Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

5 Phút cho Lời Chúa ngày 27/12/2017

Filled under:

NHANH CHÂN – BIẾT KÍNH TRỌNG
“Môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước, ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.” (Ga 20,3-4)
Suy niệm: Thánh Gio-an tông đồ gọi mình là môn đệ Chúa yêu. Trẻ trung hơn, nhanh chân hơn, nên chạy đến mộ Chúa trước, nhưng kính trọng thánh Phê-rô, người đàn anh và thủ lãnh các tông đồ, ngài nhường cho Phê-rô vào mộ trước mình. Phẩm tính này càng minh chứng cho tính dễ mến của thánh nhân. Là môn đệ Chúa yêu, ngài cũng là người mến Chúa sâu sắc, không lạ gì ngài yêu mến người thân cận như mức độ Thầy đã yêu mình. Nghệ thuật đắc nhân tâm khuyên các người trẻ hãy tận dụng khả năng, sức lực của mình nhưng không vì thế tỏ ra lấn lướt bậc trưởng thượng. Kính trên nhường dưới không chỉ là chuyện nhân văn, mà còn là một phẩm chất của người môn đệ Chúa.
Mời Bạn: Các nhà giáo dục nhiều lần lên tiếng về tình trạng người trẻ thiếu kính trọng người lớn tuổi trong xã hội Việt Nam hôm nay. Là môn đệ Chúa, bạn được mời gọi yêu mến người khác như Chúa Giê-su đã yêu thương bạn. Vì thế, nếu bạn là người trẻ, hãy nhìn nhận giá trị của người lớn tuổi, và có thái độ tôn kính xứng hợp. Nếu là người cao tuổi, bạn hãy có cái nhìn bao dung hơn, và sống xứng đáng để người trẻ có thể kính trọng bạn cách tương xứng.
Sống Lời Chúa: Hãy học thái độ của Thánh Gio-an: tôn kính người trên mình – các bề trên, người lớn tuổi hơn; nhường nhịn người dưới mình – các thuộc cấp, người trẻ tuổi hơn.

Cầu nguyện: Lạy Thánh Gio-an, xin cho con biết noi gương ngài: yêu mến Chúa bằng tất cả sức lực thể lý và tinh thần của con. Amen.

THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ
" Thiên Chúa là Tình yêu " (1 Ga 4, 16)
Khi thánh Gioan tiền hô ra giảng ở bờ sông Giođanô và làm phép rửa cho dân chúng, ngài cũng có những môn đệ theo mình. Một ngày kia khi thánh nhân và hai môn đệ đang ngồi trên bờ sông thì Chúa Giêsu đi qua. Thánh Gioan tiền hô giơ tay chỉ Chúa và nói: "Đây là Con Chiên Thiên Chúa". Nghe vậy, hai môn đệ liền bỏ thầy mình mà theo Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu quay lại và thấy họ đi theo, Người hỏi: "Các ông tìm aỉ". Họ thưa: "Thưa Thầy, xin Thầy cho biết Thầy ở đâu?". Chúa nói: "Hãy đến mà xem". Các ông đi theo đến nơi Người ở và ở lại với Người cả đêm hôm đó. Một trong hai môn đệ đó là Anrê. Còn môn đệ thứ hai, Phúc âm không cho biết tên, người ta luận rằng là Gioan mà vì khiêm nhường nên tác giả Phúc âm thứ bốn đã không muốn ghi tên mình trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với Con Đức Chúa Trời. Gioan lúc đó mới chừng 25 tuổi, sinh ra tại Bethsaida một thị trấn nhỏ trên bờ hồ Tibêria. Thân phụ ngài là ông Zêbêđê làm nghề chài lưới ở hồ. Gia đình Gioan cũng vào bậc khá giả, có thuyền có lưới có người làm thuê. Bà Salômê, thân mẫu Gioan, rất nhiệt thành với việc truyền đạo; đã giúp công giúp của cho Chúa nhiều.
Gioan là một thanh niên đầy nghị lực, ngày ngày đi đánh cá với anh là Giacôbê, ông này sau cũng theo Chúa làm tông đồ và chịu tử đạo tại thành thánh Giêrusalem.
Theo truyền thuyết của các Giáo phụ, thì bà Salômê có họ với gia đình Chúa Giêsu. Vì thế cũng như Gioan tiền hô, Gioan và Giacôbê là anh em họ với Chúa Giêsu. Cả hai vì đời sống ngay thẳng, đức tính tốt nên đã sẵn sàng đón nhận tinh thần tông đồ của Đấng thiên sai.
Tuy nhiên sau cuộc hội ngộ đầu tiên với Chúa Giêsu, Anrê và Gioan lại trở về nghề cũ đợi cho đến một ngày kia Chúa Giêsu chính thức kêu gọi các ông làm môn đệ và các ông thực tình theo Chúa.
Nhưng dù đã được Chúa Giêsu gọi, Gioan cũng như các bạn ngài chưa tiến đến tột đỉnh của đường trọn lành. Ngài vẫn còn là một dân chài mộc mạc, đôi khi cứng cỏi. Nhưng Chúa Giêsu đã huấn luyện dần dần biến cải những người đánh cá chất phác đôi khi thô lỗ ấy thành những kẻ "đánh cá người" đầy tài năng đức độ, luôn luôn có tâm hồn quảng đại và những ước vọng siêu nhiên. Qua những câu truyện dưới đây, người ta sẽ thấy rõ hơn những nét tính tự nhiên của Gioan và tâm tính hiền từ mà Chúa Giêsu đã muốn cho các môn đệ Người phải có.
Một ngày kia Gioan thấy có mấy môn đệ không thuộc về nhóm tông đồ của Chúa Giêsu làm phép lạ, ngài vội vã tới trình Chúa vì cho đó là một sự lạm dụng: "Thưa Thầy, chúng con đã thấy có người lấy tên Thầy mà đuổi quỉ, nhưng họ chẳng thuộc về nhóm chúng con, nên chúng con đã ngăn cản họ". Nhưng Chúa Giêsu nói: "Đừng ngăn cản họ, vì kẻ nào không chống lại các con, tức là về phe các con".
Rồi một hôm khác, Chúa Giêsu từ thành thánh trở về, Người muốn qua miền Samaria, nhưng dân cư trong miền vì thù nghịch với người Do thái, nên không muốn tiếp nhận những người lên Giêrusalem hành hương. Tức thì Gioan và Giacôbê, "con cái của sấm sét", như người ta thường gọi, phẫn uất và tức giận đã xin Chúa Giêsu cho phép lấy lửa trên trời xuống thiêu hủy họ. Nhưng Chúa Giêsu ôn tồn nói: "Các con chẳng biết các con thuộc tinh thần nào. Các con không còn sống vào thời Êlia nữa, không còn sống dưới luật pháp và sự sợ hãi nữa. Thời gian của Đấng thiên sai đã đến, và với Người ơn nghĩa và lòng tha thứ sẽ ngự trị trên trái đất".
Nhưng Gioan và Giacôbê vẫn chưa hiểu lời Chúa; các ông vẫn còn chưa thấu đáo được tinh thần của Thầy chí thánh. Rồi bà Salômê mẹ thánh Gioan cũng nhầm lẫn như con, nên một ngày kia bà đem hai con đến tìm gặp Chúa và thưa với Người: "Xin Thầy hãy truyền cho hai con tôi đây, một đứa ngồi bên tả, một đứa bên hữu Thầy trong nước Thầy trị".
Chúa Giêsu biết rõ những kẻ chủ mưu, nên Người không nói với bà Salômê. Chúa Giêsu quay lại phía Gioan và Anrê mà nói: "Các con chẳng hiểu điều các con xin. Các con có thể uống chén Thầy uống chăng?". Hai ông không hiểu rõ lời Chúa, nhưng cũng vội vàng thưa: "Thưa Thầy, chúng con uống được". Nhân đó Chúa Giêsu tiên báo cho hai ông phúc tử đạo mà một ngày kia hai ông sẽ được, chứ không hứa thưởng công cho các ông theo tham vọng trần gian.
