Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

5 Phút cho Lời Chúa ngày 22/6/2017

Filled under:

LỜI KINH CHÚA DẠY
Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6,7-8)
Suy niệm: Khi dạy các môn đệ cầu nguyện, trước hết Chúa Giê-su khuyên các ông đừng như dân ngoại, bởi họ không biết rõ Đấng họ kêu xin, nên cứ tưởng lải nhải nhiều sẽ được nhận lời. Khác với họ, người môn đệ đã trở nên con cái trong nhà, mà đã là con thì đương nhiên có quyền được hưởng tình thương, kể cả quyền thừa kế nữa. Thế nên, để lời kêu xin được hiệu quả, trước hết phải hiểu Đấng mình kêu xin và đặt mình đúng trong mối tương quan mật thiết ấy. Ngài là Cha và Ngài biết rõ chúng ta cần gì, đến nỗi Đức Giê-su còn khẳng định: “Anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7,11). Một khi hiểu được tấm lòng của Người Cha thì chúng ta biết mình cần xin gì, cũng như phải cầu xin với tâm tình nào.
Mời Bạn: Lời cầu xin cho “danh Cha cả sáng,” không phải là lời cầu xin thuộc dạng “lo bò trắng răng,” bởi đương nhiên Thiên Chúa phải làm cho danh Ngài cả sáng. Nhưng khi cầu xin như vậy, bạn ý thức mình là con, và xin cho danh Thiên Chúa được vinh hiển qua lời nói cũng như hành động của mình.
Chia sẻ: Đâu là yếu tố sẽ làm cho danh Chúa được cả sáng?
Sống Lời Chúa: Chú ý phần thứ hai của Kinh Lạy Cha và nỗ lực thực hành để danh Chúa được cả sáng.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Lạy Cha cách khoan thai và với tâm tình thảo hiếu.
 

Thánh Paulinus ở Nola
(354?-431)
Qua thư từ của các thánh khác mà chúng ta biết được cuộc đời và đặc điểm của Thánh Paulinus mà ngài là bạn của các thánh Augútinô, Giêrôme, Martin, Grêgôriô và Ambrôsiô.
Sinh ở Bordeaux, nước Pháp, Paulinus thuộc dòng dõi quý tộc Rôma mà cha ngài là một pháp quan ở Gaul (Pháp). Gia đình ngài làm chủ không biết bao nhiêu ruộng đất ở Ý và Aquitaine. Paulinus được theo học ở trường Bordeaux về luật Rôma, thi văn, hùng biện, khoa học và triết. Sau đó ngài trở thành một luật sư có tiếng.
Sau khi cha mất sớm, Paulinus được Hoàng Ðế Gratian bổ nhiệm làm nghị sĩ Rôma khi mới 25 tuổi và một năm sau, ngài làm thống đốc Campania, cư ngụ ở vùng đồi núi Nola, ở phía đông Naples. Dường như Paulinus không thích sự phù hoa và danh vọng của chức quyền.
Sau khi được chứng kiến cảnh dân chúng được chữa lành ở mộ Thánh Felix, là quan thầy của Campania, Paulinus đã có ý định trở lại Kitô Giáo. Ngài hy sinh bộ râu cho Thánh Felix, từ chức thống đốc và trở về sống với người mẹ đang mong đợi ngài.
Sau khi du lịch đến Tây Ban Nha, Paulinus kết hôn với bà Therasia. Vào năm 36 tuổi, trước sự chứng kiến của người vợ, Paulinus (cùng với người em trai) được rửa tội bởi vị giám mục thánh thiện của Bordeaux là Thánh Delphinus.
Vào thời bấy giờ, Paulinus được gặp gỡ, chuyện trò với những người thánh thiện đương thời, tỉ như Thánh Martin ở Tours đã chữa lành con mắt thương tích của Paulinus một cách lạ lùng, và có lẽ sự hoán cải của người bạn tâm giao, Thánh Augustine, là động lực sau cùng thúc đẩy Paulinus theo Kitô Giáo.
Theo Ðức Kitô có nghĩa sống khó nghèo, do đó Paulinus đã bán tất cả tài sản ở Gaul và phân phát tiền bạc cho các người nghèo và những người làm công cho gia đình. Khi hai ông bà sang Tây Ban Nha, bà Therasia cũng bán tất cả đất đai của mình và dùng tiền của để chuộc các người nô lệ và các con nợ.
Hai ông bà có được một con trai, nhưng chỉ sau một tuần lễ, đứa bé đã từ trần cách đột ngột. Cho rằng cơ thể của bà Therasia không thích hợp để sinh con, Paulinus coi việc từ bỏ quyền làm chồng như một hành động bác ái, do đó hai người thề sống khiết tịnh và sống với nhau như anh em trong suốt cuộc đời.
Vì đời sống thánh thiện của hai ông bà, dân chúng ở Barcelona đã kiệu Paulinus đến trước mặt vị giám mục và yêu cầu tấn phong Paulinus làm linh mục, và ngài đã đồng ý với điều kiện của Paulinus là không bị ràng buộc vào một giáo xứ hay giáo phận. Sau đó Thánh Ambrôsiô là người đã chỉ dẫn cho Paulinus về nhiệm vụ linh mục.
Ðể sống lý tưởng của một chủ chăn, hai ông bà Paulinus và Therasia đã biến căn nhà của họ thành nơi tiếp đón người nghèo và người vô gia cư. Bà Therasia sống ở tầng trệt như một người quản lý, còn tầng trên là một đan viện mà Paulinus và các ẩn tu khác biến thành một trung tâm đan sĩ đầu tiên ở Tây Phương với lối sống cực kỳ kham khổ.
Vào năm 410, trước khi bà Therasia từ trần không lâu, dân chúng ở Nola đã chọn Paulinus làm giám mục. Quả thật ngài là vị giám mục tài giỏi vào thời ấy. Ðức Paulinus tiếp tục sống ở đan viện, ngài xây hệ thống thoát nước cho Nola cũng như các nhà thờ ở đây và ở Fondi.
Ðức Paulinus là một người hài hòa giữa con tim và trí óc. Các thư từ của ngài cho thấy sự khiêm tốn, tính tình dễ mến, thích khôi hài, trọng kỷ luật, và đời sống chiêm niệm của ngài. Những bút tích của ngài để lại chứng tỏ ngài là một thi sĩ Kitô Giáo và cũng là một tay viết văn xuôi có hạng.

Lời Trích
Thánh Paulinus thường đau yếu vì thể xác không được khỏe mạnh, nhưng ngài thản nhiên tuyên bố "sự yếu đuối của thân xác là một ích lợi cho tinh thần, khi xác thịt thiệt thòi thì tinh thần hoan hỉ."


Romeo Và Juliet

Một trong các vở tuồng bất hủ trên sân khấu kịch nghệ quốc tế phải kể là vở kịch mang tựa đề "Romeo và Juliet" của nhà văn hào trứ danh người Anh, ông William Shakespeare. Vở kịch này được sáng tác vào năm 1595, nhưng mãi cho đến nay, khi vở kịch được phổ nhạc, được các ca sĩ nổi tiếng trình diễn, khán giả vẫn nối đuôi nhau chờ mua vé để vào theo dõi một câu chuyện tình cảm động giữa hai thanh niên nam nữ yêu nhau thắm thiết, nhưng đường tình duyên bị trắc trở không thể tiến đến hôn nhân, vì chàng và nàng thuộc về hai gia đình có mối thù truyền kiếp với nhau trong bối cảnh xã hội mang nặng đầu óc nuôi oán, báo thù tại Italia thời trung cổ.
Sau khi nàng Juliet đem câu chuyện tình ngang trái tỏ lộ cùng một vị linh mục và cho ngài biết ý định sẽ cùng với Romeo thoát ly gia đình để tìm đến một phương trời xa lạ xây tổ uyên ương, vị linh mục đề nghị nàng dùng phương thế uống một thứ thuốc mê để giả chết. Sau đó ngài sẽ cứu sống nàng và giao cho Romeo đem nàng đi. Kế hoạch này được giữ bí mật đến nỗi chính chàng Romeo cũng không hay biết. Khi thấy người yêu đã vì mình dùng độc dược quyên sinh, chàng Romeo cũng dùng gươm tự sát để đáp lại mối tình tuyệt vọng của người yêu. Khi thuốc mê đã hết hiệu nghiệm, nàng Juliet tỉnh dậy thấy người yêu đang thoi thóp bên vũng máu đào: tình yêu kêu gọi tình yêu, nàng cũng dùng gươm lết liễu phận bạc để cùng chết với chàng.
Hình như những câu chuyện tình thương tâm trong tuồng kịch hay tiểu thuyết nào cũng kết thúc bằng trắc trở, chia ly, chết chóc. Dù bi ai, nhưng các câu chuyện ấy cũng nói lên một phần nào sự thật. Ðó có lẽ là lý do tại sao trong các thiệp hồng báo tin hôn lễ, các đôi trai gái tính chuyện trăm năm thường chọn và cho in câu: "Tình yêu mạnh hơn sự chết".
Trong các cuộc giao tế thường ngày giữa người với người hoặc trong mối quan hệ láng giềng, bạn bè, kể cả cha mẹ, con cái, anh chị em trong gia đình hay giữa tình thân, vợ chồng, chúng ta cần có những dấu chỉ biểu lộ ra bên ngoài để diễn tả tâm tình yêu mến chất chứa bên trong: Từ những dấu chỉ đơn sơ, thi vị "yêu nhau cởi áo cho nhau" đến chỗ hy sinh cả cuộc đời tận tụy, làm lụng vất vả, gánh chịu những nhọc nhằn, chịu đựng tha thứ cho nhau "Một câu nhịn, chín câu lành" đối với những người thân thương trong gia đình.