Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

Đức Giêsu Chỉ Cho Chúng Ta Bí Quyết Để Nên Thánh

Filled under:

Câu hỏi gợi ý:
1.     Khi giải quyết những vấn đề quan trọng, việc phân biệt điều chính điều phụ có quan trọng không? Còn trong việc nên thánh, việc giữ đạo, việc vào nước Trời thì sao? Điều nào là điều quan trọng nhất để nên thánh?
2.     Đối với Đức Giêsu, thờ phượng Thiên Chúa, cầu nguyện và sống yêu thương, việc nào quan trọng nhất? Cái nào là mục đích, cái nào là phương tiện?

CHIA SẺ
1. Cần phân định chính phụ trong việc sống đạo để nên thánh
Trên đời, biết bao người cùng nhắm một mục đích, nhưng đạt được mục đích lại chẳng mấy người! Lý do: người ta không biết điều nào chính, điều nào phụ. Vì thế, họ cứ làm những cái phụ thuộc, chẳng cần thiết hoặc ích lợi gì cho mục đích. Việc nên thánh, nên hoàn hảo cũng vậy. Biết bao Ki-tô hữu lấy việc nên thánh, nên hoàn hảo làm lý tưởng cho cả cuộc đời mình, nhưng họ chẳng đi tới đâu. Họ có một cuốn Kinh Thánh chỉ cho họ đầy đủ con đường để nên hoàn hảo, nhưng họ lại không chịu đọc để xem cái cốt yếu hầu nên hoàn hảo là gì. Họ chỉ nghe người này nói thế này người kia nói thế nọ để bắt chước. Cuối cùng họ chẳng đạt được gì.

Nên thánh là việc chính yếu và quan trọng nhất của đời sống Ki-tô hữu. Vì thế, thiết tưởng người Ki-tô hữu cần nắm thật vững điều nào chính yếu và điều nào phụ thuộc trong việc sống đạo của mình. Nếu không, họ giống như một người muốn nấu cơm, mà lại cứ dùng cát để nấu: dù có nấu muôn đời cũng chẳng thành.

2. Những người dẫn đường mù quáng
Theo thánh Mát-thêu thì bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói với “các thượng tế và kỳ mục trong dân” (Mt 21,23), tức những bậc thầy về tâm linh cho các tín hữu Do Thái giáo. Điều thật bất ngờ đối với chúng ta là Đức Giêsu dám nói thẳng vào mặt họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. Những người thu thuế và các cô gái điếm vốn là những người bị những bậc “đạo sư” Do Thái ấy coi thường và loại bỏ ngay từ đầu ra khỏi “Nước Thiên Chúa” theo quan niệm của họ. Lúc nào họ cũng chắc mẩm rằng họ là đối tượng ưu tiên của Nước Trời. Vì thế, câu Đức Giêsu nói làm cho họ bật ngửa. Điều thật mỉa mai là: họ là những bậc thầy chỉ dẫn người ta vào Nước Trời, thế mà chính họ lại được vào đấy sau cả bọn đĩ điếm. Lý do: họ là “những kẻ dẫn đường mù quáng” Mt 23,16), “là những người mù dắt người mù” (Mt 15,14).

Tại sao? Vì họ chuyên quan trọng hóa những điều phụ thuộc, còn những điều chính yếu và quan trọng nhất thì họ không thèm để ý tới. Đức Giêsu nói về họ: “Các người bảo: Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc. Đồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn?” (Mt 23,16-22); “Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và sự thành thật” (Mt 23,23).

Rút kinh nghiệm quá khứ, thiết tưởng để nên thánh, chúng ta nên đọc kỹ Kinh Thánh để nghe chính Đức Giêsu chỉ dẫn cho những điều cốt yếu, và nên dựa trên những gì mà bản thân chúng ta xét thấy hợp lý. Đừng thuần túy dựa vào ý kiến hay chỉ dẫn của người khác.

