Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

SUY NIỆM CHÚA NHẬT- LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU NGÀY 25/06/2017

Filled under:














Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu (Mt 11: 25-30)

25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.27 "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.28 "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."
 
SUY NIỆM 1

Chúa Giêsu cũng là một con người bằng xương bằng thịt như chúng ta. Nhưng tại sao chúng ta phải tôn thờ trái tim của một con người mang tên là Giêsu? Bởi vì,

1/ Trái tim Chúa Giêsu là biểu tượng tình yêu vô tận

Tình yêu của Chúa là tình yêu vượt quá tầm hiểu biết của con người. Đối với Chúa Giêsu tất cả mọi người, dù họ là thành phần nào thì cũng có một chỗ nương tựa trong con tim yêu thương của Người. Lần tìm về những trang Tin Mừng, thì đó cũng là thời gian chúng ta bắt gặp những nhịp đập thổn thức nơi con tim yêu thương phục vụ của Chúa Giêsu:

- Chúa Giêsu đã thổn thức trước những mảnh đời đau khổ về bệnh tật của rất nhiều người, nên Người đã chữa lành họ.

- Chúa Giêsu đã thổn thức và chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông dân chúng theo Người không có gì ăn, nên Người đã nuôi sống họ bằng phép lạ hoá bánh ra nhiều.

- Chúa Giêsu đã thổn thức và lo lắng số phận cho những con chiên lạc đàn, nên Người sẵng sàng băng rừng vượt núi tìm kiếm những chiên lạc. Và khi tìm được rồi thì con tim thổn thức của Chúa Giêsu đã vui trở lại. Dấu chỉ để nói lên niềm vui của Chúa là vác chiên trên vai; kêu mời bạn hữu; và người lân cận chia vui với Người.

2/ Trái tim Chúa Giêsu là biểu tượng tình yêu đến cùng

Khi Chúa chết trên thập giá, một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra, chảy ra cho đến giọt cuối cùng.

Trái tim là biểu hiện của tình yêu. Trên thập giá trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu là bằng chứng Người đã hiến thân vì tình yêu nhân loại. Những giọt máu cuối cùng của Chúa sẽ chứng minh tình yêu của Người cho chúng ta: Yêu cách quảng đại, yêu cách trọn vẹn, cho đi tất cả, hiến dâng tất cả, không nuối tiếc cũng không giữ lại một chút gì cho bản thân Người.

Thật cao quý vì tình yêu của Chúa là tình yêu đích thực, Người đã can đảm hiến dâng mạng sống cho người mình yêu. Trên thập giá, trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu là lời chứng minh hùng hồn về tình yêu tuyệt mỹ của Chúa. Vì Chúa nói: “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữa của mình” (Ga 15,13).

Hôm nay khi mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng ta phần nào cũng có một con tim như Người. Con tim mà tình yêu đối với tha nhân sẽ không bao giờ cạn, tình yêu hy sinh tự hiến với những người xung quanh không bao giờ đắn đo hay tính toán. Xin Chúa cho trái tim chúng ta không phải là trái tim mùa đông nhưng là một con tim nồng ấm tình người, cũng không phải là trái tim nhạt nhoà nhưng là con tim mặn nồng với anh chị em.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2
Trong niềm tin của chúng ta, chúng ta tin rằng Đức Giêsu có 2 bản tính là Thiên Chúa và Con người. Điều đó cho chúng ta xác tín rằng, Chúa Giêsu là một con người giống như bao người khác. Nếu vậy, tại sao chúng ta phải đi tôn thờ một Trái Tim của một con người giống như bao người khác? Phải chăng trái tim của Giêsu thành Nazarét có điểm gì đó đặc biệt?

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đã nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng…”: Đây là những kẻ vất vả và mang gánh nặng nề mà Người kêu gọi hãy đến với Người. Đó là những người Do thái sống dưới ách của Luật cũ, và nhiều tập tục nặng nề (x. Mt 23,4). Đó còn là mọi người đang sống trên trần gian gặp nhiều gian nan thử thách.

a. Chúa Giêsu không chỉ nói xuông, nhưng ngài thực hiện điều đó bằng cả trái tim YÊU THƯƠNG của Ngài. Chính hành động của trái tim yêu thương đó khiến cho những người đến với Chúa luôn tìm được niềm hy vọng và được biến đổi:

 
  • Chẳng hạn, hình ảnh Chúa Giêsu chữa người mù, người phong hủi, những người này đã bệnh tật lâu năm, nay được Chúa chữa, họ sẽ có một cuộc đời mới và niềm hy vọng mới.
  • Hoặc khi Chúa chữa người bị quỷ ám, là những người đã bị ách của ma quỷ đè nặng, thì khi Chúa đến với họ, ngay lập tức họ được giải thoát và có một khởi đầu mới.
 
