CHÚA THÁNH THẦN, NGÔN NGỮ CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
Hiện nay trong các hội nghị quốc tế, chẳng hạn như hội nghị Minh Ước Bắc Đại Tây Dương ở Paris, hay tại Liên Hiệp Quốc ở New York, các đại biểu trong hội nghị chỉ cần đưa máy nghe lên tai thì tức khắc họ sẽ nghe diễn giả đang nói tiếng Ba Tư nói thành tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Ý… tòan thể bài diễn văn được dịch ra và chuyền lại cho các thính giả nghe.
Nhưng cách đây hơn hai ngàn chính Chúa Thánh Thần đã làm được công việc này trong ngày lễ Hiện Xuống. Lúc các tông đồ còn đang lo âu sợ sệt vì Đức Giêsu đã chết và lên trời. Họ đóng cửa ở lại trong phòng. Rồi một buổi sáng nọ, bỗng nhiên Chúa Thánh Thần hiện xuống dưới hình lưỡi lửa đậu trên đầu các ngài. Các tông đồ trở nên vững tâm và mạnh dạn. Các ông mở cửa ra ngòai và bắt đầu rao giảng.
Trước mặt họ là một đám đông dân chúng hỗn độn, từ 15 nước và nói 15 thứ tiếng khác nhau, thế mà khi tông đồ nói, mỗi người đều nghe như các tông đồ đang nói tiếng bản xứ của mình.
Cha Ronald Rolheiser, OMI kể về cha Lorenzo Rosebaugh như sau:
Lúc đó cha Lorenzo vừa trở về sau một chuyến đi truyền giáo dài ở châu Mỹ La Tinh, nơi mà trong nhiều năm cha đã sống với người nghèo trên đường phố của Recife. Sau đó cha được gởi qua Pháp nhưng lại không nói được tiếng Pháp. Thế mà chưa đầy một tháng, người ta đã thấy cha ngồi trên bậc tam cấp nhà thờ gần khu dân cư với hơn chục người vô gia cư xúm quanh. Họ đang chia sẻ bữa ăn và đang trò chuyện với nhau, trông giống như một cuộc píc-níc trong công viên vậy.
Cha Lorenzo không nói được một từ tiếng Pháp và những người quây quần quanh cha cũng không nói được tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha, nhưng rõ ràng họ đang giao tiếp với nhau, và giao tiếp một cách thân tình và sôi động.
Làm thế nào mà họ có thể làm được như thế?
Đó chính là Chúa Thánh Thần.
Lần đầu tiên mô tả Lễ Hiện Xuống, thánh Luca kể cho chúng ta rằng sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các môn đồ đầu tiên của Chúa Giêsu đi ra ngoài công chúng và bắt đầu nói, và tất cả mọi người, hết thảy mọi người, dù sắc tộc hay ngôn ngữ của họ thế nào, đều nghe những lời các tông đồ nói như nghe bằng ngôn ngữ của họ.
Hàng rào ngôn ngữ ngăn cách cũ không còn cản trở việc nghe thấy hay hiểu được.
Ngôn ngữ cất lên từ tâm hồn đã vượt lên trên mọi sắc tộc và tiếng mẹ đẻ.
Như vậy ngôn ngữ có nhiều cấp độ khác nhau
- Ở cấp độ rõ ràng nhất, ngôn ngữ phụ thuộc vào từ ngữ nói ra, mà lời nói thì luôn luôn phải là một ngôn ngữ cụ thể, ví dụ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, hay tiếng Việt Nam. Ở cấp độ này, lời nói chỉ có một sức mạnh tương đối, nhưng chúng cũng có thể trở thành lừa dối và gian trá. Lời nói không phải lúc nào cũng chính xác phản chiếu tâm hồn. Và có lúc chúng ta không thể diễn tả bằng lời như trước cảnh đau thương chết chóc
hay khi bị phản bội trắng trợn.
- Nhưng chúng ta còn có một thứ ngôn ngữ khác: ngôn ngữ của cơ thể. Cơ thể của chúng ta còn có thể diễn tả được nhiều hơn và trung thực hơn lời nói của chúng ta. Qua cơ thể, qua điệu bộ, qua cử chỉ và từng dáng vẻ của cơ thể, chúng ta nói một cách sâu sắc hơn và chân thực hơn so với khi chúng ta nói bằng lời.
- Và chúng ta còn một thứ ngôn ngữ sâu sắc hơn nữa: đó là ngôn ngữ của tâm hồn, ngôn ngữ của con tim, ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần, một thứ ngôn ngữ xuyên qua lời nói và ngôn ngữ của cơ thể chúng ta.
