Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

5 Phút cho Lời Chúa ngày 4/6/2017

Filled under:

CUỘC SÁNG TẠO MỚI
Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy lãnh lấy Chúa Thánh Thần.” (Ga 20,22)
Suy niệm: Tác giả sách Sáng Thế đã dùng hình ảnh Thiên Chúa thổi làn sinh khí vào nắm bụi đất để sáng tạo nên con người giống hình ảnh Ngài (x. St 2,7). Cũng làn sinh khí ấy, Đức Ki-tô phục sinh cũng thổi trên các môn đệ để ban cho họ tràn đầy Thánh Thần: “Anh em hãy lãnh lấy Thánh Thần.” Sinh khí của Thiên Chúa chính là Chúa Thánh Thần, Ngài là nguyên lý sáng tạo. Hành động này của Đức Ki-tô phục sinh khác nào một cuộc sáng tạo mới được thực hiện trong Chúa Thánh Thần. Và vì thế, Chúa Thánh Thần là nguyên lý của công cuộc sáng tạo mới.
Mời Bạn: Từ ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, Hội Thánh Chúa Ki-tô chính thức được khai sinh. Lịch sử cứu độ lật sang một trang mới, trang của thời đại Chúa Thánh Thần, thời đại Ngài hoạt động trong Hội Thánh và trong từng người chúng ta. Mỗi người Ki-tô hữu cũng có một ngày hiện xuống của chính mình khi lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Nhờ được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, chúng ta trở thành con người mới. Chúng ta để Ngài thực hiện công cuộc sáng tạo mới trong cuộc đời mỗi người chúng ta bằng cách xin Lời Chúa soi sáng cho chúng ta nhận biết ý muốn của Thiên Chúa và xin ơn khôn ngoan và sức mạnh của Ngài để thi hành ý Chúa trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
Sống Lời Chúa: Tôi luôn bắt đầu một ngày sống, hoặc một công việc bằng việc cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con thường hát kinh Chúa Thánh Thần. Xin cho lời kinh ấy cũng là lời nhắc nhở chúng con mở lòng mình ra để cho Chúa Thánh Thần tác động và đổi mới.


Thánh Phanxicô ở Caracciolo
(1563-1608)
Thánh Phanxicô sinh ở Abruzzi, nước Ý, cha ngài có bà con với các hoàng tử xứ Caracciolo, và mẹ ngài có bà con với Thánh Tôma Aquina. Năm 22 tuổi, ngài bị bệnh ngoài da giống như phong cùi. Ngài thề rằng nếu được khỏi bệnh, ngài sẽ dâng mình cho Chúa. Và quả thật, ngài đã được lành lặn mau chóng. Giữ lời hứa, ngài lên Naples đi tu, và sau khi thụ phong linh mục, ngài gia nhập hội Bianchi della Giustizia, tận tụy chăm sóc tù nhân.
Vào năm 1588, Cha Gioan Augúttinô Adorno, người xứ Genoese, thành lập một tổ chức linh mục vừa tích cực hoạt động trong giáo xứ vừa sống đời chiêm niệm. Cha Adorno gửi thư mời Cha Ascanio Caracciolo gia nhập, nhưng lá thư lại đưa nhầm cho Cha Phanxicô. Cho đó là thánh ý của Thiên Chúa, Cha Phanxicô chấp nhận lời mời ấy và cùng với Cha Adorno tĩnh tâm trong 40 ngày để soạn thảo quy luật cho tổ chức. Vào ngày 1 tháng Sáu, 1588, tổ chức này được Ðức Giáo Hoàng Sixtus V tán thành, và lấy tên là Tiểu Giáo Sĩ Dòng.
Ngoài công việc truyền giáo và chăm sóc bệnh nhân cũng như tù nhân, nhà dòng còn cung cấp nơi ẩn dật cho những ai muốn sống cô độc. Một trong những nhiệm vụ của tu sĩ dòng là thay phiên nhau chầu Thánh Thể.
Sau khi Cha Adorno từ trần, Cha Phanxicô được bầu làm bề trên trái với ý muốn của ngài. Tuy là bề trên, ngài vẫn quét dọn phòng, giặt giũ như bao người khác. Nhiều lần ngài từ chối làm giám mục vì lời khấn thứ tư của dòng là: không bao giờ theo đuổi chức vụ hoặc danh giá bên trong hay bên ngoài nhà dòng.
Sau bảy năm làm bề trên, ngài được đức giáo hoàng cho phép từ chức và làm tu viện trưởng tu viện Santa Maria Maggiore và giám đốc đệ tử viện. Năm 1607, ngài từ bỏ mọi chức vụ chỉ để chiêm niệm chuẩn bị cho cái chết.
Năm 1608, khi Thánh Philíp Nêri tặng cho nhà dòng một căn nhà ở Agnone, Cha Phanxicô phải đến đó trông coi việc thành lập. Sau khi đến đó không lâu, ngài bị sốt và bệnh tình ngày càng nặng. Trong cơn mê sảng, ngài dặn dò anh em tu sĩ trung thành với quy luật và sau đó đã trút hơi thở cuối cùng ngày 4 tháng Sáu, khi mới 45 tuổi.
Ngài được phong thánh năm 1807.

Bóng Tối

Raoul Follereau đã thuật lại một câu chuyện về một người phong cùi như sau: Từ nhiều năm qua, ông ta sống chui rúc trong căn lều tối tăm của ông. Xa tránh ánh sáng, đôi mắt ông đã trở thành mù lòa. Bóng tối trên đôi mắt đã đành, ông còn tự giam hãm bóng tối của tâm hồn. Người đàn ông như đang tự chôn vùi mình trong chính đáy mồ của ông... Mỗi ngày, có một nữ tu đến để tẩy rửa và băng bó các vết thương cho ông. Ông chấp nhận cho người nữ tu săn sóc, vì nghĩ rằng ít nhất người nữ tu cũng nở được nụ cười mãn nguyện.
Ngày tôi đến thăm, người nữ tu cho tôi biết rằng người đàn ông đã không bao giờ muốn ra khỏi căn lều tối tăm của mình... Tôi tiến lại gần con người khốn khổ ấy và đưa cánh tay ra mời mọc. Tôi nắm lấy cánh tay của ông và dìu ông đứng dậy. Chúng tôi ra khỏi căn lều tăm tốõ Vừa đến bên cánh cửa nơi ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua, người đàn ông dã có một thái độ mà mãi mãi tôi không bao giờ có thể quên được. Ra khỏi căn lều, đứng giữa ánh sáng, ông hô lên một tiếng kêu lớn: "Tôi thấy!"
Kể từ khi bóng tối của bệnh phong cùi ụp phủ xuống trên cuộc đời, thì đây là lần đầu tiên, người bệnh mới cảm nhận thực sự có ánh sáng xung quanh mình. Lấy tất cả sức lực còn lại, người đàn ông thét lên với cây cỏ, với núi non, với trời cao, với tất cả mọi người: Tôi thấy! Tôi thấy!
Có những người tự giam mình trong bóng tối. Có những người bị người khác đầy ải vào trong bóng tối....
Vô tình hay hữu ý, có lẽ chúng ta cũng đã xô đẩy không biết bao nhiêu người vào trong bóng tối. Một cuộc sống thiếu chứng tá, một khước từ giúp đỡ: đó có thể là những hành động xô đẩy người khác rơi vào bóng tối, chúng ta cũng tự giam mình vào bóng tối hay giảm bớt cường độ ánh sáng trong chúng ta....
"Các con là ánh sáng thế gian". Lời của Chúa Giêng nói lên bản chất của người Khô. Người Kitô chỉ là Khô khi họ là ánh sáng thế gian... Ánh sáng không thể sáng soi nữa, ánh sáng ấy sẽ trở thành tăm tốị
Hãy chiếu ánh sáng bằng những việc làm của ánh sáng. Một cuộc sống đầy gương sáng, một lờ nói nâng đỡ ủi an, một nụ cười thông cảm, một bàn tay đưa ra để dìu dắt, để đồng hành: đó là bao nhiêu việc làm của ánh sáng mà bao nhiêu người đang chờ đợi nơi chúng ta. Và chúng ta cũng tin rằng, một ánh lửa càng được chia sẻ, thì càng sáng lên...