Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Kitô hữu là người biết thưa tiếng 'xin vâng'

Filled under:

Kitô hữu là người biết thưa tiếng 'xin vâng'.
Vatican (Vat. 4-04-2016) - "Hãy tự hỏi mình xem liệu tôi có phải là người biết thưa tiếng 'xin vâng' hay là người luôn quay mặt giả điếc làm không thèm trả lời ." Ðây là một trong những thông điệp mà Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ trong bài giảng thánh lễ sáng  thứ Hai, ngày 04 tháng 04 năm 2016, tại nguyện đường Thánh Marta. Ðây là thánh lễ đầu tiên của Ðức Thánh Cha tại nguyện đường này sau thời gian nghỉ lễ Phục Sinh. Khởi đi từ Lễ Truyền Tin hôm nay, Ðức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng: "Chính tiếng 'xin vâng' của Mẹ Maria đã mở ra cách cửa dẫn đến tiếng 'xin vâng' của Ðức Giêsu ."
Áp-ra-ham đã vâng phục Thiên Chúa, đã thưa tiếng 'vâng' trước lời mời gọi của Chúa và sẵn sàng rời bỏ vùng đất bấy lâu nay đã sống để lên đường đi đến nơi ông không hề biết. Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung bài giảng của mình vào 'chuỗi dây của những tiếng xin vâng', được bắt đầu với Áp-ra-ham. Khi đề cập trến biến cố Truyền Tin, Ðức Thánh Cha chia sẻ rằng căn tính của con người, ngay cả của những người thời cổ xưa như Áp-ra-ham và Mô-sê, chính là biết đáp tiếng 'xin vâng' trước sự kỳ vọng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cũng nghĩ đến Isaia, khi Thiên Chúa sai ông đi nói chuyện với dân chúng, dường như ông đã do dự và trả lời rằng 'môi miệng ông ô uế'.
Tiếng 'xin vâng' của Mẹ Maria mở ra cánh cửa để dẫn tới tiếng 'xin vâng' của Ðức Giêsu
Thiên Chúa thanh tẩy môi miệng của Isaia và ông đã thưa 'xin vâng'. Ðiều này cũng xảy ra với tiên tri Giê-rê-mia khi ông nhận thấy mình không biết ăn nói, nhưng sau đó ông đã đáp ''xin vâng '' với Thiên Chúa. Ngày hôm nay, tin Mừng nói với chúng ta điểm cuối cùng của chuỗi dây 'xin vâng' ấy, được bắt đầu từ một tiếng 'xin vâng' khác: đó chính là tiếng 'xin vâng' của Mẹ Maria. Với tiếng 'xin vâng' này, Thiên Chúa không chỉ còn là ghé mắt nhìn đến Dân Người, hay bước đi đồng hành với Dân Người nữa, nhưng Thiên Chúa đã thực sự trở nên một người trong chúng ta và mang lấy thân xác phàm nhân. Tiếng 'xin vâng' của Mẹ Maria đã mở ra cánh cửa dẫn tới tiếng 'xin vâng' của Ðức Giêsu: 'Con đến để thực thi ý Chúa.' Ðức Giêsu đã cùng với tiếng 'xin vâng' này bước trọn cuộc hành trình dương thế, đến tận cây Thánh Giá. Trong giây phút sắp phải chịu khổ hình, Ðức Giêsu đã xin Cha cất chén đắng đi. Nhưng ngay lập tức, Ngài cũng thưa tiếng 'xin vâng', 'một theo ý Cha, đừng theo ý con. Như vậy, nơi Ðức Giêsu, có tiếng ''xin vâng '' của Thiên Chúa. Chính Ngài là hiện thân của sự vâng phục.
Trong tiếng 'xin vâng' của Mẹ Maria, có tiếng 'xin vâng' của tất cả lịch sử cứu độ
Hôm nay là một ngày tuyệt đẹp để chúng ra cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã hướng dẫn chúng ta bước đi trên con đường 'xin vâng', và cũng là dịp thuận tiện để chúng ta suy nghĩ, phản tỉnh về đời sống của mình. Tất cả chúng ta, trong những ngày sống, cần phải nói 'xin vâng' hoặc 'từ chối', và đôi khi chúng ta nói 'vâng' hoặc nhiều lần chúng ta cúi thấp đầu xuống lẩn trốn như Adam và Eva, để không nói 'từ chối' khi phải làm điều gì đó ta không hiểu được. Ðiều chúng ta không hiểu là điều mà Thiên Chúa đòi hỏi. Hôm nay là ngày lễ 'xin vâng'. Trong tiếng 'xin vâng' của Mẹ Maria, có tiếng 'xin vâng' của tất cả lịch sử cứu độ, và từ đó, tiếng 'xin vâng' cuối cùng của con người và của Thiên Chúa đã bắt đầu.
Chúng ta có là những người 'xin vâng'
Với tiếng 'vâng' từ thủa ban đầu, Thiên Chúa đã tác tạo vũ trụ và con người. Ðó là một công trình tạo dựng tuyệt đẹp. Và ngày hôm nay, cũng với tiếng 'xin vâng', Thiên Chúa đã tái tạo vũ trụ và tất cả chúng ta thành những thụ đạo đẹp đẽ nhất. Tiếng 'xin vâng' của Thiên Chúa, Ðấng đã thánh hóa chúng ta, giúp chúng ta không ngừng tiến lên phía trước trong Ðức Giêsu Kitô. Hôm nay là ngày để chúng ta tạ ơn Thiên Chúa và cũng để tự tra vấn mình: Tôi có phải là người biết thưa tiếng 'xin vâng' hay chỉ biết nói 'từ chối', hay tôi là người giả điếc làm ngơ không thèm trả lời? Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để bước đi trên con đường của những người biết thưa tiếng 'xin vâng'.
Sau bài giảng, các nữ tu Dòng Thánh Vinh Sơn đã lặp lại lời khấn. Các sơ cũng là những người phục vụ tại Nhà trọ Thánh Marta. Ðức Thánh Cha chia sẻ rằng: "Các sơ thực hiện việc nhắc lại lời khấn đều đặn mỗi năm. Thánh Vinh Sơn rất khôn ngoan khi ngài biết bằng sứ vụ mà các sơ đảm nhận khó khăn vất vả. Bởi vậy, ngài muốn con cái của mình phải nhắc lại nhữnglời khấn hứa ấy hằng năm.

