Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 21/11/ 2017

Filled under:

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 19: 1-10)

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêrikhô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó. Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi". Ông vội vàng trèo xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi". Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn". Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng, Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".

Suy niệm

Vào thời Chúa Giêsu, thu thuế đồng nghĩa với tội lỗi, đó là hạng người cấu kết với ngoại bang và làm giàu trên xương máu đồng bào mình. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã giúp Giakêu ý thức thân phận và tình trạng tội lỗi của mình. Trong một thoáng ông đã nắm bắt được chìa khóa của an bình nội tâm: "Này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã làm thiệt hại ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn" Giakêu không cần xây một căn nhà vĩ đại để trốn chạy nỗi ám ảnh của bất công. Căn nhà của ông đã được Chúa ngự trị, ơn cứu rỗi và bình an đã đến với ông và biến ông thành một con người quảng đại. Không có cuộc gặp gỡ nào với Chúa mà không thúc đẩy con người ra khỏi chính mình; không có ơn tha thứ nào được đón nhận thật sự mà không là một đòi hỏi phải tha thứ cho người khác; không có một sự bình an đích thực nào trong tâm hồn mà không mời gọi sống quảng đại.

Chúng ta đang đi tìm sự bình an đích thực trong tâm hồn. Lời Chúa hôm nay đem lại cho chúng ta chìa khóa của sự bình an ấy, đó là hãy sống quảng đại. Thiên Chúa đang ngự trị trong tâm hồn chúng ta, nhưng chúng ta chỉ cảm nhận được sự hiện diện đó nếu ta ra khỏi chính mình để sống quảng đại với người khác;  thành tâm sám hối và tìm kiếm Chúa mỗi ngày.

Lạy Chúa, ra khỏi chính mình, ra khỏi nơi mang lại lợi nhuận thành công, không phải là điều dễ dàng. Xin Chúa xót thương và giải thoát chúng con khỏi những ràng buộc tội lỗi nhưng êm dịu đó, để luôn tỉnh thức sống Tin Mừng cứu độ. Xin cho chúng con luôn biết noi gương Mẹ Maria, biết dâng hiến cuộc đời cho Chúa mỗi ngày. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường





Ai là mẹ tôi? (21.11.2017 – Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ)


Lời Chúa: Mt 12, 46-50
Khi ấy, Ðức Giêsu còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”
Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bị sốc.
Đức Giêsu đang giảng cho một đám người khá đông.
Chắc là họ đứng chen chúc nhau đến nỗi khó lòng đến gần Ngài được.
Chính vào lúc này thì mẹ và anh em Ngài đến, không rõ lý do.
Họ muốn nói chuyện với Đức Giêsu, nhưng đành phải đứng ở ngoài.
Có người vào báo cho Ngài về chuyện đó.
Chúng ta tưởng Ngài sẽ ngưng ngay bài giảng để ra gặp mẹ và anh em.
Một giọt máu đào hơn ao nước lã.
Mẹ Ngài hẳn đã phải đi một đoạn đường xa để đến gặp con trò chuyện.
Nhưng lạ thay Đức Giêsu vẫn tiếp tục giảng.
Ngài vẫn tiếp tục nói chuyện với đám đông đang nghe Ngài, 
thay vì đi ra nói chuyện với mẹ.
Sự quan tâm của Ngài nhắm vào những người ở trong đây,
hơn những người đứng ở ngoài kia.
Sau đó Ngài lại đặt những câu hỏi vừa dễ lại vừa lạ:
“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (c. 48).
Dĩ nhiên đó là những người đang đứng ngoài kia, 
đang chờ được gặp mặt và nói chuyện với Ngài.
Nhưng đó không phải là đáp án của Đức Giêsu.
Chính Ngài cho ta đáp án bằng cách giơ tay chỉ các môn đệ mà nói:
“Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” (c. 49).
Có một gia đình máu mủ đậm đà đứng ở ngoài kia,
và một gia đình mới rất thân thương đứng ở trong này.
Đức Giêsu không coi thường tình mẫu tử hay tình họ hàng ruột thịt.
Điều Ngài muốn nhấn mạnh ở đây là chuyện Ngài có một gia đình mới.
Các môn đệ của Ngài thuộc về gia đình này.
Họ là mẹ, là anh chị em của Ngài, vì họ thi hành Ý muốn của Cha Ngài.
Chính Đức Giêsu là người Con luôn thi hành Ý muốn của Cha.
Ai thi hành Ý Cha trên trời cũng trở nên gần gũi với người Con (c. 50).
Chúng ta có họ với Đức Giêsu và làm nên một gia đình bao la rộng lớn.
Bỗng nhiên chúng ta thấy mình gần Cha, gần Giêsu và gần nhau.
Nước Trời bắt đầu đến khi hơn hai tỉ kitô hữu
nhận ra là mình cùng muốn làm trọn Ý Cha, 
cùng gắn bó keo sơn với Giêsu và cùng coi nhau là anh chị em (Mt 23, 8).
Đức Giêsu có nhiều anh chị em trong gia đình của Ngài.
Các phụ nữ thật là chị em của Ngài, dù xã hội Ngài trọng nam khinh nữ.
Đức Giêsu cũng không chỉ có một người mẹ tên là Maria.
Bất cứ ai sống theo ý Cha trên trời trong niềm vâng phục phó thác, 
bất cứ ai sinh Đức Giêsu ra cho môi trường sống của mình,
bất cứ ai làm cho Ngài lớn lên trong trái tim nhân loại, 
người ấy là mẹ Đức Giêsu.
Trong gia đình mới là Giáo Hội của Đức Giêsu,
Maria đã là Mẹ Đức Giêsu theo ý nghĩa tuyệt vời nhất.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM
Bản văn Tin Mừng có thể chia làm ba đoạn:
(A) “Mẹ và anh em của Người (c. 46-47)
(B) “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (c. 48)
(A’) “Đây là Mẹ tôi, đây là anh em tôi” (c. 49-50)
Giữa hai đoạn đầu và đoạn cuối, có cùng những từ ngữ “mẹ và anh em” của Đức Giê-su, nhưng tương quan thân thuộc, mà những từ ngữ này diễn tả, được biến đổi sâu xa và được rộng đến vô hạn. Chúng ta có thể so sánh hai đoạn A và A’, để tìm ra những tương đồng và khác biệt:
– Phần A’ có cụm từ “ý muốn của Cha tôi”, mà phần A không có.
– Cụm từ  “anh em của Người” trong phần A được mở rộng ý nghĩa khi chuyển sang cụm từ “anh chị em tôi” trong phần A’.
– “Mẹ của Người” trong câu 46 và “mẹ tôi” trong câu 50. Cùng một từ ngữ “mẹ”, nhưng ý nghĩa nguyên thủy vừa được bảo tồn và vừa được mở rộng vô hạn.
Từ những khác biệt nêu trên, chúng ta có thể nhận ra “con đường thiêng liêng” mà Lời Chúa mời gọi chúng ta mặc lấy: tương quan thân thuộc do máu huyết trở thành tương quan thân thuộc do việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa; nhưng tương quan ruột thịt không bị loại bỏ, nhưng được củng bố, sinh hoa kết quả và đạt tới sự viên mãn trong kế hoạch thông truyền chính Sự Sống của Thiên Chúa; như trường hợp của hai cha con Abraham và Isaac.
Tương quan thân thuộc dựa trên việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa làm nên Gia Đình mới mà Đức Giê-su rao giảng, xây dựng và trao ban chính sự sống của mình để nuôi dưỡng và làm cho hoàn tất, được mở ra cho tất cả mọi người. Dấu chỉ cho việc mở rộng đến vô hạn là chữ “chị” được Đức Giê-su thêm vào, khi nói về Gia Đình mới: “Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”
1. “Mẹ và anh em của Người” (c. 46-47)
Đức Giê-su đang giảng cho đám đông, thì có người chạy vào báo : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”. Chúng ta có thể hình dung ra đám đông đứng chung quanh Đức Giê-su đông đến độ, Mẹ và anh em của Ngài không thể đến gần được. Và như Tin Mừng kể lại, Ngài không tạm ngưng việc giảng dạy để ra gặp Mẹ và người thân. Và Đức Giê-su không chỉ không ra gặp, nhưng còn nói những lời như muốn từ chối mẹ và anh em của mình: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”
Chúng ta hãy đi vào tâm hồn của Đức Maria: Mẹ muốn nói gì với Đức Giê-su khi đến; và khi sau khi nghe lời của Ngài, Mẹ hiểu và cảm như thế nào? Chúng ta chỉ biết rằng, các Tin Mừng không còn nhắc đến Đức Maria nữa, cho đến khi Đức Giê-su đi vào con đường Thập Giá (Ga 19, 25-27; và một cách gián tiếp trong Lc 23,27). Chắc chắn Mẹ đã ghi nhớ lời của Đức Giê-su, suy đi nghĩ lại trong lòng, đã hiểu, và đi theo Đức Giê-su cách khiêm tốn như một người môn đệ trong tương quan mới và trong Gia Đình mới của Người, và cũng là Gia Đình mới của Mẹ nữa, vì Mẹ là Mẹ của Đức Giê-su “cách duy nhất” đến độ, Mẹ cũng là Mẹ của mọi người môn đệ Đức Giê-su, trong đó có chúng ta.
2. “Ai là Mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (c. 48)
Đức Giê-su đang giảng cho đám đông, thì Mẹ và anh em đến muốn gặp. Đức Giêsu đã mượn cơ hội rất đời thường này để nói cho mọi người và cho chúng ta hôm nay về một kế hoạch thật lớn lao, đó là xây dựng một “gia đình mới”, gia đình này không đặt nền trên tương quan huyết thống, nhưng trên việc “lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa” (Lc 8, 21). Thực vậy, Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” (Mt 12, 48-49). Các môn đệ trở thành người thân của Đức Giê-su, trong gia đình mới.
Như thế, Đức Giê-su đâu có từ chối Mẹ, ngược lại còn tôn vinh Mẹ, bởi vì trong gia đình mới mà Đức Giê-su đang xây dựng, Đức Maria có một vị trí duy nhất : Đức Maria vừa là mẹ sinh ra Đức Giê-su, vừa là mẹ Đức Giê-su, vì đã lắng nghe và sống Lời Chúa, không chỉ một lần nhưng suốt đời. Mẹ Maria là Mẹ Đức Giêsu hai lần: ơn huệ này là duy nhất, chỉ một mình Mẹ có mà thôi, được làm Mẹ của Đức Giê-su hai lần.
Giáo Hội và nhất là cộng đoàn tu trì của chúng ta, hay rất cụ thể, tất cả chúng ta đang hiện diện nơi đây, chính là hình ảnh gia đình mới của Đức Giê-su : chúng ta không phải là ruột thịt, nhưng bởi việc lắng nghe và sống Lời Chúa, qua đó chúng ta đón nhận Ngôi-Lời vào trong cuộc đời của chúng ta (bởi vì Lời Chúa và Ngôi Vị của Chúa là một), như Đức Maria, chúng ta trở thành anh chị em của Đức Giê-su, và như thế trở thành con của cùng một Mẹ, là Mẹ Maria. Sự qui tụ đang lớn dần ở trong Giáo Hội và nhất là trong mỗi xứ đạo hay trong Hội Dòng của chúng ta là một hình ảnh thật đẹp và cụ thể, nói lên gia đình mới của Đức Giê-su. Vậy, nếu chúng ta xây dựng gia đình mới, xây dựng nhóm, cộng đoàn của chúng ta trên một điều gì khác với Lời Chúa, thì có thể nói, chúng ta đang xây nhà trên cát (x. Mt 7, 24-27).
Ước gì, sự sống mỗi ngày của chúng ta được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, khởi đi từ con tim biết lắng nghe Lời của Ngài, trong cầu nguyện. Và như thế, như Đức Mẹ, chúng ta sẽ trở thành “người thân” đích thực của Đức Giê-su; nghĩa là cũng như Mẹ, chúng ta đón nhận, “cưu mang” và trở nên một với chính Đức Giê-su.
3. “Đây là Mẹ tôi, đây là anh em tôi” (c. 49-50)
Nhưng, trong thực tế, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, trở thành anh chị em của nhau trong Chúa qua việc nghe và sống Lời của Ngài, điều này quả không dễ dàng, nhưng, có nhiều khó khăn, thách đố, thậm chí những ngang trái, đau đớn nữa. Tuy nhiên, những khó khăn là điều không thể tránh được, vì giữa những người ruột thịt còn khó khăn, huống hồ là chúng ta, vốn từ những gia đình khác nhau, gốc gác, nguyên quán, giáo dục và não trạng khác nhau. Nhưng đó là một lý tưởng rất đẹp và cao quí, đáng cho chúng ta dấn thân và dâng hiến cả cuộc đời để xây dựng.
Kinh nghiệm nghe và sống Lời Chúa sẽ làm cho chúng ta nhận ra rằng, Lời Chúa không phải là chữ viết của lề luật hay mệnh lệnh, nhưng là Ánh Sáng và là Sự Sống, có sức mạnh tái sinh chúng ta, làm cho chúng ta trở nên người thân của Chúa, như Mẹ Maria ; Lời Chúa cũng cuốn hút chúng ta nữa từ trong chốn sâu thẳm của chúng ta, bởi vì Lời Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, vẫn đang tạo dựng chúng ta và sẽ tái tạo dựng chúng ta để chúng ta trở thành tạo vật mới trong Gia Đình mới của Thiên Chúa. Lời Chúa, Mình và Máu của Chúa, những ơn huệ và nhất là ơn tha thứ của Chúa, tái sinh chúng ta, tái tạo con tim chúng ta và làm cho chúng ta trở thành con người mới trong Gia Đình mới của Chúa. Những ơn huệ này Chúa vẫn ban cho chúng ta cách quảng đại nơi Thánh Lễ, để tái sinh chúng ta mỗi ngày cho Chúa và cho những người thân yêu của Chúa, trong đó Đức Maria, Mẹ của chúng ta.
Lời bài hát, có tựa đề “Như hơi thở mong manh” (Comme un souffle fragile), của Pierre Jacob, diễn tả thật hay kinh nghiệm tái sinh bởi Lời Chúa :
Lời Chúa là sự sinh ra, như ta ra khỏi chốn tù đày.
Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa hẹn cả mùa gặt bao la.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc