Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017

5 Phút cho Lời Chúa ngày 23/12/2017

Filled under:

ƠN GỌI TỪ THUỞ NẰM NÔI
Ông Da-ca-ri-a xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” (Lc 1,63)
Suy niệm: Thật là một cảnh tượng ấm cúng khi những người láng giềng và thân thích đến chúc mừng ông bà Da-ca-ri-a hạ sinh quý tử trong lúc tuổi già. Một chút trục trặc nhỏ khi hai ông bà nhất định không chịu đặt tên con trẻ theo truyền thống! Nhưng cũng nhờ tin và làm theo lời sứ thần mà đặt tên con là Gio-an mà ông cụ đã khỏi câm để gửi gắm cho con sứ mạng mà Chúa muốn chuyển giao qua trung gian của ông: “Con sẽ là ngôn sứ của Đấng Tối Cao” (c. 76). Những dấu lạ ấy dù ít nhiều chưa được rõ ràng, thì cũng đủ để mọi người chung quanh hiểu rằng hài nhi Gio-an đã Thiên Chúa được kêu gọi để thực thi một sứ mạng quan trọng của Ngài. Chính cộng đoàn thân thương gồm gia đình và bà con lối xóm đó là cái nôi nuôi dưỡng ơn gọi của nhà tiên tri nhỏ bé được lớn lên và thành toàn.
Mời Bạn: Giáo hội vừa tuyên phong ông bà Martin, thân sinh của thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su và các chị em đều là các nữ tu dòng kín Cát Minh. Rất nhiều linh mục tu sĩ cũng đã xác nhận ơn gọi của mình được ươm mầm từ trong mái ấm gia đình. Tất cả mọi ơn gọi, dù là ơn gọi nên thánh của mọi người, hay ơn gọi sống bậc tu trì của một số người, chỉ có thể phát triển cách sung mãn nhất khi được nuôi dưỡng ngay từ thuở nằm nôi.
Chia sẻĐâu là đặc điểm thiết yếu nhất của nếp sống gia đình Ki-tô hữu?
Sống Lời Chúa: Trung thành duy trì giờ cầu nguyện chung trong gia đình.cộng đoàn. Luôn nhớ làm gương sáng trong gia đình.cộng đoàn trong mọi lời nói và mọi cư xử.

Cầu nguyệnDành ít phút cầu nguyện cho các gia đình hay đọc kinh Gia Đình.

THÁNH GIOAN KENTY
LINH MỤC
Gioan sinh năm 1390 tại Kenty gần Ô-xuy-xim, phía tây Cracôvia. Cha mẹ ngài là những người dân quê giầu sang, có nhiều uy tín trong làng, nhất là nêu cao gương sáng đức tin công giáo. Vì biết Gioan có nhiều thiên tư đặc biệt, nên ông bà đã gửi con lên học tại Cracôvia ngay khi cậu còn nhỏ tuổi. Cracôvia lúc ấy vừa là trung tâm thương mại và kỹ nghệ, vừa là thành phố nổi tiếng văn học, đã sinh ra nhiều học giả uyên thâm, trong đó có Gioan.
Năm 1417, Gioan đậu bằng tiến sĩ triết học, rồi tiến sĩ thần học. Nhưng nhà học giả của chúng ta cũng là người yêu sống khổ hạnh. Người ta kể lại rằng hằng ngày ngài thường bớt khẩu phần của ngài cho người nghèo khó đứng chờ đợi ở cửa phòng ăn. Cử chỉ bác ái ấy đã lưu truyền mãi về sau, đến nỗi mỗi khi có ai đem của ăn cho người hành khất, người ta quen nhắc lại gương sáng của thánh Gioan bằng một câu nói đầy ý nghĩa: "Người thánh Gioan yêu mến đã đến!" Cũng vì bác ái thúc đẩy, có lần ngài đã cởi áo choàng cho người đói rách bị tê cứng vì rét mướt nằm bên vệ đường.
Ngài được thụ phong linh mục và giữ chức kinh sĩ tại giáo đường Cracôvia. Ngài cũng dạy thần học tại đại học Cracôvia. Người ta cho rằng chính ngài đã viết về bộ tổng luận của thánh Tôma, về cuốn Giáo phụ Kim ngôn của Phêrô Lômbađô và đã chú giải cuốn Phúc âm thánh Matthêu.
Thời ấy Giáo hội Balan phải chịu nhiều thảm cảnh đau thương: trước hết là vua Casimiô chiếm quyền tôn giáo, đoạn tuyệt với Toà thánh Rôma, tự mình cắt đặt hoặc triệt hạ các Giám mục, các tu viện trưởng. Chính ông đã gây nên nạn buôn bán chức thánh và trăm ngàn cách tham nhũng mỗi ngày một trầm trọng. Đức tin và luân lý vì thế mỗi ngày một xuống dốc. Khi Casimiô băng hà, nạn chiếm quyền tôn giáo tuy có giảm, nhưng nạn tranh luận và bút chiến giữa các tôn giáo lại nẩy sinh, đôi khi gây nên bầu khí căng thẳng đến đổ máu. Sử gia Dlugoss ghi chú rằng năm 1434, thành phố Canthy bị tàn phá do cuộc chiến tranh giữa các đồ đệ phái Huss và Jiska gây nên. Lúc đó cha Gioan đôi khi cũng đứng ra tranh luận. Nhưng ngài bàn cãi cách dịu dàng và ôn hòa theo ánh sáng đức tin và tinh thần bác ái Phúc âm. Nên mỗi khi đối thủ của ngài thốt ra những lời nguyền rủa bất xứng thì ngài vẫn điềm nhiên đáp lại: "Tạ ơn Chúa". Hay đọc một câu thánh vịnh mà các tu sĩ ở núi Cassinô quen đọc: "Lạy Chúa xin hãy đến giúp con". Suốt đời, mỗi khi gặp khó khăn và đau khổ, thánh nhân thường tự nhủ: Hãy ngước mắt lên Chúa Kitô tử nạn. Ngài là sức mạnh, là gương mẫu và là Đấng đáng yêu mến.
Năm 1437 ngài nhận làm cha xứ giáo xứ Ôn-kút. Ngài sống với giáo dân với hết tình thương yêu của một người cha, như xưa Chúa Giêsu sống với các tông đồ: ngài lo cho họ học hiểu về Phúc âm, giáo lý, nhất là phát triển tinh thần bác ái huynh đệ. Ngài quên mình là nhà trí thức, để hòa mình với đời sống nghèo khổ và chất phác của họ hầu nâng cao tâm trí, và giúp họ thánh hóa chính đời sống họ. Nhờ gương nhân đức và những hoạt động bên ngoài của cha, Ônkút không bao lâu đã trở thành một trong những giáo xứ gương mẫu nhất của địa phận. Sau này khi nói về đời sống của cha, Đức Giám mục đã không ngần ngại quả quyết: "Cha Gioan đã là một cha xứ thánh thiện và nhiệt thành trước khi là một giáo sư hữu danh". Nhưng không bao lâu, ngài lại vâng lời bề trên, từ bỏ nhiệm vụ cha xứ để tiếp tục nghề giáo sư tại đại học Cracôvia. Cũng thời ấy cha Gioan hân hạnh được tuyển vào ban nghiên cứu và dạy Thánh kinh cho các Hoàng tử trong cung điện nhà vua.
Càng về cuối đời, cha Gioan càng hăng say làm việc và tập luyện nhân đức. Tuy sống trong cung điện và giữ ghế giáo sư đại học, cha Gioan vẫn ăn mặc đơn sơ và nêu cao đức khó nghèo. Người ta kể: một hôm ngài được các nhà quí phái mời tới nhà họ dự tiệc. Nhưng vì ngài ăn bận giản dị quá nên các gia nhân không cho ngài vào. Ngài phải thay đổi y phục người ta mới tiếp đón ngài vào dự tiệc. Đứa hầu bàn vụng về làm đổ vào ngài ít đồ ăn, ngài bình tĩnh chữa lỗi cho hắn: "Chính nhờ bộ quần áo này mà tôi được vào nơi đây, vậy thì nước dơ này làm bẩn nó đi là phải lẽ rồi". Có lẽ lúc ấy ngài thầm nghĩ tới bài dụ ngôn về áo cưới trong Phúc âm thánh Matthêu.
Quả thực, cha Gioan đã sống và chết trong tinh thần khó nghèo và khiêm tốn. Ngay khi vừa lâm bệnh, cha đã xin cho được nằm chịu bệnh và chết trên đống tro. Ngài qua đời ngày áp lễ Giáng sinh năm 1573, hưởng thọ 83 tuổi. Mọi người đều nhận ngài là một vị đại thánh. Mathyas Miêchon xuất bản một tờ báo ghi những phép lạ của thánh Gioan từ năm 1475 tới năm 1519. Tờ báo này ghi lại nhiều điều bình phẩm lý thú về tập quán và phong tục của người Balan hồi thế kỷ XV. Thi hài thánh nhân được mai táng trong thánh đường thánh nữ Anna tại Cracôvia.
Năm 1628, cha xứ giáo đường Cracôvia xuất bản một tập sách viết về cuộc đời thánh Gioan cùng với những phép lạ mà Miêchon đã đề cập tới trước đây. Năm 1680, Đức Giáo Hoàng Innôcentê XII ban phép cho miền Cracôvia và nước Ba-lan được mừng lễ kính thánh Gioan và ấn định lễ đó vào ngày 19 tháng 10.
Năm 1767, Đức Giáo Hoàng Clêmentê XIII tôn phong chân phúc Gioan lên hàng hiển thánh. Người ta chọn ngày 20 tháng 10 để tôn kính thánh nhân.


Một Căn Nhà Trật Tự

Giá trị của một ngôi nhà chính là được con người cư ngụ. Một mái nhà tranh nhưng đầy ắp tiếng cười tiếng khóc của trẻ thơ vẫn đầm ấm hơn một dinh thự bỏ trống. Chúng ta có thể xác quyết rằng sự sinh sống, sự hiện diện, sự cư ngụ của con người trong căn nhà đã giữ gìn và bảo trì nó khỏi hư nát. Nhưng một khi con người bỏ đi, căn nhà sẽ trở nên tồi tàn. Sức mạnh, vẻ đẹp, sự linh động, sự tồn tại của ngôi nhà chính là được cư ngụ.
Cũng giống như thế, đời sống của chúng ta phải là một ngôi nhà được cư trú, được chiếm ngự. Nhưng cư trú ở đây không có nghĩa là chất chứa những vật dụng lỉnh kỉnh. Sự đầm ấm của một ngôi nhà còn tùy thuộc ở sự sắp xếp, sự bài trí. Ngôi nhà càng lộn xộn, càng dơ bẩn, thì càng trật trội, càng nóng nực.
Ðời sống của chúng ta có thể là một căn nhà đầy ắp, nhưng lại thiếu trật tự, thiếu ngăn nắp, thiếu sự hiện hữu linh động và những điều kiện tinh thần để bảo trì căn nhà đời sống của chúng ta.
Ngôi nhà của chúng ta có thể là một cao ốc với không biết bao những tầng lầu của lo lắng, đau buồn, bận bịu và sợ hãị Chúng ta chất chứa cho cuộc sống chúng ta đầy ắp, nhưng những chất chứa ấy chỉ làm cho ngôi nhà của chúng ta ra buồn thảm, nhơ bẩn.
Giáng Sinh sắp đến. Có lẽ gia đình nào cũng muốn cố gắng trưng bày một máng cỏ, một hang đá trên bàn thờ, trong một phòng khách. Căn nhà của chúng ta như sáng hẳn lên, như vui hẳn lên, vì sự hiện diện của Hài Nhi Giêsu.
Trong niềm rạo rực của những ngày chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta hãy mở rộng căn nhà cuộc đời của chúng ta để cho Chúa đến chiếm ngự. Ðã hai ngàn năm qua, Ngài đã đi tìm một chỗ trú ngụ. Ngài đến gõ cửa từng tâm hồn con ngườị Có còn một chỗ trống nào trong căn nhà của chúng ta không hay tất cả đều được chiếm ngự bởi không biết bao thứ lỉnh kỉnh khác như đam mê, ích kỷ, hận thù, ganh ghét và bao tâm tình bất chính khác. Hãy để cho Ngài chiếm trọn căn nhà cuộc đời chúng ta và chúng ta sẽ nghe được khúc nhạc du dương của các Thiên Thần: "Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm".
Bình an sẽ tràn ngập căn nhà của chúng ta, niềm vui sẽ tỏa lan trong căn nhà của chúng ta, ánh sáng sẽ chan hòa căn nhà của chúng ta nếu chúng ta để cho Ngài chiếm trọn.
Hôm nay đây, trong giờ phút này đây, Ngài cũng đang nói với chúng ta như đã từng nói với Gia Kêu: "Hôm nay đây, Ta sẽ đến và cư ngụ trong nhà ngươi".
Cách đây 10 năm, giữa quảng trường thánh Phêrô, một con người đến từ một thế giới chỉ có đe dọa, sợ hãi đã hô lớn: "Ðừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Ðức Kitô". Hãy mở rộng cửa cho Ðức Kitô, chúng ta sẽ được niềm vui trọn vẹn trong tâm hồn.
Ưu buồn, lo lắng vì không biết bao nhiêu khó khăn và thử thách trong cuộc sống, chúng ta hãy tin tưởng và vui lên vì sự cư ngụ của Chúa Giêsu chính là sức mạnh, chính là niềm tin của chúng ta.