Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

5 Phút Cho Lời Chúa Ngày20/6/2017

Filled under:

YÊU THƯƠNG KHÔNG MỨC ĐỘ
“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,44)
Suy niệm: Theo lý mà xét, lời dạy bảo của Đức Giê-su thật chói tai về từ ngữ lẫn nội dung. Chẳng lẽ Ki-tô giáo lại dạy con người cách sống nhu nhược và chịu khuất phục trước kẻ ác? Không phải thế! Khi bị tên đầy tớ vả má cách bất công trước mặt thượng tế Cai-pha, Chúa Giê-su đã phản ứng lại tức khắc: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi.” Ở đây, Chúa Giê-su dùng kiểu nói đại ngôn hay thậm xưng để diển tả cái đòi hỏi ở mức độ quyết liệt. Chúng ta cần nắm bắt cho được tinh thần của Lời Chúa. Tinh thần ấy là lòng yêu thương không biên giới, không phân biệt bạn thù, nhưng hướng tới mọi người ở mức độ tuyệt đối. Bởi vì mức độ của tình yêu là yêu thương không mức độ.
Mời Bạn: Yêu hoa không có nghĩa là yêu luôn những những con sâu ẩn núp trong hoa. Đức ái ki-tô giáo đòi hỏi phải đấu tranh tích cực để trừ khử tội ác và cứu vớt con người, biến kẻ thù thành anh em, biến con người thành con Chúa, đó là một lý tưởng phải phấn đấu suốt đời.
Chia sẻ: Bạn nghĩ gì về câu nhận định của Gandhi: “Một trái tim dù chai đá đến đâu, cũng sẽ phải trở nên mềm mại trong lò lửa của tình yêu.”
Sống Lời Chúa: Vui vẻ, hoà nhã với người công kích hoặc dửng dưng với mình; nói tốt cho kẻ nói xấu mình.
Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho con biết sống trong tình yêu, để con sống trong hạnh phúc. Những lúc con để bụng để dạ giữ lòng hận thù, con cũng chẳng sung sướng gì, mà chính là con tự đày đọa mình. Xin cho con biết sống xứng đáng là con cái của Cha, xứng đáng với danh hiệu làm môn đệ của Chúa Giê-su. 



Thánh Tôma More
(1478-1535)
Thánh Tôma More sinh ở Luân Ðôn năm 1478. Sau khi thông thạo căn bản tôn giáo và kinh điển, ngài theo học luật ở Oxford. Sau đó, ngài là một luật sư và lập gia đình với bà Jane Colt có bốn người con. Ngài dành nhiều thời giờ cho việc giáo dục con cái. Chính ngài là một người trí thức và là bạn của hàng thức giả thời bấy giờ như Linacre, Fisher và Erasmus.
Tôma More thăng tiến mau chóng trong sự nghiệp. Ngài là một luật sư nổi tiếng và được chọn vào Nghi Viện khi mới 22 tuổi. Từ đó, ngài tiếp tục thăng quan tiến chức cho đến 47 tuổi, ngài được sự chú ý của vua Henry VIII và được chọn làm Quan Chưởng Ấn kế vị Ðức Hồng Y Wolsey.
Vào năm 1532, giữa lúc tột đỉnh danh vọng và sự nghiệp, Tôma More từ chức khi nhà vua nhất định duy trì lập trường của ông về vấn đề hôn nhân và uy quyền tối thượng của Ðức Giáo Hoàng. Vì vua Henry VIII muốn li dị bà Catherine ở Aragon, là người không sinh được con trai để nối dõi và muốn đặt các con người vợ lẽ làm thừa kế. Tôma More không đồng ý với hành động của nhà vua, và cũng không công nhận Henry là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Anh, như nhà vua đã tự xưng nhằm mục đích tách biệt khỏi Giáo Hội Rôma và khước từ quyền bính của đức giáo hoàng.
Tôma More bị tống giam ở Ngục Luân Ðôn. Mười lăm tháng sau, ngài được đưa ra tòa về tội phản quốc. Trước toà, ngài cho biết là không thể hành động trái với lương tâm, và cầu chúc các quan toà rằng "tất cả chúng ta sẽ gặp nhau ở đời sau trong hạnh phúc thiên đàng để được cứu chuộc đời đời." Trên đoạn đầu đài, ngài tuyên bố với đám đông rằng ngài chết như "một tôi trung của nhà vua -- nhưng trước hết là tôi trung của Thiên Chúa". Ngài bị chém đầu ngày 6 tháng Sáu năm 1535.
Năm 1935, ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XI tuyên xưng là "Vị Tử Ðạo của Ðức Giáo Hoàng" và đặt làm quan thầy của các luật gia.

Lời BànLà một quân sư và nhà ngoại giao hàng đầu, Tôma More không tương nhượng các quy tắc đạo lý của chính ngài để chiều theo nhà vua, vì biết rằng sự trung thành đích thực với quyền bính không có nghĩa mù quáng chấp nhận những gì người cầm quyền mong muốn. Tôma More đã can đảm trung thành với lý tưởng ấy cho đến giọt máu cuối cùng.

Lời Trích"Mỗi ngày đều có các cơ hội xúc phạm đến Thiên Chúa, nên tôi phải trang bị cho mình trong cuộc chiến đấu ấy bằng việc rước Mình Thánh Chúa. Nếu tôi cần sự soi dẫn và khôn ngoan để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề, tôi phải đến với Ðấng Cứu Ðộ để tìm sự khuyên bảo và sáng suốt của Người." -- Thánh Tôma More


Ai Hơn Ai?

Trong một khu vườn tuyệt đẹp kia có nhiều loại hoa đua nhau khoe màu tranh sắc: Hoa Hồng, hoa Hướng Dương, hoa Vạn Thọ, hoa Cúc, kể cả vài cụm bông Móng Tay và bông Mười Giờ.
Một ngày kia, có người đến nhìn ngắm những bông hoa đẹp, rồi lấy một cây thước ra đo chiều cao, chiều dài cũng như đếm số các nụ hoa. Xong ông ta bỏ đị
Ý thức về chiều cao và độ lớn của mình, hoa Hướng Dương càng vươn cổ lên cao và nói: "Trong khắp khu vườn, không hoa nào lớn mạnh như chúng tôi". Nghe nói thế, hoa Hồng lên tiếng: "Nhưng không hoa nào đẹp và tỏa hương thơm ngát như chúng tôi". Không chịu thua ai, hoa Vạn Thọ góp lời: "Hai người nói thế nghe sao phải, to lớn và thơm tho nào có ý nghĩa gì. Hai người làm gì có được nhiều bông hoa như chúng tôi".
Nghe những loại hoa trên tranh luận, các loại hoa Cúc, hoa Móng Tay và hoa Mười Giờ cảm thấy tủi phận. Hoa Móng Tay tìm lời an ủi hoa Mười Giờ: "Bọn mình không đẹp, không thơm, nhưng được cái là dễ trồng nên được nhiều người ưa thích".
Sau đó, khu vườn trở lại yên lặng trong khoảnh khắc. Nhưng hoa Cúc phá tan sự im lặng nặng nề với những phát biểu sau đây: "Sao các anh, các chị lại có thể suy nghĩ thế? Bởi đâu các anh các chị lại tranh nhau về chiều cao, về độ lớn, về vẻ đẹp, về hương thơm. Anh chị quên rằng: Dù lớn hay nhỏ, dù mạnh hay yếu, dù đỏ hay vàng, mọi bông hoa đều nhận lãnh hình hài, vẻ đẹp và hương thơm từ bàn tay của Ðấng Tạo Hóa và dưới mắt Người chúng ta đều như sau. Mỗi chúng ta đều được Người ban cho đồng đều ánh sáng và hơi ấm của mặt trời. Mỗi bông hoa đều được Người cho mưa rơi xuống gốc và sương sa trên mình như nhau. Ðó là Mầu Nhiệm của lòng quảng đại và khoan nhân của Thiên Chúa".
Sự phân bì, ghen tuông đã và đang làm khổ đau cho con người cũng bằng tính tự cao, tự đại hay ít ra tính phân bì, ghen ghét cũng làm cho chúng ta không được thư thái, bình an. Vì thế, có người đã đề ra những phương pháp sau đây như những điều kiện để được hưởng sự bình an trong tâm hồn:
- Nếu tôi không muốn so sánh mình với người khác, tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc với những gì tốt đẹp nơi tôi.
- Nếu tôi không làm nô lệ cho sự thành công, tôi có thể sản xuất những thành quả tốt đẹp kẻ khác chờ đợi nơi tôi.
- Nếu tôi không để mình bị vướng vào mạng lưới của sự cạnh tranh, tôi sẽ thông phần và chia sẻ được những cái tốt đẹp hàm ẩn trong tất cả mọi người.