3. Đức Giêsu chỉ cho chúng ta bí quyết để nên thánh
Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu hé mở cho chúng ta bí quyết hay điều cốt yếu phải làm để nên thánh qua dụ ngôn hai người con: một người nói mình sẽ làm theo ý cha mình, nhưng lại không làm, còn người kia không nói mà làm. Người không nói mà làm mới là kẻ làm đẹp lòng Cha. Rất nhiều chỗ trong Tin Mừng, Đức Giêsu cho biết điều chính yếu để nên thánh là thực hiện thánh ý của Thiên Chúa. Thiết tưởng đoạn sau đây là rõ ràng nhất: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng:"Lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao ?" Bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: "Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!" Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đa” (Mt 7,21-27).

Tóm lại, điều chính yếu nhất để nên thánh và để vào nước Thiên Chúa chính là vâng theo thánh ý Thiên Chúa, tức thực hành những điều Đức Giêsu dạy. Vậy, chúng ta cần phải nắm thật vững thánh ý Thiên Chúa là gì, hay Đức Giêsu dạy ta điều gì? Hãy nghiêm túc đặt lại vấn đề này một lần cho cả cuộc đời để đi cho đúng đường, và đạt được mục đích của mình là nên thánh. Nếu không, coi chừng kẻo chúng ta giữ đạo cả cuộc đời mà vẫn “sôi hỏng bỏng không”, hay như “dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”, chỉ vì điều quan trọng nhất thì ta coi thường, còn điều phụ thuộc thì chúng ta lại coi là tối quan trọng.

Đọc toàn bộ Tin Mừng, tôi thấy điều quan trọng nhất mà Đức Giêsu muốn nhấn mạnh là: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Ngay câu kế tiếp, Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của nó: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13.35). Ngoài điểm chính ấy, thì tất cả những điều khác, đều là phụ thuộc, và những điều phụ thuộc này dù quan trọng tới đâu thì cũng chỉ là quan trọng hàng thứ yếu. Chính vì thế, vào ngày phán xét, Đức Giêsu chỉ phán xét mọi người về một điều duy nhất: cách họ đối xử với tha nhân (x. Mt 25,31-46).

Chúng ta cần chú ý tới điều mà Đức Giêsu muốn nhấn mạnh, và những người dẫn đường thiêng liêng cho quần chúng cũng phải nhấn mạnh giống như Đức Giêsu. Nếu điều quan trọng nhất lại không nhấn mạnh, mà lại nhấn mạnh những điều phụ thuộc, thì họ cũng chỉ giống như những người dẫn đường thiêng liêng cho quần chúng trong đạo Do Thái mà thôi.

4. Chúng ta đặt nặng và sống đúng điều quan trọng nhất chưa?
Điều quan trọng nhất trong Ki-tô giáo chính là sống yêu thương: trước tiên là yêu thương những người gần gũi mình nhất (cha mẹ, vợ con, anh chị em …), rồi đến những người xa hơn một chút (bà con, lối xóm, bạn bè, người cùng cộng đoàn …), rồi mới đến những người xa hơn nữa (người quen, người gặp ngoài đường …), để rồi yêu thương không trừ một ai, kể cả kẻ thù của mình (vì họ cũng là con người, là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa). Cần ghi lòng tạc dạ điều quan trọng nhất ấy để thực hành. Tất cả những chuyện khác đều là thứ yếu - không có nghĩa là không quan trọng, mà chỉ là không quan trọng bằng - thường là phương tiện để giúp ta thực hành điều quan trọng nhất ấy.

Chẳng hạn việc thờ phượng Chúa và việc cầu nguyện. Đây là hai việc được coi là rất quan trọng trong Ki-tô giáo mà không một Ki-tô hữu nào được phép coi thường. Nhưng chúng ta không thể coi hai việc này quan trọng hơn điều răn quan trọng nhất là sống yêu thương được. Đọc hết Tin Mừng, tôi không hề thấy có chỗ nào Đức Giêsu nhấn mạnh đến việc thờ phượng Thiên Chúa hay cầu nguyện bằng hoặc như Ngài đã từng nhấn mạnh bổn phận phải yêu thương cả.

