Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

“Tôi là Tội Nhân. Đó là tên gọi đầu tiên của tất cả chúng ta” – Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 06.10.2017

Filled under:

“Tôi là Tội Nhân. Đó là tên gọi đầu tiên của tất cả chúng ta”
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ngày 06.10.2017
Thiên Chúa chúng ta quả là Đấng công minh; chúng ta phải hổ ngươi bẽ mặt như ngày hôm nay thì cũng đáng”. Bài Đọc I trong Thánh Lễ của ngày thứ Sáu vừa qua có nội dung như thế (xc. Br 1,15-22), và đó cũng là sợi chỉ đỏ trong bài giảng Lễ cùng ngày của Đức Thánh Cha tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Tội lỗi liên quan đến tất cả – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Nó không trừ một ai, dẫu đó là những kẻ quyền uy hay các tín hữu.
Không ai có thể khẳng định về mình rằng: ´Tôi là người công minh`, hay ´tôi không giống như người ấy`. Tôi là một tội nhân. Thậm chí Cha có có thể nói được rằng, đó là tên gọi đầu tiên của chúng ta, vì mỗi người trong chúng ta đều là một tội nhân. Nhưng tại sao chúng ta lại là những tội nhân? Thưa, vì chúng ta đã không tuân phục – và thực ra luôn luôn được nói trong mối tương quan với Thiên Chúa. Ngài bảo chúng ta làm một điều, chúng ta lại làm điều khác. Chúng ta đã không lắng nghe Thiên Chúa. Thiên Chúa thường xuyên nói với tôi, nhưng tôi thì lại thường xuyên không lắng nghe Ngài! Ngài nói với chúng ta qua cha mẹ, qua các Giáo lý viên, qua giáo hội, và qua các bài giảng, tuy nhiên, Ngài cũng nói cả trong con tim chúng ta nữa.”
Nhưng trái lại, con người đã nổi loạn và điều đó hoàn toàn là một tội – Đức Thánh Cha quả quyết. Nó dẫn tới “những bước đi sai trái nho nhỏ” mà mỗi người thường mắc phải hằng ngày. Tội lỗi làm cho con tim trở nên bệnh tật.
Nó không chỉ đơn giản là một đốm bẩn mà người ta có thể xóa đi, và nếu không muốn xóa thì chỉ cần mang đến tiệp giặt là được, đơn giản. Không, tội lỗi là một hành động nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Điều đó, tự nó đã xấu rồi, nhưng nó còn xấu hơn nữa vì nó chống lại Thiên Chúa, Đấng tốt lành. Và khi tôi nghĩ tới điều đó thì tôi sẽ không trở nên trầm cảm, nhưng sẽ chỉ cảm thấy một điều: xấu hổ. Đó là một sự mất mặt mà Ngôn Sứ Ba-rúc đã mô tả. Nhưng sự xấu hổ ấy là một điều tốt lành.”
Và sự xấu hổ cũng dẫn tới ơn cứu độ – Đức Thánh Cha giải thích, và Ngài mời gọi những người hiện diện hãy “cảm thấy xấu hổ trước mặt Thiên Chúa”.
Vì nếu Thiên Chúa thấy chúng ta đang xấu hổ vì điều mà chúng ta đã làm, và cầu xin ơn tha thứ với sự khiêm nhượng, thì rồi Đấng Toàn năng cũng sẽ xóa sạch tội lỗi chúng ta và ôm lấy chúng ta. Ngài sẽ mơn trớn chúng ta và tha thứ cho chúng ta. Đó chính là con đường để lãnh nhận ơn tha thứ, như Ngôn Sứ Ba-rúc đã dậy chúng ta hôm nay. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Ngài biểu lộ quyền năng của Ngài ngay cả trong Lòng Thương Xót và sự tha thứ.”
Theo de.rv 06.10.2017 mg



Lên núi xuống biển, ngợi ca Thiên Chúa là Cha

Lòng còn đang bộn bề với những lo toan, những nhỏ nhen của cuộc sống, con tìm đến với thiên nhiên đất trời. Với hơi thở của vạn vật, con chạy đến với Đấng là cội cuồn của tất cả, với Đấng hiện hiện trong tất cả. Con lên núi và xuống biển.
Lên núi, con được hít thở bầu không khí trong lành, nghe tiếng gió vi vu vun vút giữa rừng cây, nhìn thấy những làn sương mai, đi vào giữa làn sương sớm, đứng cao hơn cả những tầng mây lưng lửng, cảm nhận những gì là tinh túy của thiên nhiên núi rừng, rời xa những gì là phố xá đô thị, rời xa những gì chật vật của đời sống bon chen… Cứ thế con như được dẫn vào những khung trời mới, vào những thực tại của cuộc sống mà nhiều khi con lãng quên. Cứ như thế, con dần cảm nhận hơi thở của chính mình giữa những tiếng thở của cây cối hoa lá chim chóc ánh sáng. Nhiều khi con người thời hiện đại tự hào thái quá vì mình đã bước vào thời văn minh, thoát khỏi thời hoang dã. Con thấy đúng một phần, nhưng còn phần khác, nếu không cẩn thận thì những gì là kỹ thuật là công nghệ là kinh tế sẽ giúp con người thoát khỏi hoang dã và rồi trở thành hoang tàn.
Tạm biệt với núi cao, con trở về biển rộng. Vốn là người sinh ra và lớn lên ở đồng bằng, con không có nhiều kinh nghiệm về núi, cũng chẳng biết nhiều về biển, chỉ là đã có nhiều lần lên núi và xuống biển, nhưng biển vẫn là điều gì đó gợi lên sự cao cả và yên bình, cho dù có bão táp, cho dù có sợ hãi khi nhìn thấy độ sâu thăm thẳm của biển cả. Đối với những thuyền nhân có người thân bị chết trên biển khi vượt biên, có lẽ kinh nghiệm về biển chẳng hề dễ chịu. Ngày nay vẫn tiếp tục có biết bao người Phi Châu muốn vượt biển tìm đường vào Âu Châu, và họ tiếp tục chết trên biển.
Đến với biển và núi, có người cảm thấy mình bé nhỏ, cũng có những kẻ ra sức bóc lột và phá hoại núi biển. Dù con người bé nhỏ, dù sức xây dựng của con người có hạn, dù trải qua bao thế hệ, con người mới có thể cùng nhau xây đắp điều này điều nọ tốt đẹp, thế nhưng, sức phá hại của con người thì lớn, cực lớn, vô cùng lớn. Con người không có sức lấp biển dời non, nhưng con người có sức làm cho biển không còn là biển và non cũng chẳng còn là non. Nhìn và thấy một chút, con chột dạ, phải chăng mình bị cuốn vào cái vòng xoáy phải làm biết bao điều, mà không biết rằng, giữa biết bao điều mình làm ấy, có lẽ toàn là điều phá hoại, có lẽ có ít điều mang tính xây dựng, có lẽ có ít điều tôn trọng thiên nhiên và tôn trọng con người. Cái lợi trước mắt dễ làm mờ mắt nhiều người, dễ làm mờ mắt nhiều nhóm người…
Dòng chảy cuộc sống cứ thế, con khó có thể dừng lại, vì gần như đương nhiên bị cuốn đi như thế. Thay vì ở trong dòng nước ô nhiễm, con vẫn có thể tách mình thành những con suối nhỏ, nhỏ thôi, không lớn như dòng thác kia, không lớn như dòng sông kia, nhưng dòng suối nhỏ ấy trong lành có thể nuôi dưỡng cho một vài cây bên dòng suối, có thể nuôi dưỡng cho một vài người, một vài gia đình. Chẳng lẽ như thế lại không đáng giá cho một dòng suối nhỏ. Dòng sông kia tuy lớn đấy, tuy tỏ ra vĩ đại đấy, nhưng đã bị ô nhiễm và hầu hết cá tôm không thể sống nổi. Khi dòng sông ô nhiễm ấy chảy đến đâu là gây hôi thối và phá hủy đến đó. Như thế, thật đáng giá để đôi khi con biết tách mình ra khỏi dòng sông nước đục của cuộc sống, để trở thành con suối nhỏ.
Trong những mối liên hệ hữu cơ gắn bó thân thiết, con dần cảm nhận cụ thể hơn tình cha của Trời Cao, vì Cha trên Trời đã ban cho con ngôi nhà tuyệt vời là trái đất này, là thiên nhiên sông núi ruộng đồng, là biển cả và muôn vật. Thế nhưng con người vẫn thường đi lạc đi hoang giống như đứa con hoang đàng. Con người muốn chia nhau tài sản, con người muốn tiêu sài phung phí, con người muốn sống phá phách. Con người cũng sống giống người anh cả, dù sống cùng Cha, nhưng anh luôn xét nét và coi cha như một ông chủ hà khắc. Anh chẳng tin tưởng ở cha. Khi sống như thế, chúng con chẳng nhìn thấy thiên nhiên đất trời là món quà vô giá mà Cha trên Trời đã nhọc công xây dựng và trao tặng cho những người con.
Một chút phản tỉnh, một chút lắng đọng phần nào giúp con thấy được rõ nét hơn, thấm thía hơn tiếng gọi “Cha ơi”, tiếng thưa “Lạy Cha” trong kinh Lạy Cha. Bằng cách nào con có thể có đủ can đảm để gọi “Cha ơi!” với Cha trên Trời. Vì nếu con tin tưởng và vui mừng gọi như thế, con sẽ thực sự quý trọng thiên nhiên đất trời, thực sự quý trọng những con người quanh con, thực sự sống như một người con trong nhà của Cha mình. Lạy Thầy Giêsu, xin giúp con cảm đảm nói với Chúa Cha rằng “Cha ơi!”. Xin giúp con cảm đảm và vui tươi sống niềm tín thác tuyệt vời này. Amen.
Tứ Quyết