Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

5 Phút Cho Lời Chúa Ngày 16/10/2017

Filled under:

HÃY SÁM HỐI
“Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin dấu lạ nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.” (Lc 11,29)
Suy niệm: Đức Giê-su kể lại dấu lạ ngôn sứ Giô-na ở trong bụng cá ba đêm ngày như một dấu lạ báo trước Ngài sẽ chịu khổ nạn và mai táng trong mồ, để rồi đến ngày thứ ba, Ngài phục sinh và nhờ đó, Ngài ban ơn cứu độ cho những ai tin vào Ngài. Dấu lạ Giô-na còn ở lời giảng dạy của ông cho dân thành Ni-ni-vê: dù ông chỉ miễn cưỡng thực thi lệnh truyền của Chúa nhưng việc đó đã giúp cho tất cả dân thành Ni-ni-vê ăn năn hối cải. Dấu lạ sẽ tiếp nối nếu chúng ta thành tâm để Chúa thực thi kế hoạch yêu thương của Ngài trên cuộc đời chúng ta, hầu qua chúng ta Ngài thông ban ân huệ cho những người khác. 
Mời Bạn: Những công việc nhỏ bé bạn làm với tình yêu lớn lao sẽ còn mang lại kết quả lớn lao hơn. Như Mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta nói: “Không phải bạn làm được bao nhiêu công việc nhưng là bao nhiêu tình yêu bạn dành cho công việc.” Tình yêu Chúa sẽ thúc đẩy bạn sám hối trở về với Chúa, làm việc lành, thực thi bác ái yêu thương để không những bạn được hạnh phúc bên Chúa mà còn dẫn đưa nhiều người đến nguồn ơn cứu độ là chính Đức Giê-su, Đấng là Ngôi Lời mặc lấy xác phàm, là dấu lạ cho thế hệ này còn hơn cả dấu lạ ngôn sứ Giô-na.
Sống Lời Chúa: Sẵn sàng ra đi theo lời mời gọi của Chúa để dẫn đưa nhiều người hoán cải trở về với Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, qua cái chết và sự Phục Sinh của Chúa, Chúa dẫn đưa chúng con vào cuộc sống mới. Xin cho tâm hồn chúng con rộng mở để đón nhận Tình Yêu của Chúa với niềm tin mạnh mẽ và sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người. Amen. 


Thánh Marguerite d'Youville
(1701-1771)
Chúng ta có thể học cách thương người khi để đời sống chúng ta chịu ảnh hưởng bởi những người đầy lòng nhân hậu, bởi nhìn vào đời sống qua quan điểm của họ và suy nghĩ lại những gì chúng ta coi là giá trị.
Sinh ở Varennes, Gia Nã Đại, cô Marie Marguerite Dufrost de Lajemmerais phải thôi học vào lúc 12 tuổi để giúp đỡ người mẹ goá. Tám năm sau cô kết hôn với Francois d'Youville; họ có sáu người con, trong đó bốn người chết khi còn nhỏ. Mặc dù chồng bà thích cờ bạc và buôn bán rượu lậu cho người thổ dân Mỹ Châu và đối xử với bà cách tàn tệ, bà Marguerite vẫn chăm sóc chồng với lòng thương mến trong hai năm trước khi ông từ trần vào năm 1730.

Dù phải chăm sóc hai con nhỏ và trông coi tiệm tạp hóa để trả nợ cho chồng, bà Marguerite vẫn thường giúp đỡ người nghèo. Khi các con đã khôn lớn, bà và một vài người bạn đã cứu nguy cho một bệnh viện ở Quebec đang trên đà suy sụp. Bà đặt tên cho cộng đoàn của bà là Các Nữ Tu Bác Ái ở Montréal; dân chúng gọi họ là các "Nữ Tu Áo Xám" vì y phục họ mặc. Vào lúc ấy, những người nghèo ở Montréal thường nói với nhau, "Đến với các Nữ Tu Áo Xám; họ không bao giờ bị từ chối giúp đỡ." Cho đến lúc bấy giờ, năm cộng đoàn tôn giáo khác được bắt nguồn từ các Nữ Tu Áo Xám.

Bệnh Viện Công ở Montréal trở nên Hotel Dieu (Nhà Chúa) và đã đề ra một quy tắc về chăm sóc y tế và lòng nhân hậu Kitô Giáo. Khi bệnh viện bị hỏa hoạn vào năm 1766, bà Marguerite đã quỳ trên đám tro tàn, xướng bài Te Deum ca ngợi sự quan phòng của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, và bắt đầu xây dựng lại. Bà đã chống trả với mưu toan của chính phủ nhằm giới hạn công việc bác ái của bà cũng như thiết lập cô nhi viện đầu tiên ở Bắc Mỹ Châu.

Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, đã phong chân phước cho bà Marguerite vào năm 1959, và gọi bà là "Người Mẹ của Hội Từ Thiện Chung". Bà được phong thánh năm 1990.

Lời Bàn
Các thánh thường phải đương đầu với nhiều sự nản lòng, nhiều lý do để nói rằng "đời thật bất công" và tự hỏi xem Thiên Chúa ở đâu trong những vụn vỡ của cuộc đời. Chúng ta vinh danh các thánh như Marguerite vì họ cho chúng ta thấy, với ơn sủng của Thiên Chúa và sự cộng tác của họ, sự đau khổ có thể đưa đến lòng nhân hậu thay vì sự cay đắng.

Lời Trích
"Không chỉ một lần, công việc mà Thánh Marguerite thể hiện đã bị cản trở bởi thiên nhiên hay con người. Để có thể hoạt động nhằm đem lại một thế giới công chính và gần gũi hơn, thánh nữ đã phải đấu tranh trong nhiều cuộc chiến nặng nề và khó khăn" (Đức Gioan Phaolô II, bài giảng lễ phong thánh).

VÀI HÀNG TIỂU SỬ
VỀ THÁNH GIÊRAĐÔ MAJELLA
Thánh Giêrađô Majella sinh ngày 6/4/1726 và qua đời ngày 16/10/1755 vì bệnh lao phổi. Đức Giáo Hoàng Piô X đã phong thánh cho Ngài vào ngày 11/12/1904. Là một người ốm yếu và mồ côi cha lúc 12 tuổi, Giêrađô phải bỏ học để làm thợ may giúp đỡ gia đình.

Khi thành niên, ngài xin đi tu nhưng đi đâu cũng không được nhận vì các nhà dòng cho rằng ngài quá xanh xao gầy yếu. Ngài cũng thử đi tu rừng cùng với một người bạn, bắt đầu sống khổ hạnh, ăn cỏ và quả cây rừng nhưng không kéo dài được bao lâu. Tuy vậy Ngài vẫn không nản chí và cuối cùng được nhận vào Dòng Chúa Cứu Thế và trở thành Tu sĩ. Ngài luôn luôn chứng tỏ một đức tin mạnh mẽ tuyệt vời, sáng suốt, sống động cùng với lòng mến yêu Thiên Chúa nồng nàn. Ngài cũng có lòng yêu mến những người nghèo khó một cách nhiệt thành. Ngài năng hãm mình, phạt xác, luôn luôn cầu nguyện và sống theo Lời Chúa dậy: Mến Chúa hết lòng, hết sức lực, hết trí khôn. Lòng mến đó của Ngài đã được thể hiện qua lối sống khiêm nhường, chịu đựng những đau khổ, sự hành hạ của bạn bè. Ngài chỉ sống theo ơn Chúa soi sáng thúc bách để cuộc đời của Ngài hòa nhập vào đời sống Chúa Kitô.

Thiên Chúa đã ban cho Ngài thực hiện nhiều những phép lạ ngay cả khi Ngài còn sống để qua đó người Kitô hữu tăng thêm lòng tin vào Thiên Chúa. Ngài được Giáo hội tôn phong hiển thánh năm 1904 và lòng tôn sùng Thánh Nhân như là quan thày của các bà mẹ đang mang thai rất phổ biến ở nhiều nước, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và Canada.

BÁNH THÁNH GIÊRAĐÔ

Gốc tích Bánh Thánh Giêrađô là do lòng bác ái của Ngài đối với người nghèo, thường ngày phát bánh cho họ trước cửa nhà dòng. Một hôm, sau khi phát bánh xong, hai cô gái nghèo con của ông bà Laurentiô Miniellô đến xin. Bánh đã phát hết. Thánh nhân suy nghĩ chốc lát, đoạn vào nhà dòng, rồi quay trở lại liền với hai ổ bánh thật thơm ngon còn nóng hổi, như vừa lấy trong lò ra, nhưng hình dạng khác hẳn các bánh khác. Mọi người đều sửng sốt. Những người chứng kiến chỉ thấy Ngài bước chân vào cửa rồi bước ra, chẳng sờ tới một vật gì trong nhà cả. Mà thật sự lò bánh nhà dòng đã tắt lửa từ lâu.

Một phép lạ tương tự khác cũng đã xảy ra cho một người nghèo tuy có địa vị nhưng nghèo đói. Ông nghèo, nhưng lại xấu hổ, không dám đến gần xin. Khi thánh nhân phát bánh xong, người ta mới lưu ý Ngài về trường hợp ông. Ngài nói: "Tôi rất tiếc. Ông đến trễ quá!" Nhưng rồi Ngài tiếp liền: "Xin đợi cho một chút". Ngài trở vào nhà, rồi trở lại liền với một ổ bánh còn nóng bọc trong vạt áo choàng của Ngài. Bánh đó bởi đâu mà đến, trong khi lò nhà dòng đã tắt nguội từ lâu? Phép lạ rõ ràng.

Bánh Thánh Giêrađô còn nhắc lại những chiếc bánh lạ của Giêrađô khi còn nhỏ thỉnh thoảng mang về nhà. Mẹ hỏi thì cậu bé trả lời: "Một em nhỏ dễ thương, con của một bà sang trọng cho con." Rồi một hôm, hai mẹ con đến viếng tượng Đức Mẹ ở Capotignado, Giêrađô nói với mẹ: "Đây là Bà sang trọng hay cho con bánh." Lúc đó mẹ Giêrađô mới hiểu ra: Con của Bà sang trọng là Chúa Hài Đồng.

Hằng năm lễ kính Thánh Giêrađô vào ngày 16 tháng 10.

Thánh Hedwig
(1174-1243)
Rất ít người nhận thức được rằng họ có thể sử dụng của cải và quyền thế ở trần gian một cách khôn ngoan. Hedwig là một trong những người đó.

Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc ở Bavaria năm 1174. Ngài là con gái của Công Tước xứ Croatia. Năm 1186, ngài được cha mẹ cho lập gia đình sớm với Henry I, Công Tước xứ Silesia và Poland, và được bảy người con. Qua sự thuyết phục và nỗ lực của ngài, nhiều tu viện dành cho các tu sĩ nam nữ được thành lập ở Silesia. Nhiều bệnh viện cũng được hình thành, trong đó một bệnh viện được dành riêng cho người phong cùi. Trong thời kỳ xáo trộn vì tranh dành quyền thế, ngài là người góp phần kiến tạo hòa bình cho các phần đất ở chung quanh. Tuy nhiên, ngài thật đau khổ vì không thể can gián được cuộc chiến ác liệt của chính hai con mình, vì chúng không hài lòng với phần chia gia tài mà Henry đã sắp đặt.

Sau khi sinh hạ người con thứ bảy, ngài và người chồng thề sống tiết dục, ngài sống cuộc đời còn lại trong một tu viện ở Trebnitz, là nơi ngài góp phần trong việc điều khiển cộng đoàn, dù ngài không phải là một thành viên chính thức của tu hội. Ngài từ trần năm 1243.

Lời Bàn
Bất cứ của cải nào chúng ta có được thì không chỉ dành cho nhu cầu và sự thụ hưởng riêng của cá nhân chúng ta, nhưng cũng được dùng để giúp đỡ người khác. Và dù của cải được sử dụng thế nào đi nữa, chúng phải giúp chúng ta thăng tiến trong tình yêu Thiên Chúa, chứ không cản trở. Thực sự thì của cải thế gian không thể nào đi ngược với tình yêu Thiên Chúa, nhưng là chứng cớ của tình yêu ấy; tuy nhiên, rất có thể vì quá yêu chuộng của cải nên chúng ta quên đi Đấng đã ban phát của cải này.

Lời Trích
Vào lúc cuối đời, Thánh Hedwig đã hy sinh ước muốn trở nên một tu sĩ để ngài có thể dùng của cải để giúp đỡ người nghèo. Với chính bản thân, ngài chọn sự khó nghèo, từ chối những phương tiện được dành cho ngài, ngay cả những vật dụng căn bản như giầy ấm mùa đông. Ngài mặc áo tu sĩ và sống đời tu trì, nhưng không từ bỏ quyền sở hữu tài sản vì muốn dùng của cải để giúp đỡ người nghèo. Ngài đã sống trọn vẹn cuộc đời một Kitô Hữu và sử dụng tài sản của ngài để giúp người khác nhận biết và quý trọng đời sôáng tâm linh trong ơn sủng của Thiên Chúa.


Xin Cho Chúng Con Lương Thức Hằng Ngày

Hôm nay là ngày quốc tế về lương thực do tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc đề xướng.
Nói đến lương thực, nhất là trong một quốc gia nghèo đói như Việt Nam, có lẽ tự nhiên, ai trong chúng ta cũng nghĩ đến cái đói trên thế giới.
Ðói không chỉ là một trạng thái cần ăn uống, nhưng được các chuyên viên về thực phẩm và sức khỏe định nghĩa như là một tình trạng thường xuyên của một người không đủ ăn để có thể có một cuộc sống lành mạnh. Danh từ chuyên môn thường được dùng để chỉ tình trạng này là dưới mức dinh dưỡng. Nạn nhân dễ thấy nhất của tình trạng này là các trẻ em của những nước nghèo.
Mỗi năm người ta tính có đến 15 triệu trẻ em chết vì nhiều nguyên do có liên quan đến tình trạng thiếu dinh dưỡng. Mỗi ngày, trên khắp thế giới, có khoảng 40 ngàn trẻ em chết vì đóị Số người chết vì đói ăn cũng tương đương với số thương vong nếu cứ ba ngày có một trái bom hạt nhân được ném xuống một vùng đông dân cư.
Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến nạn đói kém. Người ta cho rằng nguyên nhân chính nằm trong chính sách kinh tế, chế độ chính trị, xã hộị Nhưng tựu trung, căn rễ sâu xa nhất vẫn là sự ích kỷ của con ngườị Nếu một phần mười những người giàu có trên thế giới biết san sẻ cho những người nghèo, thì có lẽ thế giới này không còn có những trẻ em chết đói mỗi ngày nữạ Nếu ngay cả trong một quốc gia, người ta biết dùng tiền bạc để mua cơm bánh cho con người hơn là đầu tư vào khí giới, thì chắc chắn sẽ không còn cảnh người chết đói nữa.
Tại một vài quốc gia kỹ nghệ đang chuyển mình để bước vào cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ ba, người ta thường nói đến kỷ nguyên điện toán, thụ thai trong ống nghiệm... Thế nhưng, tại rất nhiều nơi trên thế giới, mỗi ngày vẫn có đến 40 ngàn trẻ em chết vì đói ăn... Thế giới của chúng ta quả là một nhân thể bệnh hoạn. Một nơi nào đó trong cơ thể, một số bộ phận phát triển một cách dư dật, một nơi khác, nhiều cơ phận đang chết dần chết mòn vì thiếu tiếp tế.
Có lẽ nhân loại chúng ta không chết đói cho bằng vì thiếu tình thương. Những người đang chờ chết cũng là những người đang chờ từng nghĩa cử yêu thương của đồng loạị Những người dư dật nhưng không biết san sẻ cũng là những người đang chết dần trong ích kỷ. Con người cần có cơm bánh để sống đã đành, nhưng con người cũng cần có tình thương để tồn tạị Kẻ đón nhận tình thương cũng được sống mà người san sẻ tình thương cũng được sống.
Chúng ta phải làm gì để được sống? Dĩ nhiên, chúng ta phải có đủ cơm bánh hằng ngày. Nhưng câu trả lời mà mỗi người Kitô phải tự nói với mình là: để được sống, tôi cần phải làm cho người khác được sống. Ðó là sự sống đích thực của chúng tạ Bởi vì ai sống trong tình yêu, người đó sống trong Thiên Chúa.