Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 15/12/2017

Filled under:

i

Lời Chúa: Mt 11, 16-19

16
 “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, 17và nói:

“Tụi tôi thổi sáo cho các anh,
mà các anh không nhảy múa;
tụi tôi hát bài đưa đám,
mà các anh không đấm ngực khóc than.”
18 Thật vậy, ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: “Ông ta bị quỷ ám.”19 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”
Suy nim 1
Đức Giêsu ví những người thuộc thế hệ của Ngài 
với lũ trẻ ngồi chơi ngoài chợ (cc. 16-17). 
Một nhóm bày trò chơi đám cưới, 
thổi sáo, thổi kèn để mong nhóm kia nhảy múa. 
Nhưng nhóm kia đã chẳng tham gia. 
Nhóm này bèn chơi trò đám ma, hát những bài ca buồn não nuột. 
Nhưng nhóm kia cũng không giả vờ than khóc.
Thế hệ của Đức Giêsu cũng có nét tương tự như lũ trẻ. 
Khi Gioan Tẩy giả đến mời gọi họ sám hối ăn năn, 
sự khổ hạnh của vị ngôn sứ này đã khiến họ từ khước (Lc 7, 30). 
Đơn giản vì họ không thích khóc than hay hoán cải. 
Lối sống của Gioan phù hợp với lời ông giảng về Nước Trời gần đến. 
Nhưng lối sống khác thường ấy lại bị xem là một triệu chứng tâm thần. 
Người ta đã coi ông là bị quỷ ám (c. 18), 
nên cuối cùng đã không tin ông (Mt 21, 32).
Ngược lại, khi Đức Giêsu đến với thế hệ này, 
Ngài đã không mang dáng dấp của một ẩn sĩ nơi hoang địa. 
Ngài đã sống như một người bình thường, ăn uống bình thường. 
Lối sống của Ngài phản ánh Tin Mừng Ngài rao giảng, 
một Tin Mừng đem lại niềm vui và sự giải thoát. 
Ngài tiếp đón những ai bị xã hội loại trừ. 
Ngài ăn chung một bàn với những tội nhân cần xa tránh. 
Chính trong bầu khí vui tươi, ấm áp của bữa ăn, 
họ cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa và hoán cải. 
Tiếc thay, Đức Giêsu cũng bị nhiều người từ khước như Gioan. 
Ngài bị coi là kẻ chỉ biết ăn với nhậu (c. 19).
Cả Gioan lẫn Đức Giêsu đều bó tay trước sự cố chấp của thế hệ này. 
Sống thế nào cũng không chiều được họ. 
Khi sợ thay đổi chính mình, ai cũng cố tìm ra lý do để biện minh. 
Để khỏi phải đối diện với chân lý, con người trở nên ngụy biện. 
Đức Giêsu dám ví thế hệ của Ngài với đám con nít ngồi ngoài chợ. 
Ngài sẽ ví thế hệ chúng ta với ai? 
Nơi một số nước, người ta cho phép ly dị, phá thai, hôn nhân đồng tính. 
Ở nhiều nơi vẫn còn sự kỳ thị về giới tính, màu da, tôn giáo, chủng tộc. 
Bao giờ người ta cũng tìm đủ lý do để làm những điều trên. 
Nguy cơ của con người thuộc mọi thời đại, là ở lại trong sự ấu trĩ, 
khăng khăng với những ngang bướng ích kỷ của mình.
Cả Gioan và Đức Giêsu đều đã bị loại trừ và bị giết. 
Mùa Vọng mời chúng ta dám tin vào lời chứng của Gioan và Giêsu. 
Tin luôn đòi chúng ta hoán cải, không được sống như xưa. 
Tiếng kêu từ hoang địa của Gioan kéo ta ra khỏi mọi dính bén trần tục. 
Thái độ bao dung nơi bàn ăn của Giêsu mời tội nhân ra khỏi bóng tối. 
Làm sao con người hôm nay nghe được tiếng kêu của Gioan và Giêsu?
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Thánh Thần,
xin ban sức sống cho chúng con.
Xin cho cuộc đời Kitô hữu của chúng con
đừng rơi vào sự đơn điệu nghèo nàn,
vào những lối mòn quen thuộc,
nhưng xin canh tân
và tái tạo chúng con mỗi ngày.
Xin nuôi chúng con bằng những thức ăn mới,
cho chúng con khám phá ra
những chiều sâu khôn dò của Đức Kitô
và ý nghĩa thâm thúy của Tin Mừng.
Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống,
thế giới hôm nay luôn bị đe dọa
bởi bạo lực, khủng bố, chiến tranh;
mạng sống con người bị coi rẻ.
Xin cho chúng con biết say mê sự sống,
và gieo vãi sự sống khắp nơi.
Ước gì Chúa ban cho nhân loại
một lễ Hiện Xuống mới
để con người có thể hiểu nhau hơn
và đón nhận nhau trong yêu thương.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Suy niệm 2
 
