Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

Chuyến đi Miến Điện và Bangladesh: “Tôi xin anh chị em tháp tùng tôi trong lời cầu nguyện”

Filled under:

Đức Phanxicô trong buổi Kinh Truyền Tin 26-11-2017: “Ước mong sự hiện diện của tôi là dấu chỉ của sự gần gũi và hy vọng”.
Trước hơn 30 000 giáo dân có mặt ở quảng trường Thánh Phêrô trong giờ Kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 26 tháng 11-2017, Đức Phanxicô xin giáo dân: “Tôi xin anh chị em tháp tùng tôi trong lời cầu nguyện”.
Ngài nhắc lại: “Tối nay, tôi bắt đầu chuyến tông du đi Miến Điện và Bangladesh”. Đức Phanxicô sẽ rời phi trường Fiumicino lúc 21h40. Ngài sẽ đến Yangon, thủ đô kinh tế của Miến Điện sáng mai ngày 27 tháng 11 lúc 13h30 giờ địa phương. Chuyến đi sẽ kết thúc ngày thứ bảy 2 tháng 12-2017 và ngài sẽ về Rôma khoảng 23h cùng ngày.
“Tôi xin anh chị em tháp tùng tôi trong lời cầu nguyện để sự hiện diện của tôi là dấu chỉ gần gũi và hy vọng cho người dân ở đây”.
Để chuẩn bị cho chuyến đi của mình, Đức Phanxicô đã có hai video nhắn gởi sứ điệp của mình cho người dân Miến Điện và Bangladesh. Ngài cũng xin Mạng lưới Cầu nguyện Thế giới và tất cả các người công giáo cầu nguyện cho các cộng đoàn kitô hữu Á châu theo ý chỉ cầu nguyện của tháng 11: Cầu nguyện cho Á châu.
Trong video này, ngài nói: “Điều làm tôi ấn tượng nhất về Á châu là sự đa dạng của các dân tộc ở đây, những người thừa kế các nền văn hóa xưa cổ, tôn giáo và truyền thống. Trên châu lục này, Giáo hội công giáo là một thiểu số, thách thức để đứng lên thật đáng nễ. Chúng ta phải cổ động cho văn hóa đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hóa. Đối thoại đóng một vai trò thiết yếu trong sứ vụ của Giáo hội ở Á châu”.
Ngài kết thúc: “Chúng ta cùng cầu nguyện cho các tín hữu kitô ở Á châu để họ đặt đối thoại, hòa bình và cảm thông hỗ tương lên hàng đầu, đặc biệt với những người thuộc các tôn giáo khác”.
Và như thường lệ vào cuối buổi Kinh Truyền Tin, ngài nói: “Và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em ăn cơm trưa ngon miệng và xin hẹn gặp lại!”.