Dầu vậy trong trường tông đồ, Gioan vẫn chiếm được một địa vị đặc biệt trong Trái tim của Chúa. Chính Chúa Cứu Thế nhiều lần cũng đã tỏ lộ lòng trìu mến của Người đối với người môn đệ trinh khiết. Gioan được tham dự, được dự kiến những mầu nhiệm và những phép lạ đặc sắc nhất của Thầy Chí Thánh, mà đám đông quần chúng và ngay cả nhiều tông đồ cũng không được hạnh phúc ấy. Ngài đã cùng với thánh Phêrô và Giacôbê chứng kiến Chúa Giêsu cho con ông Giairô sống lại. Đây là lần đầu tiên Gioan thấy quyền lực của Đấng thiên sai thắng vượt sức mạnh của sự chết. Ít lâu sau, cũng chỉ với ba tông đồ trên, Chúa Giêsu đã dẫn các ông lên núi Taborê để cho các ông xem thấy sự cả sáng của Người.
Với đời sống gần gũi, mật thiết với Thầy Chí Thánh, Gioan đã nhận được những cái nhìn trìu mến, đã thường xuyên chiêm ngắm Thiên Chúa Nhập Thể. Nhờ đó, ngài đã am hiểu sâu xa về giáo lý của tình yêu.
Trong bữa tiệc ly, sau khi đã dự tiệc Thánh Thể, thánh Gioan nhè nhẹ dựa đầu vào ngực Chúa, một cử chỉ biểu lộ tình yêu nồng nàn của thánh nhân, khi sự thông cảm giữa Cha và con tiến đến tột bực. Trong cử chỉ ấy, thánh nhân đã múc lấy nguồn tình yêu để sau này phân phát, giãi bày cho nhân loại. Đồng thời ngài cũng nhận lấy lòng kiên trì, đức can trường mà ngài sắp tỏ ra.
Thực vậy, sau đấy chỉ mình Gioan có can đảm theo Chúa Giêsu từ vườn Dầu đến nhà Caipha, rồi từ nhà Caipha tới đồi Canvê. Và gần đây, bên thánh giá, giờ Chúa hấp hối, ngài đã đứng bên Mẹ Chúa cùng với mấy bà đạo đức, trong đó có cả thân mẫu ngài. Khi Chúa Giêsu gần tắt thở, nhìn xuống thấy môn đệ thân yêu đang đứng đấy, Chúa đã nói cùng Mẹ Maria: "Này Bà, đây là con Bà". Rồi Người quay lại nói với môn đệ: "Này con, đấy là Mẹ con". Rồi từ đấy, thánh Gioan theo lời trối của Thầy đã đem Mẹ Maria về nhà mình để phụng dưỡng.
Thánh Gioan đã nếm những giờ phút đau khổ, giờ phút tử nạn của Thầy Chí Thánh, thì chính thánh nhân cũng nhận được sớm hơn ai hết những sự vui mừng của ngày Chúa phục sinh. Khi mẹ ngài ra thăm mồ và thấy mồ trống, bà liền chạy về cho con và Phêrô hay. Hai tông đồ nghe tin đều cảm động, tất tả chạy tới mồ và lòng tràn ngập vui mừng vì tin rằng Thầy đã sống lại.
Trong 40 ngày còn ở lại dưới thế, Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ nhiều lần. Một ngày kia, đang khi các ông đánh cá, Chúa hiện ra đi trên bờ hồ, nhưng các môn đệ không ai nhận biết Người, chỉ có một mình Gioan sớm nhận ra đó là Thầy và bảo Phêrô: "Thầy đấy". Thánh Ambrôsiô luận rằng: Sự trinh khiết của Gioan đã giúp ngài nhận thấy ngay Đấng hoàn toàn khiết trinh.
Khi Chúa đã về trời rồi và sau ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, thánh Gioan không rời thành thánh ngay. Ngài ở tại nhà cùng với Đức Mẹ Maria. Cùng với Mẹ Chúa, ngài đi thăm viếng những nơi Chúa đã chịu đau khổ, trao đổi với Đức Mẹ những mầu nhiệm cao trọng. Do ơn Thầy Chí Thánh, dần dần Gioan thấu hiểu những mầu nhiệm bí nhiệm ấy. Dưới sự dẫn dắt của Đức Mẹ và thánh Phêrô, ngài cộng tác vào việc kêu gọi con cái Israel trở lại với Chúa.
