Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 1: 57-66.80)
Khi đến ngày sinh, bà Êlisabeth sinh hạ một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Giacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: "Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan". Họ bảo bà rằng: "Không ai trong họ hàng bà có tên đó". Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: "Tên nó là Goan". Và mọi người đều bỡ ngỡ. Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa. Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghỉ rằng: "Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực bàn tay Chúa đã ở với nó". Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng: nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel.
SUY NIỆM 1
Thánh Gioan Tẩy Giả mà chúng ta mừng lễ hôm nay có cách sống rất đơn sơ và giản dị. Nhưng trong cách sống ấy, Thánh Gioan Tẩy Giả đã để lại cho chúng ta những bài học rất hay, rất đẹp, rất cần thiết để phát triển đời sống đạo. Bài học Thánh Gioan Tẩy Giả để lại cho chúng ta được thể hiện qua lời rao giảng và cách sống của ngài.
1/ Lời rao giảng của Thánh Gioan Tẩy Giả
Thánh Gioan mời gọi chúng ta: “Thung lũng phải lấp cho đầy, núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải sang cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa“ (Lc 3,5-6).
Đó là lời mời gọi chúng ta từ bỏ. Từ bỏ những hố sâu thù hận, in trí; từ bỏ thái độ kiêu căng cậy dựa vào chức quyền; từ bỏ những lời nói và cách sống giả dối, thiếu ngay thẳng, cách sống không có sự công bình và liêm chính, đó là những cách sống sẽ gây nên sự thiếu niềm tin nơi người khác. Con đường từ bỏ mà Thánh Gioan kêu gọi chúng ta còn là cơ hội để chúng ta trở nên tông đồ đích thực của Chúa, để được đón nhận sự sống đời đời mai sau. Vì Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập gía mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,24-25). Như vậy, lời rao giảng của Thánh Gioan Tẩy Giả còn là phương thế giúp chúng ta sống gần với Tin Mừng, sống triệt để với Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô.
2/ Cách sống của Thánh Gioan Tẩy Giả
Ý thức mình là người dọn đường cho Chúa đến, vì thế, Thánh Gioan Tẩy Giả tự nguyện đi vào một lối sống ẩn mình nơi hoang địa, với một lối sống rất đơn sơ: mặc áo lông da cừu, ăn châu chấu và uống mật ông rừng. Lối sống đó cũng là sứ điệp mà Thánh Gioan Tẩy Giả muốn nói với chúng ta. Vì ham muốn của cải vật chất sẽ làm cho chúng ta không phân biệt đâu là việc làm tốt, đâu là việc làm xấu; ham muốn của cải vật chất sẽ làm chúng ta đánh mất đi lý tưởng cuộc sống; ham muốn của cải vật chất còn là nguy cơ sẽ làm cho chúng ta chết vì của cải vật chất, một cái chết xấu hổ nhục nhã, một cái chết gây ra nhiều tai tiếng cho gia đình và xã hội.
Hôm nay khi chúng ta khám phá ra thánh ý Chúa qua lời rao giảng và cách sống của Thánh Gioan Tẩy Giả. Chúng ta cùng quyết tâm sửa lại hay làm mới hoàn toàn con đường sống đạo của mình. Đường sống đạo mới này đòi hỏi chúng ta can đảm phá huỷ những con đường không phù hợp với Tin Mừng; đồng thời, mỗi ngày biết vươn tới một cách sống luôn thanh thoát với của cải vật chất. Khi hy sinh chấp nhận sống theo đòi hỏi của Tin Mừng, con đường sống đạo của chúng ta sẽ phát triển. Đó là một con đường đẹp, một con đường bằng phẳng, một con đường Chúa luôn vui thích khi đến với chúng ta và Chúa sẽ thánh hoá chúng ta, như xưa Chúa đã thánh hóa Thánh Gioan Tẩy Giả từ trong lòng mẹ. Khi có Chúa trong ta, cuộc sống sẽ hạnh phúc, sẽ nở hoa phục sinh. Vì Chúa chính là thiên đàng, là nguồn vui, cho nên chúng ta phải kiếm tìm không ngừng trong từng phút giây hiện tại của cuộc sống.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
Ngoài Lễ Sinh Nhật của Đức Giê-su, nghĩa là lễ Chúa Giáng Sinh, trong lịch phụng vụ của Giáo Hội, chỉ có hai ngày lễ mừng sinh nhật : sinh nhật của Đức Maria (ngày 8/9) và sinh nhật của thánh Gioan Tẩy Giả (ngày 24/6). Chúng ta có thể hỏi: tại sao cùng với Giáo Hội chúng ta chỉ mừng lễ sinh nhật của Đức Maria và của thánh Gioan mà thôi, chứ không mừng sinh nhật của các vị thánh khác?
Đó là bởi vì, sự sinh ra của Đức Maria và của thánh Gioan có liên quan đặc biệt đến sự sinh ra của Đức Giê-su: Đức Maria được Thiên Chúa chuẩn bị cách đặc biệt, ngay trong lòng mẹ, để sau này cưu mang và sinh ra Đấng Cứu Thế; còn sự sinh ra của thánh Gioan nhắc nhớ cách Thiên Chúa hành động trong lịch sử cứu độ, và cách hành động này sẽ trở nên viên mãn nơi Đức Ki-tô, ngay từ biến cố Giáng Sinh của Người.
1. Thánh Gio-an và lịch sử cứu độ
Như chúng ta đều biết, theo lời kể của thánh Lu-ca, thánh Gioan là ơn huệ Thiên Chúa ban, khởi đi từ cung lòng hiếm muộn và già cỗi của mẹ Elizabeth, như chính ông Zacharia thú nhận : « Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy ? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng cao niên » (Lc 1, 18) ; và chính sứ thần Gabriel loan báo cho Mẹ Maria : « Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng » (c. 36).
Như chúng ta đều biết, theo lời kể của thánh Lu-ca, thánh Gioan là ơn huệ Thiên Chúa ban, khởi đi từ cung lòng hiếm muộn và già cỗi của mẹ Elizabeth, như chính ông Zacharia thú nhận : « Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy ? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng cao niên » (Lc 1, 18) ; và chính sứ thần Gabriel loan báo cho Mẹ Maria : « Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng » (c. 36).
Sự kiện bà Elizabeth với cung lòng vừa hiếm muộn và vừa già cỗi nhưng lại mang thai, đó là vì « Chúa đã rộng lòng thương xót bà » (c. 58). Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với bà Elizabeth nhắc nhớ lòng thương xót của Thiên Chúa trong toàn bộ lịch sử cứu độ : Thiên Chúa làm phát sinh sự sống ở nơi mà con người vẫn chưa xuất hiện và ở những hoàn cảnh mà con người hoàn toàn bất lực. Thật vậy, trong công trình sáng tạo, từ mặt đất trinh nguyên, Thiên Chúa làm trào vọt ra sự sống, sự sống phong nhiêu của muôn loài muôn vật, và nhất là sự sống của con người, được hình thành theo hình ảnh của Thiên Chúa ; và trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa luôn luôn làm trào vọt ra sự sống ở nơi không còn hi vọng gì : đó là cung lòng đã chết của tổ phụ Abraham và bà Sara, đó là biến cố Xuất Hành : « Đường của Chúa băng qua biển rộng, lối của Người rẽ nước mênh mông, mà chẳng ai nhận thấy vết chân Người » (Tv 77, 20), đó là sự sống, ngang qua ơn huệ lương thực, Chúa ban cho Israel trong hành trình trong sa mạc, đó là sự khai sinh ra vương quốc khởi từ những xung đột chết chóc, đó là niềm hi vọng, được nuôi dưỡng bằng lời ca tụng, khi không còn gì để hi vọng : « Tôi đã tin, cả khi mình đã nói : ôi nhục nhã ê chề… ». Và Đức Ki-tô sẽ đến để lấp đầy niềm hi vọng này.
Bà Elizabeth vừa già cỗi và và hiếm muộn, không thể sinh con, là hình ảnh nói lên chính tình cảnh bi đát của Israen, của nhân loại và của từng người chúng ta, bất lực trong việc xây dựng sự sống của chúng ta trong hiệp nhất và tình yêu, và vì thế để cho bầu khí chết chóc làn tràn và để cho Sự Dữ ngự trị. Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót đối với bà Elizabeth, khi cho bà cưu mang và sinh con, người con mang tên Gioan, nghĩa là « Thiên Chúa Thi Ân », thì chắc chắn, Thiên Chúa cũng đã và đang thương xót nhân loại chúng ta, Hội Dòng và cộng đoàn chúng ta, gia đình chúng ta và từng người chúng ta.
2. Thánh Gioan và Đức Ki-tô
Sự sống của thánh Gioan là một tuyệt tác của Thiên Chúa, diễn tả quyền năng ban sự sống của Người ; nhưng Đức Giê-su, sinh bởi Đức Maria, là tuyệt tác còn lớn hơn và là tuyệt tác duy nhất: Mẹ sinh con không phải từ cung lòng già cỗi hay hiếm muộn, nhưng là từ cung lòng trinh nguyên. Các Giáo Phụ nhìn ra đây là hình ảnh diễn tả công trình sáng tạo của Thiên Chúa, bởi vì lúc khởi đầu, Thiên Chúa cũng làm phát sinh sự sống từ mặt đất trinh nguyên. Đó là vì, đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. Và đây đã là Tin Mừng cho loài người của chúng ta rồi : đó là Thiên Chúa có thể làm phát sinh sự sống, và làm phát sinh sự sống viên mãn là Đức Kitô, ở nơi mà con người không còn hi vọng gì, ở nơi là tuyệt đối không thể đối với con người. Như thế mầu nhiệm Vượt Qua đã được loan báo ở đây rồi, trong ngày sinh nhật của thánh Gioan và nhất là của Đức Giê-su, bởi vì Thiên Chúa sẽ làm trào vọt sự sống từ sự chết, trong mầu nghiệm Thương Khó và Phục Sinh của Đức Ki-tô. Trong đời sống dâng hiến, các nam nữ tu sĩ được mời gọi sống « trinh nguyên » (trinh nguyên, tiên vàn không phải thể lý, nhưng là một con tim ước ao sống bởi và sống cho một Thiên Chúa), chính là để cho Thiên Chúa làm phát sinh sự sống thần linh, bền vững và phong phú, bằng quyền năng sáng tạo của Ngài.
Sự sống của thánh Gioan là một tuyệt tác của Thiên Chúa, diễn tả quyền năng ban sự sống của Người ; nhưng Đức Giê-su, sinh bởi Đức Maria, là tuyệt tác còn lớn hơn và là tuyệt tác duy nhất: Mẹ sinh con không phải từ cung lòng già cỗi hay hiếm muộn, nhưng là từ cung lòng trinh nguyên. Các Giáo Phụ nhìn ra đây là hình ảnh diễn tả công trình sáng tạo của Thiên Chúa, bởi vì lúc khởi đầu, Thiên Chúa cũng làm phát sinh sự sống từ mặt đất trinh nguyên. Đó là vì, đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. Và đây đã là Tin Mừng cho loài người của chúng ta rồi : đó là Thiên Chúa có thể làm phát sinh sự sống, và làm phát sinh sự sống viên mãn là Đức Kitô, ở nơi mà con người không còn hi vọng gì, ở nơi là tuyệt đối không thể đối với con người. Như thế mầu nhiệm Vượt Qua đã được loan báo ở đây rồi, trong ngày sinh nhật của thánh Gioan và nhất là của Đức Giê-su, bởi vì Thiên Chúa sẽ làm trào vọt sự sống từ sự chết, trong mầu nghiệm Thương Khó và Phục Sinh của Đức Ki-tô. Trong đời sống dâng hiến, các nam nữ tu sĩ được mời gọi sống « trinh nguyên » (trinh nguyên, tiên vàn không phải thể lý, nhưng là một con tim ước ao sống bởi và sống cho một Thiên Chúa), chính là để cho Thiên Chúa làm phát sinh sự sống thần linh, bền vững và phong phú, bằng quyền năng sáng tạo của Ngài.
Ngoài ra, tên gọi « Gioan » nghĩa là « Thiên Chúa Thi Ân » ; trong khi tên gọi « Giê-su » nghĩa là « Thiên Chúa Cứu Độ », là Ơn Huệ của mọi ơn huệ, là Ơn Huệ mà mọi ân huệ khác hướng tới và chỉ là dấu chỉ, và là Ơn Huệ một lần cho tất cả. Như thế, thánh Gioan không chỉ loan báo Đức Giê-su bằng cuộc đời và cái chết của mình, nhưng còn bằng chính biến cố sinh ra và tên gọi nữa.
Xin cho chúng ta cũng hướng về Đức Ki-tô như thánh Gioan, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết, ngang tất cả những gì chúng ta là, được chất chứa trong « tên gọi » của chúng ta ; và xin cho Người nổi bật lên trong cuộc đời, ơn gọi và từng ngày sống của chúng ta.
3. « Chúc tụng Đức Chúa… »
Về chuyện ông Zacharia, cha của thánh Gioan, bị câm, nhưng ngay sau khi đặt tên cho con là « Gioan », thì ông nói được, cũng rất có ý nghĩa. Bởi vì, sự kiện ông không nói được, là một dấu chỉ nhắc nhớ ông rằng, có một lúc ông đã không tin vào quyền năng Thiên Chúa có thể thi ân ở nơi mà con người không còn hi vọng gì, có thể làm phát sinh sự sống nơi cung lòng hiếm hoi và già cỗi của bà Elizabeth.
Về chuyện ông Zacharia, cha của thánh Gioan, bị câm, nhưng ngay sau khi đặt tên cho con là « Gioan », thì ông nói được, cũng rất có ý nghĩa. Bởi vì, sự kiện ông không nói được, là một dấu chỉ nhắc nhớ ông rằng, có một lúc ông đã không tin vào quyền năng Thiên Chúa có thể thi ân ở nơi mà con người không còn hi vọng gì, có thể làm phát sinh sự sống nơi cung lòng hiếm hoi và già cỗi của bà Elizabeth.
« Không nói được », không chỉ là không nói được ngôn ngữ, nhưng nhất là không thể ca tụng Chúa được. Thật vậy, khi người ta không tin, không nhận ra ơn Chúa ban cho mình và người khác, thì không thể ca tụng Chúa được. Chính khi ông đặt tên cho con là Gioan, « Thiên Chúa Thi Ân », thì ông « lưỡi ông lại mở ra, ông nói được » và lời nói đầu tiên là lời chúc tụng Thiên Chúa : Chúc tụng Đức Chúa, là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người.
Đó là lời tán tụng Benedictus bất hủ, vang lên mỗi ngày trong Giờ Kinh Sáng của chúng ta. Ước gì, khi đọc hay hát lời chúc tụng này, chúng ta mặc lấy tâm tình của ông Zacharia, bố của thánh Gio-an. Xin cho chúng ta tin tưởng và nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban, để có thể cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa : « Lạy Chúa, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài ». Nếu không, dù chúng ta có nói bi bô suốt ngày, thì cũng như là « người câm » vậy thôi !
Nhưng chúng ta được mời gọi đi xa hơn, bằng cách định hướng đời mình và từng ngày sống theo năng động chúc tụng Thiên Chúa. Và để được như thế, chúng ta cần tín thác và nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban, cần đặt đời sống, ngày sống và hành động trên nền tảng tâm tình biết ơn đối với tình yêu và lòng thương xót của Chúa, được bày tỏ cho chúng ta một cách thật hữu hình, có thể nhìn thấy được, đó là Thánh Tâm của Chúa bị đâm thâu.
« Lạy Thiên Chúa, là Cha của chúng con, xin thương xót chúng con, để chúng con đón nhận và xây dựng sự sống của chúng con như ân huệ và theo ơn gọi Chúa ban, bằng cách gắn bó mật thiết và nên một với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Cha, từ lúc chúng con sinh ra cho đến lúc chúng lìa bỏ cuộc đời này, theo gương thánh Gioan Baotixita. Amen »
(Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc,SJ)