Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

5 phút Lời Chúa ngày 23. 04. 2017

Filled under:

Kính Lòng Chúa Thương Xót
Ga 20,19-31
TIN VÀO LÒNG CHÚA XÓT THƯƠNG 
“…để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.” (Ga 20,31)
Suy niệm: Có chuyện kể một gia đình trong đêm gặp hỏa hoạn, mọi người chạy thoát ra hết chỉ còn một cậu bé đang mắc kẹt lại trong ngôi nhà đang bốc cháy ngùn ngụt. Cậu bé đứng trên cửa sổ ngôi nhà đang bốc cháy và kêu cứu, người cha đứng dưới đất gọi lên: “Con hãy nhảy xuống đi, có ba ở đây!”. Cậu bé đáp: “Nhưng con không thể, vì con không thấy ba”.Người cha nói lớn: “Con không thấy ba, nhưng ba thấy con”. Rồi cậu bé mạnh dạn nhảy xuống và nằm gọn trong vòng tay nâng đỡ của người cha. Cậu bé được cứu sống nhờ dám tin vào người cha của mình, tin người cha luôn yêu thương sẽ che chở và bảo vệ mình.
Mời Bạn: Cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su cho thấy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mạnh hơn sự chết và tội lỗi con người. Là “Thiên Chúa của kẻ sống”, Ngài không chỉ xóa sạch tội lỗi, đưa con người từ sự chết vào cõi sống mà còn ban cho con người được có khả năng yêu thương như Ngài. Bạn được mời gọi nhận ra và đặt niềm tin vào Lòng Thương Xót ấy, biết làm đầy trái tim của mình bằng Tình yêu của Chúa Cha, để có lòng thương xót như Ngài (Khuôn Mặt Xót Thương, số 9).
Sống Lời Chúa: Làm một hành vi tha thứ hay một việc bác ái với người khác, với ý thức để tạ ơn Chúa về một ơn mình đã nhận được.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con sẽ là kẻ vô ơn nếu chỉ biết nhận mọi ơn lành từ nơi Chúa mà không trao ban bao giờ. Xin cho con biết học nơi Chúa tình yêu quảng đại và bao dung, để đời sống chúng con được trở nên dấu chỉ của Lòng Thương Xót của Chúa. Amen.

THÁNH GIO-GI- Ô,

Tử đạo, ngày 23 tháng 4

Thánh Gioan viết: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác ( Ga 12, 24-25 ). Thánh Gio-gi-ô đã rất anh dũng, can đảm làm chứng cho Chúa.

MỘT CUỘC ĐỜI

Thánh Gio-gi-ô sinh tại Cappadoce trong một gia đình quí tộc, danh tiếng và giầu có. Lúc còn nhỏ, thánh nhân được giáo dục theo tinh thần Kitô giáo. Khi tới tuổi khôn lớn, tự ý thánh nhân xin được rửa tội để trở thành con cái Chúa và Giáo Hội. Thời ly loạn, với tuổi trai tráng, Ngài được gọi nhập ngũ và mau chóng được thăng cấp đại đội trưởng vì đức tính can đảm, cương quyết của Ngài dưới thời Hoàng Đế Đioclêtianô. Hoàng Đế lúc đó có ý bách hại đạo Chúa, Vua tỏ ý định ấy cho các sĩ quan quân đội. Mọi người đều tán thành ý kiến của Đioclêtianô, riêng đại úy Gi-gi-ô đứng lên phản đối sự bất công phân biệt đạo giáo, trái với ý Thiên Chúa. Thánh nhân cương quyết bảo vệ đức tin dẫu có phải hy sinh vì đạo, vì lý tưởng. Hoàng Đế và các sĩ quan khuyến dụ nhưng vô ích, không sao lay chuyển con người sắt đá, bảo vệ đức tin Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn, là đồn lũy chở che, con tin tưởnng vào Ngài ( Tv 91, 2 ). Nhà Vua ra lệnh dùng những hình phạt hết sức đau đớn để xem có lay chuyển Ngài được chăng, tuy nhiên mọi hình phạt đều vô ích đối với Ngài vì : Chúa phù trì chở che, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân: lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ ( Tv 91, 4 ). Cuối cùng, những thuộc hạ nhà Vua đưa Ngài tới các tượng thần hòng bắt Ngài thờ lạy, nhưng sau những lời cầu nguyện của Ngài, các tượng thần rơi rớt xuống đất bể tan tành trước sự hốt hoảng của các sư sãi đang xúi giục dân chúng xông vào bắt Ngài và xin trảm quyết Ngài ngay.Nhưng Chính Chúa gìn giữ bạn, khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc. (Tv 91, 3 ).
THÁNH NHÂN ĐƯỢC PHÚC TỬ VÌ ĐẠO
Thánh vịnh 91,14 viết rằng: Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát, người nhận biết danh Ta sẽ được phúc phù trì. Thánh nhân đã được phúc tử đạo ngày 23 tháng 4 sau khi đã cầu nguyện cho mình và cho những kẻ hãm hại mình. Thánh Gio-gi-ô được các quân nhân và hướng đạo sinh chọn làm bổn mạng vì tính can đảm, anh hùng và gương mẫu của Ngài.
Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Gio-gi-ô, tử đạo, được kết hợp với Đức Kitô trong mầu nhiệm thương khó. Chúng con ca ngợi quyền năng Chúa và tha thiết nài xin cho chúng con là những kẻ yếu hèn được trở nên chứng nhân dũng cảm( lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Gio-gi-ô, tử đạo).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

http://www.memaria.net/images/HorizontalLine1.png

Thánh George (c. 304)

Người ta thường vẽ hình Thánh George đang giết con rồng để cứu thoát một phụ nữ xinh đẹp. Con rồng tượng trưng cho sự dữ. Người phụ nữ tượng trưng cho chân lý thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh George là vị tử đạo can đảm đã chiến thắng sự dữ.
Cuộc đời Thánh George thì đầy những huyền thoại đến nỗi thật khó để phân biệt thực hư. Người ta cho rằng Thánh George xuất thân từ Cappadocia thuộc Tiểu Á, là một sĩ quan trong đạo quân của Hoàng Ðế La Mã Diocletian (245 -- 313), và là người được Hoàng Ðế mến mộ.
Lúc bấy giờ, Diocletian là người ngoại đạo và thù ghét Kitô Giáo. Ông giết bất cứ Kitô Hữu nào mà ông gặp. Thánh George là một Kitô Hữu can đảm, một người lính đích thực của Ðức Kitô. Không sợ hãi, ngài đến gặp Hoàng Ðế và nghiêm nghị quở trách sự tàn ác của ông. Sau đó ngài từ bỏ địa vị trong quân đội La Mã. Vì lý do đó ngài bị tra tấn bằng mọi cách khủng khiếp nhất và sau cùng bị chém đầu.
Sự can đảm và hăng hái tuyên xưng đức tin của Thánh George đã đem lại niềm phấn khởi cho các Kitô Hữu thời ấy. Nhiều bài hát và bài thơ đã được sáng tác về vị tử đạo này. Ðặc biệt, các quân nhân là những người sùng kính ngài.
Ngài được phong thánh năm 494, Ðức Giáo Hoàng Gelasius tuyên xưng ngài là một trong những người "mà tên tuổi thật xứng đáng để người đời kính trọng, và chứng từ tử đạo của ngài đáng để dâng lên Thiên Chúa ."
Thánh George được đặt làm quan thầy của nước Anh, Bồ Ðào Nha, Ðức, Aragon, Genoa và Venice.
Lời Bàn
Tất cả chúng ta đều có những "con rồng" để khuất phục. Nó có thể là sự kiêu ngạo, sự nóng giận, sự lười biếng, sự tham lam, hoặc bất cứ gì khác. Hãy biết rằng chúng ta chiến đấu những "con rồng" đó với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Và rồi, chúng ta có thể tự hào mình là chiến sĩ đích thực của Ðức Kitô.
Lời Trích
"Mỗi khi nhìn đến đời sống của những người đã trung tín theo Ðức Kitô, chúng ta lại có thêm một lý do nữa để phấn khởi tìm kiếm Thành Thánh tương lai" (Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, 50)

