cầu nguyện không ngừng.
CT : Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết chúng con trí khôn chậm chạp, còn tâm hồn thì cứng cỏi. Xin ban thêm đức tin cho chúng con, nhờ đó, dù gặp thất bại hay đau khổ đến đâu đi nữa, chúng con vẫn luôn tin yêu, gắn bó và dấn thân theo Chúa đến cùng. Chúa hằng sống và…

VI. TRONG THÁNH LỄ

- Kinh Tiền Tụng : nên dùng mẫu I
- Trước kinh Lạy Cha : Mặc dù cặp mắt xác thịt của chúng ta không thấy Đức Giêsu, nhưng chúng ta biết Ngài đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy hợp ý với Ngài và dâng lên Chúa Cha lời nguyện sau đây : Lạy Cha chúng con ở trên trời …
- Chúc bình an : Đức Kitô phục sinh đã ban bình an cho các tông đồ. Giờ đây chúng ta cũng hãy chúc bình an cho nhau.

VII. GIẢI TÁN

Đức Giêsu phục sinh đã đem lại niềm tin, yêu, hy vọng và bình an. Chúc anh chị em ra về trong tất cả những tâm tình tốt đẹp ấy.