Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ làm phép dầu

Filled under:


VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các tư tế trở thành người loan báo niềm vui của Tin Mừng bằng tất cả con người và cuộc sống của mình.
PopeFrancis-13Apr2017-01.jpg

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ này trong bài giảng thánh lễ làm phép dầu sáng thứ năm Tuần Thánh 13-4-2017 tại Đền thờ Thánh Phêrô.

 Đồng tế với ĐTC có 50 Hồng Y, hơn 70 Giám Mục và khoảng 1.800 linh mục, trước sự hiện diện của 6 ngàn tín hữu.

 Trước khi thánh lễ bắt đầu, các vị tư tế đã cùng với các tín hữu hiện diện đã hát kinh Giờ Ba.

Bài giảng

 Trong bài giảng, ĐTC đã diễn giải đoạn Tin Mừng theo thánh Luca ”Thần Trí Chúa ngự xuống trên tôi, vì thế Ngài đã xức dầu thánh hiến tôi và sai tôi đi mang tin vui cho người nghèo, công bố sự giải thoát cho các tù nhân, người mù được thấy, người bị áp bức được tự do” (Lc 4,18).

 ĐTC nói: ”Giống như Chúa Giêsu, tư tế làm cho việc loan báo trở nên vui mừng với tất cả con người của mình. Khi tư tế giảng - giảng ngắn, nếu có thể - người làm như vậy với niềm vui đánh động tâm hồn dân chúng bằng Lời mà Chúa đã đánh động tư tế trong kinh nguyện”.

 ĐTC cũng nói đến 3 ân thánh của Tin Mừng, đó là Sự Thật của Tin Mừng - không thể thương lượng được-, tiếp đến là Lòng Thương Xót - vô điều kiện với tất cả mọi tội nhân-, và sau cùng là niềm Vui của Tin Mừng, niềm vui nội tâm và có tính chất bao gồm. Không bao giờ chân lý của việc loan báo vui mừng có thể chỉ là một chân lý trừu tượng, những chân lý mà ta không thể hiện hoàn toàn trong đời sống con người, vì người ta cảm thấy thoải mái hơn trong những chữ nghĩa được in trong các sách”.

 ĐTC cảnh giác chống lại quan niệm lòng thương xót của việc loan bào Tin Mừng như một cảm tưởng tội nghiệp giả tạo, để cho kẻ tội lỗi ở trong tình trạng lầm than của họ mà không giơ tay nâng họ đứng dậy và không đồng hành với họ tiến bước”.

 ĐTC dùng 3 hình ảnh để diễn tả niềm vui của việc loan báo Tin Mừng, đó là chum bằng đá đựng nước trong tiệc cưới Cana (Xc Ga 2,6).. Trong viễn tượng này, Mẹ Maria là cái vò mới chứa đựng sự sung mãn lây sang người khác. Mẹ là ”nữ tỳ bé nhỏ của Chúa Cha tràn đầy niềm vui trong sự chúc tụng ngợi khen” (E.G, 286). Vừa sau khi chịu thai Ngôi Lời sự sống trong cung lòng, Mẹ Maria sẵn sàng lên đường viếng thăm và phục vụ bà chị họ Elisabeth. Sự sung mãn lan tỏa của Mẹ giúp chúng ta vượt thắng cám dỗ sợ hãi, thái độ không có can đảm làm đầy tới miệng vò, thái độ nhát đảm không dám làm cho niềm vui được truyền sang người khác”.

 Hình ảnh thứ hai là cái bình nước của người phụ nữ xứ Samaria đội trên đầu (Xc Ga 4,5-30). Bà đã kín múc nước với cái bình của bà và giải khát cho Chúa Giêsu. Bà càng giải khát Ngài bằng sự xưng thú tội lỗi của bà.

 Hình ảnh thứ ba của sự vui mừng loan báo là chiếc vò vô biên của Trái Tim Chúa bị đâm thâu qua: trái tim hiền lành, khiêm tốn, và thanh bần, lôi kéo mọi người đến cùng Người.. ĐTC nhấn mạnah rằng ”từ nơi Chúa, chúng ta phải học loan báo niềm vui lớn cho những người rất nghèo, ta chỉ có thể làm như thế trong thái độ tôn trọng, khiêm tốn, đến độ hạ mình xuống. Không thể loan báo Tin Mừng trong thái độ kiêu hãnh tự phụ. Sự toàn vẹn chân lý không thể cứng nhắc (Non può essere rigida l'integrità della verità). Chúa Thánh Linh loan báo và dạy o tất cả sự thật (Ga 16,13) và không sợ cho người ta uống chân lý từng ngụm nhỏ... Sự toàn vẹn dịu dàng này mang lại vui mừng cho người nghèo, linh hoạt kẻ tội lỗi, làm cho những người bị ma quỉ áp bức đè nén có thể hô hấp được”.

 Sau bài giảng của ĐTC, các HY, GM và LM hiện diện đã cử hành nghi thức lập lại những lời đã hứa khi chịu chức linh mục. Tiếp đến, ngài đã làm phép dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và dầu thánh hiến (Crisma). Thánh lễ kéo dài 1 giờ 45 phút và kết thúc lúc 11 giờ 15. (SD 13/4/2017)


Niềm hy vọng nảy sinh từ thập giá yêu thương của Chúa Giêsu


Với Chúa Giêsu chúng ta học trông thấy ngay từ bây giờ cây trong hạt, sự Phục Sinh trong thập giá và sự sống trong cái chết. Chính khi “rơi xuống đất” và chết đi như hạt luá Chúa Giêsu làm nảy sinh ra trên thập giá sự sống và niềm hy vọng.
PopeFrancis-12Apr2017-01.jpg

ĐTC đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 12.04.2017. Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa lời Chúa Giêsu nói liên quan tới hạt lúa rơi vào lòng đất, chết đi để sinh bông hạt như thánh Gioan ghi lại trong chương 12: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” ĐTC nói: Chúa Nhật vừa qua chúng ta đã tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem giữa tiếng tung hô lễ hội của các môn đệ và dân chúng rất đông đảo. Những người ấy đặt để nhiều hy vọng nơi Chúa Giêsu: biết bao người chờ đợi nơi Chúa các phép lạ và các dấu chỉ vĩ đại, các biểu lộ quyền năng và cả sư tự do khỏi các kẻ thù xâm chiếm nữa. Ai trong họ đã có thể tưởng tượng được rằng chỉ ít lâu sau đó, trái lại, Chúa Giêsu đã bị hạ nhục, kết án và giết chết trên thập giá? Các hy vọng trần tục của dân chúng sụp đổ trước thập giá. Nhưng chúng ta tin rằng chính nơi Đấng Bị Đóng Đanh niềm hy vọng của chúng ta đã tái sinh. Các niềm hy vọng của trần gian sụp đổ trước thập giá, nhưng nảy sinh ra các niềm hy vọng mới, các niềm hy vọng tồn tại luôn mãi. Niềm hy vọng nảy sinh từ thập giá là một niềm hy vọng khác. Nó là một niềm hy vọng khác với các niềm hy vọng sụp đổ của thế giới. Nhưng đó là niềm hy vọng nào vậy, niềm hy vọng nảy sinh từ thập giá?

 Điều Chúa Giêsu nói sau khi vào thành Giêrusalem có thể giúp chúng ta hiểu nó: ”Nếu hạt lúa rơi xuống đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Chúng ta hãy nghĩ tới một hạt lúa hay một hạt bé nhỏ rơi vào trong đất. Nếu nó khép kín trong chính mình, thì không có gì xảy ra cả; nhưng trái lại nếu nó bị bẻ gẫy, mở ra, thì khi đó nó sẽ trao ban sự sống cho một bông lúa, cho một mầm non, rồi một cây, và cây sinh bông hạt.

Chúa Giêsu đã đem vào thế giới một niềm hy vọng mới, và đã làm điều ấy giống như một hạt lúa: Ngài trở thành bé nhỏ, bé nhỏ, bé nhỏ như một hạt lúa; Ngài đã bỏ vinh quang trên trời của Ngài  đễ đến giữa chúng ta; Ngài “đã rơi xuống đất”. Nhưng chưa đủ. ĐTC giải thích thêm như sau:

** Để sinh bông hạt Chúa Giêsu đã sống tình yêu thương cho tới tận cùng, bằng cách để cho mình bị cái chết bẻ gẫy, như một hạt lúa để cho mình bị bẻ gẫy dưới lòng đất. Chính ở đó trong sự hạ mình tột cùng – cũng là  tột đỉnh của tình yêu – đã nảy mầm niềm hy vọng.  Nếu có ai đó trong anh chị em hỏi tôi: “Niềm hy vọng nảy sinh làm sao?” thì tôi trả lời: “Từ thập giá. Hãy nhìn thập giá, hãy nhìn Chúa Kitô chịu đóng đinh và từ đó sẽ tới với bạn niềm hy vọng, không biến mất nữa, niềm hy vọng kéo dài cho tới cuộc sống vĩnh cửu”. Và niềm hy vọng này đã nảy mầm chính nhờ sức mạnh của tình yêu: bởi vì tình yêu “hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7), tình yêu là sự sống của Thiên Chúa đã canh tân tất cả những gì nó đạt tới. Như thế vào lễ Vượt Qua Chúa Giêsu đã biến đổi tội lỗi thành ơn tha thứ. Anh chị em hãy nghe rõ sự biến đổi mà lễ Phục Sinh làm: Chúa Giêsu đã biến đổi tội lỗi chúng ta thành ơn tha thứ, cái chết của chúng ta thành sự sống lại, sự sợ hãi của chúng ta thành niềm tin tưởng, bằng cách nhận lấy chúng trên chính Ngài. Đó là tại sao chính trên thập giá đã nảy sinh và luôn luôn này sinh ra niềm hy vọng của chúng ta; đó là tại sao với Chúa Giêsu tối tăm của chúng ta có thể được biến đổi thành ánh sáng, mọi thất bại thành chiến thắng, mọi vỡ mộng thành hy vọng. Mọi sự, phải, mọi sự. Niềm Hy vọng thắng vượt tất cả, bởi vì nó nảy sinh từ tình yêu thương của Chúa Giêsu, là Đấng đã trở thành như hạt lúa trong lòng đất, và đã chết để trao ban sự sống, và niềm hy vọng đến từ sự sống tràn đầy đó.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: khi chúng ta chọn niềm hy vọng của Chúa Giêsu, từ từ chúng ta khám phá ra rằng kiểu sống chiến thắng là kiểu sống của hạt lúa, của tình yêu khiêm hạ. Không có con đường nào khác để chiến thắng sự dữ và trao ban hy vọng cho thế giới.  Nhưng anh chị em có thể nói với tôi: “Không, đó là một luận lý thua thiệt!” Xem ra nó là một luận lý thua thiệt, bởi vì ai yêu thì mất quyền bính. Anh chị em có nghĩ tới điều này chưa? Ai yêu thì mất quyền bính; ai cho thì lấy mất đi một cái gì đó, và yêu là một món quà. Thật ra cái luận lý của hạt lúa chết đi, của tình yêu khiêm hạ, là con đường của Thiên Chúa, và chỉ có nó cho bông hạt. Chúng ta cũng trông thấy nó nơi chính mình: chiếm hữu luôn thúc đẩy muốn một cái gì khác: tôi dã có được một sự cho mình và lập tức tôi muốn một sự khác lớn hơn nữa, và cứ thế, và tôi không bao giờ được thoả mãn. Đây là một cái khát khao xấu, đúng không? Bạn càng có bao nhiêu lại càng muốn bấy nhiêu. Thật là xấu! Ai ngấu nghiến thì không bao giờ no thoả. Và Chúa Giêsu nói điều này một cách rõ ràng: “Ai yêu mạng sống mình thì mất nó” (Ga 12,25). Bạn có ngấu nghiến, có thích có biết bao nhiêu điều nhung bạn sẽ mất đi tất cả, kể cả cuộc sống của bạn nữa, Nghĩa là: ai yêu của riêng mình và sống cho các lợi lộc của mình, thì chỉ trương phồng chính mình và mất đi. Trái lại ai chấp nhận , sẵn sàng và phục vụ, thì sống theo kiểu của Thiên Chúa: khi đó họ chiến thắng, tự cứu lấy mình và cứu người khác: họ trở thành hạt giống của niềm hy vọng cho thế giới. Nhưng thật là đẹp trợ giúp người khác, phục vụ người khác… Nhưng có lẽ chúng ta sẽ mỏi mệt? Cuộc sống là như thế, nhưng trái tim tràn đầy niềm vui và niềm hy vọng. Và đó là tình yêu và niềm hy vọng cùng với nhau: phục vụ và cho đi.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

** Chắc chắn rồi, tình yêu đích thật này đi qua thập giá, hy sinh, như đối với Chúa Giêsu vậy. Thập giá là việc vuợt qua bắt buộc, nhưng nó không phải là đích điểm: đích điểm là vinh quang, như lễ Phục Sinh chỉ cho chúng ta thấy.  Chính ở đây có một hình ảnh rất đẹp khác giúp chúng ta, mà Chúa Giêsu đã để lai cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly. Ngài nói: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian” (Ga 16,21). Đó: trao ban sự sống, không chiếm hữu nó. Và đây là điều các bà mẹ làm: họ trao ban một sự sống khác, họ đau khổ, nhưng rồi họ vui sướng, hạnh phúc bởi vì họ đã trao ban một sự sống khác. Cho niềm vui; tình yêu cho sự sống chào đời, và trao ban cả ý nghĩa cho khổ đau nữa. Tình yêu là động lực khiến cho niềm hy vọng của chúng ta tiến tới. Tôi xin lập lại: tình yêu là động lực khiến cho niềm hy vọng tiến tới. Và từng người trong chúng ta có thể tự vấn mình: “Tôi có yêu không? Tôi có tập yêu không? Tôi có học yêu mỗi ngày nhiều hơn không? Bởi vì tình yêu là động lức khiến cho niềm hy vọng của chúng ta tiến tới.