Vũ Ðức Anh Phương, SJ
(Radio Vatican)

Lòng thương xót của Chúa
tồn tại muôn đời

Chúa nhật kính Lòng Chúa thương xót: "Lòng thương xót của Chúa tồn tại muôn đời".
Roma (WHÐ 04-04-2016) - "Tin Mừng về lòng thương xót luôn là một cuốn sách mở", Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở như trên trong Thánh lễ kính Lòng Chúa thương xót vào Chúa nhật 03-04 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy "trở thành những người viết Phúc Âm một cách sinh động, trở thành những người đưa Tin Mừng". Một lời kêu gọi bước theo chân Ðức Kitô, làm chứng bằng "những cử chỉ cụ thể của tình yêu, vốn là chứng tá tốt nhất của lòng thương xót".
Trong bài giảng Chúa nhật kính lòng Chúa thương xót vừa qua, Ðức giáo hoàng Phanxicô đã cổ vũ mọi người thực thi "điều Chúa Giêsu đã làm trong ngày phục sinh, khi Người đổ vào lòng trí các môn đệ đang trong cơn hoảng sợ, lòng thương xót của Chúa Cha, Chúa Thánh Linh Ðấng tha thứ tội lỗi và đem lại niềm vui". Ðiều này đòi hỏi phải có một "tấm lòng kiên nhẫn và mở rộng", phải là những "kẻ phục vụ quảng đại và vui vẻ, yêu thương một cách vô vị lợi, không đòi hỏi phải được đền đáp". Và đôi khi phải đương đầu với "cuộc đấu tranh nội tâm giữa việc đóng kín cửa lòng và tiếng gọi mở cửa của tình yêu".
Thiên Chúa đến với mọi thứ nghèo khổ
"Ðức Kitô, Ðấng vì yêu thương, đã bước qua các cửa đóng kín của tội lỗi, của sự chết và hỏa ngục (#), đã chỉ cho chúng ta một con đường một chiều, dẫn chúng ta đi theo một chiều duy nhất: ra khỏi chính mình, để làm chứng cho sức mạnh chữa lành của tình yêu thương đã chinh phục chúng ta". Trước "một nhân loại thường bị tổn thương và sợ sệt, mang những vết sẹo của những đớn đau và của tâm trạng bất ổn", Ðức Thánh Cha chỉ ra rằng "mỗi thương tật đều có thể tìm thấy nơi lòng thương xót của Chúa một sự trợ giúp hữu hiệu". Thiên Chúa "muốn đến với mọi nỗi nghèo khổ và giải thoát khỏi tình trạng nô lệ dưới vô vàn hình thức đang đè nặng trên thế giới chúng ta". Ngài "muốn đến với những vết thương của từng người để chữa trị".
Ðức Thánh Cha nhấn mạnh : "Là tông đồ của lòng thương xót có nghĩa là đụng đến và xoa dịu những vết thương của Người, ngày nay còn tồn tại nơi thân xác và trong tâm hồn của bao anh chị em của Người. Có biết bao con người đang cầu xin để được lắng nghe và thấu hiểu, khao khát được ở trong sự bình an của Ðức Kitô".
Ðức Thánh Cha giải thích: "Ðây không phải là một thứ bình an hay hoà bình do thương lượng, không phải sự chấm dứt của một cái gì đó không ổn: mà là sự bình an của Người, sự bình an đến từ lòng của Ðấng Phục sinh. Ðó là sự hoà bình không chia cắt, mà kết hợp; đó là hoà bình không để người ta cô độc, nhưng làm người ta cảm nhận thấy mình được tiếp nhận và được yêu thương". Ðức Thánh Cha muốn gửi đến các tín hữu một thông điệp về lòng cậy trông khi nhắc nhở rằng "Lòng thương xót của Chúa tồn tại muôn đời, không hề dứt, không suy giảm, không đầu hàng trước những cánh cửa đóng kín và chẳng biết mệt mỏi. Thiên Chúa không bỏ chúng ta: Ngài ở với chúng ta luôn mãi".

Mai Tâm