Miến Điện: Đức Phanxicô gặp lãnh đạo quân đội trước dự định
Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, mới đầu cuộc gặp của Đức Phanxicô với lãnh đạo lực lượng quân đội dự trù vào ngày 30 tháng 11-2017, nhưng cuối cùng Đức Phanxicô đã gặp đại tướng Min Aung Hlaing ngày 27 tháng 11 tại Rangoun, ngay ngày đầu tiên ngài đến Miến Điện.
Theo chương trình chuyến tông du của Đức Giáo hoàng thì không có cuộc gặp với các lực lượng quân đội Miến Điện, nhưng theo lời xin của hồng y Charles Bo, giờ chót Đức Phanxicô đã chấp nhận có cuộc gặp này.
Đại tướng Min Aung Hlaing đến Tòa giám mục Rangoun lúc 17 h 55, đi cùng với ông là phái đoàn nhỏ các tướng có trách nhiệm trong nhiều vùng quân sự khác nhau. Không một nhà báo nào có mặt trong cuộc gặp này. Ông Greg Burke, giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh giải thích cho các ký giả biết, cuộc “gặp xã giao” diễn ra vào khoảng mười lăm phút, Đức Thánh Cha nói đến “trách nhiệm lớn của các nhà cầm quyền trong giai đoạn chuyển tiếp này .”
Liên Hiệp Quốc lên án người trách nhiệm quân đội đã có hành vi thanh trừng chủng tộc đối với người Rohingya, một sắc dân thiểu số có đại đa số người dân là người hồi giáo và họ bị xem là tiện dân bị ruồng bỏ ở Miến Điện. Hiện nay có gần 900’000 người Rohingya tị nạn ở Bangladesh, trong đó có 600’000 người tị nạn trong những tháng gần đây. 
Không thể lẫn tránh các lực lượng quân đội
Liên Hiệp Quốc lên án các lực lượng quân đội vũ trang Miến Điện là thanh trừng chủng tộc đối với người Rohingya ở tiểu bang miền Tây Rakhine, với “ý hướng không những đẩy dân chúng ra khỏi Miến Điện mà còn ngăn không cho họ trở về quê hương mình”. Các vụ tấn công tàn bạo này được tổ chức, phối hợp một cách có hệ thống làm cho hơn nửa triệu người Rohingya phải rời khỏi Miến Điện.
Theo linh mục Bernardo Cervellera, giám đốc hãng tin Ý AsiaNews, các lực lượng quân đội dùng thảm kịch người Rohingya để làm suy yếu sự lãnh đạo dân chủ của bà Aung San Suu Kyi, để bà không có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong mục đích có thể lật đổ bà dễ dàng người mà họ đã để cho lên nắm chính quyền dân chủ từ năm 2012, sau một thời gian dài nước Miến Điện ở dưới chế độ độc tài.
Linh mục Bernardo Cervellera cho hãng tin I. MEDIA biết, trong chuyến đi này Đức Giáo hoàng gặp lực lượng quân đội vì đó là “quan trọng cho tương lai và hòa giải của Miến Điện, vì một phần lớn nền kinh tế và an ninh quốc gia ở trong tay họ. Chính quân đội khơi lên cuộc khủng hoảng người Rohingya, nhưng điều cần thiết là phải hội nhập họ trong việc canh tân đất nước mà Bộ trưởng Ngoại giao, bà Aung San Suu Kyi đã cổ động”.
Ngoài ra chương trình còn có thêm cuộc gặp của Đức Phanxicô với người Rohingya ngày 1 tháng 12, trong một cuộc gặp với các nhà lãnh đạo tôn giáo. Cuộc gặp này sẽ diễn ra ở Bangladesh, chứ không ở Miến Điện. Ông Greg Burke, giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, đây là cuộc gặp “không phải để cầu nguyện, nhưng để làm chứng tá”.

Miến Điện: Phái đoàn tháp tùng Đức Phanxicô ở chùa Shwedagon


Chùa Shwedagon  Trung tâm phật giáo lớn nhất của Miến Điện
Phái đoàn tháp tùng Đức Phanxicô sẽ ở chùa Shwedagon, trung tâm thiêng liêng lớn nhất của phật giáo Miến Điện ngày đầu tiên trong chuyến tông du Miến Điện, 27 tháng 11-2017.
Một vài giờ sau khi máy bay của Đức Phanxicô hạ cánh xuống phi trường Rangoun, linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro đã đăng trên tài khoản Twitter các hình ảnh của chuyến đi đã được thực hiện bởi Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin và bởi Đức Hồng y Fernando Filoni, bộ trưởng bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các dân tộc.
Radio Vatican đã phát một video ngắn cảnh Đức Hồng y Filoni được mời gióng chiêng cồng.
Khuôn viên chùa gồm rất nhiều ngôi chùa nhỏ và một ngôi chùa trung tâm dát vàng và kim cương, được xây cất từ hơn 2 500 năm, ở Yangoun, cựu thủ đô Miến Điện. Ở đây có nhiều thánh tích của đức Phật và nhiều đồ trang sức và tượng phật quý báu.
Trong chuyến đi này Đức Phanxicô sẽ gặp Hội đồng tối cao “Sangha” của các tu sĩ phật giáo ở Trung tâm Kaba Aye.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch