Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 28/12/2017

Filled under:

“Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù”
(1Sm 1, 20-22.24-28; 1Ga 3, 1-2.21-24;
Mt 2, 13-18)

13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! “
14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.15Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a:18 “Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.
Suy niệm 1
  1. Sự Dữ
Dưới ánh sáng của bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu trong ngày lễ kính các Thánh Anh Hài, điều đầu tiên chúng ta được mời gọi ghi nhận và để cho mình được đánh động, đó là sự kiện Hài Nhi Giê-su vừa mới sinh ra, nhưng đã có người tìm giết, nghĩa là đã có loại trừ, đã có bạo lực, và sâu xa hơn Sự Dữ đã tác hại:
Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!
(c. 13)
Và vì không làm hại ngay được Hài Nhi Giê-su, vua Hê-rô-đê đã “đùng đùng nổi giận”, và sai người giết hại nhiều em bé khác; điều này có nghĩa là bạo lực sinh ra bạo lực:
(vua Hê-rô-đê) sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.
(c. 16)
Hình ảnh đám lính vừa đông, vừa được trang bị khí giới và vừa say máu bách hại trẻ em vô tội, nhỏ bé và yếu ớt, diễn tả thật rõ ràng bản chất của Sự Dữ: đó là thú tính và giết hại vô cớ (Ga 15, 25; Tv 35, 19; 69, 5), được bày tỏ khắp nơi trong lịch sử cứu độ, trong cuộc đời của Chúa Giê-su và trong kinh nghiệm sống của chúng ta.
Và sự kiện mà bài Tin Mừng của ngày lễ Các Thánh Anh Hài thuật, lại phải đánh động chúng ta, bởi vì sự kiện này cưu mang một mặc khải rất thích hợp cho thế giới và xã hội chúng ta đang sống, liên quan đến thái độ của con người đối với sự sống và tất cả những gì liên quan đến sự sống: đó là vô cảm, gây hấn, ghen tị, giết hại, đầu độc, bạo lực, lừa dối, ham muốn, vô ơn, thiếu tôn trọng, thành tích, tôn vinh bản thân…
Và một cách đặc biệt, Lời Chúa đụng chạm đến cung cách ứng xử của loài người và của từng người chúng ta đối với các trẻ em và các thai nhi. Thật vậy, hiện nay những đe dọa của thế giới và xã hội chúng ta đang sống đối với con trẻ và rộng hơn là đối với giới trẻ cũng “nguy hại” không kém so với những thời bách hại, đặc biệt trong một cách sống và trong một nền giáo dục không tìm cách xây dựng lòng biết ơn, những điều cao quí và và lòng thương người.
*  *  *
Xin cho chúng ta biết noi gương Thánh Gia Thất và nhất là Thánh Cả Giuse. Bởi lẽ, trong những thử thách lớn lao này và chắc chắn trong cuộc sống và trong mọi thử thách khác của Thánh Gia, thánh nhân không làm điều khác hơn là lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Xin cho chúng ta cũng biết như thánh Giuse, gắn bó, yêu mến và quảng đại ưng thuận trọn vẹn đối với Lời Thiên Chúa.

  1. Sự Thiện
Tuy nhiên, trong cùng một biến cố bi đát nói về bạo lực và sự dữ, Lời Chúa cũng mặc khải cho chúng ta điều ngược lại, đó là bản chất đích thật của Hài Nhi, Ngôi Lời Thiên Chúa, là không dùng bạo lực chống lại bạo lực, nhưng là sự HIỀN LÀNH THẦN LINH, diễn tả Sự Thiện đích thật.
Chúng ta hãy hướng về hang đá, cụ thể là các hang đá được tái hiện cách phong phú và sáng tạo khắp nơi trong khuôn viên của Giáo Xứ, khu phố và gia đình, để chiêm ngắm “Hài Nhi bọc tã năm trong máng cỏ” và nhận ra cảm nếm được sự âm thầm, khiêm tốn và hiền lành của chính Thiên Chúa, ngược hẳn với những gì loài người chúng ta tưởng tượng và chờ mong đối với biến cố Emmanuen, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Âm thầm, khiêm tốn và hiền lành, nhưng đó lại là sức mạnh, khôn ngoan và khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, có khả năng chiến thắng sự ồn ào (để kết án), ngạo mạn và bạo lực của Sự Dữ, như lời Thánh Vịnh loan báo:
Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.
(Tv 8, 3)
Trong mầu nhiệm Giáng Sinh hướng tới và được hoàn tất bởi mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh, Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên như em bé và sẽ sống như em bé đến cùng, trước khi mời gọi các môn đệ và mỗi người chúng ta hôm nay trở nên như em bé: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18, 3; và Mc 10, 13-16; Mt 18, 13-15; Lc 18, 15-17).
Xin cho chúng ta đừng bị mê hoặc và sống theo vẻ bề ngoài, để có thể nhận ra sự hiện diện âm thầm, khiêm tốn và hiền lành của Ngôi Lời Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, trong thế giới chúng ta đang sống và trong cuộc đời chúng ta, và để sống căn tính đích thật và cũng là ơn gọi của chúng ta, là trở nên “em bé”, trong tương quan với bản thân, với Chúa và với nhau.