  • Đặc biệt, Ngài còn đến với những người thu thuế và người tội lỗi, đây là những con người bị xã hội xa cách, bị ruồng bỏ, nhưng khi Chúa đến với họ, họ ngay lập tức tìm thấy được niềm an ủi, niềm vui và một sự thân tình.

Tất cả những điều đó phát xuất từ chính trái tim yêu thương hết mực của Chúa Giêsu. Chính trái tim yêu thương đó đã mang cho con người đang phải vất vả, lầm than một niềm hy vọng mới, một sức sống mới.

b. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng…”Chúa Giêsu không chỉ nói xuông, nhưng ngài thực hiện điều đó bằng cả trái tim THA THỨ của Ngài:

 
  • Chúng ta thấy, khi người đàn bà ngoại tình bị dân chúng dắt đến, thì chính Chúa không những không trách mắng, nhưng Ngài lại tha thứ và cho người đàn bà một cơ hội khác: “Chị hãy đi và đừng phạm tội nữa”.
  • Và con hơn thế nữa, trong cuộc khổ hình thập giá: chính những người trước đây đã từng tung hô Chúa trong cuộc rước vào thành thánh Giêrusalem, thì chính họ lại hô to đòi đóng đinh Chúa vào thập giá., quân dữ vả vào mặt Chúa, khạc nhổ vào Chúa, chế giễu Chúa, đánh đòn Chúa và cuối cùng đóng đinh Chúa vào thập giá cùng với 2 tên tội phạm. Nhưng chúng ta thấy, Chúa vẫn tha thứ cho họ khi thốt lên rằng: “Xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”.

Tất cả những điều đó đều phát xuất từ chính trái tim nhân từ và tha thứ của Chúa. Chúa không chỉ nhân từ và tha thứ cho những con người lỡ trót dại, nhưng còn tha thứ cho cả những kẻ CỐ TÌNH chống đối và phỉ bang Người.

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Đó là lời của Chúa Giêsu nói với chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống. Gánh nặng ở đây là gánh nặng của đau khổ, hậu quả của những lần vấp ngã, của trách nhiệm, của những lần bồng bột, của sự chịu đựng tha nhân… Tất cả những ai bị căng thẳng và lo âu, chán chường và mệt mỏi, hãy đến với Đức Giê-su. Nhờ được gặp Người, họ sẽ tìm lại được sự bình an cho tâm hồn.

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Đây cũng chính là lời mợi gọi dành cho chúng ta là những người môn đệ của Chúa, khi mừng lễ Thánh Tâm Chúa, chúng ta không chỉ là nhìn lại hay kỷ niệm một Thiên Chúa yêu thương và tha thứ cho con người, nhưng còn là cơ hội để chính mỗi người chúng ta cũng học cùng Chúa Giêsu sự yêu thương và tha thứ cho tha nhân.

Qua trái tim yêu thương của Chúa, con người tìm kiếm được bình an và niềm hy vọng. Qua trái tim tha thứ của Chúa, con người tìm kiếm được tương lai nước trời. Tất cả chúng ta qua Bí tích rửa tội, chúng ta cũng được mời gọi để sống giống Chúa, giống với trái tim yêu thương và tha thứ của Chúa. Để nhờ đó, chúng ta đến với anh chị em của mình, hay anh chị em của mình đến với chúng ta cũng tìm kiếm được sự bình an, vui tươi và hạnh phúc.

Tuy nhiên, đôi khi trong cuộc sống, chúng ta lại dễ mang đến cho anh chị em của mình nỗi buồn, nỗi thất vọng hơn là mang đến cho họ niềm vui và sự bình an

Vậy, anh chị em rất thân mến,

Anh chị em và tôi đã từng sống và đang sống yêu thương với hết mọi người chưa? Hay chúng ta đang oán ghét và hận thù anh chị em của mình? Hay chúng ta đang tìm cách nói xấu anh chị em của mình?

Anh chị em và tôi đã có lòng tha thứ cho anh chị em của mình chưa?

Chính Chúa đã tha thứ cho chúng ta và yêu thương chúng ta mọi ngày qua mọi biến cố, thì chúng ta hãy đến học với Chúa Giêsu bài học đó, chính là tha thứ cho anh chị em của mình, yêu thương anh chị em của mình.

Mừng lễ Thánh tâm hôm nay, chúng ta hãy nguuyện xin Chúa cho chúng ta trở thành niềm vui và sự bình an khi chúng ta đến với anh chị em của mình, chứ đừng để chúng ta trở thành nỗi khủng hoảng khi chúng ta xuất hiện trước anh chị em của mình. Amen.

Lm. Phaolô Hoàng Mạnh Huy