Bữa Ăn Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục

Một ký giả kia được phép xuống hỏa ngục và lên thiên đàng để làm một bản phóng sự về đời sống của nhân dân tại đó. 
Sau một cuộc hành trình gay go, ký giả trên lọt được vào địa ngục đúng vào giờ ăn. Nhìn vào bàn ăn, anh ta không khỏi lấy làm lạ khi thấy trưng bày toàn sơn hào hải vị đang bốc khói hương ngào ngạt làm anh ta không khỏi nuốt nước bọt.
Nhưng lúc các kiều dân địa ngục tiến vào phòng ăn, chàng ta lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy họ ốm o gầy mòn, chỉ còn da bọc xương, vài người đi không muốn nổi. Sự kinh ngạc tan biến khi chàng phóng viên chứng kiến cảnh họ dùng bữa. Vì muỗng nĩa rất dài buộc dính vào đôi tay không cho phép họ đưa thức ăn vào miệng, nên dù họ có cố gắng thế nào đi nữa, thức ăn chỉ đổ tháo ra đầy bàn hay rơi tung tóe xuống mặt đất. Tệ hại hơn là cảnh họ tranh giành nhau: vài người dùng muỗng nĩa để thay vì đưa thức ăn vào miệng, lại biến chúng thành những khí giới đập đánh nhau. Thật là một bãi chiến trường. Khi chuông báo giờ ăn đã mãn, họ buồn phiền rời phòng ăn, dạ dày vẫn trống rỗng.
Quá sợ hãi, chàng ký giả lập tức từ giã địa ngục để tiếp tục lên phóng sự trên thiên đàng. Ðến nơi cũng đúng vào giờ cơm. Bàn ăn cũng trưng bày những thức ăn ngon miệng. Quan sát nhân dân, chàng ta thấy ai nấy đều phương phi, khỏe mạnh, tuy đôi tay họ cũng được gắn chặt những muỗng nĩa rất dài. Có khác là thay vì họ cố gắng đưa thức ăn vào miệng mình, họ lại dùng muỗng nĩa để đút thức ăn cho nhau. Phòng ăn vang lên những giọng nói cười vui, thỏa mãn.
Kết thúc bài phóng sự tường trình về những điều mắt thấy tai nghe, chàng ký giả viết: Ích kỷ và vị tha là hai điểm khác biệt giữa địa ngục và thiên đàng.
Kết thúc thời gian sáng thế, Thiên Chúa phán với hai ông bà nguyên tổ: "Hãy sinh sôi nảy nở và hãy nên đầy dẫy trên đất. Hãy làm bá chủ nó. Hãy trị trên cá biển và chim trời và mọi loài sinh vật nhung nhúc trên đất. Này Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ lá sinh hạt giống có trên mặt đất, và mọi thứ cây có quả sinh hạt giống, chúng sẽ làm thức ăn cho các ngươi".
Với công trình sáng tạo và lời chúc phúc trên, Thiên Chúa muốn biến mặt đất thành Vườn Ðịa Ðàng, nhưng con người đã chia mặt đất thành đông, tây, nam, bắc, thành những nước thống trị và những nước bị đô hộ, thành những quốc gia giàu và những nước nghèo. Ðó là chưa kể con người đã và đang biến Vườn Ðịa Ðàng thành địa ngục qua bao nhiêu cuộc chiến tranh lớn nhỏ mà xét cho cùng cũng chỉ vì tranh giành quyền lợi, tranh nhau miếng ăn, manh áo. Thật vậy, ích kỷ và vị tha là hai điểm khác biệt giữa địa ngục và thiên đàng.