Một ngày kia thánh Phêrô và thánh Gioan đi vào đền thờ để cầu nguyện. Hai vị gặp một người nghèo, què xin của bố thí. Hai tông đồ nhìn hắn và nói: "Hãy nhìn chúng tôi", và thánh Phêrô thêm: "Tôi không có vàng, không có bạc, nhưng cái gì tôi có, tôi sẽ cho anh; vậy nhân danh Chúa Giêsu Nagiarét, anh hãy đứng dậy mà đi". Tức thì người què được lành ngay.
Dân chúng kinh ngạc vì phép lạ đã vây lấy hai người mà nghe lời giảng dạy. Nhưng các nhân viên hội đồng cộng tọa thấy các ngài giảng nhân danh Đấng bị đóng đanh, liền hạ lệnh bắt giam các ngài. Đến sau vì sợ dân chúng nổi loạn nên họ phải tha các ngài.
Sau khi Đức Mẹ qua đời và sau khi thành Giêrusalem bị tàn phá, thánh Gioan từ bỏ thành thánh tới giảng đạo ở miền Tiểu á. Đến đây thánh Gioan hoàn thành công việc của vị tông đồ dân ngoại, vì trước đây thánh Phaolô đã qua giảng đạo tại đó. Ngài tổ chức được rất nhiều giáo đoàn thịnh vượng và thường ở lại Êphêsô để cai quản toàn thể Giáo hội miền đông. Nhiều người cho rằng chính Đức Mẹ đã ở Êphêsô với thánh Gioan. Thế nên ở Êphêsô có một nhà của Đức Mẹ mà khách thập phương thường tới kính viếng.
Trong khi rao giảng Tin mừng, thánh nhân luôn luôn đả phá sự tôn thờ các thần minh nhất là đạo thờ bụt Điana đang thịnh hành ở miền đó. Nhưng những người thuộc giáo phái đó cáo ngài với chính quyền Rôma, ngài bị bắt điệu tới Rôma vào thời Hoàng đế Đômixianô và bị buộc tội khinh bỉ các thần minh. Vì thế vào năm 95, ngài bị đầy ra đảo Pátmô trong biển Êgiê để làm nghề thợ mỏ.
Trong thời gian lưu đày, thánh Gioan vừa làm việc vừa cố gắng đem Tin Mừng đến cho dân chúng trong hải đảo. Cũng trong thời kỳ này, thánh nhân đã viết bức thư gửi cho giáo đoàn, tức cuốn Khải huyền mà mỗi câu là một ý tưởng huyền nhiệm vượt quá trí hiểu thông thường.
Sau khi Đômixianô chết, nghị viện tiêu hủy những án lệ của bạo vương, nên Gioan được trở về Êphêsô vào năm 97. Vào thời kỳ này các môn đệ nài xin thánh nhân viết lại đời sống Chúa Giêsu. Sau khi cầu nguyện để xin ơn soi sáng. Ngài nhận lời và viết Phúc âm thứ bốn, cuốn Phúc âm đầy những tư tưởng cao siêu về Chúa mà chỉ mình Gioan hiểu thấu và phổ biến cho nhân loại. Người cũng chỉ viết ba bức thư hàm súc đầy tình bác ái Kitô giáo.
Thánh tông đồ thích chủ tọa các buổi hội họp tín đồ và đặc biệt nêu cao giới răn bác ái. Vì vậy khi đã già không thể đi lại được nữa, thánh nhân sai người cáng tới các buổi hội và nói đi nói lại rằng: "Các con thân mến, các con hãy yêu thương nhau". Chán nản vì chỉ nghe mãi một lời, các tín đồ thưa: Thưa thầy, sao thầy cứ nói mãi một lời". Ngài nói: "Đó là luật riêng của Chúa, nếu các con thực hành trọn thì bấy nhiêu là đủ rồi".
Lời nói trên là chứng tích của môn đệ "được yêu riêng". Thánh Gioan cũng là tông đồ sống cuối cùng; ngài sống thọ hơn 100 tuổi và chết bình an vào ngày 27 năm 101 tại Êphêsô, nơi ngài đã đem hết tâm lực để rao truyền giới răn bác ái mà ngài đã lĩnh nhận nơi Thầy chí thánh.
Hiện nay ở Rôma có một đền thờ dâng kính thánh nhân với danh hiệu là nhà thờ thánh Gioan cửa thành. Ngôi thánh đường này sở dĩ có là do một truyền thuyết ít đáng tin cậy cho rằng thánh Gioan, trong thời bắt đạo, đã bị bỏ vào vạc dầu sôi và đã được Thiên Chúa cứu thoát cách lạ.

Ngạc Nhiên
Tại miền Provence thuộc miền Nam nước Pháp, có một máng cỏ khá nổi tiếng. Ða số các nhân vật trong máng cỏ, du khách thường để ý đến một con người nhỏ bé với hai bàn tay mở ra trống trơn, nhưng gương mặt lại để lộ một vẻ ngạc nhiên khó tả. Chính vì thế mà người ta đặt tên cho nhân vật này là "ngạc nhiên".
Người địa phương thường giải thích về sự ngạc nhiên trên gương mặt của nhân vật này bằng một câu chuyện như sau: Một hôm tất cả các nhân vật trong máng cỏ, kể cả mấy chú bò lừa, đều tỏ ra khó chịu đối với nhân vật có tên là "ngạc nhiên" này, bởi vì anh ta không có gì để mang tặng cho Chúa Hài Nhi, ngoài hai bàn tay trắng của anh. Họ sỉ vả anh như sau: "Mày không biết xấu hổ saỏ Mày đến chầu Hài Nhi Giêsu mà không mang theo gì cả?".
Nhưng con người có tên là "ngạc nhiên" ấy không để lộ một phản ứng nào, đôi mắt của anh vẫn mở to và chăm chú nhìn vào Hài Nhi Giêsu.
Những lời rủa sả cứ tiếp tục trút xuống trên anh, đến độ Ðức Maria phải lên tiếng để biện hộ cho anh như sau: "Quả thực anh "ngạc nhiên" đã đến với Hài Nhi Giêsu với hai bàn tay trắng. Nhưng anh đã mang đến món quà cao đẹp nhất: đó là sự ngạc nhiên của anh! Ðiều này có nghĩa là Tình Yêu bao la của Thiên Chúa đã chiếm trọn tâm tư của anh".
Và Ðức Mẹ kết luận như sau: "Thế giới này sẽ kỳ diệu biết bao nếu luôn có những con người như anh "ngạc nhiên", biết ngây ngất vì ngạc nhiên".
Người ta thường nói: "ngạc nhiên" là khởi đầu của khám phá. Có biết ngạc nhiên, có biết đặt câu hỏi, người ta mới đặt ra giả thuyết rồi mới tìm tòi, khảo sát và khám phá... Sự tiến bộ của loài người bắt nguồn từ chính sự ngạc nhiên.
Trong lĩnh vực siêu nhiên cũng thế, Thiên Chúa đã ban cho con người khả năng biết ngạc nhiên, biết chiêm ngắm để khám phá ra Tình Yêu bao la của Ngài.  Cả vũ trụ là một quyển sách luôn được mở ra để mời gọi con người tìm đọc được Lời Ngỏ yêu thương của Chúa.  Lịch sử của nhân loại, cuộc đời của mỗi người cũng là một kỳ công, qua đó Thiên Chúa không ngừng bày tỏ Tình Yêu của Ngài.
Ðức Kitô Phục Sinh mang lại cho chúng ta sức sống mới với đôi mắt mới.  Với đôi mắt mới ấy, chúng ta không ngừng được mời gọi để đi vào sự ngạc nhiên và ngây ngất trước Tình Yêu của Thiên Chúa.  Tình Yêu ấy nhiệm màu đến nỗi chúng phải vượt qua nhãn giới bình thường của chúng ta để nhìn thấy được và cảm nếm được những gì không nằm trong sự đo lường, tính toán của chúng ta.  Do đó, người có cái nhìn ngạc nhiên và ngây ngất luôn phó thác cho Tình Yêu của Chúa. Trong lúc thịnh vượng, họ thốt lên lời ca chúc tụng tri ân đã đành, mà đứng trước thất bại, khổ đau, mất mát, họ vẫn có thể nhìn ra dấu ấn Tình Yêu của Chúa.