Đoạn Tin Mừng này thuật lại việc Chúa Giêsu mượn những hình ảnh của các trẻ nhỏ vui đùa với nhau bằng những trò chơi dân gian, để nói lên thái độ mâu thuẫn của nhóm biệt phái đối với việc làm của Gioan Tẩy Giả cùng với những việc làm của Chúa Giêsu.

Khi Gioan đến với họ trong sự chay tịnh, ngài ăn uống nhiệm nhặt, kiêng khem (x. Mt 3,4) thì họ cho là “đồ quỷ ám” (c.18). Bởi vì, theo quan niệm của họ, một khi người nào đó có cách sống hay có thái độ dị thường khác lạ với họ thì đều bị coi là ma nhập quỷ ám. Cho nên qua cách sống, qua thái độ, qua việc làm của Gioan, họ liệt ngài vào số những con người đó. Còn trong khi đó, thì ngược lại, khi Chúa Giêsu đến, Người đã gần gủi với mọi người, Người gần gủi để chia vui khi đến dự tiệc cưới tại Cana (x. Ga 2,1-11), rồi Người cũng dự tiệc tại nhà Giakêu (x. Lc 19,2-10), v.v. và khi ăn uống như vậy thì Chúa Giêsu lại bị kết án là kẻ “mê ăn uống”, là kẻ thích “giao du và kết bạn với quân thu thuế và tội lỗi” (c.19).

Rồi khi Chúa Giêsu đưa ra luật yêu thương thì họ lại cố chấp trong luật công bằng, theo kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng”. Khi Chúa Giêsu giảng dạy thì những lời giảng dạy của Người là lời hằng sống, là lời chân thật thì họ cho là chói tai và không muốn đón nhận (x. Ga 6,60). Còn khi Chúa bị chịu treo trên thập giá vì tội lỗi của con người thì họ lại thách thức phải nhảy xuống khỏi cây thập giá thì họ mới tin (x. Mt 27,42). Và khi Chúa sống lại thì họ phao tin là xác Chúa bị ăn cắp (x. Mt 28,13).

Tất cả những điều đó cho thấy con người luôn tìm cách để chống lại Chúa. Họ chống lại Chúa bằng bất kỳ lý do nào mà họ có thể đưa ra, miễn là làm sao được chống đối và chống đối được.

Qua đoạn Lời Chúa này, chúng ta được mời gọi nhìn lại chính mình, nhìn lại cách sống của mình, cách suy nghĩ, cách hành động của mình. Bởi vì, chắc hẵn, không ít lần, vô tình hay hữu ý, cách sống của chúng ta, cũng như những thiếu sót đã khiến chúng ta đi ngược lại với Chúa.

Chúa biết rất rõ con người đầy yếu đuối giới hạn, cho nên, Người đã cho Gioan sống một đời sống khổ hạnh để nêu gương cho người Kitô hữu, để giúp họ biết ăn năn thống hối tội lỗi của mình. Rồi Chúa Giêsu đã sống một cuộc sống đơn sơ giản dị để dạy cho con người biết con đường khiêm tốn, trọn lành. Vậy mà không ít người đã không biết sống theo gương của Gioan, đã thờ ơ lãnh đạm, lại còn lấy đủ mọi lý do để khước từ. Thế nhưng, Chúa vẫn không bỏ mặt con người, Chúa vẫn yêu thương và cứu vớt họ.

Ước gì mỗi người Kitô hữu luôn hiểu được lòng thương xót của Chúa, luôn biết đáp lại tình yêu thương của Chúa dành cho mình. Để đừng rơi vào thái độ của những con người được kể đến trong đoạn Tin  mừng trên, nhưng luôn biết sống hy sinh khổ hạnh như thánh Gioan và sống đơn sơ giản dị như Chúa Giêsu.

Ước gì mỗi người Kitô hữu cũng luôn biết xin lỗi Chúa, xin Chúa thương tha thứ, nhất là những khi gây ra những gương chưa tốt cho người khác.

Chúng ta cùng nhau xin Chúa luôn gìn giữ mọi người Kitô hữu, để nhờ đó mà mỗi người luôn thuộc trọn về Chúa, Đấng mà họ tôn thờ suốt đời. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường