Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

SUY NIỆM CHÚA NHẬT CHÚA NHẬT - NGÀY 08/10/2017

Filled under:

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 21: 33-43)

33 Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: "Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa.34 Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi.35 Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ.36 Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy.37 Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: "Chúng sẽ nể con ta”.38 Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!"39 Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi.40 Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia? "41 Họ đáp: "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông”.42 Đức Giêsu bảo họ: "Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.43 Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho nước ấy sinh hoa lợi.

Suy niệm 1

Ngay từ khi được hiện hữu, con người đã tỏ ra bất trung với Đấng Tạo Thành. Và từ thế hệ này tới thế hệ khác con người luôn tìm cách dành cho mình quyền thống trị địa cầu, và vì vậy, họ không ngừng tìm mọi cách để loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.

Nhưng việc chối bỏ Thiên Chúa có làm cho con người thành toàn không? Đức chân phước Phaolô VI trong thông điệp “tiến bộ các dân tộc” đã nói, ngăn trở lớn nhất của công cuộc phát triển ngày nay là việc cấm cửa của ý thức hệ đối với Thiên Chúa và sự dửng dưng đối với Ngài của chủ trương vô thần, hậu quả của việc dửng dưng là người ta coi thường luôn cả giá trị con người. Thật vậy, cuộc sống con người không thể đạt tới cùng đích của nó nếu người ta quên đi lý do về sự hiện hữu của mình.

Con người hiện hữu không do chính mình, nhưng bởi Thiên Chúa tình yêu, Ngài muốn con người chia sẻ sự sống với Ngài. Vì thế, con người luôn được mời gọi liên kết với Ngài trong mối tương quan tình yêu. Quả thật, “con người không thể tự tiến hành để được phát triển, bởi vì họ không thể tự tạo ra một nền nhân bản đích thực. Chỉ khi chúng ta nghĩ rằng, chúng ta, từng cá nhân và từng cộng đoàn, được mời gọi làm con cái Thiên Chúa để cùng tham gia vào một đại gia đình Thiên Chúa, lúc đó chúng ta mới có thể có được một tư duy mới và những năng lực mới để phục vụ cho một nền nhân bản toàn diện đích thực. Có sẵn sàng chấp nhận Thiên Chúa, chúng ta mới chấp nhận anh chị em và chấp nhận một cuộc sống được hiểu như một nhiệm vụ liên đới và tươi vui” (Đức chân phước Phaolô VI).

Những tá điền chiếm đoạt vườn nho của ông chủ, loại trừ luôn cả người con thừa tự, cứ ngỡ họ đã trở thành chủ nhân ông. Họ đã lầm, họ quên đi rằng, họ vẫn mãi chỉ là những tá điền, những người làm công. Họ chẳng có quyền hành chi cả, bởi thế cuối cùng họ cũng bị tru diệt, những thứ họ chiếm đoạt cũng chẳng bao giờ thuộc về họ. 

Khi con người loại trừ Thiên Chúa, con người cũng chẳng bao giờ có được điều mình ước mong, bởi con người mãi chỉ là thụ tạo. Loại trừ Thiên Chúa cũng đồng nghĩa loại trừ chính mình.

Lạy Chúa, xin đừng để chúng con ngu dại, đánh mất chính mình khi để cuộc đời bị tục hoá, bị lôi kéo vào cơn lốc của chủ nghĩa hưởng thụ ích kỷ. Xin dạy chúng con ý thức được rằng, chúng con chỉ là chúng con khi chúng con luôn trung thành với Chúa, và không để mình rơi vào những học thuyết xa lạ với đức tin . Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


SUY NIỆM 2

Mấy ngày qua ở Việt Nam người ta đang xử vụ đại án với tội danh “chiếm dụng trái phép tài sản của công dân”. Một tội danh không chỉ xảy ra trong thời đại hôm nay, nhưng nó đã xuất hiện lâu đời trong lịch sử nhân loại, điều mà Tin Mừng hôm nay đã nói tới qua dụ ngôn các tá điền.

Việc chiếm dụng trái phép tài sản của người khác nẩy sinh từ lòng tham, một tính xấu ăn sâu vào bản tính của con người. Thật vậy, Nguyên tổ vì lòng tham mà phải chịu đoạ đầy và đẩy đưa con cháu rơi vào cảnh khốn cùng. Cha ông Việt Nam đã từng nói: được voi đòi tiên. Thiên Chúa cho nguyên tổ làm chủ mọi công trình Chúa dựng nên, nhưng như thế Nguyên tổ vẫn chưa lấy làm đủ, muốn bằng Thiên Chúa, cũng có nghiã là muốn chiếm đoạt tất cả vào tay của mình. Lòng tham đó là nguyên nhân của mọi khổ đau mà nhân loại đang gánh chịu.

Có người hỏi một tu sĩ:

- Trời sanh con người ra, sanh tánh nào trước?

Tu sĩ đáp:

- Tánh tham.

- Sao biết?

- Đứa bé vừa lọt lòng mẹ liền đòi bú. Cho bú đã vừa rồi, bà mẹ rút vú ra, đứa bé liền khóc vì còn tham bú nữa.

Người kia vỗ tay cười:

- Như thế lời của thầy Mạnh Kha: " Nhân chi sơ tánh bổn thiện" sai rồi sao?

Tu sĩ ôn tồn đáp:

- Phải nói "Nhân chi sơ tánh bổn tham" thì đúng hơn.


Đức Phật đã nghiệm ra rằng, mọi khổ đau đều có chung một nguồn gốc chính là lòng tham, được gọi là “dục”, và theo Đức Phật để giải thoát con người khỏi cảnh trầm luân bể ải thì cần phải “diệt dục”. Thế nhưng diệt lòng tham con người quả thật không là một chuyện giản đơn, bởi như cha ông Việt Nam chúng ta đã nói “lòng tham con người thì vô đáy”. Để biết được lòng tham của con người đến độ nào, một vị vua ra lệnh cho một người: “Kể từ rạng sáng ngày mai, khi mặt trời mới mọc cho đến khi mặt trời lặn, ngươi khoanh vùng chu vi đất được bao nhiêu ta sẽ cho hết”. Nghe xong, người kia vô cùng mừng rỡ, liền trở về nhà bàn bạc với vợ con làm cách nào để có thật nhiều đất, “phen này gia đình chúng ta sắp giàu to rồi”, người thì bàn thế này, kẻ thì bàn thế kia, cuối cùng anh ta quyết định sẽ không lãng phí một phút giây nào khi chưa hết giờ đo đất. Hôm sau, anh ta đã có mặt sẵn từ tờ mờ sáng trước đền vua. Khi mặt trời vừa ló dạng, anh ta cắm đầu chạy không màng đến cơm nước gì cả, nhìn lại thấy khoảnh đất vẫn còn quá nhỏ mặc dù đã mệt lã người nhưng anh vẫn tranh thủ không bỏ phí chút thời gian nào. Mặt trời đã ngã về chiều như báo hiệu sắp hết giờ đo đất, anh cố ráng thêm chút nữa, nhưng sức người có hạn và cuối cùng anh ngã quỵ bên vệ đường.

Lòng tham còn là nguyên nhân gây ra bao tội ác. Người ta thường nói lòng tham là bạo chúa, vì tham mà người ta nghĩ ra bao là mánh khoé để chiếm đoạt cho được điều thèm khát. Có người đã mạnh dạn khẳng định rằng, Sẽ khó có loài nào ích kỷ hơn loài người, vì loài người có trí khôn và từ đó cũng nẩy sinh ra bao là sự dữ vì lòng tham. Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta biết vì lòng tham muốn chiếm đoạt tài sản của người khác nên đã ra tay tàn sát cách độc ác. 

Lòng tham chẳng bao giờ mang lại sự thoả mãn cho con người, và vì vậy nếu cứ mãi chạy theo lòng dục thì con người sẽ luôn gặp thất vọng và chán chường. Cuộc sống là một hồng ân của Thiên Chúa trao ban, chính qua hồng ân này con người được mời gọi dự phần vào sự sống vĩnh hằng với Thiên Chúa. Và để đạt được điều này, con người phải xử dụng hồng ân theo Thánh ý chứ đừng theo ý riêng của mình.

Sống theo thánh ý của Thiên Chúa không gì hơn là đừng chiếm đoạt những hồng ân của Chúa làm của riêng. Thời giờ là của Chúa, đừng dùng toàn thời gian trong cuộc sống để phục vụ cho riêng mình; sức khoẻ, tài năng là của Chúa đừng dùng nó để phục vụ cho tính ích kỷ, cho tham vọng riêng tư của mình. Thật là đáng tiếc biết bao, khi chúng ta luôn chiếm đoạt hồng ân của Chúa để sống theo ý riêng của mình, chẳng hạn, ngày Chúa Nhật được dành riêng cho việc tôn thờ, và gặp gỡ Chúa nhưng chúng ta lại không ngần ngại chiếm đoạt để đi tìm niềm vui cho riêng mình. Tất cả, chỉ vì chúng ta quá tham lam để rồi tuy “tay con nhỏ bé, bao nhiêu cũng không vừa”, chúng ta chỉ muốn có, muốn nhận, chúng ta xin đủ thứ ơn, nhưng chúng ta lại ngần ngại không dám hy sinh, bớt một chút niềm vui riêng tư để tôn thờ Chúa, để gặp gỡ Chúa, bớt một chút tiêu xài để xẻ chia cho người nghèo, và chúng ta cứ mãi luyến tiếc điều chúng ta cho.

Lạy Chúa, một lúc nào đó chúng con cũng đã hành động như những tá điền tham lam và gian ác, khi chúng con lợi dụng hồng ân của Chúa để tô điểm cho tham vọng riêng tư của mình. Và cũng không ít lần chúng con cũng đã loại trừ Chúa ra khỏi cuộc sống khi chúng con để cho tính tham lam chi phối cuộc sống của chúng con. Xin dạy chúng con ý thuwsc rằng, tất cả hồng ân Chúa trao ban là để phục vụ cho ích lợi của Nước Chúa. Amen.

Lm. Antôn Hà Văn Minh