Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 13/10/2017

Filled under:

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 11: 15-26)

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu trừ quỷ, thì có mấy người trong dân chúng nói rằng: "Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ". Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống. Nhưng Người biết ý của họ, liền phán: "Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước đó làm sao đứng vững được. Bởi các người bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi. Khi có người khỏe mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn, nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tan hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán. Khi thần ô uế ra khỏi người nào, thì nó đi dông dài những nơi khô ráo, tìm chỗ nghỉ ngơi, nhưng không tìm được, nên nó nói rằng: "Ta sẽ trở lại nhà ta, nơi ta đã ra đi". Khi đến nơi, nó thấy nhà đó đã được quét sạch và sắp đặt ngăn nắp. Bấy giờ nó đi rủ bảy tà thần khác hung ác hơn nó, chúng vào cư ngụ ở đó. Và tình trạng sau cùng của người ấy trở nên tệ hại hơn trước".

Suy niệm 1

Trong cuộc sống người ta thường phải chọn lựa: lấy cái này mà phải bỏ cái kia hay theo người này mà phải từ chối kẻ khác. Và Thiên Chúa cũng đòi hỏi con người chọn lựa giữa Chúa với Bêengiêbun, nghĩa là thế lục của sự dữ, hay thế lực của tội lỗi. Ở đây không thể có chuyện “bắt cá hai tay”, bởi vì không thể có sự thỏa thuận giữa Thiên Chúa và ma quỉ được. Thế nhưng có người cho rằng Chúa Giêsu đến nhờ quyền năng của quỉ vương mà trừ quỉ câm.

Khi nói Chúa Giêsu đã dùng tướng quỷ mà trừ quỷ, thì lời nói đó đã xúc phạm đến Thiên Chúa vì không tin vào quyền năng và sức mạnh của Chúa Giêsu. Hơn nữa còn liệt Chúa Giêsu vào nhóm ma quỉ. Quả thật, với tấm lòng thương người, Chúa Giêsu đã làm ơn cho người khác nhưng lại rước lấy hiểu lầm và bị đánh giá sai.

Kinh nghiệm cuộc sống có thể cho thấy đoàn kết tạo nên sức mạnh và chia rẽ dẫn đến sụp đổ. Cho nên, Chúa đã mời gọi mọi người phải kết hợp với Chúa. Chúng ta không thể nào vừa theo Chúa mà lại làm theo lời xúi giục của thế lực xấu.

Lời Chúa mời gọi chúng ta nhìn lại thái độ sống đạo của mình: là con cái của Chúa, mỗi người thật sự có được những tâm tình sống, có được những lời nói, những hành động như là con cái của Chúa chưa? Thật khó tránh khỏi cũng có những lúc cách nào đó chúng ta sống theo kiểu “rất thế gian”.

Trước những quyến rũ của ma quỉ, chúng ta cần phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng từ bỏ. Bởi vì, Thiên Chúa sẽ phán xử nghiêm khắc với những ai cố tình sống trong tội lỗi, không dám dứt khoát với ma quỉ.

Nếu như khởi đầu Thánh lễ chúng ta cùng nhau nói lên tâm tình ăn năn bằng nghi thức thống hối, thì cả đời sống của mình cũng phải là cuộc trở về với Chúa một cách dứt khoát. Chúng ta hãy để Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa thật sự là nguồn lực giúp cho bản thân có được điều đó. Bởi vì, Lời Chúa soi sáng cuộc đời chúng ta, Mình Máu Chúa Giêsu là lương thực nuôi dưỡng linh hồn để chúng ta đủ sức theo Chúa đến cùng.

Xin Chúa thương ban phúc lành cho từng cố gắng sống nên thánh của chúng ta. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2
1. Sự hiện diện của ma quỉ
Ít có khi nào Đức Giê-su nói về Satan và các thần của nó rõ và nhiều như trong bài Tin Mừng hôm nay. Trong sách Linh Thao, thánh Inhaxiô Loyola cũng nói rõ và nhiều về Satan và các thần của nó, khi truyền đạt lại cho chúng ta các qui tắc nhận định thần loại (x. LT 313-336).
Ngày nay, Satan và các thứ quỉ của nó ít được nói tới, nhưng sức mạnh của chúng dường như càng ngày càng lớn mạnh ở mọi cấp độ: cá nhân, nhóm và cả một cộng đồng, một xã hội. Satan và các thứ quỉ của nó không cần ra mặt nữa, vì thế giới loài ngày nay mang lại cho chúng quá nhiều phương tiện để ẩn nấp và sử dụng nhằm phá hoại sự sống của con người. Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói tới cả một “nước hay triều đại của Satan”, cùng một từ ngữ basileia, khi Ngài nói về Nước hay Triều Đại của Thiên Chúa.
Khi được ơn hiểu biết và yêu mến Đức Ki-tô, được các Tin Mừng kể lại, chúng ta sẽ nhận ra một cách dễ dàng Satan và những gì thuộc về Satan.
2. Vương quốc của Satan
Đức Giê-su trừ một tên quỉ, và đó là quỉ câm. Như thế, có một thứ quỉ làm cho câm lặng, làm cho không nghe được thực sự, và vì thế không nói được thực sự. Bởi vì, câm là do điếc. Chúng ta cũng hay điếc với Chúa, điếc với anh em đồng loại, nên chúng ta câm. Vì thế, chúng ta cũng có thể bị quỉ câm ám!
Tuy nhiên, bài Tin Mừng còn kể lại cho chúng ta có một thứ “câm điếc” nghiêm trọng hơn: “câm điếc” đối với những dấu chỉ mà Thiên Chúa ban qua Đức Giê-su. Cùng chứng kiến dấu chỉ mà Đức Giê-su vừa thực hiện, một dấu chỉ đầy ý nghĩa, nhưng:
– có một số người bảo ông ấy dựa thế quỉ vương mà trừ quỉ;
– còn những người khác thì muốn thử Ngài, đòi một dấu lạ từ trời.
Và những phản ứng này diễn ra ở trong thâm tâm. Chắc chắn là Đức Giê-su rất buồn lòng, chúng ta cần nghiệm ra tâm tình của Ngài ở bên dưới những lời Ngài nói. Và Ngài nói một tràng dài, rất tự phát và mạnh mẽ về ma quỉ: Ngài nói về vương quốc của chúng, về sức mạnh của chúng và về thói quen của chúng. Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? … bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ. Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông…” (c. 17-20)
3. Vương Quốc của Đức Giê-su
Tuy nhiên, xét cho cùng, những người nghe Đức Giê-su và phản ứng như thế, đâu đã đến nỗi nào, nghĩa là chưa rơi vào tình trạng tệ hại vì bị một tên quỉ cộng thêm bảy tên quỉ khác dữ hơn làm chủ. Chúng ta cũng có thể nói như vậy về chính mình, về cộng đoàn hay cộng đồng của chúng ta.
Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó nói: “Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi.” Khi đến nơi, nó thấy nhà được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước. (c. 24-26)
Nhưng đàng khác, những người nghe Đức Giê-su ngày xưa cũng như hôm nay vẫn chưa có một một lựa chọn dứt khoát và triệt để Tin Mừng của Đức Giê-su và Triều đại Thiên Chúa, vẫn chưa để cho mình bị cuốn hút bởi Thần khí của Giê-su. Nếu chúng ta đang trong tình trạng “dở dở ương ương” như thế, Đức Giê-su cảnh báo cho chúng ta rằng, chúng ta sẽ tất yếu rơi vào tình trạng tệ hại, nghĩa là rơi vào lưới, hay nước của Satan. 
Biết và giữ các giới răn mà không có Thần Khí, cũng là một thứ “dở dở ương ương” hay “có, không ra có; không, không ra không” (x. Gl 3, 7-14). Bởi vì, việc giữ luật sẽ trở nên vô nghĩa, nặng nề và chỉ có vẻ bề ngoài, khi người ta không biết hay không cần biết mình giữ luật là vì ai, nhờ ai và cho ai? Đức Giê-su là Đường, Sự Thật và Sự Sống và Người sẽ giúp chúng ta hoàn tất Lề Luật theo Thần Khí (x. Mt 5, 17-48). Đó chính là ý nghĩa của những lời thật mạnh mẽ này của Đức Giê-su:
Ai không đi với tôi là chống lại tôi,
và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc