Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

5 lời khuyên để chuyển tải Tình Yêu vào trong cuộc sống của người khác

Filled under:

Cầu nguyện để chữa lành những vết thương trong chính cuộc sống của mình. Nếu bạn có thể hồi tưởng lại những lời người khác đã nói với bạn và giờ đây những lời ấy đã trở thành tiếng nói bên trong khiến bạn gục ngã, bạn hãy cầu xin Chúa Thánh Thần biến đổi những lời nói tiêu cực đó bằng những lời yêu thương và hy vọng từ nơi Thiên Chúa.
  1. Đọc Kinh ThánhHọc hỏi Lời Chúa. Chúng ta càng đọc về tình yêu của Thiên Chúa và sự chăm sóc của Ngài dành cho chúng ta bao nhiêu, thì chúng ta càng muốn chia sẻ điều đó với người khác bấy nhiêu. Khi chúng ta đọc và suy niệm Lời Ngài, thì những lời ấy sẽ trở thành ngôn ngữ của chúng ta.
  2. Tìm cơ hội để diễn tả. Trẻ em (và ngay cả người lớn!) có thể nhận biết được một lời khen giả tạo. Chúng ta không nên thốt ra những lời khen vô nghĩa, thay vào đó, hãy khám phá những phẩm chất đạo đức và đặc điểm của người khác để có thể chỉ ra và khuyến khích họ.
  3. Đếm từ 1 đến 10 và dâng một lời nguyện. Bạn làm điều đó khi chính bạn cảm thấy mình đang trở nên giận dữ hoặc khó chịu, thay vì phát ra những lời lẽ khiến bạn phải hối tiếc. Bạn hãy dành một chút thời gian để bình tĩnh lại. Bạn cũng nên tìm một lời cầu nguyện đơn giản cho mình để có thể sử dụng khi cảm thấy mình bị kích động: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy giúp con để những lời con nói với người khác theo như ý Ngài muốn.”
  4. Một ngày của bạn kết thúc trong bình an với lòng biết ơn, với sự tha thứ, và tình yêu.Đêm về, trước khi đi ngủ bạn cảm ơn mọi thành viên trong gia đình về tất cả những hy sinh mà họ đã sẵn lòng phục vụ lẫn nhau trong ngày sống. Bạn cũng hãy dành thời gian để tìm kiếm sự tha thứ nếu có bất kỳ mâu thuẫn nào, hay bất kể những gì đã xảy ra trong ngày, và kết thúc mỗi tối bằng cách nói, “Tôi yêu …”.
“…Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người. Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa.” (Gc 3,8-10)
Chuyển ngữ: Minh Thiện,S.J.


Niềm vui quanh ta

Khi cuộc sống hối hả tất bật, người ta dễ bị cuốn theo dòng xoáy, người ta dễ đánh mất niềm vui, người ta dễ bị đánh cắp tiếng cười. Người trẻ dễ bị mất hút giữa biết bao kế hoạch, biết bao hoạt động. Chúng ta dễ trở thành những người hoạt bát năng động nhưng thiếu đi niềm vui tiếng cười. Dừng lại một chút, nghĩ một chút, chúng ta kể cho nhau nghe một tý về những câu chuyện cười đơn sơ của đời sống thường ngày.
Nghĩ lại mới cười… Không biết đường nào mà mò…
Cha vốn là Đức Hồng Y khôn ngoan thông thái, nhưng giờ ngài đã tám mấy chín chục, ngài nghỉ hưu nhiều năm và già yếu. Buổi sáng nọ, ngài tiến lại hỏi tôi bằng tiếng Ý: Này con, cho cha hỏi một câu? Vâng cha cứ hỏi. Thế là cha hỏi: Tôi không biết là tôi đã ăn sáng chưa? Nghe cha hỏi xong, tôi treo máy.
Nhìn tôi “bối rối”, cha hỏi lại: Con không hiểu ý cha à? Tôi nói: Con hiểu ý cha hỏi nhưng con không biết phải nói làm sao… Tóm lại là con không biết… Thôi, cha đợi ở đây, để con gọi thầy khác tới.
Tôi gọi một thầy khác tới và nói với cha: Đây thầy này có thể giúp cha. Cha hỏi thầy đó: Con thích nói chuyện bằng tiếng gì? Thầy đó nói: Con nói được tiếng Pháp, tiếng Ý, và một chút tiếng Anh. Cha nói: Ờ, thì nói tiếng Ý cho dễ. Cha đặt lại câu hỏi: Thầy có thể cho tôi biết là tôi đã ăn sáng hay chưa? Thầy này cũng treo máy… Thôi, cha đợi ở đây, để con gọi cha khác tới.
Thế là một cha 70 tuổi vẫn rất minh mẫn mạnh khỏe và còn đang làm rất nhiều việc, với đầy kinh nghiệm, đi tới, nói: Con chào cha, con nghĩ là cha đã ăn sáng rồi. Đức Hồng Y khua tay: Không được, làm sao mà nghĩ thế được, tôi không biết được cách nào có thể biết.
Cha kia tiếp lời: Con không biết, cha cũng không biết, thôi, cha cứ cho là cha ăn sáng rồi đi, rồi cha hãy về phòng nghỉ ngơi, hẹn trưa gặp lại. Đức Hồng Y không chịu: Không được, không biết là ăn hay chưa thì làm sao mà cho rằng đã ăn rồi.
Cha kia tiếp chiêu: Vậy thì cha có cảm thấy đói không? Đức Hồng Y gật gù: Uh, đói một chút. Cha tiếp chiêu ngay: Cha có thích ăn táo không, nếu thích, cha ăn một trái táo, thế là đủ cho bữa sáng. Đức Hồng Y thích thú: Ý hay đấy!
Thế là Đức Hồng Y vui vẻ đi lấy một trái táo, ngồi ăn ngon lành, rồi trở về phòng nghỉ ngơi. Kết thúc một bữa sáng “không biết là lần 1 hay lần 2” trong vui tươi…
Cha già quên, cha già nhớ
Có cha đã ngoài 80. Ngài có thói quen là quên rằng mình đã dùng bữa. Thế là cả ngày cha chỉ loanh quanh ở nhà bếp. Mới ăn xong, đi ra ngoài vài bước, ngài sực nhớ rằng, mình chưa ăn gì cả, nên trở lại nhà bếp. Cứ thế! Anh phục vụ nhà bếp phải chụp tấm hình làm bằng chứng, ngài mới chịu tin. Nhưng mỗi lần như thế, vẫn phải cho ngài hột lạc rang, rồi ngài ngồi xuống bàn, ăn xong mới chịu đi. Đi một lát… ngài quay lại…
Có cha khác, luôn nhớ là mình đã dùng bữa. Nên dù ngồi bàn, mà ngài không chịu ăn gì. Vì cứ chuẩn bị đưa thức ăn vào miệng, là ngài sực nhớ. À mình vừa ăn rồi mà…
Cha thấy mình yếu quá!!!
Có cha rất hiền lành vui tươi và minh mẫn. Ngài 99 tuổi mà đi lại không cần chống gậy, tự lấy đồ ăn thức uống, cười nói thông thạo nhiều ngôn ngữ mà không nhầm lẫn. Ngài vẫn đọc sách báo. – Thưa cha, cha đã 99 tuổi gần 100 rồi. Tuổi cha còn hơn gấp 3 tuổi con. – Cha cười: Đúng là hơn 99, nhưng mà sao tôi cảm thấy mình già quá rồi! Ngài nói rất hồn nhiên, làm mọi người xung quanh chỉ còn biết cười bò ra.
Hy vọng là bạn đã cười một chút và vui một tý! Giờ đến lượt bạn, mời bạn hãy kể chuyện cười đời thực cho những người xung quanh, để mỗi người góp cho nhau từng chút tiếng cười niềm vui giữa cuộc đời này.
Tứ Quyết SJ