Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

5 Phút cho Lời Chúa ngày 2/6/2017

Filled under:

BA LẦN KHẲNG ĐỊNH TÌNH YÊU
Đức Giê-su hỏi ông Si-mon Phê-rô lần thứ ba: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.” (Ga 21,17)
Suy niệm: Hôm nay Chúa Giê-su hỏi Phê-rô đến ba lần có yêu mến Ngài không. Phê-rô cảm thấy nhói đau vì câu hỏi đụng đến vết thương chưa lành của ba lần chối Chúa. Sự cắn rứt dày vò vì lầm lỗi của mình có thể làm người ta trở nên cứng lòng và chai lỳ trong tội lỗi. Tuy nhiên, Phê-rô đã trả lời; và ba lần trả lời là cả ba lần Phê-rô đối lại việc mình đã chối Thầy trước đây bằng tâm tình thống hối và bằng việc khẳng định tình yêu không thay đổi dành cho Thầy Giê-su. Việc chăm sóc đàn chiên yêu dấu mà Ngài đã đổ máu ra để cứu chuộc, Chúa chỉ giao cho người nào dám khẳng định tình yêu của mình dành cho Đức Ki-tô đến độ say mê như thế mà thôi.
Mời Bạn: Phê-rô đã sửa chữa lỗi chối Chúa bằng cách tuyên xưng tình yêu, và rồi sẽ hiến mình vì đàn chiên được giao phó. Bạn đừng thất vọng vì lỗi lầm đã phạm. Trái lại, hãy can đảm tuyên xưng tình yêu đối với Chúa và hoàn thành tốt sứ mạng được giao phó là đem Tin Mừng Tình Yêu đến trong môi trường bạn đang sống và làm việc.
Sống Lời Chúa: Đặt mình trước mặt Chúa và lắng nghe Chúa hỏi mình: “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Mỗi lần như thế bạn hãy lặp lại với tất cả niềm say mê và quả quyết: “Lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi sự. Chúa biết con yêu mến Chúa.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi sự; Chúa biết con yêu mến Chúa. Xin Chúa giúp con biết yêu mến Chúa trong anh chị em con để con luôn sống xứng đáng là con của Chúa. Amen.
 

THÁNH MACELLINÔ VÀ THÁNH PHÊRÔ TỬ ĐẠO
"Tôi đã thấy linh hồn trong sạch các đấng tử đạo bay lên Thiên đàng". Đó là lời tuyên bố công khai của đao phủ Đôrôtê sau khi trảm quyết hai thánh Macellinô và thánh Phêrô. Hai thánh nhân được phúc lĩnh triều thiên tử đạo vào năm 302 dưới Hoàng triều Điôclêtianô và Mácxianô.
Thánh Phêrô được Chúa ban đặc quyền làm phép lạ chữa người bị quỷ ám. Chính vì thế chúng ta thấy nhiều người mến ngài nhưng cũng không thiếu kẻ thù oán luôn luôn muốn giết thánh nhân. Ngài bị tỉnh trưởng Sêrênô hạ lệnh bắt và tống ngục. Nhưng chính trong lúc khó khăn đó Thiên Chúa vẫn có thể dùng Phêrô để thực hiện ý muốn và làm vinh danh Người. Số là Sêrênô có một người bạn tên là Antêmi. Ông này có người con gái là nàng Paulina bấy giờ đang bị quỉ ám. Nghe tin thánh Phêrô có thể khử trừ tà ma, Sêrênô liền bảo Antêmi tới gặp thánh Phêrô đang nằm trong tù. Vừa trông thấy Antêmi, thánh Phêrô đứng dậy nói: "Thưa ông Antêmi, nếu ông biết Chúa Giêsu là ai và thờ phường Thiên Chúa thì tâm hồn ông sẽ được tràn trề ân huệ và ái nữ của ông sẽ được khỏi bệnh tức khắc". 
Antêmi kiêu hãnh trả lời: "Qua lời ông vừa nói, tôi biết ông chỉ là người điên. Thiên Chúa mà ông thờ phượng không thể giải thoát ông khỏi tù ngục, thì còn nói chi đến vấn đề Người sẽ cứu con tôi thoát khỏi tà ma ?"
Thánh Phêrô khiêm tốn trả lời: "Thưa ông, sở sĩ Thiên Chúa muốn để cho đầy tớ Người chịu cực hình và tù ngục, chỉ vì Người muốn cho họ trở nên tốt đẹp hơn. Trái lại Thiên Chúa có thể giải thoát họ bất cứ lúc nào nếu Người biết công việc đó cần thiết và hữu ích. Vậy nếu đêm nay Thiên Chúa đến giải phóng tôi khỏi chốn lao tù này thì ông có đoan kết với tôi là ông sẽ tin Chúa Giêsu không?"
Antêmi không tin Chúa Giêsu có thể giải phóng thánh nhân khỏi ngục thất đêm nay. Nhưng vì muốn nhạo báng thánh nhân, nên ông giả vờ hứa với thánh nhân sẽ tin lời ngài nói. Sau đó ông ra lệnh xiềng xích thánh nhân, dẫn ngài vào tận đáy sâu thẳm của ngục tối; khoá chặt cửa và đặt nhiều người canh gác trong nhà giam. Đêm về đè nặng trên khu phận đề lao. Cả không gian như im lặng ngoài tiếng rầm rập của mấy tên lính canh gác đi đi lại lại và thỉnh thoảng điểm thêm những tiếng ho khô khan của gia đình Antêmi còn thức. Trong lúc mọi người không ngờ thì Chúa Giêsu đã đến giải phóng thánh Phêrô. Thánh nhân mặc áo trắng dài tay cầm thánh giá đến với gia đình Antêmi. Vừa trông thấy thánh
Phêrô, tên quỷ ẩn mình trong Paulina vội la lớn: "Lạy thánh Phêrô, quả thật nhân đức siêu vời của Chúa Giêsu. Nơi Ngài đã xua đuổi tôi khỏi người thiếu nữ này. Vậy tôi phải để cho cô được tự do và lành mạnh".
Cả gia đình Antêmi đều bỡ ngỡ khi thấy thánh Phêrô thoát xiềng xích và có uy quyền chữa lành bệnh Paulina. Không ai bảo ai, mọi người vội quỳ xuống trước mặt thánh nhân tuyên xưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa và xin chịu phép rửa tội. Từ đó ngôi nhà Antêmi biến thành một nơi dậy giáo lý cho người dự tòng và thánh Macellinô thường lui tới làm phép rửa tội. Chính Sêrênô cũng được thánh Phêrô chữa lành bệnh. Ông ra lệnh mở rộng cửa đề lao cho các tín hữu về nhà tự do; nhưng với lòng nhiệt thành mến Chúa, và muốn chết vì danh Chúa, hai thánh Phêrô và Macellinô không muốn ra khỏi chốn lao tù.  Thấy hai thánh nhân cương quyết chịu chết vì Chúa, Sêrênô bực mình hạ lệnh hành tội các ngài bằng những trận đòn tới tấp và những trái đấm thôi sơn. Sau đó họ bắt giam mỗi người mỗi nơi. Thánh Macellinô bị điệu tới một nhà tù tối tăm. Thánh nhân phải đi chân không trên nền nhà bằng gạch có đầy những mảnh thủy tinh nhọn hoắt. Ngày qua ngày, thánh Macellinô phải đói khát sống cô độc âm thầm trong ngục thất tối tăm. Sau khi để cho thánh Phêrô chứng kiến thảm cảnh đó, Sêrênô quay nói với ngài: "Ngươi đừng tưởng rằng ta muốn hành tội ngươi trên giường sắt và dùng lửa thiêu đốt hai sườn đâu. Mai đây ta sẽ cho người buộc ghì ngươi vào chân cột để thú dữ phân thây xé xác ngươi".
Thánh Phêrô điềm đạm trả lời: "Tôi không thể hiểu được một người đen bạc như ông mà lại được giữ chức tỉnh trưởng. Ông đã hành hạ tống ngục thánh Macellinô người bạn của Thiên Chúa. Ông hãy xin Ngài phù giúp để Chúa giải phóng ông khỏi hình phạt đời đời".