  1. Lòng Thương Xót
Kẻ thù tìm giết một hài nhi, rồi tàn sát các hài nhi khác. Điều này thật khủng khiếp. Nhưng ngày nay có một điều còn khủng khiếp hơn, người thân yêu nhất của hài nhi hay thai nhi, hay những người có sứ mạng chăm sóc hài nhi hay thai nhi, tự biến mình thành “kẻ thù” của bé thơ.
Trước thực tại đau lòng này, chúng ta dựa vào đâu để có sức mạnh chịu đựng và dựa vào đâu để vẫn có thể hi vọng, nếu không phải là nơi tình yêu và LÒNG THƯƠNG XÓT nhưng không của Thiên Chúa, bày tỏ cho chúng ta nơi mầu nhiệm Giáng Sinh và nhất là nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh (Rm 8, 37-39)? Giáo Hội của chúng ta đã nhận ra tình yêu nhưng không này của Thiên Chúa, khi tôn phong các hài nhi bị giết hại, gọi các vị là các Thánh Anh Hài, và dành một ngày đặc biệt để tôn kính, là ngày lễ hôm nay.
Trong bài Tin Mừng, một cách cụ thể, LÒNG THƯƠNG XÓT của Thiên Chúa được bày tỏ qua sự kiện Lời Kinh Thánh vẫn cứ được ứng nghiệm:
Để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ:
Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
(c. 15)
Và trong bài đọc 2 của Thánh Lễ hôm nay, Thánh Gioan Tông Đồ nói: “Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.” (1Ga 2, 2)
Điều này có nghĩa là Sự Dữ không những không thể ngăn cản, mà còn bị Thiên Chúa dùng, để làm cho kế hoạch cứu độ đi đến cùng.
Xin tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, là ánh sáng và chỉ là ánh sáng (x. 1Ga 1, 5), được tỏ bày cho loài người tội lỗi chúng ta nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh, cũng được ban cho các em bé và thai nhi chịu ngược đãi và giết hại trong thời đại của chúng ta, như đã được ban cho các Thánh Anh Hài.
Xin cho chúng ta được quảng đại hơn nữa trong sứ mạng bảo vệ và phục vụ cho sự sống, bởi vì Thiên Chúa là nguồn sự sống và là sự sống viên mãn mà chúng ta hướng về.
Và xin cho Gia Đình, Cộng Đoàn và Giáo Xứ thân yêu của chúng ta, với ân sủng và tình yêu của Chúa, trở thành dấu chúng sống động của LÒNG XÓT ngang qua những sứ vụ giới hạn và nhỏ bé phục vụ cho sự sống của mình.


 Suy niệm 2
Mừng lễ các thánh anh hài, những em bé đã chết vì sự ghen tương của Hêrôđê với một “vị Vua” mới mà ông được biết là vừa được sinh hạ trong thành Belem. Hêrôđê sợ rằng ngài vàng của mình sẽ bị vị Vua mới sinh thâu tóm, và vì không biết chính xác vị Vua mới sinh ấy là ai, nên ông đã ra lệnh để cho thuộc hạt tàn sát tất cả các trẻ nhỏ trong vùng tính từ 2 tuổi đổ xuống. Và thế là các trẻ thơ vô tội đã chết vì lòng ghen tương và đam mê quyền lực của Hêrôđê. Và các trẻ ấy đã được gọi là thánh Anh Hài, những trẻ thơ đã chết thay cho Chúa Giêsu năm xưa.

Mừng kính các thánh Anh Hài, những trẻ thơ vô tội đã chết vì Chúa, Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta cần biết trân trọng quà tặng sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người. Hãy đừng vì tính ích kỷ và lòng ghen tương mà tước đi mạng sống của người khác, nhất là của những trẻ thơ vô tội.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 250.000-300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Trong đó, tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào danh sách một trong năm nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất Châu Á (Báo Pháp luật ngày 29/6/2017). Báo cáo này cho chúng ta thấy một con số rất lớn “các anh hài” thời nay đã chết vì tính ích kỷ của con người, nhất là của chính cha mẹ chúng.

Phá thai không chỉ là một tội trọng phá vỡ tương quan tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa, người phạm tội phá thai còn mặc một hình phạt do Giáo Hội ấn định đó là mắc vạ tuyệt thông tiền kết. Nghĩa là những ai thực thi việc phá thai có kết quả thì mắc vạ này. Người mắc vạ tuyệt thông không được tham dự cuộc cử hành hiến tế Thánh Thể và mọi nghi thức phụng vụ với tư cách thừa tác viện và không được cửa hành các bí tích hay á bí tích và lãnh nhận các bí tích (GL đ. 1331). Do đó, người phạm tội phá thai không chỉ cần lãnh nhận bí tích Giao Hoà, nhưng còn phải xin ơn xoá vạ do tội mình đã phạm.

Lạy Chúa, ngày xưa các thánh Anh Hài đã chết chỉ vì sự ghen tương độc ác, nhưng hôm nay biết bao trẻ thơ vô tội lại chết vì sự ích kỷ của chúng con. Xin Chúa ban ơn hoán cải và trợ giúp để chúng con biết mở lòng ra trân trọng đón nhận và yêu quí quà tặng sự sống mà Chúa bạn cho chúng con. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường