Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

Tòa Thánh lên viếng về vụ thành Jerusalem

Filled under:

Tòa Thánh lên viếng về vụ thành Jerusalem.
Vatican (KNA 9-12-2017; Rei 10-12-2017; Vat. 11-12-2017) - Tòa Thánh quan tâm theo dõi diễn biến tình hình ở Trung Ðông, đặc biệt về thành Jerusalem, Thành Thánh đối với các tín hữu Kitô, Do thái và Hồi giáo trên toàn thế giới.
Trong thông cáo công bố hôm 10 tháng 12 năm 2017, Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết Ðức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ đau buồn với những cuộc đụng độ trong những ngày qua, gây nên nhiều nạn nhân. Ngài tái kêu gọi mọi người hãy tỏ ra khôn ngoan và thận trọng, đồng thời Ðức Thánh Cha dâng những lời cầu nguyện sốt sắng để các vị hữu trách của các dân nước, trong lúc đặc biệt trầm trọng này, dấn thân ngăn chặn một cái vòng bạo lực mới, bằng lời nói và việc làm, đáp ứng khát vọng hòa bình, công lý và an ninh của dân chúng tại phần đất đang chịu nhiều đau thương.
Mối lo âu về viễn tượng hòa bình trong vùng, trong những ngày này, là đối tượng của nhiều sáng kiến, trong đó có các khóa họp của Liên Minh Arập và các tổ chức cộng tác Hồi giáo được triệu tập trong những ngày này. Tòa Thánh nhạy cảm đối với các mối quan tâm ấy, và nhắc lại những lời tha thiết của Ðức Giáo Hoàng Phanxiô, tái khẳng định lập trường vốn có về tính chất đặc biệt của thành Thánh và sự cần thiết phải tôn trọng qui chế hiện nay, phù hợp với những nghị quyết của Cộng đồng quốc tế và nhiều lần được hàng giáo phẩm của các Giáo Hội và cộng đồng Kitô ở Thánh Ðịa yêu cầu.
Ðồng thời Tòa Thánh tái khẳng định xác tín theo đó chỉ có một giải pháp thương thuyết giữa người Israel và Palestine mới có thể mang lại một nền hòa bình ổn định và lâu dài, bảo đảm sự sống chung hòa bình của hai quốc gia có biên giới được quốc tế nhìn nhận" (Rei 10-12-2017)
Trước đó, hôm 9 tháng 12 năm 2017, Ðức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã bày tỏ lo âu về tình hình tại Thánh Ðịa sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và di chuyển đại sứ quán Mỹ về đây.
Tuyên bố với đài truyền hình Công Giáo Italia TV2000, Ðức Hồng Y Parolin nói: "Tình trạng thật đáng lo âu. Chúng tôi hy vọng nó không khơi lên một tiến trình gia tăng bạo lực và căng thẳng.. Chúng tôi mong sự khôn ngoan và thận trọng như Ðức Thánh Cha nói trong lời kêu gọi hôm 6 tháng 12 năm 2017 được đề cao. Chắc chắn quyết định di chuyển đại sứ quán Mỹ như thể làm cho nhiều vấn đề thêm phức tạp".
Hôm thứ sáu, 7 tháng 12 năm 2017, tức là hôm sau ngày tổng thống Donald Trump tuyên bố quyết định di chuyển Ðại sứ quán Mỹ về Jerusalem, các vụ biểu tình và bạo động của người Palestine tại miền Gaza và Cisjordani đã làm cho 2 người chết và 750 người bị thương. Không quân Israel đã oanh kích các kho võ khí ở Gaza làm cho 2 người chết, để trả đũa lực lượng Hamas từ Gaza bắn 2 hỏa tiễn vào lãnh thổ Israel.
Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại một số thủ đô các nước Hồi giáo như Amman của Giordani, Kairo Ai Cập, Baghdad, hoặc tại các nước như Thổ Nhĩ kỳ, Pakistan, Indonesia và Bangladesh. (KNA 9-12-2017)

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)


Ngày 12 tháng 12 năm 2017 đánh dấu kỷ niệm ngày đầu tiên tài khoản Twitter của Đức Giáo hoàng ra đời. Các tài khoản Twitter với chín ngôn ngữ đã làm cho Đức Giáo hoàng là một trong các nhân vật được theo dõi nhiều nhất trên thế giới.
Gần như mỗi ngày, một tin ngắn gởi cho 40 triệu người theo dõi qua chín ngôn ngữ (Anh, Pháp, La-tinh, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Ả rập, Bồ Đào Nha, Ba Lan).
Câu tweet đầu tiên: “Anh chị em thân mến, tôi hân hoan nối kết với anh chị em qua tài khoản Twitter. Tôi xin cám ơn sự đáp ứng quảng đại của anh chị em. Tôi xin hết lòng chúc lành cho anh chị em”. Đó là câu tweet đầu tiên Đức Bênêđictô XVI viết ngày 12 tháng 12 năm 2012. Tháng 2 năm 2013, Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm, các câu tweet của ngài được xóa nhưng Đức Phanxicô, vị kế nhiệm của ngài tiếp tục dùng tài khoản này.
Bốn ngày sau khi được bầu chọn, Đức Phanxicô viết câu tweet đầu tiên: “Anh chị em thân mến, tôi xin hết lòng cám ơn anh chị em đã tiếp tục cầu nguyện cho tôi”. Gần năm năm sau, chín tài khoản trong mỗi thứ tiếng của ngài đã gởi đi trong gần 1400 tin nhắn. Trên tài khoản tiếng Anh, tài khoản có nhiều người theo nhất, các câu tweet này được tweet lại 12 triệu lần và có ... 27 triệu lần like! 
Các câu trích trong các bài giảng và các tin nhắn có tính cách chính trị
Thường thường các câu tweet của giáo hoàng mang sứ điệp Tin Mừng, chẳng hạn câu tweet ngày 10 tháng 8 vừa qua: “Chúa Giêsu không để chúng ta một mình, vì chúng ta quý báu đối với Ngài”. Nhưng đôi khi các câu tweet mang tính cách chính trị như ngày 9 tháng 12 vừa qua, nhân Ngày Quốc tế chống Tham nhũng, ngài có câu tweet: “ Tham nhũng phải bị đánh gục bởi sức mạnh. Đó là sự dữ xây dựng trên việc thờ tiền bạc làm tổn thương đến nhân phẩm con người”.
Tài khoản Twitter cũng được dùng để ngài kêu gọi toàn thế giới như tháng 11 năm 2015, ngay ngày hôm sau vụ tấn công khủng bố ở nhà hát Bataclan ở Paris, ngài đã viết: “Tôi xin bày tỏ nỗi đau sâu xa của tôi trước sự tấn công khủng bố ở Paris. Xin anh chị em cùng cầu nguyện với tôi cho các nạn nhân và gia đình của họ. #PrayersForParis”. Hay ngài viết câu tweet nhân chiến dịch hỗ trợ cho cơ quan Caritas vào tháng 9 vừa qua: “Chúng ta không sợ hãi khi chia sẻ con đường của người di dân và người tị nạn. #ShareJourney .” 
Tài khoản Instagram
Các tin nhắn Đức Giáo hoàng viết thường là các câu trích trong các bài diễn văn hay các bài giảng của ngài, nhưng không phải chính ngài gởi đi. Câu tweet đầu tiên được Tổng Giám mục Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh gởi đi. Từ năm 2016 Hội đồng giáo hoàng phụ trách truyền thông xã hội phụ trách tài khoản này nhưng các câu tweet đều được văn phòng Phủ Quốc Vụ Khanh xem xét lại và được văn phòng thư ký riêng của Đức Giáo hoàng chuẩn chi.
Từ tháng 3 năm 2016, Đức Phanxicô có mặt trên một trang mạng xã hội khác, đó là trang chia sẻ hình ảnh Instagram. Ngoài các hình ảnh đẹp, tài khoản này cũng dùng để chuyển đi các sứ điệp. Tài khoản Instagram có 5 triệu người theo. Ngày 26 tháng 7 vừa qua, tài khoản Instagram đăng hình Đức Phanxicô đứng trước ảnh của cố Linh mục Jacques Hamel bị hai tên khủng bố hồi giáo ám sát năm 2016 ở Pháp.
Marta An Nguyễn dịch