Chúa Thánh Thần không chỉ là một bản vị thiêng liêng trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Trái lại Thánh Kinh nói với chúng ta rằng Chúa Thánh Thần lại rất cụ thể như niềm vui, bình an, kiên nhẫn, lòng tốt, sự chịu đựng, trung tín, dịu dàng và trong sạch.
Dù có mặt hay vắng mặt, tất cả cất tiếng nói với chúng ta rất to và rõ ràng hơn bất kỳ lời nói hay cử chỉ, điệu bộ nào của chúng ta.
Đó chính là ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần, ngôn ngữ đó đã được thể hiện trong trường hợp của cha Lorenzo.
Khi làm việc ở châu Mỹ La Tinh, cha Lorenzo Rosebaugh chỉ bập bẹ nói thứ tiếng Tây Ban Nha sai bét và thứ tiếng Bồ Đào Nha cũng sai bét. Vậy mà người nghèo ở đó vẫn nghe được và hiểu những gì cha Lorenzo nói. Cha không hề biết tiếng Pháp mà cha vẫn có thể ngồi trên bậc tam cấp nhà thờ ở Pháp và quây tụ quanh mình những người vô gia cư chỉ nói được tiếng Pháp - và họ hiểu cha một cách rõ ràng như thể đang nghe ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
Đó là ngôn ngữ của con tim,
Ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần,
Ngôn ngữ của Tình Yêu Thiên Chúa.
Đó chính là ngôn ngữ của Lễ Hiện Xuống mà chúng ta mừng kính hôm nay. Amen
***************************************************************************************
THỨ NĂM TUẦN 7 PHỤC SINH
Ga 17,20-26
Lời Chúa:
“Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con...” (Ga 17,24)
Câu chuyện minh họa:
Năm 1976, chiến tranh giữa Pháp và Liên Minh Ý- Áo. Đại Tướng Pháp: Bonaparte đưa quân đến một địa điểm, có cây cầu bắc qua trận tuyến địch. Trong lúc trận chiến đang nguy, Bonaparte hô tiến qua cầu. Không một ai qua! Bonaparte xuống ngựa, giựt lá cờ quân đoàn, chân bước qua cầu, miệng hô: "Ai yêu Tổ quốc thì theo ta!”. Ngó lại, trên cầu chỉ có một mình mà lá cờ đã rách nhiều mảnh vì đạn của địch quân. Khi ấy có cậu bé 13 tuổi đánh trống thúc quân, hai tay đập mạnh vào trống chân bước qua cầu theo đại tướng, quân sĩ tràn theo qua cầu. Bonaparte toàn thắng và chấm dứt chiến tranh...
8 năm sau, Bonaparte đã là Hoàng Đế Napolêôn, trở lại chỗ cũ, có lễ nghi nghinh tiếp rất long trọng. Napolêôn muốn bắt tay cậu bé Vidal đã 21 tuổi hiện ở trong quân đoàn lại đó.
Hỏi đến Vidal thì cậu đã nghỉ phép để đưa đám tang mẹ. Napolêôn bãi bỏ tất cả nghi lễ quân Đội, đi thẳng đến làng của Vidal, theo sau đám tang đến huyệt, đọc bài điếu văn rồi đi bộ cùng Vidal trở về. Vidal từ chối và mời Hoàng đế lên xe. Hoàng đế Napolêôn đáp: “Tám năm trước con đã liều chết theo ta trên con đường chết, nay trên con đường đau khổ, con cho ta theo con, cho có bạn!"
Suy niệm:
Những ai bước theo Chúa trong cuộc khổ nạn, thì chắc rằng họ cũng sẽ được chia sẻ vinh quang với Chúa. Như thế, mọi thử thách ở đời này làm cho người Kitô hữu thêm giá trị cao cả, và trở nên giống Chúa Kitô hơn. Chúa Giêsu đã hạ mình xuống thế làm người để nâng loài người sa ngã lên. Và cho chúng ta trở thành con cái Chúa và nên một trong Thiên Chúa. Đó là tình yêu cao cả mà Chúa đã dành co loài người chúng ta.
Xin Chúa cho con cảm nghiệm được tình yêu mà Ngài đã dành cho con, và đền đáp tình yêu ấy qua cách sống của con.
02.06.2017
THỨ SÁU TUẦN 7 PHỤC SINH
Ga 21,15-19
Lời Chúa:
“Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?...” (Ga 21,15)
Câu chuyện minh họa:
Một cậu trai Ấn Độ muốn làm người hùng, nên cậu phải học săn thú, đánh cá và bán cung.
Rồi ngày quan trọng đã đến cậu bé phải làm cái cung tên cho mình. Đó là công việc đòi kỷ năng và lòng kiên nhẫn, và chỉ một người duy nhất thực hiện từ đầu chí cuối. Khó nhất là việc chọn được cây gỗ tốt. Tới ngày đã định đi chọn gỗ, cha cậu dặn hai lời:
- Thứ nhất, một khi qua cây nào rồi, thì đừng bao giờ nghĩ tới nó nữa.
- Thứ hai, khi đã quyết chí chọn rồi, thì đừng đổi ý.
Sáng sớm, cậu ta lên đường. Cậu sục sạo và quan sát kỹ hết cây này sang cây khác. Đã gần đến bên kia bìa rừng, không còn bao nhiêu cây nữa, vì vậy buộc cậu phải chọn.
Nhưng khi vác một cây non về nhà, cha cậu bảo cây ấy chưa hẳn là tốt nhất. Cha cậu hỏi cậu đã gặp những gì và học được những gì ngày hôm đó. Nghĩ ngợi một hồi, cậu nói: “Bố ạ, con học được rằng một khi đã chọn rồi, thì khó lòng mà thay đổi.”
Suy niệm:
Việc chọn lựa trong cuộc sống cũng rất quan trọng, có những chọn lựa chúng ta phải chấp nhận suốt đời, và có những chọn lựa mang lại cho ta hạnh phúc. Kitô hữu đã chọn Chúa là gia nghiệp, là hạnh phúc và là con đường để bước theo. Thế nhưng chọn lựa ấy không phải lúc nào cũng dễ thực hiện. Chúa Giêsu ba lần chất vấn Phêrô: “con có yêu mến Thầy hơn những người này không?”. Đó cũng là câu hỏi cho mỗi người chúng ta trong hành trình theo Chúa. Điều kiện để làm môn đệ và chu toàn sứ mạng là tình yêu, vì nó có sức mạnh nối kết và biến đổi con người.
Xin thắp lên trong con ngọn lửa của lòng yêu mến Chúa, để con sẵn sàng chia sẻ tình yêu ấy cho những người con gặp gỡ.
03.06.2017
THỨ BẢY TUẦN 7 PHỤC SINH
Ga 21,20-25
Lời Chúa:
Ông Phê-rô nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, còn anh này thì sao?" Đức Giê-su đáp: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy” (Ga 21,21-22)
Câu chuyện minh họa:
Trong thời nội chiến tại Hoa Kỳ, Tổng thống Abrham Lincoln đã chọn một viên sĩ quan trẻ tuổi làm thư ký riêng của ông. Viên sĩ quan này là người nổi tiến là gan dạ và kiêu hùng. Vì thế công việc bàn giấy xem ra không mấy thích hợp với anh ta.
Viên sĩ quan này chỉ có một ước mơ là được trở lại chiến trường, bởi vì anh nghĩ rằng, chỉ ở nơi trận mạc, anh mới có thể phục vụ cho xứ sở của anh cách đắc lực được mà thôi. Vì thế, rất nhiều lần viên sĩ quan này than phiền với Abraham Lincoln về vị trí tù túng của anh, và anh xin với vị nguyên thủ quốc gia của anh, cho anh được trở lại chiến trường.
Lần đó Abraham nhìn thẳng vào viên sĩ quan và nói :
- Này anh bạn trẻ, theo tôi nhận xét thì quả thực anh luôn luôn muốn xả thân cho Tổ Quốc, nhưng anh không muốn sống cho Tổ Quốc
Qua lời nhận xét trên đây, Abraham Lincoln muốn nói với viên sĩ quan trẻ tuổi kia rằng, xả thân cho tổ quốc cũng giá trị như sống cho tổ quốc. Bởi vì nếu cái chết ở ngoài chiến trường của người chiến binh là một bằng chứng cho lòng yêu tổ quốc, thì cuộc sống phục vụ tại bàn giấy, cũng là một bằng chứng cho lòng yêu đó.
Suy niệm:
Trong bài Tin mừng hôm nay, Thánh Gioan cho chúng ta thấy rằng, Chúa dùng chúng ta mỗi người với một cách thế khác nhau, có người phải dùng cả mạng sống, có người chỉ âm thầm trong đời sống cầu nguyện, hay có những người vất vả cho công việc phục vụ…
Các tông đồ và cộng đoàn tiên khởi đã làm chứng về Chúa phục sinh bằng lời rao giảng, kinh nghiệm sống với Chúa, và bằng việc hy sinh cả mạng sống mình nữa. Cũng vậy, chúng ta mỗi người tùy hoàn cảnh cũng có thể làm chứng về Chúa về đức tin, thái độ, và gương sáng.
Xin cho chúng con can đảm làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống hằng ngày.