Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

5 Phút cho Lời Chúa ngày 10/12/2017

Filled under:

SỐNG TÂM TÌNH CHỜ ĐỢI
“Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Chúa.” (Mc 1,3)
Suy niệm: Một tờ báo tại Paris vào thế kỷ 19 quảng cáo tìm người truyền giáo hải ngoại như sau: “Không lương bổng, không bảo hiểm, không tiền hưu trí, nhưng rất nhiều việc cực nhọc, một chỗ ở tồi tàn, rất ít an ủi, rất nhiều phũ phàng, đau ốm triền miên, một cái chết do bạo hành hay cô đơn và một ngôi mộ vô danh.” Cũng như các vị truyền giáo, Gio-an đã sống tất cả những khó khăn thử thách của người dọn đường cho Chúa. Ông sống đời chay tịnh, cô độc trong hoang địa đá vôi khô khốc, với cái nóng khắc nghiệt, giữa Giu-đê và Biển Chết. Ông sống khó nghèo, áo bằng da lạc đà, thức ăn đạm bạc (châu chấu và mật ong rừng). Kêu gọi người khác dọn đường, chính Gio-an đã là con đường đưa con người đến với Đức Giê-su. Mời gọi người khác sám hối, Gio-an đã sống tâm tình sám hối ấy trước.
Mời Bạn: Mỗi mùa Vọng, Gio-an Tẩy Giả đến hẹn lại lên. Mùa Vọng là mùa đợi chờ Đức Giê-su đến lần thứ hai. Gio-an chính là người giúp ta sống tâm tình chờ đợi tuyệt vời hơn cả, vì nơi ông, lối sống đi đôi với lời loan báo, hành động sánh vai với ý hướng. Đặc biệt hơn, ông không hướng người ta về với mình, nhưng chỉ dẫn họ đến với Chúa. Để là người giới thiệu Chúa cho người lân cận, bạn hãy sống như Gio-an.
Chia sẻ: Tại sao ông Gio-an Tẩy Giả có sức lôi cuốn với người đương thời?
Sống Lời Chúa: Xét xem trong lối sống của tôi lãnh vực nào lời nói và việc làm, hành động và ý hướng đang đối chọi nhau, và tìm cách sửa đổi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con nỗ lực để dọn đường cho Chúa đến trong tâm hồn, gia đình, đoàn thể chúng con trong mùa Vọng.

THÁNH MENKIAS
GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO
Sử liệu không để lại gì về đời thơ ấu của thánh nhân, song bằng vào công việc và nhân đức lúc trên ngai Giáo hoàng, người ta có thể đoán rằng buổi thiếu thời, Đức Menkias đã có một đời sống trong sạch đạo đức và một trí khôn minh mẫn. Ngài kế vị Đức Giáo Hoàng Êuxêbiô và ở Toà thánh Phêrô trong giai đoạn chót các cuộc bách hại công giáo nghĩa là khoảng từ năm 311 đến 314.
Ý thức tình trạng khó khăn, Giáo hội đang phải trải qua và nhiệm vụ cao cả của ngôi Giáo hoàng, Đức Menkias cố gắng đem hết tài lực ra làm vinh danh Chúa và dẫn dắt giáo hữu khỏi những điều sai lầm có nguy hại đến đức tin hay luân lý.
Thời ấy, lương dân có thói quen giữ chay ngày thứ năm và chủ nhật, vì tin rằng giữ chay vào những ngày đó sẽ đem lại nhiều hạnh phúc tránh được nhiều rủi ro. Thói quen ấy dần lan rộng và gây nên một phong trào đến nỗi nhiều giáo hữu ở Rôma đã đua theo. Nhận thấy các giáo hữu đã không giữ chay những ngày luật định, hơn nữa lại đã có sự lầm lạc gần như mê tín về ý nghĩa và công hiệu của việc chay tịnh, Đức Giáo Hoàng liền ra một thông điệp giảng dạy cho giáo dân hiểu rõ mục đích việc giữ chay, đồng thời ngài ngăn cấm giáo dân không được hùa theo thói tục của lương dân.
Mặc khác, đó cũng là thịnh đạt của lạc thuyết Manikê chủ trương có hai nguyên lý: một cho sự thiện và một cho sự ác. Học thuyết này cũng đã lôi cuốn được rất nhiều người mê theo, nhất là đám thanh niên và trí thức. Không thể để tình trạng này kéo dài được nữa, ngài liền gắng sức cầu nguyện xin Chúa xuống ơn và nỗ lực lấy lời lẽ khôn ngoan giảng khuyên những người con lạc đường ấy mau về nhà Cha. Kết quả thật vẻ vang, chỉ trong một thời gian ngắn, giáo đoàn Rôma lại duy nhất trong một đức tin, một chân lý và sốt sắng ganh đua nhau giữ đạo thánh Chúa.
Với tấm lòng cha chung rộng như trời bể, ngài còn nhìn rộng xem xa khắp các giáo đoàn trên thế giới, để hướng dẫn giáo hữu theo đúng con đường Chúa Kitô đã vạch. Nhận thấy bên Tây Ban Nha có sự hiểu nhầm về hai phép bí tích: rửa tội và thêm sức, Đức Thánh Cha liền gửi thư cho các Đức Giám mục Tây Ban Nha, đại ý ngài khuyên các đấng trọng quyền ưu tiên của Giáo hoàng, cũng như các thánh tông đồ xưa đã phục tùng thánh Phêrô, sau đó ngài cắt nghĩa cho các đấng hiểu rõ hiệu quả, giá trị của từng phép bí tích rửa tội và thêm sức. Ngài nhấn mạnh rằng: phép bí tích rửa tội cần thiết hơn phép thêm sức, vì nếu không chịu phép rửa tội, người ta không thể được rỗi linh hồn. Lại nhận thấy có sự lạm dụng trong việc thi hành phép thêm sức, nên ngài nhấn mạnh rằng thừa tác viên phép thêm sức phải có chức cao quý và xứng đáng, nên từ đó chỉ ai có chức Giám mục mới được ban nhiệm tích ấy.
Ngoài sự lo lắng về vấn đề đức tin và các phép bí tích, ngài còn lo chấn chỉnh hàng giáo phẩm và tăng cường số giáo sĩ. Vì thế ngài đã mở công đồng hàng tỉnh tại Nêôcêsarê để bàn về việc đó. Đồng thời ngay trong tháng chạp, ngài đã phong chức cho 11 Giám mục, 6 linh mục và 5 phó tế.
Tới khi Giáo hội được hưởng những ngày bình an do sắc lệnh của Hoàng đế Constantinô thì Đức Menkias lại nhắm mắt từ trần yên hàn trong tay Chúa Kitô ngày 10 tháng 12 năm 313. Ngài cai trị Giáo hội 2 năm 2 tháng 7 ngày.
Tuy ngài không được đổ máu ra để tuyên xưng đức tin, nhưng Giáo hội đã coi ngài như đấng tử đạo vì suốt đời ngài đã chịu nhiều đau khổ vì đạo Chúa, nhất là trong cuộc bách hại lâu dài của Mácximianô.
Thi hài ngài được mai táng trong đất thánh Calixtô trên đường đi Apia.
Ta hãy học nơi thánh Giáo hoàng Menkias lòng mạnh dạn can đảm tuyên xưng đức tin, và sốt sắng trong việc tông đồ, dù phải đau khổ hay bách hại, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì tin yêu Chúa Giêsu Kitô.

Quyền Con Người
Ngày mùng 10 tháng 12 năm 1948, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc đã long trọng tuyên bố bản tuyên ngôn quyền con ngườõ. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử nhận loại, cộng đồng thế giới đã đảm nhận trách nhiệm quảng bá và bênh vực quyền con người như một nghĩa vụ trường kỳ.
Khoản 1 và 2 của bản tuyên ngôn nhân quyền đã khẳng định rằng: Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng trong phẩm giá và quyền lợi, và mỗi một cá nhân, không phân biệt chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc dân tộc hay xã hộõ. đều được hưởng mọi quyền lợi và tự do, được công bố trong bản tuyên ngôn.
Trong 21 khoản đầu của tuyên ngôn, chúng ta có thể kể ra những quyền cơ bản sau đây: quyền được sống, được tự do và được đảm bảo an ninh cá nhân, quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền không bị tra tấn hay chịu những hình phạt độc ác, vô nhân đạo hay chà đạp phẩm giá con người, quyền được bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng, quyền được nại đến sự xét xử của những tòa án quốc gia có thẩm quyền, quyền không bị bắt giữ, giam cầm hay dày ải trái phép, quyền không bị độc đoán vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, quyền được đi lại, quyền được cư trú, quyền được một quốc tịch, quyền được kết hôn và lập gia đình, quyền được sở hữu, quyền được tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do phát biểu, tự do hội họp.
Ðó là một số những quyền và tự do cơ bản của con người.
Bản tuyên ngôn nhân quyền đã được công bố một thời gian ngắn sau đệ nhị thế chiến. Thảm kịch của chiến tranh đã cho nhân loại mỗi lúc một hiểu rằng hòa bình chỉ thực sự có khi con người biết tôn trọng quyền lợi và tự do căn bản của con ngườị Ngược lại, nơi nào quyền con người bị phủ nhận và chà đạp, thì cho dẫu không có chiến tranh đẫm máu, người ta chỉ sống trong một thứ hòa bình giả tạo mà thôi.
Nhìn nhận và tôn trọng quyền con người là bổn phận hàng đầu của người Kitô chúng ta vì chúng ta tin nhận rằng con người đã được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa và được cứu rỗi bằng chính Máu của Ðức Kitô. Ðó là tất cả phẩm giá của con người.
Với ý thức ấy, người Kitô luôn được kêu mời để nhận ra hình ảnh và sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi người và mỗi người, nhất là những người kém may mắn, cùng khổ nhất.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Edward Desmond được đăng trên tạp chí Time số ra ngày 04 tháng 12 năm 1989, Mẹ Têrêxa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 vì công tác phục vụ người nghèo tại Ấn Ðộ, đã xác quyết về công cuộc của Mẹ: đó là cái nhìn tôn trọng đối với người nghèọ Ðược hỏi: ơn cao trọng nhất mà Chúa đã ban cho Mẹ là gì? Vị sáng lập dòng Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái đã đáp gọn: "Ðó là người nghèo". Bởi vì, theo Mẹ Têrêxa, với người nghèo Mẹ có dịp ở với Chúa Giêsu 24 giờ mỗi ngày. Mẹ nói: "Họ là Chúa Giêsu đối với tôị Tôi tin tưởng ở điều đó còn hơn là làm những điều lớn lao cho họ".
Nhìn những người nghèo, những người cùng khổ, những người bị xã hội tước đoạt mọi quyền lợi và bị đẩy ra bên lề, như chính hiện thân của Chúa Giêsu: đó phải là cái nhìn và động lực của mọi hoạt động của người Kitô chúng tạ Tôn trọng nhân quyền, bệnh vực nhân quyền là thế đó.