Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

5 phút Lời Chúa ngày 18. 04.2017

Filled under:

QUY LUẬT SỰ SỐNG

“Này bà, sao bà khóc?” (Ga 20,13)
Suy niệm: Theo quan niệm Á Đông, âm-dương là hai yếu tố chi phối cả vũ trụ như: đêm -ngày, chết - sống, đau khổ - hạnh phúc… Âm dương thực ra không tách biệt hay đối nghịch, vì: “Trong âm có dương và trong dương có âm”. Đang đêm đã có dấu hiệu xuất hiện của ngày; đêm càng về khuya thì ngày càng gần đến và chính lúc trọn đêm thì ngày mới lại bắt đầu. Cũng vậy, chết-sống không là hai thực tại đối nghịch nhau, nhưng là hai nguyên lý của cùng một thực tại duy nhất. Đó là quy luật của Trời Đất, mà Đức Giê-su nhắc lại như là quy luật của chương trình cứu độ: “Nếu hạt lúa mì gieo xuống đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Bà Ma-ri-a khóc khi đứng trước ngõ cụt là cái chết của Thầy mình. Đức Giê-su gọi bà: “Sao lại khóc?” để khai thông ngõ cụt để dẫn đến niềm tin vào thực tại mới: Ngài đã phục sinh.
Mời Bạn: Đức Giê-su là Đường, con đường đó tất yếu phải qua thập giá mới đến vinh quang.Vấn đề là chúng ta có muốn đến vinh quang không? Nếu có thì mỗi khi đối mặt với gian nan thử thách, sao lại khóc?
Chia sẻ: Nạn li dị, phá thai… hiện nay – đối với một số người – đã trở nên một thứ “quyền lợi” mà họ đang đòi pháp luật phải thừa nhận. Phải chăng đó là hậu quả của việc không chấp nhận thập giá?
Sống Lời Chúa: Thôi “khóc” trước những khó khăn hiện tại và nhìn đó như là những thử thách của thập giá, để đón nhận và vượt qua.
Cầu nguyện: Lạy Cha là chủ tể trời đất, muôn loài Cha tạo thành luôn vận hành theo quy luật Cha đã đặt định. Xin cho con biết từ bỏ ý riêng mà chấp nhận cuộc sống như ý Cha đã an bài.

THÁNH APÔLLÔNÔ, NGHỊ VIÊN, TỬ ĐẠO
(+ kh. 185)
CHÂN PHƯỚC PHANXICÔ RÊGI CLÊTÔ
(174-1820)
THÁNH APÔLLÔNÔ, NGHỊ VIÊN, TỬ ĐẠO
(+ kh. 185)
Thánh Apôllônô là một nghị viên thời danh, tử đạo vào quãng năm 185 dưới thời Hoàng đế Commođô. Chúng ta tuyệt nhiên không biết gì về đời sống của thánh nhân, trừ một bản văn rất giá trị ghi lại những lời đối chất giữa thánh nhân với quan án trong hai phiên toà. Phiên toà thứ nhất, quan lãnh sự Pêrenniô hách dịch hỏi thánh tử đạo:
P. Này Apôllônô, ngươi là Kitô hữu phải không?
A. Thưa phải, tôi là Kitô hữu, tôi tôn thờ Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên trời, đất, biển và tất cả vạn vật trong vũ trụ.
P. Ta truyền cho nhà ngươi phải bỏ đạo Giêsu, và vâng lệnh Hoàng đế Commođô, là thầy tối cao của chúng ta.
A. Không, tôi không thể nghe theo lời quan, tôi thề quyết chỉ tin một Thiên Chúa chân thật, toàn năng và vĩnh cửu.
P. Thôi đừng nói dài dòng, đổi ý đi, hãy dâng hương tế thần và hôn kính ảnh Hoàng đế.
A. Tôi đã thưa với quan rằng tôi không thể đổi ý theo lời quan được. Còn việc dâng hương tế thần, xin quan hãy nghe rõ lời tôi nói: tôi và mọi người công giáo, chúng tôi hằng dâng tiến Thiên Chúa lễ vật thiêng liêng. Hơn thế, chúng tôi vẫn cầu nguyện Thiên Chúa là vua hiển trị trên trời phù hộ Hoàng đế Commođô.
P. Vì thương ngươi, ta cho ngươi đủ giờ suy nghĩ. Ngươi đừng dại chọn lấy cái chết ngu xuẩn.
Kết thúc phiên toà thứ nhất, quan lãnh sự cho điệu thánh tử đạo về ngục. Mấy hôm sau ngài lại bị dẫn ra toà. Ông Pêrenniô vẫn ngồi ghế chánh án. Khác với lần trước, phiên toà này hiện diện nhiều nghị viên, nhiêu vị cố vấn và các nhà thông thái. Khai mạc phiên toà, quan án cho đọc lại biên bản lần trước. Và đây là cuộc đối chất bắt đầu.
P. Apôllônô, ngươi đã quyết định chưa?
A. Như ông biết, tôi đã quyết định và chỉ quyết định trung thành với Thiên Chúa thôi.
P. Thượng nghị viện đã quyết định về ngươi rồi. Ta khuyên ngươi hãy đổi ý, thờ thần linh để cùng vui sống với chúng ta.
A. Tôi đã biết những quyết định của nghị viện, nhưng tôi là tôi tớ Thiên Chúa, tôi không thể thờ các thần linh giả trá của các ông.
Thánh tử đạo còn tiếp tục cắt nghĩa cho mọi người nghe tại sao ngài từ chối không thờ các thần linh, mà chỉ thờ một Thiên Chúa. Ngài cũng nêu lên những sai lầm trong việc thờ phượng các vật vô hồn và các thảo mộc.
P. Này Apôllônô, ngươi hãy nhớ rằng: theo quyết định của nghị viện thì "tất cả các người công giáo đều không có quyền sống".
A. Tôi biết lắm, nhưng quyết định của con người xác thịt không khi nào chống lại được ý muốn của Thiên Chúa. Người ta càng tàn sát người công giáo, Thiên Chúa càng tăng thêm con số giáo dân. Tôi nhắc để các ông nhớ là Thiên Chúa đã ra lệnh cho mọi người phải chết dù giầu hay nghèo, tự do hay nô lệ, lớn hay bé, khôn ngoan hay dốt nát. Và chết rồi, mọi người phải chịu phán xét. Đành rằng có nhiều cách chết, nhưng người công giáo chúng tôi vì hằng ngày đã chết khỏi dục vọng, nên chúng tôi không còn phải sợ khi được chết vì Thiên Chúa. Dù chúng tôi sống, dù chúng tôi chết, chúng tôi vẫn thuộc về Thiên Chúa.
P. Apôllônô, vậy ra ngươi đã quyết định rồi? Ngươi bằng lòng chết?
A. Thưa quan, sống cũng quý thực, nhưng chết vì Thiên Chúa còn quý hơn nhiều.
P. Ta không hiểu ngươi muốn nói gì.
A. Ông không hiểu ư? Phải, cũng như người mù không nhận được ánh sáng, con người tội lỗi như ông làm sao thấu hiểu được những ý tưởng siêu nhiên!
Một triết gia dự phiên toà đứng lên phát biểu ý kiến: "Này Apôllônô, ngươi đừng tự làm khổ ngươi. Lời ngươi nói gàn dở lắm".
A. Tôi biết cầu nguyện và không biết nói lời bất công. Còn đối với các ông, những người không muốn nhận sự thật, thì chân lý bị coi là viển vông khó hiểu.
P. Người ta thường bảo: "Ngôi Lời Thiên Chúa dựng nên hồn và xác người công chính. Vậy ngươi hãy nói cho chúng ta nghe về Ngôi Lời Thiên Chúa xem.
A. Ngôi Lời Thiên Chúa chính là Chúa chúng tôi. Ngài đã xuống thế làm người tại xứ Giuđêa. Ngài là Đấng rất công chính. Nơi Ngài chan hoà sự khôn ngoan của Chúa. Ngài yêu thương hết mọi người. Chính Ngài dạy chúng tôi biết Thiên Chúa thật, biết cùng đích của con người. Ngài đã chịu trăm ngàn đau khổ để cứu chuộc chúng tôi. Ngài cũng dạy chúng tôi phải đè nén tính nóng giận, tiết chế các dục vọng, cầm hãm thói mê ăn uống, khai trừ mọi âu lo, để tâm thi hành bác ái, phát triển tình yêu và mong đợi phần thưởng vĩnh cửu đời sau… Ngài lấy lời nói việc làm dạy chúng tôi. Và tất cả những ai được Ngài ban ơn lành cho đều làm vinh danh Ngài. Nhưng quân dữ đã giết Ngài như đã hành quyết các người công chính, trước khi Ngài đến. Vì lẽ đối với kẻ hung dữ và tội lỗi, đời sống người công chính là lời trách móc thâm sâu. Như lời chép trong Kinh Thánh: "Chúng ta phải khai trừ người công chính vì chúng ta không thể kham nổi y" (Is. III, 10). Chính quân dữ mù quáng vì lòng ghen ghét đã đóng đanh Thầy Chí Thánh của chúng tôi. Trước Ngài, các tiên tri đã báo trước điều ấy. Chúng tôi phải tôn kính Ngài trên hết, vì Ngài đã dạy chúng tôi biết chân lý cao siêu để sống: như sự bất tử của linh hồn, sự phán xét và sự sống lại đời sau...
P. Thôi ta nghe đủ rồi, ta ước mong ngươi mau đổi ý trở về thờ thần linh và vâng lệnh Hoàng đế.
A. Còn tôi, tôi mong mỏi quan và các người chung quanh quan mau mở mắt linh hồn nhìn nhận chân lý hằng sống.
P. Ta muốn giải thoát các ngươi nhưng lệnh Hoàng đế Commođô ngăn cấm ta. Ngươi biết, ta luôn luôn xử với ngươi rất nhân đạo.
A. Xin Thiên Chúa trả ơn cho quan lớn.
Theo lệnh quan toà và các nghị viên, mấy tên đao phủ xông tới đánh đập thánh tử đạo cách thậm tệ. Sau cùng chúng chém đầu ngài.
Thánh Apôllônô đã về trời, nhưng ngài vẫn như nói với chúng ta: "Hỡi người giáo hữu, bạn hãy dâng cả mạng sống cho Người. Hãy dùng tất cả đời sống mà làm chứng cho Người. Như thế, bạn mới xứng đáng thuộc lớp "người được chọn giữa loài ngườị" (Dt. 5,1).
-o0o-
CHÂN PHƯỚC PHANXICÔ RÊGI CLÊTÔ (174-1820)
Hôm nay Giáo hội cũng kính nhớ thánh Chân phước Phanxicô Rêgi Clêtô. Thánh nhân sinh tại Gratianôpôli năm 1748 trong một gia đình công giáo nhân đức và quyền thế. Chúng ta không biết gì về thiếu thời của thánh nhân. Chỉ biết ngài nhập dòng Lagiarít cũng gọi là Hội các linh mục thừa sai. Ngài mãn năm nhà tập và theo khoa thần học tại Lion, sau đó ngài được bổ nhiệm làm giáo sư đại chủng viện Annêcy. Năm 1788, vâng lời cha bề trên cả, cha Phanxicô trở về Paris giữ chức Giám đốc nhà tập dòng Lagiarít.
Cuối năm 1791, cha khấn trọn đời và được phái sang Trung Hoa thay thế một cha thừa sai khác. Được tin, cha Phanxicô rất vui mừng: cha biên thư tỏ bầy niềm hân hoan với người chị và xin chị giúp chuẩn bị cuộc xuất hành truyền giáo của cha. Cha Phanxicô xuống tầu tại Lorient ngày 3-4-1791. Sau mấy tháng lênh đênh trên mặt biển, cha đã cập bến Macao. Rồi cha giả trang đi sâu vào Trung Hoa lục địa, tới tỉnh Giang Tây. Vì phải vất vả học tiếng bản xứ, lại không hợp khí hậu nên dần dần cha bị nhiều thứ bệnh nguy hiểm. Dầu vậy cha vẫn nhiệt tâm làm việc cứu rỗi các linh hồn. Cha từng đi bộ từ Giang Tây đến Hồ Bắc và Hồ Quảng. Trong cuộc truyền giáo lén lút này, cha đã thu được nhiều kết quả. Nhưng đã đến ngày Chúa muốn cha giảng đạo bằng máu đào!
Vậy có một người ngoại giáo đến tố cáo cha với quan tỉnh. Được dịp lập công hiếm có, quan tỉnh cho quân bao vây để bắt "Tây dương đạo trưởng". Ngày 16-6-1819 cha bị bắt tại một họ đạo gần tỉnh Hà An phủ. Bắt được cha, quan truyền đập đánh và tra hỏi nhiều lần. Quan nài ép cha phải tố cáo những nơi ẩn núp của các vị thừa sai khác. Nhưng cha chỉ trả lời bằng một tiếng "Không"…
Thấy vô hiệu quả, quan tỉnh truyền giải nộp cha cho toà án tỉnh Phúc kiến.
Suốt 20 ngày đường mệt mỏi, cha Phanxicô như một con mồi ngon trong tay những tên lính cục cằn và vũ phu. Họ bắt cha đeo gông và mang xiềng sắt. Nhưng điều làm cha an ủi là ngày cuối lần giải toà này, cha được gặp một chiến sĩ đức tin anh dũng, là cha Máccô Sơn, một linh mục bản xứ. Cùng bị giam với cha còn mười tín hữu bản quốc khác. Tất cả họ đều cương quyết trung thành với đức tin. Vì cùng bị giam ở một trại nên họ tổ chức nhiều buổi đọc kinh và khích lệ nhau bền vững với phúc tử đạo. Hơn thế, trước khi ra toà, cha Phanxicô còn được một linh mục bản quốc khác tên là Hà Kính lẻn vào trại cho ngài chịu lễ. Rước Chúa vào lòng, cha Phanxicô tràn ngập sung sướng và thấy phấn khởi lạ thường. Đáp lại những lời dụ dỗ và đe loi của quan toà, cha chỉ trả lời bằng câu vắn tắt nhưng rất cương quyết: "Tôi sẵn sàng chịu chết vì Chúa và anh em tôi". Trước thái độ cứng rắn của cha Phanxicô, quan toà đành lòng cho ngài về trại giam và làm biên bản đệ lên Hoàng đế.
Trở về ngục thất, cha Phanxicô ngày đêm cầu nguyện dọn lòng nhận ngành lá tử đạo, như lời cha đã viết trong tù: "Tôi vẫn chuẩn bị để chịu chết". Và cha còn luôn lập lại lời thánh tông đồ: "Nếu tôi sống là sống vì Chúa Kitô. Vậy chết đối với tôi chỉ là một phần thưởng". Và ngày mong ước đã tới. Theo sắc lệnh Hoàng đế cha bị án trảm. Vì thế, ngày 1-4-1820 cha bị điệu ra pháp trường để kết liễu đời truyền giáo. Chưa thỏa giận, quan còn truyền vất xác cha xuống sông Hồng. Hiện nay tại Paris, các cha dòng Lagiarít còn giữ lại được chiếc áo cha mặc khi bị hành quyết.
Cha Phanxicô được phong chân phước năm 1900 dưới triều Đức Giáo Hoàng Lêô XIII. Thánh nhân đã về trời, nhưng hạt giống thấm nhuần mồ hôi nước mắt và máu đào của cha đã nẩy mầm, lớn mạnh, và đang sai hoa kết quả; đó là Giáo hội Trung Hoa ngày nay.

Ðôi Tay Cầu Nguyện

Albrecht Durer là một họa sĩ và điêu khắc gia nổi tiếng của nước Ðức vào thế kỷ thứ 16. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông đó là bức tranh "Ðôi tay cầu nguyện".
Sự tích của họa phẩm này như sau: Thuở hàn vi, Durer kết nghĩa với một người bạn chí thân. Cả hai đã thề thốt là sẽ giúp nhau trở thành họa sĩ. Ðể thực hiện ước nguyện đó, người bạn của Durer đã chấp nhận làm thuê làm mướn đủ cách để kiếm tiền cho Durer ăn học thành tài. Theo thỏa thuận, sau khi đã thành công, Durer cũng sẽ dùng tiền bạc của mình để giúp cho người bạn ăn học cho đến khi thành đạt.
Thế nhưng khi Durer đã thành tài, danh tiếng của anh bắt đầu lên, thì đôi tay của người bạn cũng đã ra chai cứng vì lam lũ vất vả, khiến anh không thể nào cầm cọ để học vẽ nữạ
Một ngày nọ, tình cờ bắt gặp đôi tay của người bạn đang chắp lại trong tư thế cầu nguyện, Durer nghĩ thầm: "Ta sẽ không bao giờ hồi phục lại được năng khiếu cho đôi bàn tay này nữa, nhưng ít ra ta có thể chứng minh tình yêu và lòng biết ơn của ta bằng cách họa lại đôi bàn tay đang cầu nguyện này. Ta muốn ca tụng đôi bàn tay thanh cao và tấm lòng quảng đại vị tha của một người bạn".
Thế là kể từ hôm đó, Durer đã để hết tâm trí vào việc thực hiện bức tranh đó. Ðó không phải chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, nhưng là tất cả tình yêu và lòng biết ơn mà ông muốn nói lên với một người bạn. Bức tranh đã trở thành bất hủ, nhưng càng bất hủ hơn nữa đó là tấm lòng vàng của người bạn và tâm tình tri ân của nhà họa sĩ.
Phúc Âm kể lại cuộc gặp gỡ cảm động giữa Chúa Giêsu và một người đàn bà mà mọi người đang nhìn bằng một con mắt khinh bỉ, bởi vì bà ta bị xếp vào loại người tội lỗi.... Bất chấp mọi dòm ngó và xì xào, người đàn bà đã tiến đến bên Chúa Giêsu, đập vỡ một bình dầu thơm, đổ trên chân Chúa Giêsu và dùng tóc lau chân Ngàị
Nhiều người xì xào, tỏ vẻ khó chịu. Chúa Giêsu đã lên tiếng biện minh cho người đàn bà và Ngài đã tiên đoán: nơi nào tin Mừng được loan báo thì nơi đó cử chỉ của người đàn bà được nhắc tớị
Qua lời tuyên bố trên đây, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng: tất cả mọi nghĩa cử, dù là một hành vi nhỏ bé đến đâu và làm cho mọi người nhỏ mọn đến đâu, cũng được ghi nhớ muôn đờị
Tiền của có thể qua đi, danh vọng có thể mai một, nhưng những việc làm bác ái luôn có giá trị vĩnh cửu. Thánh Phaolô đã nói: trong ba nhân đức Tin, Cậy, Mến, chỉ có Ðức Mến là tồn tại đến muôn đờị
Cuộc đời của mỗi người Kitô chúng ta cũng giống như một bức tranh cần được hoàn thành. Mỗi một nghĩa cử chúng ta làm cho người khác là một đường nét chúng ta thêm vào cho bức tranh. Khuôn mặt của chúng ta có thể khô cằn, hoặc rướm máu vì những cày xéo của những thử thách, khó khăn, đôi tay của chúng ta có thể khô cứng vì những quảng đại, quên mình. Tuy nhiên, những đường nét bác ái sẽ làm cho khuôn mặt ấy trở thành bất tử...