Anh chị em thân mến, trong các ngày này, trong các ngày của tình yêu thương này, chúng ta hãy để cho mình được cuốn hút bởi mầu nhiệm của Chúa Giêsu, là Đấng như hạt lúa, chết đi để ban cho chúng ta sự sống. Chính Ngài là hạt giống niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng Đấng Chịu Đóng Đanh, là suối nguồn của niềm hy vọng. Từ từ chúng ta hiểu rằng hy vọng với Chúa Giêsu là học đã trông thấy ngay từ bây giờ cái cây nơi hạt giống, Phục Sinh trong thập giá, sự sống trong cái chết. Thật là hữu ích cho chúng ta khi dừng lại trước Chúa chịu đóng đanh.

Nhưng tôi muốn cho anh chị em một bài tập làm ở nhà. Thật là hữu ích cho tất cả chúng ta dừng lại trước Chúa Chịu Đóng Đanh  tất cả anh chị em đều có một ảnh ở nhà, hãy nhìn Ngài và nói: “Với Chúa không có gì bị mất đi. Với Chúa con luôn luôn có thể hy vọng. Chúa là niềm hy vọng của con”. Bây giờ chúng ta hãy tưởng tượng Chúa Chịu Đóng Đanh và tất cả cùng nhau nói với Chúa Giêsu chịu đóng đanh: “Chúa là niềm hy vọng của con” Tất cả: “Chúa là niềm hy vọng của con”. To hơn nữa! Tín hữu tại quảng trường lập lại “Chúa là niềm hy vọng của con”. Xin cám ơn anh chị em.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương hiện diện. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài chào các tham dự viên đại hội UNIV và các tín hữu đến từ Pháp và Bỉ. Ngài cũng chào các nhóm đến từ Anh quốc, Nigeria, Australia, Canada và Hoa Kỳ. Ngài cầu chúc Tuần Thánh giúp mọi người chuẩn bị tinh thần mừng lễ Phục Sinh với con tim được thanh tẩy và canh tân bởi ơn của Chúa Thánh Thần

Trong các nhóm nói tiếng Đức ĐTC chào thành viên hội Nước Chúa Kitô Bad Muenstereifel. Ngài cầu chúc việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm cái chết của Chúa Giêsu đem lại hoa trái cho mọi người, đặc biệt cho giới trẻ.

Trong các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nhà ĐTC chào tín hữu vùng Braga, các nhân viên tỉnh Gondomar, và các thành viên “Đại học cao niên” Lousada. Ngài chúc mọi người noi gương Mẹ Maria đứng gần thập giá Chúa và yêu thương cho tới cùng.

Chào các nhóm Ba Lan ĐTC chúc Tam Nhật Thánh đem lại cho họ và gia đình họ sự an bình và niềm hy vọng tươi vui.

Trong số các nhóm Ý ĐTC chào các tham dự viên đại hội 50 năm của sinh viên đại học do Giám hạt tòng nhân Opus Dei tổ chức suy tư về đề tài thế giới thay đổi, các thành viên hiệp hội thể thao Scopigno Cup do ĐTC Domenico Pompili, GM Rieti, hướng dẫn, cũng như các học sinh  Học viện Thánh Vinh Sơn de Paoli vùng Reggio Emilia mừng kỷ niệm ngày xây ngôi trường đầu tiên. Ngài cầu chúc chuyến hành hương Roma giúp mọi người khám phá ra niềm vui của việc cho đi hơn là chiếm hữu.

Chào người trẻ, các người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc ngày thứ ba là lễ nhớ thánh Gemma Galgani, ngài chúc giới trẻ noi gương thánh nhân sống Tam Nhật Thánh bằng cách suy niệm về tình yêu của Chúa Giêsu đã chịu sát tế trên thập giá và chết cho chúng ta. Ngài cầu mong Thứ Sáu Tuần Thánh giúp các anh chị em đau yếu kiên nhẫn trong đau khổ, và các đôi tân hôn biết hy vọng trong những lúc khó khăn của cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Toà Thánh của ĐTC

(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 13.04.2017)