Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 12: 28b-34)
Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?". Chúa Giêsu đáp: "Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó". Luật sĩ thưa Người: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác. Yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh". Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
SUY NIỆM 1
Bởi con người sống trong một thế giới nhiễu nhương do tội gây ra, nên để tìm lại được trật tự hầu có thể có được một cuộc sống an bình, con người cần có những luật lệ. Khi tạo dựng xong Thiên Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp, Ngài hài lòng với công trình tạo dựng của mình, vì nơi đó muôn loài biểu tỏ một mối tương giao thuận hảo bình an phản chiếu đúng bản chất tình yêu của Ngài. Thế nhưng sự bình an đó gẫy đổ khi tội xuất hiện. Sự dữ đã gieo vào trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa sự hận thù ghen tương, để rồi xảy ra bao nỗi khổ đau làm xáo trộn cuộc sống. Chắc chắn Adam và Evà đau khổ cùng cực khi Cain đành tâm sát hại em mình là Abel. Con người cảm thấy cuộc sống bắt đầu bất an. Để có thể giữ được trật tự và an bình cho cuộc sống, luật lệ được ban hành.
Thế nhưng, luật lệ xã hội định ra không thể nào đạt tới mục đích của mình, vẫn còn đó biết bao là bất công, ức hiếp, bóc lột, vẫn còn đó bao là nước mắt và tiếng thở dài vì sự chèn ép bởi bạo lực. Làm sao để cho cộng đồng nhân loại thực sự tìm lại được sự bình an của buổi ban đầu? Thiên Chúa ra tay hành động qua việc Ngài tuyển chọn một cộng đồng dân riêng. Cộng đồng này phải là kiểu mẫu cho chương trình tái tạo lại sự bình an. Vì thế, mười giới răn được Chúa trao ban để cho cộng đồng nầy tìm lại được an bình đích thực không gì hơn ngoài yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu mến tha nhân như chính mình.
Thật vậy, hạnh phúc và an bình là điều cần thiết cho cuộc sống, điều đó chỉ có thể đạt tới từ tình yêu. Vì thế, không có gì quan trọng cho bằng tình yêu, bởi từ tình yêu mà có cuộc sống, từ tình yêu cuộc sống mới hiểu ra lý do tại sao mình hiện hữu và cùng đích của sự hiện hữu này.
Tuy nhiên, tình yêu chỉ có thể mang lại sự sống và hạnh phúc khi tình yêu đó trước tiên được qui hướng về Thiên Chúa. Bởi có yêu Thiên Chúa, con người mới nhận ra được rằng, tình yêu không là một tình cảm chóng qua bắt nguồn từ thiện ích của chính mình, được gọi là tình yêu vị kỷ. Tình yêu đó không bao giò kiến tạo được niềm vui đích thật. Có yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự, mới nhận ra rằng mình từ đâu mà có, và khám phá thân phận hèn yếu của mình. Thế nhưng được Chúa yêu thương, để từ đó chúng ta luôn sống trong sự tín thác và hy vọng, để chúng ta hông sợ hãi khi đói diẹn với bao thách đố của cuộc đời. Và có yêu Thiên Chúa hết lòng chúng ta mới nhận ra sự cần thiết về sự hiện hữu của tha nhân.
Thật vậy cuộc đời sẽ buồn tẻ và khô cằn biết bao nếu không có sự hiện diện của người khác bên cạnh, để thấy rằng, tha nhân chính là một ân ban. Cho nên yêu thương tha nhân chính là trân trọng quà tặng Chúa trao ban và yêu thương tha nhân cũng là lời tạ ơn đẹp lòng Chúa nhất.
Lạy Chúa, quả thật không có gì trọng đại cho bằng tình yêu, vì nhờ có tình yêu mà chúng con nhận được sự sống. Xin dạy chúng con biết yêu như Chúa dạy. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
- Trả lời khôn ngoan
Người kinh sư trả lời Đức Giê-su với sự khôn ngoan, nghĩa là ông hiểu được điều Chúa nói; vì thế Chúa khen ông: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu”.
Trong đời sống đức tin, chúng ta thường chỉ nhấn mạnh đến việc làm, mà không chú ý đủ đến việc hiểu. Làm mà không hiểu, thì chúng ta sẽ làm như thế nào và có làm được không? Chính chúng ta đã từng gặp khó khăn này: tại sao lại dạy tôi phải làm điều này, và phải tránh điều kia? Và chúng ta cũng gặp khó khăn này khi giáo dục các em bé hay những người trẻ: họ đòi được giải thích để hiểu, trước khi làm; nếu không họ sẽ không làm, hay nếu có làm cũng chỉ làm ở bên ngoài, hoặc chỉ làm trước mặt người lớn hay người có trách nhiệm mà thôi.