Mặt hầm hầm tức giận, đôi mắt long lanh sòng sọc như điên cuồng, Sêrênô hạ lêïnh tống giam thánh Phêrô. Nhưng Chúa nhân từ không muốn cho những dân tân tòng mà hai thánh nhân mới rửa tội phải sống bơ vơ trên đường tu đức. Ban đêm Chúa sai thiên thần tới giải phóng hai thánh nhân khỏi lao tù. Thiên thần tới mặc cho các ngài bộ áo trắng và hướng dẫn các ngài tới một nhà để dạy dỗ đoàn người tân tòng. Theo lệnh Chúa, thiên thần bảo hai đấng ở lại đó một tuần huấn luyện cho họ có đức tin mạnh mẽ và đức mến nồng nhiệt. Sau đó, thiên thần sẽ đưa hai thánh nhân về nhà Sêrênô.
Sáng hôm sau, Sêrênô ra lệnh điệu hai thánh nhân ra khỏi tù để hành quyết. Nhưng khám đường vẫn kín mít mà không thấy hai thánh nhân đâu. Sêrênô nghi cho gia đình Antêmi đã nội phản, nên ông truyền lệnh hành quyết gia đình Antêmi. Antêmi, Canđiđa và Paulina đều bị trói dẫn ra pháp trường. Đang khi đó, hai thánh nhân vội tới pháp trường uỷ lạo và làm các phép cho gia đình Antêmi. Sau khi trảm quyết Antêmi, Sêrênô hạ lệnh chôn sống Canđiđa và Paulina trong một huyệt lớn đã đào sẵn.
Thánh Phêrô và Macellinô bị điệu đến một khu rừng âm u và chịu hành quyết tại đó. Trước khi linh hồn bay lên chầu Chúa, hai thánh nhân ban phép lành cho nhau, rồi từ từ quỳ xuống cầu nguyện. Sau một hồi trống ghê rợn âm vang trong khu rừng tịch liêu, đao phủ Đôrôtê lần lượt giơ thanh kiến ngang tàng lên trảm quyết hai thánh nhân. Hai chiếc đầu rơi, thì đao phủ Đôrôtê trông thấy linh hồn hai thánh nhân bay lên trời. Phần cảm động phần thì hối hận, Đôrôtê đã phải tuyên bố công khai trước mặt mọi người: "Tôi đã trông thấy linh hồn trong trắng của các đấng tử đạo bay lên Thiên đàng". Sau đó ông trở lại đạo công giáo và chết một cách tốt lành. Hai nữ thánh Lucina và Firmia mai táng xác hai thánh nhân bên cạnh mộ địa Tibuciô.
Hoàng đế Contantinô xây một thánh đường đồ sộ dâng kính hai thánh nhân ở Lavicanê; ở Rôma cũng có một thánh đường mang biệt danh hai đấng. Dưới đời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IV, người ta di chuyển hài cốt hai thánh về Pháp quốc. Năm 1213, thành phố Crêmonê được hưởng một cuộc thắng trận là nhờ ơn hộ vực của hai thánh nhân. Người Milanô thường đến uy hiếp và chà đạp người thành phố Crêmonê. Mọi người trong thành xin hai thánh phù giúp. Trong lúc mọi người tụ tập cầu nguyện trong thánh đường, thì thấy trên bàn thờ có hai thanh niên cường tráng cưỡi ngựa đi tiên phong ra giáp chiến. Hai thanh niên này đã hạ sát không biết bao nhiêu nhân mạng quân Milanô, và đã làm cho quân thù phải điêu đứng và đầu hàng vô điều kiện. Sau đó ai cũng tin rằng chính thánh Phêrô và Macellinô đã giúp họ thắng trận và mang bình an thịnh vượng đến cho thành phố Crêmonê.
Giáo hội đã mừng lễ kính hai thánh nhân ngay từ năm 302

Nguồn Gốc Của Sa Mạc

Người Ả Rập giải thích nguồn gốc của sa mạc bằng câu chuyện ngụ ngôn như sau:
"Thiên Chúa đang sáng tạo vũ trụ. Sau khi đã hoàn tất tinh tú, trái đất, biển khơi, sông ngòi, Thiên Chúa bắt tay vào việc tạo dựng con người. Ngài nặn được những thân hình thật đẹp, nhưng đó chỉ là những pho tượng, vì chưa có linh hồn".
Lúc bấy giờ, một tổng lãnh thiên thần mới đề nghị với Thiên Chúa là cần phải tạo dựng linh hồn cho con người. Thế là Thiên Chúa miệt mài giam mình trong phòng thí nghiệm để tác tạo linh hồn cho con người. Các linh hồn vừa mới ra lò còn rất mảnh khảnh và yếu ớt.
Ngài mang các linh hồn tươi tắn ấy xuống trần gian và phân phát cho loài người. Nhưng rủi thay, hôm đó trời đổ mưa, cho nên một số linh hồn chưa đủ cứng cáp đã biến dạng.
Một ngày nọ, một trong những người đã lãnh nhận được linh hồn méo mó, đã buột miệng nói ra một lời dối trá. Tuy chỉ là một lời dối trá không đáng kể, nhưng đó là một lời dối trá đầu tiên xuất hiện trong lịch sử loài ngườị
Thiên Chúa vô cùng hối hận vì đã không ngăn ngừa được sự dối trá ấy. ngài bèn tập trung loài người lại và tuyên bố: "Từ nay, đừng có một người nào phạm thêm một điều dối trá nữa. Nếu không, cứ mỗi lần có một lời dối trá, ta sẽ cho rơi xuống mặt đất một hạt cát".
Nhiều người nghe lời đe dọa của Thiên Chúa, cười thầm trong lòng. Một hạt cát có đáng kể là bao sánh với màu xanh trùng trùng điệp điệp của cây cỏ. Thành ra, loài người đã không đếm xỉa đến lời cảnh cáo của Thiên Chúa. Người thứ hai thêm một lời nói láo mà vẫn đinh nih đó chỉ là một lời không đáng kể, cũng như thêm một hạt cát trên trái đất cũng không thay đổi được bộ mặt của nó. Cứ thế, người thứ ba, rồi người thứ tư... Người ta nói dối đến độ Thiên Chúa không còn đủ sức để cho cát rơi xuống trên mặt đất nữa.... Ngài đành phải dùng đến bàn tay của các thiên thần để cho mưa cát xuống... Không mấy chốc, những đồng cỏ xanh tươi, những vườn cây um tùm biến thành sa mạc khô cằn. Thỉnh thoảng một vài ốc đảo xanh tươi mọc lên, đó là dấu hiệu sự hiện diện của một vài người còn biết tôn trọng sự thật. Nhưng dần dà, ôn dịch dối trá lan tràn khắp nơi, trái đất chỉ còn là một bãi sa mạc.
Tất cả những ai sống trong một xã hội xây dựng trên dối trá, lừa đảo, đố kỵ lẫn nhau đều biểu hiện được thế nào là sa mạc của tình người. Sa mạc nào cũng là biểu hiện của sự chết: chết của tình người, chết của lòng tin tưởng lẫn nhau, chết của hy sinh phục vụ, chết của lòng quảng đại. Tựu trung, dối trá cũng là tên gọi của ích kỷ. Người dối trá là người chỉ biết sống cho mình. Nếu ơn gọi của con người, nếu sự thật của con người là sống yêu thương, sống cho người, thì kẻ dối trá là người chối bỏ chính mình.
Chúa Giêsu đã lên án gắt gao thái độ dối trá. Ngài nói: "Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra". Kẻ dối trá, do đó, tự đặt mình dưới quyền thống trị và điều khiển của ma quỷ.
Mỗi một thái độ dối trá là một hạt cát rơi xuống trên sa mạc của tình người. Nhưng mỗi một hành động của quảng đại, của yêu thương, của phục vụ là một ốc đảo xanh tươi của Chân lý, đó là Chân lý của tình yêụ