Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa 18/6/2017 dành cho người đau yếu

Filled under:




SỐNG HIỆP THÔNG VỚI ĐỨC KI-TÔ
“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống đời đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6,54)
Suy niệm: Thời đại ngày nay, chuyện ăn chuyện uống đang là mối lo sợ của con người. Nào là cá bị nhiễm độc, nước bị ô nhiễm, hàng giả... đủ các mối lo. Con người cũng thật lạ! Lo lắng tìm kiếm của ăn ở trần gian mau hư nát này, còn của ăn tuyệt hảo bảo đảm cho sự sống thiêng liêng vĩnh cửu của linh hồn thì bỏ qua, không quan tâm. Đức Giê-su tha thiết mời gọi con người đến lãnh nhận Bánh Hằng Sống để linh hồn được nuôi sống, chẳng những ở đời này mà cả ở đời sau nữa. Ngài còn nói rõ Bánh Hằng Sống chính là Thịt và Máu của Ngài. Mạc khải đó thiết yếu đến nỗi cho dù người ta bị “sốc” vì “làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ấy được”, dù các môn đệ cảm thấy điều đó thật chướng tai và bỏ Thầy mà đi, Ngài vẫn quả quyết Mình và Máu Ngài là của ăn nuôi dưỡng thân-tâm và là bảo đảm sự sống đời đời.
Mời Bạn: Bạn có tin rằng Mình và Máu Chúa Giê-su là bảo chứng của tình yêu, là lương thực không thể thiếu đối với đời sống thân-tâm của bạn, của con người không? Mời bạn nhớ lại niềm vui, niềm hạnh phúc trong ngày đầu tiên được rước Chúa, để từ đó làm mới lại niềm vui, niềm hạnh phúc và lòng biết ơn Chúa Giêsu thánh thể.
Sống Lời Chúa: Siêng năng rước Mình Thánh Chúa với ý thức và xác tín Chúa hiện diện thật trong bí tích Thánh Thể, và dành thời gian cám ơn thật sốt sắng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con thật hạnh phúc được kết hiệp với chính Mình Thánh Chúa. Xin Chúa ở lại, và nuôi dưỡng, để con có thể mạnh bước trên con đường về Nước Trời. Con yêu mến Chúa, xin Chúa ở lại với con luôn mãi.


Ðấng Ðáng Kính Matt Talbot
(1856-1925)
Ông Matt có thể coi là quan thầy của những người đang chiến đấu với sự nghiện rượu. Matt sinh ở Dublin, là nơi cha ông làm việc ở bến tầu và không có thời giờ nhiều cho gia đình. Sau một vài năm đi học, Matt kiếm được công việc giao thư từ cho các nhà buôn rượu; từ đó bắt đầu Matt uống rượu như hũ chìm.
Trong vòng 15 năm -- cho đến khi 30 tuổi -- Matt là người nghiện rượu. Một ngày kia, ông "tự hứa" không uống rượu trong vòng ba tháng, ông đi xưng tội và bắt đầu tham dự Thánh Lễ hàng ngày. Hiển nhiên là những năm đầu tiên sau khi thề hứa thật khó khăn. Chỉ cần tránh gặp các tay bạn nhậu không thôi cũng đã khó. Tuy nhiên, ông đã trông nhờ đến sự trợ giúp của Thiên Chúa. Trước đây ông uống rượu như thế nào thì bây giờ ông cũng cầu nguyện như vậy. Ðồng thời ông tìm cách trả lại tiền vay mượn hoặc ăn cắp của người khác trong thời gian nghiện ngập.
Hầu hết cuộc đời của ông là một người lao động nặng nhọc. Ông gia nhập dòng Ba Phanxicô và bắt đầu một đời sống khắc khổ sám hối; ông kiêng thịt đến chín tháng mỗi năm. Hàng đêm, ông dành nhiều thời giờ để đọc sách thiêng liêng cũng như hạnh các thánh. Ông lần chuỗi Mai Khôi một cách có ý thức. Mặc dù đồng lương của ông thật khiêm tốn, ông đã rộng lượng đóng góp cho công cuộc truyền giáo. Vào năm 1925, sức khỏe ông sa sút đến độ phải nghỉ việc. Và vào ngày lễ Chúa Ba Ngôi, ông đã từ trần trên đường đến nhà thờ. Năm mươi năm sau, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ban cho ông tước vị đáng kính.

Lời Bàn
Khi nhìn vào cuộc đời ông Matt Talbot, chúng ta thường để ý đến những năm sau khi ông đã chừa rượu và sống cuộc đời ăn năn sám hối. Nhưng chỉ những ai đã từng nghiện rượu mới thấy thật khó khăn chừng nào khi mới bắt đầu bỏ rượu. Ông Matt đã cố gắng hàng ngày. Và mọi người chúng ta cũng phải như vậy.

Lời Trích
Trên trang giấy của cuốn sách ông Matt để lại, người ta thấy có dòng chữ sau: "Thiên Chúa đã an ủi ngươi và biến ngươi nên thánh. Ðể đạt được sự khiêm tốn tuyệt đối, cần có bốn điều sau: khinh miệt thế gian, đừng khinh miệt ai, khinh miệt chính mình, hãy coi thường khi bị người khác khinh miệt."

Tạ ơn Chúa

Thi sĩ Lamartine của Pháp có kể lại một giai thoại như sau: Một hôm, tình cờ đi qua một khu rừng, ông nghe một âm thanh kỳ lạ. Cứ sau mỗi tiếng búa gõ vào đá lại vang lên một tiếng "Cám ơn". Ðến gần nơi phát ra âm thanh, thi sĩ mới nhận thấy một người thợ đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ vào phiến đá, ông lại thốt lên "Cám ơn'.
Thi sĩ Lamartine mới nấn ná đến trò chuuyện, người thợ đập đá giải thích: "Tôi cảm ơn Chúa". Ngạc nhiên về lòng tin của một con người mà cuộc sống hẳn phải lầm than lam lũ, thi sĩ mới nói: "Giả như bác được giàu có, thì tôi hiểu tại sao bác không ngừng thốt lên hai tiếng cám ơn. Ðằng này, Thiên Chúa chỉ nghĩ tới bác có mỗi một lần duy nhất đó là lúc Ngài tạo nên bác. Sau đó, Ngài ban cho bác có mỗi cái búa này để rồi không còn ngó ngàng gì đến bác nữa. Thế thì tại sao bác lại mỏi miệng để cám ơn Ngàỉ".
Nghe thế, người đập đá mới hỏi vặn lại thi sĩ: "Ngài cho rằng Chúa chỉ nghĩ đến tôi có một lần thôi sao". Thi sĩ Lamartine bèn thách thức: "Dĩ nhiên, Chúa chỉ nghĩ đến bác có mỗi một lần mà thôi".
Người thợ đá nghèo, nhưng đầy lòng tin, mới mếu máo thốt lên: "Tôi nghĩ rằng điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ngài nghĩ rằng Thiên Chúa đã đoái thương đến một người thợ đá thấp hèn như tôi, dù chỉ một lần thôi. Vậy không đủ cho tôi cám ơn Ngài sao? Vâng, cám ơn Chúa, cám ơn Chúa". Nói xong, ông bỏ mặc cho thi sĩ đứng đó và tiếp tục điệp khúc quen thuộc của ông, vừa đục đá vừa tạ ơn Chúạ
Thiên Chúa yêu thương con người. Ðó là bài ca mà chúng ta không chỉ hát lên trong mùa Giáng Sinh, mà phải được lập lại trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Nhưng khi chúng ta nói: Thiên Chúa yêu thương con người, điều đó trước hết phải có nghĩa là Ngài yêu thương tôi. Thiên Chúa không yêu thương con người bằng một cách chung. Thiên Chúa yêu thương mỗi người bằng một tình yêu cá biệt, riêng rẽ. Ðiều đó cũng có nghĩa là mỗi người là một chương trình trong trái tim của Thiên Chúạ
Ðối với Thiên Chúa, không có đám đông vô danh, cũng không có những con số. Ngài gọi mỗi người bằng tên gọi riêng... Chúng ta không thể đo lường Tình Yêu của Thiên Chúa bằng thước đo hẹp hòi, thiển cận của chúng ta. Trong Tình Yêu Quan Phòng của Ngài, mỗi một con người là một chương trình và mỗi một chương trình đều cao cả. Thiên Chúa không tạo dựng chúng ta theo một khuôn mẫu, mà theo một chương trình riêng cho mỗi người. Mỗi một biến cố xảy đến đều được Ngài sử dụng để đem lại điều thiện hảo cho chúng ta. Nói như thánh Phaolô, Thiên Chúa quy mọi sự về điều thiện cho những kẻ Ngài yêu thương. Cũng chính vị thánh này nói: "Tất cả nọi sự đều là ân sủng của Chúa".