Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

Bài Giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kito- Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:

BÀN TIỆC THÁNH THỂ
Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly. Thật là ý nghĩa khi Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể trong một bữa ăn, bởi vì trong bữa ăn người ta không chỉ ăn cơm, ăn bánh, ăn rau ăn thịt, nhưng người ta còn chia sẻ tâm tình với nhau. Trong bữa ăn chúng ta có một thời gian chung, một thời gian để gặp gỡ nhau. Đây là một thời khắc thiêng liêng người ta dành cho nhau, ở bên nhau, sống với nhau, gạt bỏ mọi lo toan, gạt bỏ mọi tính toán.
Từ xa xưa trong bữa ăn gia đình Việt Nam, chúng ta thấy cả ông bà, cha mẹ, con cháu đều quây quần bên một cái mâm tròn, đặt giữa một chiếc chiếu vuông hay trên một chiếc phản vuông, không phân biệt già trẻ lớn bé, các con các cháu đều ngồi quây quần bên cha mẹ, ông bà. Cả nhà đều có chung một nồi cơm, một chén nước mắm, một tô canh, một dĩa xào. Mọi người nhường nhịn nhau, có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít.Ăn chung một nồi cơm, chấm chung một chén nước mắm, múc chung một tô canh, gắp chung một dĩa xào. Ăn chung với nhau, cùng nhau chia sẻ đắng cay ngọt bùi, cùng nhau để thương yêu nhau, gạt bỏ mọi ích kỷ, xa cách, tự cao tự đại.
Chúa Giêsu đã đi vào bữa Tiệc Ly cũng với tâm tình ấy.  Chính trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một món quà vô giá, đó là bí tích thánh Thể, bí tích tình yêu.
Trong bí tích Thánh Thể, không những Ngài đã đặt hết tình yêu mà còn đặt cả linh hồn và thân xác vào trong đó nữa. Ở đây món quà và người cho chỉ là một. Điều đó không ai làm được ngoại trừ một mình Thiên Chúa.
Tình yêu đòi trở nên một, một xương, một thịt, một linh hồn, một thân xác, một hơi thở, một nhịp sống. Đó chính là lý do đã khiến Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể để Ngài trở nên một với mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đã yêu chúng ta như thế và Chúa cũng đòi buộc chúng ta yêu mến nhau như vậy.
Nhưng chúng ta đã thực hiện như thế nào?
Một câu chuyện lạ lùng và cảm động về một loài vật vốn đã rất quen thuộc với chúng ta. Chuyện kể rằng, khi sửa nhà, một anh thanh niên người Nhật đã nhìn thấy một con thằn lằn bị kẹt bên trong khe hở giữa hai bức tường bằng gỗ. Một sự tình cờ nào đó đã khiến chân chú thằn lằn tội nghiệp bị một cây đinh ghim vào tường. Nhưng lạ lùng hơn nữa là căn nhà đã được xây dựng hơn mười năm, điều đó đồng nghĩa với việc chú thằn lằn đã sống trong tình trạng này suốt thời gian qua.
Quá ngạc nhiên với những gì đang diễn ra trước mắt, chàng trai bèn ngưng làm việc và tò mò theo dõi xem chú thằn lằn đã sống ra sao trong tình trạng bị "cầm tù" như vậy.
Không lâu sau đó, anh nhìn thấy một con thằn lằn khác xuất hiện, miệng ngậm đồ ăn đến bên con thằn lằn bị ghim vào tường.
Một cảnh tượng thật cảm động. Con thằn lằn bị ghim đinh vào tường đã được một con thằn lằn khác nuôi ăn trong suốt mười năm qua. Không ngờ một loài vật không có linh hồn, không biết suy nghĩ, mà lại có một tình cảm sâu nặng đến như thế.
Thử tưởng tượng cặp thằn lằn ấy đã sống thế nào suốt chừng ấy năm.
Chắc hẳn con thằn lằn bị ghim vào tường dù phải chịu đau đớn nhưng vẫn không ngừng hy vọng. Với con còn lại, nó đã làm việc không biết mệt mỏi và không hề bỏ rơi bạn mình trong suốt mười năm.
Con thằn lằn là như vậy, còn con kiến thì sao?
Trong một lần cháy rừng, khi cánh rừng bốc cháy, anh chị em có biết đàn kiến thoát thân như thế nào không? Chúng nhanh chóng tập hợp lại, ôm nhau thành một cuộn đen tròn rồi lăn như một trái banh, thoát khỏi biển lửa. Mỗi lần đọc đến đây chắc hẳn mỗi người chúng ta đều xúc động. Dường như chúng ta nhìn thấy ngọn lửa đang rừng rực cháy, một bầy kiến đen đang lăn tròn; dường như chúng ta nghe thấy tiếng lắc rắc trong đám lửa,
đấy chính là tiếng của những con kiến bị lửa thiêu, những con kiến ở vòng ngoài cùng đã dùng thân mình để mở đường máu. Nếu không nhanh trí quấn lại thành cuộn tròn, nếu không có sự hy sinh của những con kiến vòng ngoài thì dòng họ nhà kiến đã bị thiêu cháy hết. Một loài kiến nhỏ bé sao chúng dám hy sinh cho nhau đến mức ấy.
Câu chuyện con kiến và con thằn lằn như muốn nhắc nhở chúng ta về lời tâm huyết của Chúa Giêsu: Các con hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương các con.
Không có tình yêu nào cao cả bằng tình yêu của một người đã dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình. Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta. Ngài đã hiến dâng mạng sống cho chúng ta và Ngài còn muốn ở lạ với chúng ta luôn mãi, nên đã lập bí tích Thánh Thể, bí tích Tình Yêu như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phalô II đã nói trong thông điệp về Thánh Thể:
“Tôi muốn nhắc lại chân lý nầy một lần nữa và cùng với anh chị em yêu dấu, tôn thờ mầu nhiệm nầy: mầu nhiệm cao cả, mầu nhiệm của lòng thương xót. Đức Giêsu còn có thể làm gì cho chúng ta hơn nữa chăng ? Thật thế, trong Thánh Thể, Người tỏ bày cho chúng ta một tình yêu “cho đến cùng” (Ga 13,1), một tình yêu không thể đo lường được.” Quả thật chỉ có Thiên Chúa mới dám nghĩ ra thứ quà tặng độc đáo nầy, một thứ quà tặng gắn liền với hy sinh, với máu đào hy tế để làm cho chúng ta được “thần hóa” thực sự, được thanh tẩy để “xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa” và “lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu”, được cứu độ và giải thoát khỏi kiếp sống nô lệ tội lỗi.
Hôm nay ngày lễ kính Mình Máu Chúa Kitô. Chúa đã trao ban chính mình cho chúng con để làm của ăn nuôi sống chúng con. Xin cho chúng con khi chiêm ngắm tình yêu hiến dâng của Chúa cũng biết trao ban tình yêu của chúng con cho tha nhân. Xin cho chúng ta biết theo gương Chúa để trở nên tấm bánh được bẻ ra để trao ban niềm vui và hạnh phúc cho mọi người. Amen