Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT MÙA PHỤC SINH (CN III M. PHỤC SINH – CN LỄ T.CHÚA BA NGÔI 22.May.2016)

Filled under:

NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT
MÙA PHỤC SINH
(CN III M. PHỤC SINH – CN LỄ T.CHÚA BA NGÔI 22.May.2016)

        Chúa Nhật thứ III Mùa Phục Sinh, càng thêm phấn khởi và hăng hái trong
việc hưởng ứng ý nguyện của Giáo Hoàng Phanxicô, muốn dâng trọn năm
Phụng Vụ này (từ Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 8.Dec.2015 - đến Lễ Chúa
Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ 20.Nov.2016), là Năm Thánh tôn vinh ‘Lòng Thiên
Chúa Thương Xót’. Đón nhận Năm Thánh bằng cách: Sống cảm nghiệm Lòng
Thương Xót, và nhiệt tình đáp trả lại Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa
dành cho toàn nhân loại, cũng như cho mỗi người, và cho đến muôn đời.
Chia sẻ Lòng Thương Xót đến với tất cả Anh Chị Em của mình. Trở về với
Thiên Chúa, trong hân hoan vui mừng, chăm lo làm việc bác ái với tấm
lòng quảng đại. Allelluia – Allelluia ./-
        Thân gửi QUÝ VỊ và QUÝ BẠN,
-Suy Niệm Phúc Âm CN III M. PHỤC SINH C
        * Anh em đến mà ăn.
        Bài Phúc Âm Thánh Gioan, thuật lại việc Chúa Giêsu hiện ra với các
tông đồ lần thứ ba trên bờ biển hồ Tibêriat, sau khi Người sống lại,
Người cho các ông được một mẻ lưới đặc biệt, Người nướng cá cho các ông
ăn, và Người ban sứ vụ mục tử cho Thánh Phêrô cách công khai và cảm
động … (Kính mời đọc Phúc Âm)./-
        Thân mến, vh.
Sunday, 10.Apr.2016


CN III  MÙA PHỤC SINH C  (Ga 21,1-19)

1. Bài Đọc
        “Sau đó (1), Chúa Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở biển hồ
Tibêriát. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Simon Phêrô, ông Tôma gọi
là Điđymmô, ông Na-tha-en người Cana miền Galilê, các người con ông
Giêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simon Phêrô
nói với các ông: ‘Tôi đi đánh cá đây’. Các ông đáp: ‘Chúng tôi cùng đi
với anh’. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt
được gì cả.
        “Khi trời đã sáng, Chúa Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ
không nhận ra đó chính là Chúa Giêsu. Người nói với các ông: ‘Này các
chú, không có gì ăn ư?’. Các ông trả lời: ‘Thưa không’. Người bảo các
ông: ‘Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá’.
Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những
cá. Người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: ‘Thầy
đó!’. Vừa nghe nói ‘Thầy đó!’, ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang
ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo
theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần
một trăm thước.
        “Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và
có cả bánh nữa. Chúa Giêsu bảo các ông: ‘Đem ít cá mới bắt được tới
đây!’. Ông Simon Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những
cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba (2) con. Cá nhiều như vậy mà lưới
không bị rách. Chúa Giêsu phán: ‘Anh em đến mà ăn!’. Không ai trong các
môn đệ dám hỏi ‘Ông là ai?’, vì các ông biết rằng đó là Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm
như vậy. Đó là lần thứ ba Chúa Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi
chỗi dậy từ cõi chết.
        “Khi các môn đệ ăn xong, Chúa Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: ‘Này anh
Simon, con ông Gio-na, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?’. Ông
đáp: ‘Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy’. Chúa Giêsu phán với
ông: ‘Hãy chăm sóc chiên con của Thầy’. Người lại hỏi: ‘Này anh Simon,
con ông Gio-na, anh có mến Thầy không?’. Ông đáp: ‘Thưa Thầy có, Thầy
biết con yêu mến Thầy’. Người phán: ‘Hãy chăm sóc chiên của Thầy’.
Người hỏi lần thứ ba (3): ‘Này anh Simon, con ông Gio-na, anh có yêu
mến Thầy không?’. Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần ‘Anh có yêu
mến Thầy không?’. Ông đáp: ‘Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết
con yêu mến Thầy’. Chúa Giêsu phán: ‘Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật,
Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ anh tự mình thắt lưng lấy, và
đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người ta
thắt lưng, và dẫn anh tới nơi anh chẳng muốn’.
        “Chúa Giêsu nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh
Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: ‘Hãy theo Thầy’.

2. Chú Thích
        (1) Sau đó: Sau khi Chúa Giêsu hiện ra với các Tông Đồ lần thứ hai, có
sự hiện diện của Tôma.
        (2) Một trăm năm mươi ba: Theo các nhà chú giải Thánh Kinh, con số 153
có hai cách giải thích: MỘT là do từ tổng số các số cộng lại: (1+2)=3;
(3+3)=6; (6+4)=10; (10+5)=15; (15+6)=21; (21+7)=28; (28+8)=36;
(36+9)=45; (45+10)=55; (55+11)=66 ..... (120+16)=136; (136+17)=153,
nhưng không ai hiểu và không nói gì về ý nghĩa. HAI là ngày xưa theo
các nhà khoa học tự nhiên Hy Lạp, thì có 153 giống cá; về ý nghĩa có
thể hiều các Tông Đồ sẽ tập hợp đại gia đình nhân loại trong một Giáo
Hội duy nhất.
        (3) Lần thứ ba: Có nhiều nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng, Chúa Giêsu
hỏi Thánh Phêrô tới ba lần, để nhắc cho ông nhớ, ông đã chối Thầy ba
lần. Chúa Giêsu hỏi ông và chính ông đáp lại cách công khai, diễn tả
tấm lòng của ông đối với Chúa Giêsu; và Chúa Giêsu đã công khai trao sứ
mạng mục tử cho ông.

3. Suy Niệm
        (1) Trong bài Phúc Âm, thấy các Tông Đồ mau mắn vâng lời Chúa Giêsu và
bắt được nhiều cá. Có người dựa vào đây để nói các ngài đã vâng lời như
súc gỗ hay xác chết, không hề có một lời hỏi lại. Nhưng vì có phép lạ,
nên không ai nghĩ như thế. Vì đã tin Thiên Chúa muốn cho người ta, nhất
là người đã trưởng thành, không được sống như vật vô tri vô giác. Phải
sống cho đúng con người, là có dùng lý trí, tâm tình và tự do. Phương
chi trong câu chuyện này, các Tông Đồ chưa biết người bảo mình thả lưới
là Thiên Chúa, không thể nói được là các ngài có ý vâng lời Thiên Chúa.
Nếu vâng lời một người mình chưa biết rõ là ai, có quyền gì mà sai bảo
hay chỉ bảo mình, lại vâng lời một cách tối mắt, Thiên Chúa nào lại vì
đó mà cho phép lạ. Thiết tưởng đương lúc các Tông Đồ buồn bực vì thả
lưới cả đêm mà không được cá,  mong mỏi có được chút gì để độ nhật ngày
hôm đó, nên nghe ai chỉ đâu thì câu đấy. Hay là vì lời Thiên Chúa
truyền có sức mạnh khác thường, khiến cho các ngài phải theo dường như
vô thức. Vậy khó đem phép lạ này mà nói là hậu quả của vâng lời. Chỉ có
thể nói Thiên Chúa muốn cho các Tông Đồ một phép lạ, trước là để cho
các ngài thấy chính mình hiện đến, và tin những lời mình nói; sau cũng
giúp cho các ngài có cá để bán nuôi gia đình và nghỉ ngơi được vài hôm.

        (2) Rõ ràng Thiên Chúa yêu thương các Tông Đồ đến thế. Thiên Chúa còn
tỏ một dấu mến yêu thân mật. Tự tay Chúa Cứu Thế nhen lửa nướng cá, và
đem bánh đến để đãi các ngài một bữa tiệc giữa trời. Chính tự tay Chúa
Giêsu nướng cá của Người, thêm vào với cá bắt được nhờ phép lạ, chắc
phải ngon khác thường. Tụ hợp với nhau trên bờ biển, trong buổi ban
mai, trên trời mây xanh trong sáng, dưới nước trong lành tươi mát, tuy
chỉ có cá nướng và bánh khô, nhưng cũng rất đầm ấm thân mật. Không rõ
các Tông Đồ có cảm thấy sung sướng đến thế nào, tùy theo lòng mến Thiên
Chúa của mỗi người. Nhưng tin chắc Thiên Chúa rất vui, vì Thiên Chúa
thương yêu vô cùng. Thiên Chúa xuống thế làm người đã hơn ba mươi ba
năm nay, bây giờ, gần đến ngày vĩnh biệt về trời, muốn tỏ dấu đậm đà ân
cần, không muốn trịnh trọng nghiêm trang như bữa tiệc ly, lại muốn hết
sức đơn sơ giản dị. Nhiều người mến Thiên Chúa, nhớ Thiên Chúa, tiếc
mình không được dự hai bữa tiệc này. Có lẽ họ đã quên là họ vẫn được dự
hằng ngày, chỉ tùy theo ý họ có muốn thực hiện hay không. Dĩ nhiên
không phải với những hình thức bên ngoài, nhưng với tâm hồn tin và mến
bên trong. Vì họ phải nhớ Thánh Lễ là tái diễn và tiếp tục bữa tiệc ly,
và mỗi lần người ta đưa tâm hồn lên kết hợp với Thiên Chúa, bất luận ở
đâu, bất kỳ khi nào, càng được thân mật bao nhiêu là càng tái diễn bữa
cơm trên bờ biển như các Tông Đồ bấy nhiêu.

        (3) Còn có điều hệ trọng là phải kết hợp với Giáo Hoàng và qua Giáo
Hội. Như xưa Chúa Cứu Thế đã hỏi Thánh Phêrô và đã ký thác chiên con và
chiên mẹ cho ngài. Trong Giáo Hội Công Giáo, ai cũng hiểu Chúa Cứu Thế
ký thác ba bậc trong Giáo Hội cho Giáo Hoàng. Bậc trước, chiên con là
Giáo Hữu. Hai bậc sau, chiên mẹ là Linh Mục và Giám Mục. Hiểu theo
nghĩa này, vì Linh Mục và Giám Mục đều cùng một Bí Tích và một chức
chính tế như nhau, chứ không phải có 8 Bí Tích và có hai chính tế khác
nhau; đều là đại diện Thiên Chúa và cùng nhau nguyện một lời thánh hóa.
Có người theo bản Phúc Âm La Tinh, tôn Giám Mục lên một bậc riêng, và
kể Linh Mục cũng là chiên con như Giáo Hữu. Chắc không được xác đáng,
vì tuy Giáo Hữu cũng có phần tham gia trong việc tế lễ, nhưng không
phải là chức chính tế, không thể thánh hóa bánh và rượu, dù có thể là
người thánh thiện hơn Linh Mục này hay Linh Mục khác. Có người lại muốn
đặt Giám Mục đồng hàng với Giáo Hoàng, vì theo một số Giáo Phụ truyền
thống, Giám Mục kế vị các Tông Đồ, gọi là nhận đầy đủ Bí Tích truyền
chức. Nhưng rõ ràng các Tông Đồ không hoàn toàn ngang nhau, nhiều việc
và nhiều lời Chúa Cứu Thế chỉ giao riêng và nói riêng với Thánh Phêrô.
Nhất là trong dịp này, thì rõ ràng. Thánh Phêrô vẫn có thẩm quyền chung
quyết, mặc dù thảo luận với các Tông Đồ, vì không muốn độc đoán, độc
tài. Còn nói Giám Mục lãnh đầy đủ Bí Tích Truyền Chức, thì Linh Mục chỉ
nhận có một phần Bí Tích Truyền Chức hay sao? Vả lại, các Tông Đồ lãnh
nhận Bí Tích này chứ không phải những môn đệ khác, do đó khó liệt Linh
Mục vào hạng kế tiếp 72 môn đệ. Bí Tích Truyền Chức là để được cử hành
Thánh Lễ và Phép Giải Tội, chứ không can thiệp gì đến việc cai trị. Ba
lần Chúa Cứu Thế hỏi và ký thác cho Thánh Phêrô nói lên rõ ràng điều
kiện yêu mến, để chăm nom giúp đỡ, và ba bậc trong Giáo Hội./-
                        @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy