Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

5 Phút cho Lời Chúa ngày 28/12/2017

Filled under:

                              BƯỚC ĐI TRONG ÁNH SÁNG
 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. (Mt 2,14)
Suy niệm: Trong đêm tối, Thánh Gia đào thoát khỏi sự truy sát điên cuồng của bạo vương Hê-rô-đê. Mặc dù sau lưng đang diễn ra cuộc thảm sát kinh hoàng các hài nhi ở Bê-lem, và trước mặt là cả một màn đêm đen tối, nhưng Mẹ Ma-ri-a và thánh cả Giu-se đang ôm ẵm Hài Nhi Giê-su là “Ánh Sáng bởi Ánh Sáng”, các ngài thực ra đang “bước đi trong ánh sáng” (1Ga 1,7). Khi mang thân phận một trẻ thơ vô tội, không một phương thế tự vệ, cùng chung cảnh ngộ với những người bé mọn phải chết một cách bất công, Con Thiên Chúa đã khởi đầu công cuộc cứu thế của Ngài để đền bù tội lỗi nhân loại như thế đó.
Mời Bạn: Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Ngài, không có một chút bóng tối nào” (1Ga 1,5). Ai đi trong ánh sáng của Người thì không phạm tội và ngược lại. Mẹ Ma-ri-a và thánh cả Giu-se là những chứng nhân bước đi trong ánh sáng, vì các ngài luôn vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, ngay cả trong những lúc bi đát nhất của cuộc sống. Bên cạnh đó, các thánh Anh Hài, mà Giáo Hội tôn vinh hôm nay, dù chưa tận mắt nhìn thấy Đấng Cứu Thế, nhưng đã đổ máu ra vì Chúa, nên các ngài thực sự đã đi vào trong ánh sáng vĩnh cửu của Ngôi Lời Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Các tín hữu luôn ý thức tránh xa tội lỗi, nhưng nếu phạm tội, họ cần chạy đến với Chúa Ki-tô vì chính Ngài đã đổ máu ra để tẩy xoá tội lỗi của nhân loại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho các tín hữu của Chúa biết luôn chạy đến với Chúa để lãnh nhận ơn tha thứ hầu xứng đáng hiệp thông với Chúa trong mọi phút giây của cuộc đời. Amen!

CÁC THÁNH ANH HÀI TỬ ĐẠO

Mấy trăm năm trước Chúa Kitô ra đời, tiên tri Giêrêmia đã viết: "Thành Rama vang dội tiếng khóc than nức nở. Đó là tiếng của Rachel thương khóc con nàng. Nàng không muốn được an ủi vì các con nàng không còn nữa" (Gr 31, 15).
Lời ấy nay đã nên trọn. Vì xưa Hêrôđê, khi thấy mình bị các nhà bác học lừa, liền nổi cơn thịnh nộ và truyền giết hết các con trẻ thành Bêlem và vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, theo đúng ngày tháng mà vua đã hỏi các nhà bác học (x. Mt 2, 15-17).
Chính vì ghen tuông sợ mất địa vị mà vua Hêrôđê đã phạm tội nhơ nhớp hiếm có trong lịch sử đó. Vua đang tâm làm một việc dã man như thế với hy vọng sẽ thủ tiêu được con trẻ Giêsu. Nhưng vua đã nhầm! Vì Thiên Chúa định liệu công việc xảy ra khác hẳn: sứ thần đã báo mộng cho thánh Giuse và bảo: "Hãy dậy mau, mang Con trẻ và Mẹ Người trốn sang Aicập, ở đó cho đến khi ta báo tin lại. Vì Hêrôđê đang tìm giết Con trẻ". Vâng lời sứ thần, đang đêm thánh Giuse chỗi dậy, đem Con trẻ và Mẹ Người sang Aicập. Người ở đấy cho đến khi Hêrôđê băng hà, hầu ứng nghiệm lời Chúa phán qua miệng tiên tri: "Ta đã gọi con ta ra khỏi nước Aicập" (Mt 2, 13-16). Thực ra Chúa đã muốn làm ngơ để cho xảy ra vụ tàn sát các trẻ con ở Bêlem để làm như của đầu mùa ơn cứu chuộc. Các thánh trẻ bị giết, nhưng thực ra, các ngài đã như đàn chim sổ lưới và thoát mưu kẻ thù; các ngài đã được phúc chết vì Chúa (ca tâm niệm); đã dùng cái chết để ca tụng Chúa ngay lúc sơ sinh, măng trẻ (kinh nhập lễ).
Số những hài nhi tử đạo này bao nhiêu, chúng ta không biết rõ. Có những tác giả như ông Salmeron, thánh Giêrônimô đã cao hứng mà phỏng đoán rằng con số đó lên tới hàng vạn. Nhưng thực ra đó chỉ là con số phóng đại do óc tưởng tượng của các ngài. Theo sự khảo cứu mới nhất của những nhà Thánh kinh học ngày nay, người ta phỏng đoán con số các hài nhi vô tội bị sát hại trong dịp này phỏng độ hai mươi.
Lịch sử phụng vụ cũng không cho chúng ta biết rõ lễ các thánh trẻ đã được mừng từ thời nào. Nhưng ta có thể biết một điều này là lễ này đã có từ lâu. Vì theo một tài liệu rất cổ sơ về các thánh tử đạo, thì niên lịch thành Carthagô đã kính lễ các thánh vào ngày 28 tháng 12, với danh hiệu là "Lễ các thánh trẻ bị Hêrôđê giết". Ngoài ra, sách tử đạo truyện Giêrônimô ngày 28 tháng 12, cũng có ghi lại mấy giòng như sau: "Tại Bêlem có lễ kính các thánh trẻ và các thánh Hài nhi đã bị gia hình vì Chúa Kitô dưới thời Hêrôđê". Một vài nơi khác, như ở Constantinôpôli lại có thói quen mừng lễ ấy vào ngày 29 tháng 12; Syria nhận ngày 23 tháng 9; còn xứ Armênia lại định lễ vào ngày thứ hai trong tuần thứ hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Thêm vào những chi tiết lịch sử phụng vụ trên, chúng ta còn có những bài văn hoặc lời kinh sâu sắc nói lên tâm tình của giáo dân đối với các thánh Anh hài qua các thời đại. Đó là những bài giảng hùng hồn của thánh Augustinô trong tuần kính các thánh trẻ. Ngày nay, trong kinh chiều lễ các thánh Anh hài, chúng ta còn được nghe những lời ca vui tươi, hân hoan Giáo hội ca mừng các thánh trẻ: "Hân hoan chúc mừng những ngành hoa tử đạo, như những bông hồng vừa nở đã bị phong ba vùi dập, các ngài đã bị kẻ thù Chúa Kitô triệt hạ ngay khi chập chững trước cửa cuộc đời. Ôi vinh dự thay các ngài là lễ vật đầu mùa Chúa Kitô, là đoàn chiên non hiến tế. Trước bàn thờ Chúa, các ngài vui chơi thích thú với cành lá thắng trận và vòng hoa vinh phúc". Và gần đây văn hào Pêghi trong bài "Huyền nhiệm về các thánh Anh hài" (Mystère des Saints Innocents) cũng khéo gợi lên những hình ảnh tươi vui: các thánh trẻ là những người bạn đồng niên của Chúa Hài nhi vẫn say sưa và hồn nhiên cầm ‘qué (cành lá dừa) chơi vòng "triều thiên".
Lễ các thánh Anh hài đã biến đổi nhiều trong phụng vụ Giáo hội. Đầu tiên là lễ bậc thường nhưng từ đời Đức Piô V được nâng lên bậc hai; và đến đời Đức Piô X, lại được giản hóa thành lễ bậc hai không có tuần tám ngày. Hiện nay, theo sắc lệnh mới, lễ kính các thánh Anh hài mừng theo bậc lễ kính (Festum).
Lạy Chúa, vì lời bầu cử của các thánh Anh hài tử đạo, những vị ngay từ sơ sinh đã dùng cái chết để ca tụng sự vinh hiển Chúa, xin Chúa tiêu diệt tội lỗi và tính mê trong chúng con, để chúng con biết xưng đức tin ra trong đời sống mỗi ngày.

Những Vị Thánh Vô Danh

Có một vị thánh nọ thánh thiện đến độ, không hề dám có ý nghĩ rằng mình là một con người thánh thiện.
Ngày kia, một thiên thần đến nói với ngài: "Chúa sai tôi đến gặp ngàị Ngài hãy xin bất cứ điều gì ngài muốn. Chúa sẽ ban cho ngàị Vậy ngài có muốn được ơn chữa bệnh không?"
Vị thánh trả lời: "Không. Thà để cho chính Chúa chữa trị thì tốt hơn". Vị sứ thần đề nghị điều khác: "Ngài có muốn đem những người tội lỗi trở về đường công chính không?"
Vị thánh cũng lắc đầu từ chối: "Không. Cải hóa tâm hồn không phải là việc của tôị Ðó là công việc của các thiên thần". Vị sứ giả của Chúa mới gợi ý thêm: "Ngài có muốn trở thành một mẫu gương để thiên hạ luôn đến để bắt chước không?"
Vị thánh cũng khiêm tốn trả lời: "Không. Bởi vì làm như thế tôi sẽ trở thành trung tâm thu hút sự chú ý". Thiên thần mới hỏi: "Vậy thì ngài mong muốn điều gì?". Vị thánh trả lời: "Ơn Chúa, có ơn chúa, đó là điều tôi hằng khao khát".
Vị thiên thần được Chúa sai đến vẫn chưa chịu bỏ cuộc, nên đề nghị lần cuối cùng: "Ngài phải xin một phép lạ. Nếu không tôi đành phải để phép lạ xảy ra vậy". Vị thánh của chúng ta đành phải ưng thuận: "Vậy thì tôi xin điều này: ước gì mọi việc thiện được thực thi qua tôi mà tôi không hề hay biết". Thế là để là cho lời ước của vị thánh thành sự thật, Thiên Chúa ban cho cái bóng phía sau của ngài được mọi thứ quyền năng. Nơi nào có cái bóng ngài đi qua, thì nơi đó, người bệnh được lành, đất đai trở thành phì nhiêu, nguồn suối phát sinh sự sống, niềm vui trở lại trên những khuôn mặt sầu khổ.
Nhưng vị thánh không hề hay biết điều đó, vì dân chúng chú ý đến cái bóng đến độ quên hẳn con người.
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ các thánh anh hài, những vị thánh đã chết vì Ðức Kitô mà cũng không hề hay biết rằng mình phải chết vì Ngàị Các trẻ em ấy là kiểu mẫu của không biết bao nhiêu vị thánh vô danh.
Có những Mẹ Têrêxa Calcutta, những linh mục Pierre mà thế giới không ngừng nhắc đến, nhưng cũng có không biết bao nhiêu những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ ngày ngày âm thầm hy sinh trong không biết bao nhiêu công việc vô danh, phiền toái mỗi ngày. Có biết bao nhiêu người đang âm thầm đau khổ và hy sinh cầu nguyện mà không thể thấy được kết quả của lời cầu nguyện của mình. Có biết bao nhiêu người âm thầm phục vụ tha nhân cách này hay cách khác mà không hề được đền đáp hay nhắc nhớ.
Trong ánh sáng của Mầu Nhiệm Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi để tìm thấy giá trị của những hy sinh âm thầm từng ngày. Sự thinh lặng bé nhỏ của Hài Nhi Giêsu trong hang đá Bê Lem, 30 năm âm thầm của Ngià tại Nazareth: đó là ý nghĩa của cuộc sống phiền toái, độc điệu mỗi ngày của chúng tạ Hài Nhi Giêsu mời gọi chúng ta nhận ra giá trị của cuộc sống ấy. Thiên Chúa thi ân tùy theo cách thế Ngài muốn. Cuộc sống âm thầm và hy sinh từng ngày của chúng ta là một trong muôn nghìn cách thế thi ân của Ngài mà chúng ta không thể đo lường được. Ngoài sự tưởng tượng và dự đoán của chúng ta, những hy sinh từng ngày của chúng ta được Chúa dùng như cái bóng vô hình nhờ đó Ngài thông ban muôn ơn lành cho người khác.