Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 20/11/2017

Filled under:

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 18: 35-43)

Khi Đức Giêsu đến gần thành Giêrikhô, thì có một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường, khi nghe tiếng đám đông đi qua anh liền hỏi có chuyện gì đó. Người ta nói cho anh biết có Đức Giêsu Nagiarét đang đi qua. Bấy giờ anh liền kêu lên rằng: "Lạy ông Giêsu con vua Đavid, xin thương xót tôi". Những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn: "Lạy con vua Đavid, xin thương xót tôi". Vậy Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh đến cùng Người. Khi anh đến gần bên Người, Người hỏi anh: "Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?". Anh thưa: "Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy". Chúa Giêsu bảo anh: "Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi". Tức khắc anh thấy được và anh đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa.

Suy niệm 1

“Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy”.

Lần thứ ba Chúa nói công khai cho các môn đệ biết Người đi Giêrusalem để chịu chết, nhưng các môn đệ không hiểu, các ông nghĩ Chúa Giêsu sẽ khôi phục nước Do Thái trần thế, chứ không tin Người sẽ chịu chết để cứu thế gian và đưa nhân loại về cho Chúa Cha.

Việc Chúa Giêsu làm phép lạ mở mắt người mù ở Giêrikhô sẽ giúp các môn đệ nhìn thấy rõ và chấp nhận kế hoạch cứu độ của Chúa Giêsu.

Trước những vấn đề, những sự việc vượt quá sự hiểu biết của lý trí hoặc ngược lại ý nghĩ của con người, chúng ta phải vận dụng đức tin để chấp nhận. Chúng ta tin vào mầu nhiệm Thập Giá, chúng ta mới dễn chấp nhận những thánh giá chúng ta đang vác.

Hình ảnh người mù trong Tin Mừng hôm nay đã phản chiếu trung thực thân phận con người trong cuộc lữ hành đức tin. Con người không thể tự cứu mình, và cũng không một người nào có thể cứu giúp con người, ngoài Đức Kitô, Đấng cứu độ duy nhất có thể giải phóng loài người khỏi bóng tối của tội lỗi sự chết, và đưa con người vào miền ánh sáng của ân sủng và sự sống của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta luôn đặt niềm tin vào Thiên Chúa và trung thành bước theo Người trong cuộc hành trình đức tin của mình.

“Lập tức anh ta nhìn thấy được và đi theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa”.

Cách cảm ơn Chúa giá trị nhất là theo Chúa, tức là thánh hóa bản thân theo tinh thần của Chúa Kitô, và tôn vinh Chúa bằng cuộc sống thánh thiện của mình.

Giờ đây, mặc lấy tâm tình khiêm tốn của người mù thành Giêrikhô, chúng ta tha thiết cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở mắt đức tin cho chúng con, để chúng con có thể khám phá và đón nhận Chúa trong đời sống đức tin và nơi bàn tiệc Thánh Thể hôm nay. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Suy nim 2
Trong những năm hành đạo, Đức Giêsu đã chữa một số người mù. 
Vào những ngày cuối đời, khi trên đường lên Giêrusalem lần cuối, 
Ngài đã chữa cho anh mù ở Giêricô. 
Giêricô được coi là thành phố cổ xưa nhất, không xa Giêrusalem, 
nằm ở hạ lưu sông Giođan, thấp hơn mực nước biển 300 mét. 
Anh mù ở Giêricô kiếm sống bằng cách ngồi bên vệ đường ăn xin. 
Anh vừa bị tách biệt với người khác, vừa bị lệ thuộc vào người khác.
Mất khả năng nhìn, nhưng anh vẫn còn khả năng nghe và nói. 
Để gặp được Đức Giêsu, anh đã tận dụng mọi khả năng còn lại. 
Anh nghe tiếng đám đông đi qua, tiếng chân người rộn ràng (c. 36). 
Anh tò mò hỏi xem chuyện gì vậy. 
Khi biết là Đức Giêsu Nadarét đang đi ngang qua, 
anh thấy ngay điều mình chờ đợi từ lâu, nay đã đến. 
Vị ngôn sứ nổi tiếng này anh nghe đồn đã làm bao phép lạ lẫy lừng. 
Ngay cả người mù bẩm sinh cũng được Ngài làm cho sáng mắt. 
Cơ hội ngàn năm một thuở đã đến rồi. 
Anh tự nhủ mình không thể nào để vuột mất. 
Nhưng làm thế nào để Đức Giêsu lưu tâm đến anh? 
Làm thế nào để cho Ngài dừng lại?
Vũ khí mạnh nhất và gần như duy nhất của anh, là tiếng kêu. 
Chỉ tiếng kêu của anh mới lôi kéo được sự chú ý của Ngài, 
và báo hiệu cho Ngài về sự hiện diện của anh. 
Anh kêu thật to tên Ngài dù không biết Ngài ở đâu. 
“Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi” (c. 38). 
Hãy nghe tiếng kêu của anh giữa tiếng đám đông ồn ào cười nói. 
Anh kêu tiếng kêu của trái tim, đầy tin tưởng, hy vọng, tha thiết. 
Nhưng tiếng kêu ấy lại bị bắt phải im đi, có thể vì sợ gây phiền hà. 
Anh mù chẳng những đã không vâng lời, lại còn kêu to hơn nữa. 
Rồi tiếng kêu của anh cũng đến tai Đức Giêsu, khiến Ngài dừng chân. 
Đức Giêsu muốn gặp người đã gọi tên mình để xin thương xót (c. 40). 
Cuộc hạnh ngộ bắt đầu bằng câu hỏi anh mong từ lâu: 
“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (c. 41). 
Câu trả lời quá hiển nhiên: “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy.” 
Khi được sáng mắt, anh không phải ngồi bên vệ đường như trước đây. 
Anh đã nhập vào đám đông những người theo Chúa và đi trên đường.
Nếu hôm nay Chúa hỏi tôi: “Anh chị muốn tôi làm gì cho anh chị?”, 
tôi sẽ trả lời Ngài ra sao? tôi sẽ xin Ngài điều gì? 
Ơn biết mình mù và muốn thấy rõ chính mình, là một ơn lớn. 
Có người mù, không biết mình mù, nên vẫn thản nhiên ở lại trong cảnh mù. 
Người ấy có thể vô tội, nhưng có nguy cơ gây hại cho tha nhân (Mt 15, 14). 
Lại có người cố ý không muốn thấy, cố ý mù để khỏi phải thay đổi. 
Họ không thấy được cái xà trong mắt mình (Mt 7, 3). 
Xin Chúa giúp chúng ta xóa những nguyên nhân gây mù, 
đó là dục vọng của đôi mắt (1 Ga 2, 16), là thành kiến về người khác. 
Xin Chúa giúp chúng ta nhờ đối thoại mà ra khỏi tình trạng mù xem voi, 
và được Thánh Thần đưa vào sự thật trọn vẹn (Ga  16, 13). 
Ước gì chúng ta khiêm tốn đến với Chúa Giêsu 
mà “mua thuốc xức mắt để thấy được” (Kh 3, 18).
Cầu nguyn:
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.
Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.
Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu giãi vào bóng tối của con.
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.