Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

5 phút Lời Chúa ngày 13/ 04/ 2017

Filled under:



BÀI HỌC RỬA CHÂN

“Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 15,14)
Suy niệm: Các môn đệ đi theo Chúa Giê-su, được Ngài dạy dỗ phải trở nên như trẻ thơ, nhưng các ông vẫn mang nhiều tham vọng: tham chức quyền, muốn làm lớn. Chúa không chỉ dạy bằng lời nói mà còn bằng hành động. Sinh ra trong hang lừa, chịu đóng đinh chịu chết trên thập tự, cả cuộc sống dương thế của Chúa Giê-su mang đậm dấu ấn khiêm tốn phục vụ, như Ngài đã nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10,45). Trong bữa tiệc ly, trước khi lập Bí tích Thánh Thể và Thánh Chức Linh mục, Ngài làm công việc của một đầy tớ: quì xuống rửa chân cho các môn đệ. Qua việc này, Chúa Giê-su thiết lập một quy tắc mới của Ngài: lãnh đạo là phục vụ: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.”
Mời Bạn: Khiêm tốn vốn được coi trọng ngoài đời cũng như trong cộng đoàn Hội thánh. Thế nhưng, giữa chúng ta cũng như trong nhóm các môn đệ Đức Giê-su, mầm mống kiêu căng cao ngạo vẫn còn tiềm tàng hay bộc lộ ra cách này hay cách khác, để rồi từ đó bao nhiêu rối loạn trật tự đã nảy sinh. Nghi thức Rửa Chân trong Thánh lễ chiều ngày Thứ Năm Tuần Thánh nhắc lại cho chúng ta bài học quan trọng này.
Sống Lời Chúa: Với trách vụ được giao phó cho tôi hiện nay, tôi có khiêm tốn phục vụ người khác không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con muốn học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm tốn. Xin cho con noi gương Chúa sẵn sàng quỳ xuống rửa chân cho những người Chúa giao phó cho con. Amen.

THÁNH MACTINÔ, GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO
(+ 655)
Lời Chúa Kitô nói với thánh Phêrô: "Con là đá, trên đá này Cha xây Giáo hội Cha và cửa hoả ngục dấy lên cũng không làm gì nổi" đã được thực hiện ngay từ buổi Giáo hội sơ khai cho tới ngày nay, và cho tới muôn đời. Thật vậy, trước khi về trời, Chúa Kitô đã lập Giáo hội và trao việc điều khiển cho thánh Phêrô. Từ đó trải qua bao thế kỷ, bao gian nguy bão tố, Giáo hội Chúa vẫn đứng vững, vẫn tiến mạnh dưới sự hướng dẫn của các vị Giáo Hoàng kế vị thánh Phêrô. Ngày nay chúng ta được hưởng một nền giáo lý thuần chất, đó chính là kết quả của những công lao vất vả mà các vị Giáo Hoàng tiền bối đã phải chịu để bảo vệ đức tin được toàn vẹn. Đời sống Đức Giáo Hoàng Mactinô mà Giáo hội mừng lễ hôm nay, nói lên sức chiến đấu dẻo dai của Giáo hội trước những bè rối và những chân lý sai lầm.
Đức Mactinô I sinh tại Tôđi. Làm khâm sai Đức Giáo Hoàng ở Côntantinôpôli và được tấn phong Giám mục tại Rôma năm 649, trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn. Lúc ấy, Côntanciô II, một Hoàng đế trẻ tuổi đã muốn dùng bạo lực bắt Giáo hội phải nhận lý thuyết sai lầm của mình về một vài tín điều. Côntanciô II chủ trương nơi Chúa Kitô chỉ có một ý chí, một hoạt động. Và để chấm dứt cuộc tranh luận, năm 648, ông đã ban hành sắc lệnh ép buộc mọi người phải nhận lý thuyết của ông một cách tàn nhẫn. Nếu công nhận lý thuyết của ông, tất nhiên phải công nhận nơi Chúa Kitô có một bản tính. Đó là một điều sai lầm tai hại có thể đánh đổ nền tảng giáo lý về Chúa Kitô vừa là người vừa là Thiên Chúa. Không thể chịu đựng được thái độ ngoan cố sai lầm của Hoàng đế, Đức Mactinô đã công khai phản đối. Và để bảo vệ giáo lý chân chính của Giáo hội, ngài đã triệu tập công đồng Latêranô vào tháng 10 năm 649, qui tụ hàng trăm Giám mục. Công đồng lên án sắc lệnh Hoàng đế và gửi cho các Giáo hội Tây phương một thông điệp minh định lập trường của Giáo hội. Đồng thời cấm các Giám mục Đông phương không được bang giao với bè rối của Hoàng đế Côntanciô II.
Hành động can trường của Đức Giáo Hoàng đã bị báo thù một cách vô cùng tàn nhẫn. Ngày 17-06-653 quan thái thú ở Ravenna ra lệnh bắt Đức Giáo Hoàng và giam chặt trong đền thờ Latêranô. Bắt Đức Giáo hoàng không phải vì vấn đề tranh chấp về giáo lý, cho bằng vì muốn được ngài hợp tác với cuộc dấy loạn của quan thái thú trước là Olimpius đã chết ở Sicila. Giữa lúc ấy Đức Giáo hoàng bị bêïnh phù thũng sưng khắp mình mẩy đau đớn chịu không nổi. Họ dẫn ngài về Ostia. Ngày 17-09 Ngài đã tới Côntantinôpôli. Đây là một cuộc hành trình vô cùng đau khổ đối với một vị Giáo Hoàng. Chúng không cho ngài xuống khỏi tầu, không được tắm rửa, chịu đói chịu khát, có tí lương thực nào đều bị quân canh cướp giật ăn hết. Về tới nơi, người ta tổ chức dân chúng thi nhau tố cáo và sỉ vả thánh nhân. Rồi họ giam ngài trong ngục Prandiara, không cho một ai ra vào thăm viếng. Đến ngày 20-12, ngài bị bọn họ trá hình kết án. Trên mô đất cao, trước mặt các nghị viên và Hoàng đế, ngài đã bị truất ngôi Giáo Hoàng. Bọn côn đồ hành hạ và lăng mạ ngài. Sau cùng chúng đem ngài giam chặt trong nhà ngục Điomeđệ Ở đây chúng đã dùng dao lột hết một lớp da thịt hai ống chân ngài. Nhưng Chúa quan phòng như muốn xoa dịu sự đau khổ cho vị đại diện một phần nào, nên Ngài soi sáng cho hai người đàn bà đến giúp đỡ ngài. Một bà có tất cả chìa khóa cửa nhà tù đã lén mở cửa đưa vào cho ngài một ít đồ ăn và một cái giường tre. Lúc ấy thánh Giáo Hoàng đã kiệt sức và bị rét cứng cả mình, miệng lập cập nói không ra tiếng. Ngài khẽ mở mắt nhìn người đàn bà như để cám ơn tấm lòng quý hóa. Nằm trong ngục đợi ngày xử tử, Đức Giáo Hoàng vẫn luôn thầm nguyện xin Chúa thứ tha cho những kẻ bách hại Giáo hội. Chúa đã cho họ được ánh sáng trở về với chân lý. Sau ít hôm Đức Giáo chủ thành Côntantinôpôli thình lình bị đau nặng. Ông run sợ trước sự xét xử của Thiên Chúa, nên đã xin Hoàng đế Contanciô II đừng xử tử Đức Giáo Hoàng nữa. Dầu vậy Đức Giáo Hoàng vẫn bị giam thêm 85 ngày. Trong thời gian này, ngài đã viết cho giáo dân một bảng tường thuật về cuộc bắt bớ và tất cả những hành hạ bạc đãi ngài phải chịu trong thời kỳ bị giam giữ, tháng tư năm 656.
Thánh Mactinô đã suốt đời tận tụy với đoàn chiên lao khổ để bênh vực Giáo hội. Ngài thực hiện từng nét lời Chúa: "Hỡi Simon Phêrô, nếu con yêu mến Ta, con hãy chăm sóc đoàn chiên con, chiên mẹ của Ta". Và để thực hiện lời ấy, thánh nhân đã khắc ghi trong lòng lời Chúa căn dặn: "Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước rồi". "Đầy tớ chẳng trọng hơn chủ. Nếu chúng đã khủng bố Thầy thì tất chúng cũng hành hạ chúng con". (Ga, 15,18-20). Vì thế, từ thế kỷ thứ IX, Đức Giáo Hoàng Mactinô I đã được kính nhớ như một vị đại thánh. Để tưởng nhớ đến công ơn của người cha nhân lành, tốt hơn cả, chúng ta hãy cùng với toàn thể Giáo hội mà nâng lòng lên tận trời cao và thầm nguyện: "Lạy Chúa là mục tử đời đời, xin thương xót đoàn chiên Chúa và nhờ thánh Mactinô Giáo Hoàng tử đạo, Đấng Chúa đã đặt lên chăn dắt Giáo hội Chúa, xin thương luôn săn sóc gìn giữ đoàn chiên ấy" (kinh lễ).

Emmaus

Nói đến những người không nhà không cửa, người ta thường nhắc đến cha Henri Groués quen được gọi tắt là cha Pierre, người đã sáng lập cộng đồng Emmaus nhằm giúp những người bần cùng tự tay xây dựng cuộc sống của họ.
Phong trào cộng đồng Emmaus khởi sự bằng một căn nhà đổ nát ở vòng đai của thành phố Paris vào hồi đệ nhị thế chiến. Những người khách đầu tiên của tổ ấm này là các thanh thiếu niên bụi đời, những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích.
Câu nói đầu tiên của cha Pierre với những người mới đặt chân đến cộng đồng là : "Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác...". Dù khổ sở đến đâu, ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình, ai cũng muốn trở thành hữu ích cho người khác. Ðó là niềm tin mà cha Pierre luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng.
Cha Pierre đặt tên Emmaus cho cộng đồng của Ngài là để nhớ lại câu chuyện của hai người môn đệ Chúa Giêsu trong buổi chiều Phục Sinh. Cũng như hai người môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Chúa Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ. Cũng thế, cha Pierre và những người bạn đầu tiên của Ngài đã tìm gặp được hứng khởi, niềm tin yêu giữa những mất mát ê chề của cuộc sống.
Tạo lại niềm hy vọng vào cuộc sống đó là khẩu lệnh của cha Pierre, và xây dựng lại niềm hy vọng đó từ những đổ nát, mất mát. Chính vì thế mà cộng đồng Emmaus chủ trương đi thu nhặt lại các đồ phế thải, các vật dụng cũ kỹ để chế biến và bán lại, như một sản phẩm cho chính tay mình làm nên.
Hiện nay phong trào đã có mặt tại 50 quốc gia trên thế giới với khoảng 290 cộng đồng. Tất cả mọi người trong cộng đồng đều sống với niềm hy vọng từ những đổ nát và mất mát trong cuộc sống.
Tin Mừng của Thánh Luca thuật lại rằng, buổi chiều hôm đó, có hai người môn đệ của Chúa Giêsu lên đường đi Emmaus, trở về làng cũ của họ.
Cái chết của Chúa Giêsu là một chấm hết đối với họ: hết mộng công hầu khanh tướng, hết giấc mơ của một nước Israel thịnh vượng, hết mọi hy vọng. Trở về làng cũ tức là trở về với thất vọng ê chề. Nhưng cũng chính lúc đó, Chúa Giêsu đã hiện ra với họ, cái chết mang một ý nghĩa mới, mất mát đã trở thành khởi đầu của lợi lộc, thất bại trở thành khởi điểm của thành công, buồn phiền đã biến thành vui mừng hân hoan... Ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu đã mặc cho mọi biến cố của cuộc sống một ý nghĩa mới. Tin tưởng lạc quan đã trở thành nhân đức cơ bản của đời Kitô.
Ở bất cứ nơi đâu và ở bất cứ thời đại nào, sau một lần đổ nát, người ta thường hát lên điệp khúc: Hãy xây dựng lại từ đổ nát!
Ðó là niềm tin mà hơn bất cứ lúc nào chúng ta cần phải bám lấy... Bạn đang sầu khổ vì những mất mát ê chề trong cuộc sống ư? Bạn đang quằn quại trong đau khổ của thể xác và tinh thần ư? Bạn đang cảm thấy mình ở dưới vực thẳm của tội lỗi ư?
Chúa Giêsu của thành Emmaus đang nói với bạn: đừng thất vọng, Ngài đang đồng hành với bạn, và với Ngài, bạn có thể xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn.