Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

5 Phút Cho Lời Chúa Ngày 8/10/2017

Filled under:

SINH LỢI CHO NƯỚC TRỜI

“Nước Thiên Chúa sẽ ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” (Mt 21,43)
Suy niệm: Đối với nhiều người thời nay, lợi nhuận thường là tiêu chí số một cho mọi hoạt động. Làm cái gì cũng nhắm “lợi” trước hết; không có lợi là không làm, ngay cả những thương vụ nhiều rủi ro, “lợi thì có lợi mà răng không còn,” người ta cũng liều lĩnh lao vào, để rồi chuốc lấy những đổ vỡ đắng cay (như chơi biu, hụi…). Thật thú vị và hợp thời khi Tin Mừng hôm nay cũng đề cập đến vấn đề lợi nhuận. Nhưng ở đây không phải là tìm kiếm lợi nhuận ở đời này, mà là sinh hoa lợi cho Nước Trời. “Bọn tá điền sát nhân” là hình ảnh những người đòi sinh lợi từ những tài sản mà họ chiếm đoạt bằng bạo lực. Họ sẽ bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa; bởi vì ham lợi ích kỷ, chà đạp lên công bằng và sự thật, xúc phạm đến phẩm giá và sự sống con người, xét cho cùng, tất cả những điều đó đều là cách chối bỏ Thiên Chúa, và chiếm đoạt chủ quyền của Ngài trên tạo vật.
Mời Bạn: Vì lợi nhuận vật chất mà người ta đã phải lao tâm tổn trí biết bao! Ước chi các ki-tô hữu cũng thao thức, say mê như thế trong việc sinh lợi cho Nước Trời! Quả vậy, phải có niềm say mê đó, bạn mới có thể tẩy trừ được não trạng tham lam, hưởng thụ ích kỷ, óc bè phái, chủ nghĩa cá nhân, là những thứ đi ngược lại giá trị Tin Mừng.
Chia sẻ: Sinh lợi cho Nước Chúa là làm sao cho Tin Mừng được mọi người biết đến, yêu thích và sống theo. Bạn làm gì để thực hiện điều đó? Trước tiên, bạn cần sống thế nào?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm trước khi làm một việc gì: “Xin cho con ý thức sinh lợi cho Nước Chúa thay vì tìm kiếm vinh dự và quyền lợi của con.”
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.


Thánh Gioan Leonardi
(1541? - 1609)
"Tôi chỉ là một con người! Tại sao tôi phải làm mọi việc? Điều đó có ích gì cho tôi?" Ngày nay, cũng như bất cứ thời đại nào, người ta thường cảm thấy khó chịu khi rơi vào tình trạng khó xử vì bị liên lụy. Nhưng Thánh Gioan Leonardi đã trả lời những câu hỏi trên trong một phương cách độc đáo. Ngài chọn trở nên một linh mục.

Thánh Gioan Leonardi sinh ở Diecimo, nước Ý. Ngài làm phụ tá thầy thuốc ở Lucca, đi tu và thụ phong linh mục năm 1572. Sau khi chịu chức, ngài rất tích cực hoạt động tông đồ, nhất là ở bệnh viện và nhà tù. Sự tận tụy và gương mẫu đời sống của ngài đã thu hút vài người trẻ, và họ bắt đầu tiếp tay với ngài. Sau này chính họ cũng trở thành linh mục.

Phấn khởi với luồng gió cải cách mà Công Đồng Triđentinô đề ra, Cha Gioan và các linh mục bạn đề nghị một tổ chức cho các linh mục triều. Đề nghị này bị chống đối dữ dội, nhưng vào năm 1583, tổ chức của ngài được đức giám mục Lucca công nhận với sự phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII (vào năm 1621, tổ chức này được chính thức đặt tên là Các Tu Sĩ Chuyên Nghiệp của Mẹ Thiên Chúa). Cha Gioan được sự trợ giúp của Thánh Philíp Nêri và Thánh Giuse Calasanctius, và vào năm 1595, tổ chức này được Đức Giáo Hoàng Clêmentê VIII công nhận, và đức giáo hoàng đã giao cho Cha Gioan công việc chấn chỉnh các tu sĩ ở Vallombrosa và Monte Vergine.

Ngài chết khi mới 68 tuổi vì bị lây bệnh dịch khi chăm sóc các bệnh nhân ở Rôma. Ngài được sùng kính vì những phép lạ và lòng đạo đức nhiệt thành của ngài, và được coi là một trong những sáng lập viên của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin. Ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh năm 1938.

Lời Bàn
Mỗi người có thể làm được những gì? Theo ý định và hoạch định của Thiên Chúa cho mỗi người, điều chúng ta có thể làm thì ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Mỗi người, như Thánh Gioan Leonardi, có một nhiệm vụ phải chu toàn trong hoạch định của Thiên Chúa cho thế gian. Mỗi người chúng ta thì độc đáo và được ban cho các khả năng để phục vụ anh chị em chúng ta trong việc xây dựng Nước Trời.

Lời Trích
"Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban nước trời cho anh em. Hãy bán của cải mình và bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không bao giờ mục nát và một kho tàng vô tận ở trên trời, là nơi kẻ trộm cắp không thể bén mảng, mối mọt không thể đục phá" (Luca 12:32-33).

Bức Tượng Người Mù

Cũng như tại bất cứ một trung tâm hành hương nào, tại Lộ Ðức, du khách và khách hành hương có thể đọc được không biết bao nhiêu lời cảm tạ dâng lên Ðức Mẹ cũng như không biết bao nhiêu kỷ vật khác mà những người thọ ơn muốn cho thiết lập để ghi nhớ ơn Mẹ... Trong muôn nghìn kỷ vật tạ ơn ấy, người ta thấy có một bức tượng diễn tả một người mù vừa được chữa lành. Dĩ nhiên, được sáng mắt là một trong những phép lạ đầu tiên được ghi trong sách những phép lạ tại Lộ Ðức. Nhưng bức tượng người mù sáng mắt ở đây lại tượng trưng cho một biến cố khác, một phép lạ theo đúng nghĩa bởi vì đó là phép lạ của một người tìm lại được ánh sáng Ðức Tin.
Bức tượng này được một người đàn bà quý phái cho dựng lên để ghi nhớ ánh sáng Ðức Tin mà bà đã tìm lại được tại Lộ Ðức. Tuy là người Công Giáo, nhưng kể từ khi chồng qua đời, người đàn bà không còn một chút tin tưởng gì nơi Chúa Mẹ nữạ Và dĩ nhiên, cũng giống như những người khô đạo khác, người đàn bà chỉ tìm kiếm có mỗi một điều: đó là thú vui trong cuộc sống.
Một mùa hè nọ, trên đường đi đến một trung tâm nghỉ mát nổi tiếng ở phía Nam nước Pháp, người đàn bà phải đi qua Lộ Ðức. Thấy đám đông tấp nập tại trung tâm Thánh Mẫu, bà ta tò mò dừng lại xem. Bà không ngờ rằng chính Chúa đang tìm kiếm và đeo đuổi bà. Từ thái độ bàng quang của một người hiếu kỳ, người đàn bà đã tìm lại ánh sáng Ðức Tin. Ðể tạ ơn Chúa và Ðức Mẹ, bà đã cho dựng lên bức tượng của người mù với hàng chữ như sau: "Tìm lại Ðức Tin là một phép lạ vĩ đại hơn là được sáng mắt".
Trên vạn nẻo đường của chúng ta, lúc nào Thiên Chúa cũng có mặt. Thật ra, không phải con người đi tìm kiếm Thiên Chúa cho bằng chính Thiên Chúa đeo đuổi kiếm tìm con người.
Trong mọi biến cố của cuộc sống, lúc nào Thiên Chúa cũng có mặt. Trong an vui hạnh phúc, hay trong thất bại khổ đau, Ngài luôn ở bên cạnh ta để mời gọi ta tin tưởng ở Tình Yêu của Ngàị Ngay cả khi con người muốn khước từ và gạt bỏ Ngài ra khỏi cuộc sống, Thiên Chúa vẫn tiếp tục đeo đuổi con người.
Thánh Kinh đã ví Thiên Chúa như một người tình chung thủy, lúc nào cũng chờ đợi, lúc nào cũng nài nỉ, lúc nào cũg vỗ về, lúc nào cũng tha thứ.
Tin ở một sự hiện diện trung thành như thế của Thiên Chúa, thái độ của chúng ta phải là thức tỉnh, chờ đợi và tin tưởng không ngừng. Trong an vui thịnh đạt, chúng ta dâng lời cảm tạ Chúạ Trong thất bại khổ đau, chúng ta cũng hãy tin tưởng phó thác. Và ngay cả những lúc vấp ngã vì yếu đuối, chúng ta cũng hãy tin tưởng ở lòng tha thứ vô bờ của Ngàị Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ mặc con người.