Trí khôn là một khả năng quan trọng làm nên chính con người chúng ta; và còn hơn cả quan trọng, vì trí khôn là khả năng đặc trưng của loài người so với loài vật. Vậy mà, trong đời sống đức tin, trí khôn hay bị bỏ quên, đôi khi còn bị xem thường nữa. Chúng ta gặp khó khăn trong việc sống Lời Chúa, sống đức tin, sống đạo, sống ơn gọi, một trong những nguyên nhân chính, đó là vì trí khôn của chúng ta không được soi sáng, không được chăm sóc, không được nuôi dưỡng, không được làm cho vui thỏa.
Đức Giêsu nói: “ai có tai để nghe, thì hãy nghe”. Đó là lời mời gọi lắng nghe Lời của Ngài với cả con người, và nhất là với trí khôn của mình. Bởi vì nghe đích thực là nghe được ý nghĩa, chứ không phải là nghe được âm thanh. Và đối với Đức Giê-su, nghe và hiểu Lời Chúa tất yếu sẽ sinh hoa kết quả dồi dào, như Người đã nói khi giải thích dụ ngôn “Người Gieo Giống”: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” (Mt 13, 23). Hơn nữa, nghe được ý nghĩa của Lời Chúa, nghĩa là hiểu được lời Chúa, chính là con đường tốt nhất giúp chúng ta hiểu chính Chúa và tình yêu đến cùng của Người dành cho chúng ta nơi mầu nhiệm Thánh Thể, được hoàn tất bởi mầu nhiệm Vượt Qua. Hiểu Chúa, hiểu Chúa là ai và nhất là hiểu Chúa là ai đối mình, chính là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến lòng mến Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”. Bởi lẽ vô tri thì bất mộ.
- Điều răn đứng đầu trong mọi điều răn
Người kinh sư hỏi Đức Giêsu điều răn nào đứng đầu trong mọi điều răn. Đức Giê-su trả lời, đó là điều răn yêu mến, yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người thân cận:
Điều răn đứng đầu là: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”. Điều răn thứ hai là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.”
(c. 29-31)
Như thế, “điều răn đứng đầu” là điều răn đặc biệt, không như bất cứ điều răn nào khác. Bởi vì, điều răn đúng nghĩa, là điều cấm, chẳng hạn cấm giết người; hay là điều buộc: phải ăn chay. Thế mà, lòng mến là chuyển động của con tim, là sự gắn bó nội tâm, là sự lựa chọn tự do, và vì thế không thể ép buộc được, không thể là đối tượng của luật buộc.
Do đó, “điều răn lòng mến” là điều răn đứng đầu, theo nghĩa điều răn lòng mến là khởi đầu và là cùng đích của mọi giới răn và của mọi lề luật. Giữ luật và giới răn, chính là khởi đi từ lòng mến, ở lại trong lòng mến và hướng tới lòng mến (giống như chúng ta tập cho em bé yêu mến cha mẹ, người thân, người khác). Bởi vì, giữ mọi lề luật, giữ giới răn mà không có lòng mến, thì có nghĩa gì, vì chỉ là bề ngoài thôi; không có lòng mến chúng ta cũng chẳng giữ được; và nếu có giữ được thì cũng chẳng giữ được lâu!
- Chúng ta được yêu mến trước
Nhưng tại sao chúng ta lại phải yêu mến Thiên Chúa? Đó là vì Thiên Chúa yêu mến chúng ta trước. Nếu không, lời mời gọi này sẽ vô nghĩa, thậm chí không chấp nhận được. Chúng ta được mời gọi yêu mến cha mẹ, vì cha mẹ yêu mến chúng ta trước, trước khi mình có mặt trên đời. Đối với Thiên Chúa cũng vậy.
Dân Israen được mời gọi yêu mến Đức Chúa của mình “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” và yêu mến người thân cận như chính mình, bởi vì Israel được Thiên Chúa “sinh ra” cách nhưng không, khi giải phóng họ khỏi kiếp nô lệ ở Ai Cập. Chúng ta được mời gọi yêu mến Thiên Chúa và yêu mến nhau, bởi vì chúng ta cũng được Thiên Chúa sinh ra và tái sinh, bằng cách giải phóng chúng ta khỏi hư vô và sự chết nơi Đức Giêsu (x. Rm 8, 38-39). Hằng năm, Giáo Hội mời gọi chúng ta “ôn lại” tình yêu này trong Đêm Canh Thức Vượt Qua.
Kinh nghiệm được yêu mến, là nền tảng cho tình yêu của chúng ta với Chúa, và với nhau. Vì bản chất của tình yêu là lan truyền, như Đức Giê-su tâm sự với các môn đệ trong bầu khi của Bữa Tiệc Ly:
Chúa Cha đã yêu mến Thầy như thế nào,
Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.
Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.
(Ga 15, 9)
Anh em hãy yêu thương nhau,
như Thầy yêu thương anh em.
như Thầy yêu thương anh em.
(Ga 15, 12)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc