Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật I Phục Sinh Năm A

Filled under:


HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH NĂM A
  Ga 20,19-31
19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em! “20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến.25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.”27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! “29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! “
30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
  1. Câu chuyện của bài Phúc âm hôm nay diễn ra khi nào, ở đâu?
  2. So sánh Ga 20,19 và Ga 20,26. Có gì khác biệt ở chi tiết “các cửa được đóng kín”.
  3. Đọc Ga 11,16; 14,5 và 20,25. Bạn thấy nét đặc biệt nào nơi con người ông Tôma?
  4. Đọc Ga 20,25. Bạn nghĩ gì về đòi hỏi của ông Tôma? Ông có đòi hỏi hơn các môn đệ khác không? Đọc thêm Ga 20,20. Theo bạn, ông Tôma có xỏ ngón tay qua lỗ đinh của Đấng phục sinh không?
  5. Đọc Ga 20,26-27. Bạn thấy khuôn mặt của Đức Giêsu phục sinh có nét gì đặc biệt? Đọc Ga 17,12.
  6. Trong cả Phúc âm Gioan, ai là người tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu rõ nhất? Tuyên xưng này có hợp với Ga 1,1.18 không? Bạn nghĩ gì về hành trình đức tin của ông Tôma trong bài Phúc âm này?
  7. Đọc Ga 20,29. Có mấy loại đức tin? Bạn thích loại đức tin nào? Đọc thêm Ga 20.8.
  8. Đọc Ga 20,30. Theo bạn, “dấu lạ” ở đây nghĩa là gì?
  9. Tác giả viết cuốn Phúc âm thứ tư với mục đích gì? Sự sống ở đây là sự sống nào? Đọc Ga 1,3c-4.
  10. Bạn có gặp những người giống ông Tôma trong gia đình hay giáo xứ của bạn không? Bạn học được bài học nào nơi Đức Giêsu khi bạn đến gặp những người ấy?

Ý Nghĩa Ngày Chúa Nhật Phục Sinh

Lễ Phục sinh là việc tưởng nhớ sự sống lại của Đức Kitô từ cõi chết. Lễ này được cử hành vào ngày Chúa Nhật vốn kết thúc Tuần Thánh và Mùa Chay. Chúa Nhật phục sinh là ngày bắt đầu Mùa Phục sinh của năm phụng vụ.
Như chúng ta biết từ các sách Tin Mừng, ngày thứ ba sau khi Đức Kitô bị đóng đinh vào thập giá, Ngài chỗi dạy từ cõi chết vào ngày Chúa Nhật. Sự phục sinh của Đức Kitô đánh dấu cuộc vinh thắng khải hoàn của Ngài trước sự dữ, tội lỗi và cái chết.  
Từ đó Phục sinh diễn tả lời hứa của Thiên Chúa đã thành toàn cho cả nhân loại, đó là ngày lễ quan trọng nhất trong lịch phụng vụ Kitô giáo.
Trong các sách Tin mừng, những chi tiết minh thị về Phục sinh thuật lại rất ít, và có những chi tiết không ăn khớp lại xoay quanh một câu chuyện chính là Đức Giêsu đã phục sinh. Thực vậy, người ta tranh cãi rằng những chi tiết không ăn khớp ấy đơn thuần chỉ là những nguyên do văn chương, chứ không phải là bản chất của vấn đề. Mặc dù có những dữ kiện khác nhau ấy, nhưng khía cạnh chính yếu của câu chuyện phục sinh vẫn mạch lạc. Trên hết, người ta đồng ý với nhau thực sự về ngôi mộ trống của Đức Giêsu vốn là dữ kiện chính yếu nhất. 
Dựa trên bằng chứng trực tiếp từ giữa thế kỷ thứ hai, người ta tin rằng Phục sinh thường được cử hành từ những ngày đầu tiên của Giáo Hội.
Ngày Phục sinh có thể được chuyển dời và luôn rơi vào ngày Chúa Nhật giữa 22 tháng 3 và 25 tháng 4. Ngày Phục sinh của Giáo Hội Công Giáo Rôma luôn là ngày Chúa Nhật thứ nhất sau trăng rằm đầu tiên của mùa Xuân.
Hầu hết Người Công giáo tham dự lễ vọng đêm phục sinh, dù những nghi thức có thể kéo dài vì nhiều bí tích được cử hành trong thánh lễ, chẳng hạn như bí tích rửa tội, nghi thức người trưởng thành gia nhập đạo Công giáo. Nghi thức trong ngày Phục sinh thường ngắn ngọn hơn. 
Nghi thức rạng sáng Chúa nhật Phục sinh thường được các anh em Tin Lành cử hành. Họ tề tựu trước bình minh hay rạng sáng Ngày Phục sinh để suy niệm về việc vài phụ nữ đến mộ Đức Giêsu vào tờ mờ sáng. Nghi thức này thường được cử hành trước nhà, trước sân nhà thờ, nơi nghĩa trang hoặc công viên, và họ cử hành cho tới khi mặt trời mọc hẳn. 
Những hoạt động truyền thống của gia đình cũng khác nhau tùy vùng miền. Tại Hoa Kỳ, trẻ em thường đi tìm trứng Phục sinh, đó là những quả trứng đã chín với màu sắc rực rỡ, hoặc có thể là trứng nhựa với những thỏi kẹo hoặc đồng tiền nhỏ đính vào. Kẹo là món quà truyền thống trong ngày Phục sinh mà các trẻ nhỏ thường dùng trong những ngày chay tịnh của các em. Người lớn thường tặng cho nhau bó hoa, tấm thiệp và có thể cùng nhau dùng bữa trong gia đình. Tiếc là những dịp kỷ niệm ấy thường bị tục hóa và chỉ chú trọng vào trẻ em và gia đình hơn là chiều kích tôn giáo của ngày thánh này.    
Sau Chúa nhật Phục sinh, Mùa Phục sinh bắt đầu và kết thúc sau đó bảy tuần, nhằm ngày Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.