Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

5 Phút cho Lời Chúa ngày 9/10/017

Filled under:


HÃY ĐI VÀ LÀM NHƯ VậY
“Một người Sa-ma-ri kia… cũng thấy và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu và rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi lại đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.” (Lc 10,33-34)
Suy niệm: Có người nói tình yêu đích thực được thể hiện qua bốn phương diện: 1) sẵn lòng giúp đỡ; 2) biết xót xa trước đau khổ và 3) biết vui mừng trước hạnh phúc của người khác; cuối cùng 4) biết tha thứ. Chúa Giêsu đưa ra nhân vật người Samari như một điển hình về tình yêu đích thực đó. “Chạnh lòng thương” trước tình cảnh khốn khổ cấp bách của một người không quen biết, thay vì bỏ đi như thầy Lê-vi và thầy tư tế với những bận rộn của mình – mà ai lại không có những việc bận rộn cơ chứ? – ông sẵn lòng bỏ công ăn việc làm của mình, lại dốc toàn lực cứu chữa người bị nạn cách tận tình. Với nghệ thuật kể chuyện tài tình, Chúa mô tả tỉ mỉ những việc làm bác ái của người Sa-ma-ri; Ngài dạy chúng ta yêu thương đích thực phải thể hiện bằng việc làm cụ thể và Ngài kết luận cũng rất cụ thể: “Hãy đi và làm như vậy.”
Mời Bạn: Phải chăng bạn hay đưa ra những lời chống chế “tại, bị, vì, nhưng, nếu…” để không làm những việc bác ái cho anh em? 
Chia sẻ trong nhóm của bạn để biết ai là người thân cận đang bị quên lãng, bỏ rơi, cùng khổ đang cần trợ giúp, bênh vực, và để giúp họ cách cụ thể.
Sống Lời Chúa: Sống giản dị, đạm bạc để sẵn sàng chia sẻ với người khác khi cần thiết.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tâm hồn quảng đại và nhạy bén biết chạnh thương trước những đau khổ của tha nhân để con sẵn sàng chia sẻ với họ bằng một tình yêu đích thực.


Các Thánh Denis, Rusticus và Eleutherius
(c. 258?)
Điều đầu tiên chúng ta được biết về ba vị này là họ được tử đạo khoảng năm 258, theo như văn bản của Thánh Grêgôriô ở Tours thuộc thế kỷ thứ sáu.

Thánh Denis (hay còn được gọi là Dionysius) là người nổi tiếng nhất trong ba vị. Ngài sinh trưởng ở Ý, và vào khoảng năm 250 ngài được sai đi truyền giáo ở Gaul (bây giờ là nước Pháp) bởi Đức Giáo Hoàng Clêmentê cùng với năm vị giám mục khác.

Thánh Denis đặt địa bàn truyền giáo ở một hòn đảo trong vùng Seine gần thành phố Lutetia Parisorium -- sau này trở thành thủ đô Balê. Vì lý do đó ngài được coi là vị giám mục đầu tiên của Balê và là Tông Đồ nước Pháp. Ở đây ngài bị bắt cùng với Rusticus và Eleutherius. Các học giả sau này đề cập đến Rusticus và Eleutherius như linh mục và thầy sáu của Đức Giám Mục Denis, ngoài ra chúng ta không còn biết gì thêm.
Sau thời gian bị tù đầy và tra tấn, ba vị bị chém đầu và thân thể của họ bị ném xuống sông. Xác của Thánh Denis được những người tân tòng vớt lên và chôn cất. Một nhà nguyện được xây trên phần mộ của ngài mà sau này trở thành tu viện Thánh Denis.

Đến thế kỷ thứ chín, tiểu sử của Thánh Denis bị lẫn lộn với Thánh Dionysius người Areopagite, nhưng sau này các học giả xác định ngài là một vị thánh riêng biệt.

Thánh Denis thường được vẽ khi ngài tử đạo -- không có đầu (với một cành nho vươn lên từ cổ) và tay ngài cầm chính đầu của ngài với nón giám mục.

Được coi là vị thánh đặc biệt của Balê, Thánh Denis là quan thầy của nước Pháp.

Lời Bàn
Đây là trường hợp của một vị thánh mà chúng ta không biết gì nhiều, nhưng ngài là người được sùng kính trong lịch sử Giáo Hội qua nhiều thế kỷ. Chúng ta chỉ có thể kết luận là ảnh hưởng sâu đậm của thánh nhân đối với dân chúng trong thời đại của ngài chứng tỏ một đời sống thánh thiện khác thường. Trong những trường hợp như vậy, có hai sự kiện căn bản: Một người vĩ đại đã hy sinh cho Đức Kitô, và Giáo Hội không bao giờ quên họ được -- đó là dấu chỉ về sự lưu tâm vĩnh viễn của Thiên Chúa.

Lời Trích
"Sự tử đạo là một phần bản chất Giáo Hội vì nó nói lên cái chết tinh tuyền của người Kitô, cái chết vì đức tin. Qua sự tử đạo, sự thánh thiện của Giáo Hội thay vì vẫn còn trong giả tưởng, đã được biểu lộ cách tỏ tường nhờ hồng ân của Thiên Chúa. Ngay từ thế kỷ thứ hai, một người chấp nhận cái chết vì đức tin hay luân lý Kitô Giáo đều được noi gương và tôn kính như một vị 'martus' (chứng nhân). Danh từ này có nguồn gốc từ Kinh Thánh mà Đức Giêsu Kitô là 'chứng nhân trung tín' tuyệt đối (Khải Huyền 1:5; 3:14)" (Karl Rahner, Tự Điển Thần Học).


Cầu Nguyện Là Hơi Thở Của Linh Hồn

Thời Cách Mạng Pháp 1789, những người xây dựng chế độ mới muốn đánh đổ tất cả những gì mà họ gọi là tàng tích của mê tín dị đoan. Họ hỏi những người nông dân có muốn từ bỏ tôn giáo của họ không. Một người dân quê mùa chất phác đã trả lời như sau: "Bao giờ các ông làm cho sao trời rơi xuống thì chúng tôi sẽ thôi cầu nguyện".
Tự đáy tâm hồn mình, con người luôn luôn khát khao và đi tìm Thiên Chúạ Cầu nguyện, dưới hình thức này hay hình thức khác, là hơi thở của tâm hồn. Người ta có thể trói buộc tay chân con người, người ta có thể khóa chặt miệng lưỡi con người, nhưng không ai có thể ngăn cản con người cầu nguyện.
Cầu nguyện là nhựa sống của tâm hồn. Con người có thể chết dần trong thân xác vì bệnh tật, đau đớn hay bị hành hung, nhưng chính sự cầu nguyện nối kết tâm hồn con người với Thiên Chúa và đem lại cho con người sức sống vượt lên trên mọi thử thách và chết chóc.