Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

5 Phút cho Lời Chúa ngày 17/6/2017

Filled under:

SỐNG THẬT
“ ‘Có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’.” (Mt 5,37)
Suy niệm: Sách chữ Nho có câu: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” (con người từ thuở ban đầu, tính vốn tốt). Thế mà, ngày nay, khi cuộc sống con người được nâng cao hơn bao giờ hết, “tính bổn thiện” đó dường như đang bị chết nghẹt bởi vì sự lừa đảo gian dối có mặt trong mọi lãnh vực, mọi tương quan. Bán buôn thì lo hàng giả, hàng nhái, tràn ngập thị trường. Mối tương quan giữa người với người bị đe doạ bởi dối trá, bội tín, bất trung. Ngay một em nhỏ cũng biết nói dối để chối tội, gian dối trong học tập để được điểm cao. Người sống trung thực dường như bị coi là người ngu dại, không biết lẽ sống ở đời. Lời Chúa dạy “có nói có, không nói không” đặt ra cho Ki-tô hữu một thách đố: Liệu tôi có dám lội ngược giòng không? Liệu tôi có dám sống trung thực như Chúa dạy trong xã hội nhiều gian dối hôm nay không?
Mời Bạn: Sở dĩ người ta gian dối là để được một mối lợi, để tránh một cái hại. Thế nhưng “được lời lãi cả thế gian mà đánh mất chính mình” (Lc 9,25), thử hỏi đàng nào hại hơn, đàng nào lợi hơn? Chấp nhận chịu thiệt để sống theo sự thật, đó là chọn lựa của những người làm chứng nhân cho Đức Ki-tô. Thánh Phao-lô cho thấy cái lợi của sự lựa chọn này: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2Cr 4,17).
Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi quyết tâm sống thật với mình, với người anh em, và với Chúa, dù tôi có phải trả giá bằng một sự thua thiệt nào đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nêu gương cho chúng con khi “chẳng ai thấy Chúa mở miệng nói lời gian dối”. Xin Chúa giúp chúng con theo lời Chúa, luôn sống như con cái sự sáng.



Thánh Gioan Fisher
(1469-1535)
Thánh Gioan Fisher thường có liên hệ với Erasmus, Thomas More và những người thuộc phong trào nhân bản thời Phục Hưng. Bởi đó, cuộc đời ngài không có nét bề ngoài như đời sống các thánh khác. Ðúng hơn, ngài là một con người học thức, thân quen với giới trí thức và chính trị thời bấy giờ.
Gioan Fisher sinh ở Beverley, Yorkshire Anh Quốc, tốt nghiệp Ðại Học Cambridge, thụ phong linh mục năm 1491 và lấy bằng Tiến Sĩ Thần Học năm 1501. Ngài có tài quản trị nên được nhà trường lần lượt giao cho các chức vụ tổng giám thị, phó chưởng ấn và chưởng ấn. Trong thời gian này, ngài là cha giải tội của mẹ vua Henry VII và đã khuyên bảo bà dùng của cải một cách bác ái, cũng như đưa môn thuyết giảng vào hai đại học lớn ở Anh. Cũng chính thời gian này, ngài làm bạn với Erasmus và Thomas More.
Vào năm 1504, ngài được làm giám mục ở Rochester và cai quản giáo phận nghèo nàn này trong ba mươi năm; ngài đích thực là một giám mục, sống làm gương cho các linh mục và chú ý đến đời sống tâm linh của họ. Chính Ðức Giám Mục Fisher là một văn bút và vị giảng thuyết sáng giá. Các bài giảng của ngài về ăn năn sám hối được tái bản đến bảy lần trước khi ngài từ trần. Với sự tràn lan của giáo phái Luther, ngài đã tham dự vào các cuộc tranh luận. Tám cuốn sách ngài viết để chống với lạc giáo đã đem lại cho ngài địa vị hàng đầu của các thần học gia Âu Châu. Cần nhận xét ở đây là Ðức Gioan Fisher không bao giờ dùng lời lẽ hạ cấp để nhục mạ đối phương như trong các cuộc tranh luận thời bấy giờ, nhưng ngài dùng lý lẽ để khuyên bảo những người lầm đường lạc lối.
Vào năm 1527, ngài được yêu cầu xem xét vấn đề hôn nhân của vua Anh là Henry VIII. Nhà vua muốn li dị hoàng hậu hiện thời là bà Catherine ở Aragon vì bà không sinh được con trai nối dõi. Ðức Fisher đã làm vua Henry tức giận khi tuyên bố hôn nhân cũ của nhà vua vẫn còn giá trị, và sau này Ðức Fisher còn từ chối không chấp nhận Henry là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Anh Quốc như nhà vua tự xưng.
Trong mưu toan hãm hại Ðức Fisher, đầu tiên vua Henry buộc tội ngài là không phúc trình các "mặc khải" chống đối nhà vua của sơ Elizabeth Barton. Sau đó ngài bị triệu đến để thề chấp nhận Ðạo Luật Thừa Kế. Tất cả các quan trong triều đều tuyên thệ chấp nhận, ngoại trừ Ðức Giám Mục Fisher và Thomas More, cả hai từ chối vì Ðạo Luật này hợp pháp hóa sự li dị của Henry cũng như chấp nhận ông là thủ lãnh của Giáo Hội Anh. Cả hai người bị tống ngục Tower, khi ấy Ðức Fisher đã sáu mươi lăm tuổi và bệnh tật đang làm hao mòn sức khỏe của ngài.
Vào năm 1535, đức giáo hoàng tấn phong Ðức Gioan Fisher làm hồng y, nhà vua lại càng thêm tức giận và đã gài bẫy để đưa Ðức Gioan ra tòa về tội phản quốc. Ngài bị kết án và bị hành quyết, thi thể ngài bị để nằm nguyên ngày trên giàn chém và đầu của ngài bị treo trên cầu Luân Ðôn. Hai tuần sau, Thomas More cũng bị xử tử.
Ðức Gioan Fisher và Thomas More được phong thánh năm 1935.

Lời BànNgày nay, có nhiều vấn đề được nêu lên về việc tích cực tham gia sinh hoạt xã hội của linh mục và giáo dân. Ðức Gioan Fisher đã trung thành với ơn gọi giám mục của ngài. Ngài cương quyết duy trì giáo huấn của Giáo Hội; lý do ngài bị tử đạo là vì trung thành với Rôma. Ngài đã can dự đến các sinh hoạt văn hóa cũng như tranh chấp chính trị thời bấy giờ. Sự can dự này khiến ngài phải thắc mắc về tư cách đạo đức của người lãnh đạo quốc gia. "Giáo Hội có quyền, đúng hơn là nhiệm vụ, để đề cao sự công bằng trong lãnh vực xã hội, quốc gia và quốc tế, để lên án những bất công, khi các quyền căn bản của con người và sự cứu độ của họ đòi hỏi" (Công Bình Trong Thế Giới, Thượng Hội Ðồng Giám Mục 1971).

Lời Trích
Erasmus đã nói về Ðức Gioan Fisher như sau: "Ngài là con người mà thời bấy giờ không ai sánh được về sự chính trực của đời sống, về học thuật và về nét cao quý của linh hồn."


Ðời Vẫn Có Ý Nghĩa

Một tác giả người Thụy Ðiển đã tưởng tượng ra một cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra giữa các dân cư sinh sống tại một khu rừng nọ. Ðề tài của cuộc tranh luận là: Ðâu là ý nghĩa của cuộc sống?...
Kẻ kên tiếng phát biểu ý kiến đầu tiên không ai khác hơn là chú chim họa mi suốt ngày chỉ biết ca hát líu lo. Chú khẳng định rằng: "Ðời là một cuộc ca hát không ngừng". Một chú chuột chũi phản pháo tức khắc.
Theo chú: "Ðời là một cuộc tranh đấu không ngừng để chống lại bóng tối". Con bướm có đôi cánh sặc sỡ thốt lên: "Ðời là vui chơi và hạnh phúc". Con ong đang miệt mài tìm mật bên mấy cánh hoa không tán thành ý kiến ấy chút nào. Nó bảo rằng: "Ðời là một cuộc lao động vất vả". Con kiến cũng nhất trí với con ong để chỉ thấy rằng đời là lao động. Từ trên cao, một con phượng hoàng cũng góp ý kiến: "Ðời là tự do". Ðó là ý kiến của động vật.
Các thảo mộc cũng không thiếu ý kiến để đóng góp. Cây thông cao sừng sững giữa rừng hoàn toàn tán thành ý kiến của con phượng hoàng: "Ðời là tự do". Một cánh hoa dại giữa rừng thì lại hùa theo con ong và con kiến để khẳng định rằng đời chỉ là lao động vất vả. Cánh hoa hồng thì lại đồng quan điểm với con bướm để cho rằng đời là hạnh phúc và vui tươị
Thế giới vô tri cũng lên tiếng phát biểu. Một đám mây đen ngao ngán thốt lên: "Ðời chỉ là đắng cay và nước mắt". Một dòng sông hiền hòa trôi chảy cũng nhận định: "Ðời là một dòng nước chảy không ngừng". 
Lời phát biểu cuối cùng nhưng cũng là ý kiến tổng kết của cuộc tranh luận là tiếng chuông từ một giáo đường bên cạnh khu rừng. Thật thế, tiếng chuông ấy ngân lên những lời như sau: "Tất cả những lời phát biểu của quí vị đều đúng cả. Ðời là hòa bình, đời là ca hát, đời là vui tươi, đời là tranh đấu, đời là bể khổ, đời là đắng cay, nhưng tất cả đều tươi nở trong lòng người nhờ quyền lực của Chúa Thánh Thần".
Tôi bởi đâu mà đến? Tôi sẽ đi về đâu? Tại sao tôi đau khổ? Ðó là những câu hỏi lớn nhất mà một lúc nào đó trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh né được.
Cảm ơn Chúa vì đã cho chúng ta giải đáp trong chính Chúa Giêsu Kitô. Chính Ngài là Ánh Sáng chiếu rọi trên bí ẩn của cuộc đời cũng như trên chính Mầu Nhiệm của con người. Công đồng Vatcican II trong hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng đã nói với chúng ta rằng huyền nhiệm của con người chỉ có thể được sáng tỏ trong chính Mầu Nhiệm của Ngôi Hai Nhập Thể.
Chúng ta chỉ có thể tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi lớn của cuộc sống bằng cách nhìn vào Ðức Giêsu Kitô. Quả thật, Ngài đã sống kiếp con người như mọi người. Nhưng chính khi tiếp nhận mọi mùi vị của cuộc sống, Ngài đã mặc lấy cho cuộc sống một ý nghĩa, một hướng đị
Cuộc sống có ngọt bùi, đắng cay, chua sót, cuộc sống có lao động, tranh đấu hay thảnh thơi.... Tất cả đều mang lấy một ý nghĩa. Trong Chúa Giêsu, mất mát trở thành thắng lợi, thua thiệt trở thành cơ may, đau khổ trở thành dịu ngọt, cái chết trở thành khởi đầu của sự sống.
Nếu chúng ta đón nhận cuộc đời này bằng với cái nhìn ấy, thì quả thực không một thử thách, mất mát, đau khổ nào khiến chúng ta thất vọng. Với Quyền Lực của Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, những bể khổ, những đắng, cay chua xót của cuộc sống đều có thể nở hoa, những niềm vui nhỏ ấy sẽ mang lấy chiều kích vĩnh hằng, những việc làm vô danh thường ngày sẽ mang lấy giá trị vĩnh cửụ