Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

5 Phút cho Lời Chúa ngày 15/6/2017

Filled under:

CÔNG CHÍNH HƠN
“Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5,20)
Suy niệm: Các kinh sư và Pha-ri-sêu vốn được coi là có đời sống công chính mẫu mực. Họ thông hiểu Lời Chúa, và Lề Luật Mô-sê. Họ ăn chay, bố thí cho người nghèo, “giữ luật cha ông một cách nghiêm ngặt.” Họ là người cầm cân nẩy mực trong việc sống đạo của người Do Thái. Thánh Phao-lô không ngần ngại nhìn nhận mình là một người biệt phái (x. Cv 22,3;26,5). Công chính như những kinh sư và biệt phái không phải là một điều dễ. Thế mà Chúa Giê-su dạy phải “ăn ở công chính hơn” thì mới được vào Nước Trời. Sống công chính hơn, không phải là tính đếm các giới răn mình tuân giữ (x. Mt 19,16-22), cũng không phải là so sánh mình với người khác (x. Lc 18,9-14). Tiêu chuẩn Ngài đưa ra là: “Anh em hãy nên toàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng Toàn Thiện” (Mt 5,49).
Mời Bạn nhìn vào cuộc đời Chúa Giê-su để biết thế nào là sống công chính hoàn hảo. Đó là cuộc sống vì yêu mến mà vâng phục thánh ý Chúa Cha. Và vì thế, yêu thương nhân loại đến mức hiến thân đến hơi thở cuối cùng, đến giọt máu cuối cùng trên thập giá. Ngài mời gọi chúng ta là sống như Ngài: làm mọi việc không vì mong danh, cầu lợi, nhưng với vì yêu thương mà hiến thân phục vụ.
Chia sẻ: Cha Mark Link viết: “Những điều duy nhất ta còn giữ lại được là những gì ta đã cho đi”. Điều đó có giúp gì cho việc sống công chính hơn không?
Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh phục vụ cách âm thầm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con nên hoàn thiện như Chúa là Đấng Hoàn Thiện. Xin dạy con yêu người như Chúa yêu thương chúng con.


Thánh Germaine Cousin
(1579-1601)
Thánh Germaine là một thiếu nữ quê mùa ở làng Pibrac, gần Toulouse. Vì mẹ mất sớm nên ngài phải lớn lên trong hoàn cảnh đau khổ vì bị người cha ghét bỏ và người mẹ ghẻ thật tàn nhẫn. Vì không muốn Germaine chung đụng với con riêng của mình, bà mẹ ghẻ bắt Germaine phải ngủ trong chuồng súc vật hoặc dưới gầm cầu thang, lúc nào cũng phải làm việc trong khi ăn uống rất kham khổ. Ngay khi chín tuổi, Germaine đã phải đi chăn cừu.
Bất kể những lao nhọc và bất công trong đời sống, Germaine vui lòng chấp nhận mọi sỉ nhục. Cô thích đi chăn cừu, vì đó là cơ hội để cầu nguyện và truyện trò với Thiên Chúa.
Germaine rất đạo đức và siêng năng tham dự Thánh Lễ. Mỗi sáng nghe chuông đổ, dù đang chăn cừu, cô vội vã cắm cây gậy xuống đất và chạy đến nhà thờ, phó thác đàn cừu cho sự chăm sóc của các thiên thần. Chưa bao giờ đàn cừu bị nguy hại vì sói rừng khi vắng mặt cô, dù ở cạnh khu rừng. Người ta kể rằng, có lần cô đã đi trên mặt nước, chạy băng qua sông để kịp dự lễ.
Germaine quá nghèo để có thể chia sẻ vật chất cho người khác. Nhưng tình yêu tha nhân của cô luôn luôn được thể hiện qua sự giúp đỡ bất cứ ai cần đến cô, và nhất là các trẻ em trong làng, là những người được cô dạy họ biết kính sợ Thiên Chúa.
Vào lúc ấy, sự thánh thiện của Germaine bắt đầu được dân làng chú ý. Nhưng điều này cũng không giúp thay đổi gì tình trạng của cô trong gia đình. Thật vậy, cô bị trừng phạt vì đã chia sẻ thức ăn cho người ăn xin. Có lần vào mùa đông, bà mẹ ghẻ nghi ngờ cô giấu miếng bánh trong vạt áo, nhưng khi mở ra bà chỉ thấy những bông hoa thật đẹp của mùa hè rơi xuống. Gia đình bắt đầu nhận ra sự thánh thiện của cô và mời cô vào sống ở trong nhà, nhưng Germaine xin được tiếp tục cuộc sống như trước.
Năm cô 22 tuổi, người ta tìm thấy cô nằm chết trên đống rơm dưới gầm cầu thang. Thi hài của cô được chôn trong nhà thờ ở Pibrac. Bốn mươi ba năm sau, khi tân trang nhà thờ, các người thợ vô tình khai quật mộ của cô và người ta tìm thấy xác của cô vẫn còn nguyên vẹn. Sau khi được trưng bầy cho mọi người kính viếng trong một năm trời, thi hài của cô được chôn cất trong gian cung thánh. Nhiều phép lạ đã xảy ra nhờ lời cầu bầu của cô. Tiến trình phong thánh cho cô được khởi sự từ năm 1700, nhưng vì cuộc Cách Mạng Pháp, tiến trình này đã bị đình trệ, mãi cho đến năm 1849, cô được Ðức Giáo Hoàng Piô IX phong thánh và đặt làm quan thầy của các thiếu nữ ở thôn quê.


Thiên Chúa Không Thất Vọng Về Con Người

Văn hào Nga Dostoievski, với những tác phẩm nổi tiếng như Tội ác và Hình phạt, anh em nhà Karamazov, là người đã trải qua một cuộc đời đầy sóng gió. Sau một thời gian dài bị giam cầm vì lý do chính trị, ông bị kết án tử hình. Nhưng, như một phép lạ, vào giữa lúc sắp sửa bị hành quyết, ông bỗng nhận được lệnh tha. Người viết tiểu sử của ông kể lại như sau:
Thời gian trong tù đã in đậm nét trên quãng đời còn lại của ông. Từ trên chiếc máy chém nhìn xuống đám người đang đứng dưới chân mình, ông chỉ còn thấy họ là những người bị áp bức, những người nô lệ đáng thương. Dù họ có phạm tội ác tày trời đi nữa, tâm hồn họ vẫn là tâm hồn của những con người vô tội, do đó đáng được sự tha thứ.
Khi bước xuống khỏi máy chém, Karamazov thấy mọi sự như vô nghĩa. Ðiều duy nhất còn có ý nghĩa đối với ông chính là tình yêu, và cho dù trong suốt 30 năm sau, cuộc đời của ông đắm chìm trong bùn nhơ của tội lỗi, của khốn khổ, của ô nhục, ông luôn nhìn mọi sự qua lăng kính của yêu thương. Một lần bị đưa lên máy chém ấy cho ông hiểu rằng con người đau khổ, tất cả mọi người đều đáng cảm thông, thương mến. Ðó là sứ điệp mà Karamazov công bố suốt cuộc đời của ông.
Cả cuộc đời của ông là một cố gắng không ngừng để diễn đạt câu nói: "Hỡi người anh em, không có gì có thể ngăn cản tôi yêu thương bạn".
Nếu có những lúc chúng ta cảm thấy thất vọng về con người đốn mạt của chúng ta, nếu có những lúc chúng ta không còn tin tưởng ở tình người nữa, chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu. Chúng ta thấy ngay ánh mắt nhân từ, cảm thông của Ngàị
Khi Zakêu, thủ lãnh của phường thu thuế, leo lên cây cao để thấy Ngài, Chúa Giêsu đã ôn tồn nói với ông: "Hôm nay, tôi đến thăm nhà ông".
Khi người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình được dẫn ra trước mặt Ngài, Chúa Giêsu nhỏ nhẹ nói với bà: "Chị hãy về đi, tôi không kết án chị".
Khi Maria Madalêna đến quỳ dưới chân Ngài, Chúa Giêsu đã không hắt hủi cô.
Khi Phêrô phản bội Ngài, Chúa Giêsu nhìn ông với tất cả trìu mến, thông cảm.
Khi tên trộm cừu bị treo trên thập giá hướng về Ngài, Chúa Giêsu đã hứa với anh: "Hôm nay, anh sẽ ở cùng Ta trên Thiên Ðàng".
Ngài đã ngồi cùng bàn với phường thu thuế, bọn đĩ điếm, kẻ tội lỗi. Ngài tha thứ những kẻ đóng đinh Ngài vào thập giá.
Qua cách cư xử của Chúa Giêsu, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng: Ngài yêu thương con người, bởi vì Ngài không thể chối bỏ hình ảnh của Ngài nơi con người. Chính ánh lửa ấy khiến cho Thiên Chúa vẫn luôn nhận ra được hình ảnh của mình nơi con người, để không bao giờ thất vọng về con ngườị