Qua câu “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24), tôi thấy rõ rằng Ngài coi trọng việc thể hiện tình thương đối với đồng loại hơn cả việc thờ phượng Thiên Chúa nữa. Ngôn sứ I-sa-i-a còn cho thấy Thiên Chúa ghê tởm việc thờ phượng và cầu nguyện của những con người đối xử với đồng loại không ra gì: “Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu” (Is 1,14-15; nên xem hết cả đoạn Is 1,11-19). Hãy nghe Ngài kết án hết sức nặng nề những việc làm thiếu bác ái: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5,21-22). Trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu, Ngài có vẻ như cay cú với thầy tư tế và lê-vi đã bỏ mặc nạn nhân bị cướp trên đường  đã coi trọng việc thờ phượng và giữ những chi tiết trong luật Mô-sê hơn bổn phận bác ái là giới răn quan trọng nhất.

Cầu nguyện là để tiếp xúc với Thiên Chúa hầu nhận được sức mạnh của Ngài mà sống yêu thương anh chị em mình. Nó là phương tiện cần thiết để đạt được mục đích là sống yêu thương. Đừng biến phương tiện thành mục đích mà quên mục đích đích thực phải thực hiện. Về việc thờ phượng Thiên Chúa, hãy bắt chước Đức Giêsu: cả đời chỉ thực hiện tình thương đến mức hy sinh cả mạng sống, và cuộc đời đầy yêu thương đó chính là hy tế thờ phượng Thiên Chúa đẹp lòng Ngài nhất.

Đối với điều chính và điều phụ, lập trường của Đức Giêsu là: “Các điều này (điều chính yếu) vẫn cứ phải làm, mà các điều kia (điều phụ thuộc) thì không được bỏ” (Mt 23,23c). Dẫu phải làm cả hai, nhưng vẫn phải phân biệt điều nào chính điều nào phụ để khi không thể làm được cả hai, thì biết phải chọn lựa điều nào.

Cầu nguyện
Tôi nghe Chúa nói với tôi: “Lạ thật! Biết bao người nói rằng họ theo Ta, nhưng những điều Ta khuyên hay yêu cầu họ làm thì họ chẳng thèm làm. Họ cứ tưởng: họ bám theo Ta và lải nhải nịnh nọt Ta suốt ngày thì Ta sẽ hài lòng và như vậy mới là theo Ta. Họ làm như Ta là một bạo chúa chỉ thích nghe những lời nịnh nọt! Ta là Thiên Chúa, Ta có cần họ làm gì cho Ta đâu, thế mà họ lại cứ quan tâm đến Ta, đang khi anh chị em của họ ở ngay bên cạnh họ, rất cần họ yêu thương săn sóc - những người đó chính là hiện thân của Ta ở giữa họ - thì họ chẳng thèm màng tới. Quả thật, họ đang làm những chuyện vô ích mà cứ tưởng là cần thiết”.



Chúa Giêsu vẫn còn hiện diện với chúng ta
(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ của Charles E. Miller)

Nếu Chúa Giêsu đã đến trái đất này cùng một cách như Người đã đến lần đầu tiên, bạn thử nghĩ xem Người sẽ được tiếp bạn ra sao? Sự tiếp đón ngày hôm nay của chính xứ sở bạn có khác với những gì đã xảy ra ở Giudea vào những thế kỷ trước không?

Chúa Giêsu đã đến thế gian sau những lời tiên báo của một loạt các tiên tri trong kỷ nguyên Cựu Ước nhưng chúng đã bị dân chúng thời đó coi thường và phớt lờ đi. Họ đã xử sự giống như những người nô lệ trong dụ ngôn mà Chúa Giêsu đã kể trong bài Phúc âm hôm nay. Những nô lệ này đã đối xử cách đáng xấu với những người làm công mà chủ sai đến lấy phần thu của ông. Thật kinh tởm, khi người khi chủ sai chính con trai của ông, vì ông hy vọng rằng họ sẽ nể ông, nhưng họ đã giết luôn đứa con trai của ông.

Chúng ta không cần phải tưởng tượng gì thì cũng nhận ra người con mà dụ ngôn nhắc đến chính là Chúa Giêsu. Hôm nay có gì mới không? Chúa Giêsu sẽ đến đổi mới thế giới đau khổ và tàn tệ mà Người đã chịu đựng hai mươi thế kỷ trước không?

Không phải tưởng tượng nhưng chúng ta cần đức tin để trả lời cho câu hỏi này. Theo đức tin công giáo của chúng ta, sự thật là Chúa Giêsu đang đến giữa chúng ta,đặc biệt là nơi người hất hủi, bị khinh bỉ và những phần tử nghèo nàn cơ cực trong xã hội của chúng ta.

Chúa Giêsu đến trong ngôi vị của một thai nhi trong dạ mẹ. Người đang cố gắng để được sinh ra một lần nữa vào trong thế giới của chúng ta, nhưng phong trào phá thai đang loại bỏ Người bằng cách huỷ diệt Người ngay tại nơi được coi là cung thánh an toàn nhất trên mặt đất này, là nơi dạ người mẹ. Có phải Thiên Chúa Cha sẽ nói như người chủ đất hôm nay: “Chắc họ sẽ kính trọng con trai ta”.

Theo lịch sử, Chúa Giêsu đã sinh ra tại Bethlehem, âm vang cái tên thành phố. Bên trong câu chuyện nhẹ nhàng ở Bethlehem là một thú nhận bi thảm về gia đình Thánh: “ Không có phòng cho họ nơi quán trọ”. Thật ra, Mẹ Maria và Thánh Giuse là những người dân nhập cư. Họ từ Nazareth, một nơi phương Bắc xa xôi. Cho dù Chúa Giêsu đã sinh ra nơi thành phố của tổ tiên là Bethlehem, người cũng đã bị đối xử như một người ngoại quốc. Các quán trọ có thật đã chật chỗ không? Hay đơn giản hơn là họ đã không được tiếp đón? “Không có phòng cho họ”.

Ngày hôm hay Chúa Giêsu vẫn còn cố gắng để được chúng ta tiếp đón trong những người dân nhập cư đến với đất nước của chúng ta, những người con cái Chúa này bị loại bỏ như những người ngoại quốc, cho dù họ đã đến một miền đất giống như tất cả trái đất đều thuộc về Thiên Chúa là Cha của họ.

Đời sống công khai của Chúa Giêsu đầy dẫy những chống đối vì những lời rao giảng và giáo huấn của người. Sự thương xót của Người dành cho dân nghèo và người đau ốm làm dâng cao sự căm phẫn bởi vì Người đã làm những công việc tốt lành vào ngày Sabath. Lời hứa về Thánh Thể của Người đòi hỏi những người lắng nghe Người một là chấp nhận người, hai là loại bỏ Người. Nhiều người đã xoay lưng và bỏ đi.Sự loại bỏ biến thành oán ghét, và oán ghét làm cho điên cuồng, họ đã đóng đinh Chúa Giêsu như là một tội nhân.

Có phải đây là một cú nhảy đức tin quá nhiều để chúng ta nhìn về Chúa Giêsu trong một đội nhân không? Nếu như thế, ít nhất chúng gta không nhớ lời Chúa Giêsu đã tha thứ cho trộm lành có lòng hối cải và tha thứ cho những người đã đóng đinh Người ư? “Họ không biết việc họ làm?” Chúng ta có biết việc chúng ta đang làm cho chúng ta thích phạt và khuyến khích một hành động dẫn chúng ta tới tình trạng dã man không?

Một dụ ngôn Chúa Giêsu đã nói khi xưa vẫn có ý nghĩa với chúng ta hôm nay nếu chúng ta khiêm nhường đủ để cho nó thách đố chúng ta bằng những vấn nạn giống như nhiều người đồng hương của chúng ta, chúng ta yếu ớt trong việc tìm kiếm Chúa trong tha nhân.