Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Suy Niệm CN I Mùa Vọng B - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện

Powell, ông tổ của ngành hướng đạo, hồi còn là đại tá chỉ huy những cuộc chiến đấu tại Âu Châu, lần kia đoàn quân của ông có một ngàn mà phải đương đầu với địch quân những chín ngàn. Suốt trong 217 ngày đợi chờ được cứu viện, ông đã dùng chiến thuật nghi binh.
Ở mặt trận, ban ngày thỉnh thoảng ông cho nổ chỗ này chỗ khác mấy trái lựu đạn. Còn ban đêm trong một vùng rộng lớn, ông cho thắp đèn sáng tại nhiều nơi, mục đích là để đánh lừa đối phương, khiến chúng tin rằng ông có nhiều lính và hiện diện ở khắp nơi, chớ có liều lĩnh mà tấn công. Khi viện binh tới, ông mới tấn công đối phương và đã dành được thắng lợi.
Giữa lúc chính phủ nước Anh định nâng ông lên cấp bậc thống tướng thì ông lại rút lui, để rồi lập nên phong trào hướng đạo, huấn luyện các em thiếu nhi trở thành những người hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Mục đích của hướng đạo là lúc nào cũng phải tỉnh thức và sẵn sàng để đương đầu với mọi hoàn cảnh.
Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa nói: Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện.
Những lời đó được minh hoạ tức bằng dụ ngôn: một người trẩy đi phương xa, chắc là xa lắm, và trao tất cả quyền hành cho các đầy tớ, sắp đặt mỗi người một việc, và dặn người gác cửa tỉnh thức. Chúa nhấn mạnh đến việc không biết trước ngày giờ sẽ đến, có mục đích duy nhất như một lệnh truyền là hãy tỉnh thức.
Cách chỉ giờ giấc nối tiếp nhau của trình thuật rất có ý nghĩa, chứ không chỉ có tính cách kể chuyện, vừa nói lên cách người Rôma chia đêm thành bốn canh, vừa gợi nhớ bốn giai đoạn của cuộc thương khó, vừa đề ra bốn giai đoạn mà các môn đệ phải tỉnh thức, nghĩa là không những phải chống trả với sự buồn ngủ về thể lý, nhưng còn phải sẵn sàng đối đầu với sự việc sắp đến cách bất ngờ.
Chúa nói: Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ sẽ về, hoặc là chiếu tối, hoặc là nửa đêm hoặc lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông chủ trở về thình thình, bắt gặp các con đang ngủ.
- Chúa nói: Các con hãy tỉnh thức, vì có thể ông chủ sẽ về vào lúc buổi chiều.  "Buổi chiều” gợi nhớ lại giờ mà Đức Giêsu đoán trước sự phản bội của Giuđa và sự từ chối của chính Phêrô (14,13-31).
- Chúa nói: Các con hãy tỉnh thức, vì có thể ông chủ sẽ về vào lúc  nửa đêm.  "Nửa đêm" đó là giờ Chúa hấp hối trong vườn Giếtsêmani, mời gọi các môn đệ tỉnh thức, và ba lần "Người thấy họ ngủ”. Người nói: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (14, 32-42).
- Chúa nói: Các con hãy tỉnh thức, vì có thể ông chủ sẽ về vào lúc gà gáy.  "Lúc gà gáy” đó là giờ Phêrô chối Thầy trong sân thượng tế (1 4,66-72).
- Chúa nói: Các con hãy tỉnh thức, vì có thể ông chủ sẽ về  vào lúc sáng sớm. "Sáng sớm" đó là giờ các môn đệ bỏ trốn, Đức Giêsu bị Hội Đồng trao nộp cho Philatô (1 5,1 ...).
Khi nhấn mạnh lệnh truyền của Thầy "Hãy tỉnh thức” trước cuộc tử nạn, thánh Maccô muốn khuyến khích anh chị em ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai đừng để cho lòng mình ra nặng nề, rối loạn, thất vọng.
Quả thế, trong đoạn Tin Mừng thánh Mc 13,33-37, Chúa nói rõ: Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện đừng để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng việc đời. Chúa muốn nói với chúng ta về hai phương diện: phương diện tích cực và tiêu cực:
  1. Phương diện tiêu cực, tức là những điều phải tránh:
Chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, tức là chạy theo những khoái lạc xác thịt.
Chớ để lòng mình ra nặng nề vì lo lắng việc đời: tức là việc ham mê tiền bạc, của cải, danh vọng…và những thú vui trần thế khiến chúng ta bỏ bê những việc thuộc về Nước Thiên Chúa.
2.. Phương diện tích cực, tức là những điều phải làm:  Phải tỉnh thức và cầu nguyện.
Phải tỉnh thức là phải ở trong tư thế tỉnh táo, cẩn thận để có thể đối phó kịp thời với mọi cảnh ngộ và sẵn sàng đón tiếp Chúa đến bất cứ lúc nào.
Phải cầu nguyện: vì sức con người yếu đuối, và tự mình không làm được gì, nên cần cầu nguyện để xin sự nâng đỡ từ nơi Thiên Chúa.
Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin cho đoàn tín hữu chúng con, hàng ngày quyết tâm làm việc thiện mà đón chào Con Chúa đang ngự đến xét xử trần gian. Nhờ đó, chúng con sẽ được Người cho ở bên hữu và gọi vào hưởng phúc Nước Trời. Amen


PHẢI COI CHỪNG, PHẢI TỈNH THỨC

“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức
vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.

I. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG MÁC-CÔ (13,33-37):

(33) Khi ấy Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. (34) Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. (33) Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. (36) Anh em hãy canh thức kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ (37) Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết mọi người là: phải canh thức!”

II. TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG MÁC-CÔ (13,33-37):

2.1 Lời kêu gọi coi chừng và tỉnh thức của Chúa Giê-su dành cho người Do-thái đương thời mang 2 ý nghĩa:  

* một là coi chừng và tỉnh thức để nhận ra và đón nhận Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa là Đức Giê-su Na-da-rét;

* hai là coi chừng và tỉnh thức để chu toàn trách nhiệm mà Thiên Chúa đã giao cho Ít-ra-en là dân riêng của Chúa, trong đó trách nhiệm lớn nhất mà Ít-ra-en  được giao là làm chiếc cầu để Thiên Chúa đến với các dân các nước.

2.2 Lời kêu gọi coi chừng và tỉnh thức của Chúa Giê-su dành cho người công giáo ngày nay cũng mang 3 ý nghĩa:  

* một là coi chừng và tỉnh thức để nhận ra và đón nhận Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa là Đức Giê-su Na-da-rét là Đấng đã được cộng đoàn Hội Thánh nhận làm Cứu Chúa, làm Vua và là Đấng sẽ đến trong ngày quang lâm.

* hai là coi chừng và tỉnh thức để chu toàn trách nhiệm mà Thiên Chúa đã giao cho mỗi người, mỗi cộng đoàn, mỗi Hội Thánh, trong đó trách nhiệm lớn nhất mà Thiên Chúa đã giao là mỗi người/cộng đoàn/Hội Thánh là làm chứng nhân cho Tin Mừng Cứu Độ.

* ba là coi chừng và tỉnh thức để đón Chúa mỗi ngày vì Chúa hằng viếng thăm chúng ta. Sách Khải Huyền nói Chúa Giê-su Ki-tô đứng chờ bên ngoài cửa và đợi chúng ta mở cửa ra mời Chúa vào. Người sẽ ăn tối với chúng ta.

* bốn là coi chừng và tỉnh thức để chuẩn bị chào đón Chúa Giáng Sinh trong ngày lễ 25/12/2017. Không chỉ chuẩn bị và trang trì bên ngoài mà nhất là chuẩn bị tâm hồn và lối sống sao cho phù hợp và đẹp lòng Chúa.

III. THỰC THI  LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG MÁC-CÔ (13,33-37):  

3.1 Tôi đã coi chừng và tỉnh thức: khi tôi đón nhận Chúa và Tin Mừng, Giáo Lý của Chúa trong Hội Thánh. Tôi cần phải luôn tỉnh thức để tận dụng mọi thuận lợi mà cuộc sống đem lại nhằm phát huy (tức sinh lời sinh lãi) những ơn huệ tài năng mà Chúa đã ban cho tôi.  

3.2 Tôi phải coi chừng và tỉnh thức: để chờ Chúa mỗi ngày và nhất là trong ngày Lễ Chúa Giáng Sinh 25/12 sắp tới. Tôi sẽ hy sinh hãm mình và sửa soạn tâm hồn thật nồng ấm để đón rước Chúa.

3.2 Tôi phải coi chừng và tỉnh thức: để chờ ngày Chúa xuất hiện trong ngày tôi lìa đời. Tôi không biết ngày ấy là ngày nào nên tôi phải luôn sẵn sàng để khi Chúa đến thì tôi không bị lỡ mất cơ hội gặp Chúa và được Chúa đem vào Nước Trời với Người.

IV. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG MÁC-CÔ (13,33-37):

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến cách đây hơn hai ngàn năm trên đất Palestin. Chúa cũng đã đến trong mỗi ngày Giáng Sinh. Và Chúa cũng sẽ đến trong Ngày Giáng Sinh năm nay. Con nóng lòng nghênh đón Chúa!

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng sẽ đến trong ngày quang lâm. Chúa cũng sẽ đến trong ngay mỗi con người nhắm mắt lìa đời. Không ai biết ngày nào là ngày Chúa quang lâm. Cũng không ai biết được ngày lìa đời của mình. Con cũng thế, con không biết ngày nào con lìa đời. Vì thế cách an toàn, khôn ngoan nhất là con phải tỉnh thức cách chủ động để chờ đón ngày ấy, để nghênh đón Chúa khi Chúa xuất hiện. Cách đẹp lòng Chúa nhất là con tích cực chu toàn trách nhiệm Chúa giao.

Xin Chúa ban cho con ơn tỉnh thức! Xin Chúa ban cho con ơn canh thức! Con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội