Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 27/10/2017

Filled under:


Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 12: 54-59)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán bảo dân chúng rằng: "Khi các ngươi xem thấy đám mây nổi lên ở phía Tây, lập tức các ngươi nói rằng: Trời sắp mưa và sự thật xảy ra như thế. Và khi gió Nam thổi đến, thì các ngươi nói: Trời sắp nóng nực. Và việc đã xảy ra như thế. Hỡi những kẻ giả hình, các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu? Tại sao các ngươi không tự mình phê phán điều gì phải lẽ? Thế nên, khi ngươi cùng với kẻ đối phương ra trước mặt quan quyền, thì đang lúc đi dọc đường, ngươi hãy cố lo liệu cho ổn thỏa với nó đi, kẻo nó lôi ngươi đến trước quan tòa và quan tòa trao ngươi cho lý hình và lý hình tống ngươi vào ngục. Ta bảo cho ngươi hay, ngươi sẽ không thể ra khỏi đó cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối cùng". 

Suy niệm 1
Vào những ngày trung tuần tháng 9 vừa qua, khi dự báo cơn bão Doksuri sẽ đổ vào các vùng Thanh Hoá và Nghệ An, và có thể gây thiệt hại nặng nề cho cuộc sống con người, chính quyền đã mau chóng huy động lực lượng quân nhân khẩn cấp xuống vùng nông thôn đang chuẩn bị thu hoạch lúa mùa Thu, để giúp bà con thu hoạch sớm và tránh những thiệt hại đáng tiếc. Thật là một cử chỉ nhân ái và đẹp biết bao!

Điều này gợi nên cho chúng ta hiểu rõ hơn sứ điệp Lời Chúa của ngày hôm nay: Chúa mời gọi chúng ta học biết và suy gẫm về những biến cố lớn nhỏ xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, để khám phá ra tình thương và dấu chỉ hiện diện của Chúa, Đấng làm chủ và thực hiện việc cứu độ con người. Chúa cũng muốn mỗi người chúng ta khi nhận ra những dấu chỉ và tình yêu của Chúa hãy thay đổi cuộc sống và làm những điều tốt đẹp cho nhau hầu đáng được hưởng hạnh phúc tròn đầy trong ân nghĩa của Chúa.

Quả thế, cuộc sống con người chúng ta hôm nay luôn đan dệt với những thay đổi liên tục của cuộc sống. Có những sự thay đổi thật tốt đẹp đưa đến cho cuộc sống con người ngày càng hạnh phúc hơn, chẳng hạn như sự thành công trong những lãnh vự khoa học kỹ thuật giúp con người tận hưởng những ích lợi thiết thực, tiết kiệm công sức và thời gian. Thế nhưng, cũng có những thay đổi lại là bước thụt lùi đưa con người xa vào tình trạng sống khổ sở và bất hạnh, chẳng hạn như sự thay đổi trong vấn đề hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới; tình trạng chống người nhập cư của các nước giàu; và còn biết bao thay đổi khác mà chúng ta không lường hết được hậu quả tốt xấu đan xen.

Vì thế, là người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi hướng nhìn lên Chúa và kêu xin Chúa ban cho chúng ta con mắt đức tin ngời sáng. Để nhờ đó chúng ta có thể nhận ra những giá trị tốt lành của thông điệp sự sống mà Chúa gởi đến cho chúng ta qua những sự kiện xảy ra trong đời dù lớn hay nhỏ. Và cũng nhờ mắt đức tin ấy, chúng ta có thể nhận ra bàn tay yêu thương của Chúa đang dẫn dắt chúng ta trong từng biến cố dù hạnh phúc hay đau khổ. Đồng thời, chúng ta có thể nhận ra những khuyết điểm của chính mình đã vô tình hay hữu ý gây nên đâu khổ cho những người anh chị em, mà biết thay đổi hầu kiến tạo một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tình huynh đệ.

Lạy Chúa, xin cho con luôn khôn ngoan và sáng suốt để nhận ra dấu chỉ yêu thương của Chúa trong mọi biến cố hằng ngày. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


SUY NIỆM 2
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nói trực tiếp đến khả năng nhận định của những người đương thời, qua đó nói với chính chúng ta hôm nay. Và nhận định là một trong những đặc nét làm nên chân dung của người môn đệ.
1. Khả năng nhận định
Đức Giê-su khởi đi từ khả năng nhận định về thời tiết, để nói về khả năng nhận định về thời gian hiện tại. Với so sánh này, Đức Giê-su muốn nói rằng thời gian hiện tại (kairos) cũng là một dấu chỉ rất rõ ràng, rất hiển nhiên cho những gì thực sự đang ngấm ngầm diễn ra và sẽ tỏ hiện: “Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?”
Không biết nhận định sẽ bị Đức Giê-su khiển trách là “đạo đức giả”! Vậy “Thời gian hiện tại” của tôi là gì? của chúng ta, của Giáo Hội, của xã hội và của nhân loại là gì? Chúng ta được mời gọi xác định, bởi vì đó là một dấu chỉ cần phải nhận định.
2. Trong một tình huống cụ thể
Sau đó, Đức Giê-su còn đưa ra một tình huống đặc biệt của “thời gian hiện tại” và mời gọi người nghe xem xét, phán đoán, nghĩa là nhận định. Tình huống này đặc biệt thích hợp với vấn đề của xã hội chúng ta, và với tương quan thường ngày với người khác, nhất là với người anh em.
Hai người đưa nhau ra tòa: nếu mình phạm lỗi, thì mình cố làm hòa là điều hợp lí (xin bãi nại); nhưng cả khi mình là nguyên cáo, thì giải quyết nội bộ với nhau thay vì đưa nhau ra tòa vẫn là điều hợp lí hơn. Vì khi đưa nhau ra tòa, người vô tội có chắc chắn là mình thắng kiện không? Luật thì về phía người vô tội, nhưng Luật đâu có phán quyết, quan tòa mới phán quyết; và phán quyết của quan tòa lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố (liêm khiết, vô tư, nhưng cả tiền bạc nữa, và chưa kể thư kí, luật sư…). Nếu đưa nhau ra tòa, để không bị kết án, cả hai đều sẽ phải cố tự biện hộ cho mình; và khi tự biện hộ mình vô tội, thì mặc nhiên tố cáo người kia có tội, và đôi khi phải tố cáo người kia bằng mọi giá! Kết cục không thể tránh khỏi theo luật, đó là một trong hai sẽ bị xử phạt theo luật. Và đó là ai? Là người thân cận, người anh em, là đồng loại của tôi.
Không áp dụng luật với nhau, không phải chỉ là vấn đề tình cảm đạo đức (khiêm tốn, nhẫn nhục, chịu thương chịu khó…), nhưng còn là vấn đề của lí trí, của phán đoán, của nhận định. Không áp dụng luật với nhau là điều hoàn toàn hợp lí, vì luật là một hệ thống vô hồn và trong thực tế trở thành phương tiện của Sự Dữ, của Tội (x. Rm 7, 7-13).
Nhưng còn một lí do nữa, lí do cội nguồn, nền tảng và cứu cánh: Thiên Chúa không áp dụng luật với chúng ta, bởi vì Người là tình yêu và chỉ là tình yêu mà thôi. Tin Mừng này được bày tỏ quá hiển nhiên nơi Thập Giá Đức Giê-su Ki-tô, vậy mà nhiều khi chúng ta vẫn không nhận định ra. Và thánh Phao-lô đã nói thật rõ về điều này: “Nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích” (Gal 2, 21). Hơn nữa, khi mời gọi chúng ta tha thứ cho nhau đến bảy mươi lần bảy, thì chính Ngài đã không thể không tha thứ trước cho chúng ta như thế.
3. Khó khăn trong nhận định
Tuy vậy, ai trong chúng ta cũng gặp khó khăn trong nhận định: làm sao nhận ra Chúa và ý muốn của Người? Và khi nhận ra, chúng ta lại cảm thấy bất lực trong việc thực hiện; như thánh Phaolô diễn tả trong trong thư Roma: “Điều tôi muốn tôi không làm, điều tôi không muốn tôi lại làm; như thế, tôi không còn là tôi, nhưng tội ở trong tôi… Vậy ai sẽ giải thoát tội tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (Rm 7, 19-25).
Để có khả năng nhận định ý Chúa và sống theo ý Chúa, chúng ta được mời gọi đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, để hiểu biết và yêu mến Chúa; và dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta đọc và cầu nguyện với đời mình, để nhận ra sự hiện diện yêu thương và đầy lòng thương xót của Chúa trong cuộc đời và trong từng ngày sống; và như thế, chúng ta sẽ nhận ra rằng, chính Chúa cuốn hút, lôi kéo chúng ta, chứ không phải nhờ nỗ lực của chúng ta mà chúng ta có thể hướng về Chúa và yêu mến Người trên hết mọi sự.
Bởi lẽ, không hiểu Chúa, làm sao chúng ta nhận ra Chúa, làm sao nhạy cảm với lời Chúa, với ý Chúa, với Tin Mừng của Chúa, và nếu không yêu mến, động lực ở đâu để chúng ta thực hiện?

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc