Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

5 Phút cho Lời Chúa ngày 16/6/2017

Filled under:

TRÁNH TỘI TỪ TRONG Ý MUỐN
“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” (Mt 5,28)
Suy niệm: Nhiều người trẻ ngày nay chuộng lối ăn mặc theo “mô-đen” “thiếu vải,” “xuyên thấu” cho rằng cần phải phô bày cho người khác thấy cơ thể của mình. Trong khi đó, tại những nơi thắng cảnh là đền chùa, những vị trụ trì lấy làm phản cảm trước cảnh du khách ăn mặc hở hang đến vãn cảnh, nên đã có dịch vụ cho khách tham quan mượn y phục kín đáo phù hợp với nơi tôn nghiêm. Hiển nhiên, lối ăn mặc phô bày cơ thể như thế dễ dàng khơi gợi ước muốn nhục dục, và do đó đi ngược với lời mời gọi nên thánh. Chúa Giê-su cho biết phải nên thánh từ trong tư tưởng và ước muốn của mình, bởi vì: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.”
Mời Bạn: Những sách báo, phim ảnh hoặc trang mạng internet ngày nay, kể cả những địa chỉ được coi là đứng đắn cũng đầy dẫy những hình ảnh, thông tin, quảng cáo, minh nhiên hoặc ngấm ngầm, có tính cách khiêu dâm, kích thích những dục vọng thấp hèn nơi chúng ta. Một lần nữa bạn cần phản ứng chống lại những cám dỗ đó, để vượt lên trên những ước muốn dung tục, để sống cách thánh thiêng cho Chúa, Đấng đã yêu thương và hiến mình vì bạn.
Sống Lời Chúa: “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
Cầu nguyện: Tạ ơn Chúa đã cho con nhận biết tình thương của Chúa và mời gọi con sống cho những điều cao quý hơn. Xin cho con biết kết hiệp với Chúa để nhờ sức mạnh của ơn thánh chúng con có thể vượt thắng những cám dỗ trong đời sống thường ngày. Amen.


Thánh Gioan Phanxicô Regis
(1597-1640)

Sinh trong một gia đình giầu có ở Narbonne, Languedoc nước Pháp, ngay từ nhỏ, vì quá mến mộ các thầy giáo Dòng Tên nên Gioan Phanxicô luôn ao ước gia nhập dòng này. Và ngài đã thực hiện ý định ấy khi 18 tuổi. Trong thời gian tu tập, mặc dù học trình rất nghiêm nhặt nhưng ngài đã dành nhiều thì giờ cầu nguyện hàng đêm.
Sau khi được thụ phong linh mục, Cha Regis đi truyền giáo trong một vài thành phố ở Pháp. Ðặc biệt, ngài lưu tâm đến người nghèo và rất siêng năng thi hành mục vụ. Ngay từ sáng sớm ngài đã có mặt ở tòa giải tội sau khi cử hành Thánh Lễ; vào buổi chiều ngài đi thăm các bệnh nhân và tù nhân. Vào năm 1631, khi trận dịch hạch tấn công thành phố, ngài làm việc trong bệnh viện ở Toulouse với "những công việc tầm thường nhất ở trong bếp nhưng lúc nào cũng vui vẻ và sẵn sàng."
Vào thời bấy giờ, vì thiếu giám mục và các linh mục thì chểnh mảng, giáo dân không biết gì đến bí tích có trên 20 năm. Nhiều hình thức Tin Lành phát triển mau chóng trong khi hàng giáo sĩ vẫn giữ thái độ lãnh đạm trong nhiều lãnh vực. Trong ba năm trường, Cha Regis đã đi khắp địa phận, tổ chức các buổi học hỏi, xưng tội trước khi mời đức giám mục đến thăm. Ngài thành công trong việc hoán cải nhiều người và đã đưa họ trở về với đời sống đạo tốt lành.
Về đời sống cá nhân, ngài càng khó khăn với chính mình bao nhiêu thì ngài lại nhân từ với người khác bấy nhiêu. Thức ăn của ngài thường là rau trái và bánh thô, nhiều khi vì số người đến xưng tội quá đông đến độ ngài không còn thời giờ để ăn uống. Ðể hy sinh hãm mình, mỗi đêm, ngài ngủ không quá ba giờ đồng hồ.
Mặc dù Cha Regis ao ước đi truyền giáo cho người da đỏ Bắc Mỹ ở Gia Nã Ðại, nhưng suốt cuộc đời ngài đã tận tụy phục vụ Thiên Chúa trong những nơi hoang vu nhất ở ngay quê hương của ngài. Ở đó ngài phải chịu sự khắc nghiệt của thời tiết và nhiều thiệt thòi khác. Tuy nhiên, sự thánh thiện của ngài ngày càng gia tăng và được nhiều người biết đến.
Trong bốn năm cuối đời, ngài rao giảng và làm việc trong các tổ chức xã hội, nhất là cho người tù, người bệnh và người nghèo. Vào mùa thu năm 1640, dù cảm thấy cái chết đã gần kề, Cha Regis vẫn cố gắng trong công tác mục vụ, nhằm đưa các linh hồn về với Chúa. Sau khi làm việc cả ngày Giáng Sinh không ngừng nghỉ, vào ngày hôm sau, sau khi lên toà giảng ngài đã ngất xỉu vì kiệt sức. Bốn ngày sau đó, trước khi thở hơi cuối cùng, ngài đã thốt lên: "Lạy Chúa Giêsu, con phó linh hồn con trong tay Chúa." Lúc ấy ngài mới 43 tuổi.
Ngài được phong thánh năm 1737.


Hãy Ðến Với Ta

Tại Roma có một ngôi thánh đường cổ tên là Dominus sub aquis, nghĩa là Chúa ở dưới nước... Du khách đến Roma thường đến viếng thăm ngôi thánh đường này, vì phía trên bàn thờ, có một tượng thánh giá rất đặc biệt: bất cứ ai đến quỳ trước tượng thánh giá và cầu nguyện với tất cả thành tâm đều nhận được sức mạnh và niềm an ủi thâm sâu....
Người ta kể lại rằng tác giả của tượng thánh giá bằng cẩm thạch này đã mát rất nhiều năm mới hoàn thành được tác phẩm. Hơn hai lần, mỗi khi treo bức tượng lên để ngắm nhìn, ông lại cho kéo xuống và đập phá đi vì ông cho rằng tác phẩm vẫn chưa diễn đạt được điều ông mong muốn...
Sau nhiều năm bỏ dở, ông lại bắt tay vào công trình lần thứ ba. Nhưng chính lúc ông miệt mài chú tâm vào công việc thì cũng là lúc ông gặp nhiều thử thách nhất. Nhiều người ganh tỵ nên tìm cách hạ uy tín của ông. Vợ con ông qua đời trong những hoàn cảnh thật đau thương. Người nghệ sĩ chỉ còn biết kêu cầu xin Chúa giúp ông chịu đựng được mọi gian lao thử thách.
Ai cũng tưởng rằng cơn thử thách đã khiến ông bỏ cuộc. Trái lại, ông càng miệt mài chú tâm vào công trình. Người nghệ sĩ dồn tất cả niềm đau của mình lên khuôn mặt của Ðức Kitô. Bức tượng của Chúa Giêsu trên thập giá không là một phiến đá lạnh lùng, xa lạ, mà trở thành niềm đau đậm nét của một tâm hồn. Bức tượng đã trở nên sống động và có sức thu hút do chính tâm tình mà người nghệ sĩ đã muốn tháp thập vào đó.
"Hỡi tất cả những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta và Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho".
Lời mời gọi trên đây của Chúa Giêsu hẳn phải đem lại cho chúng ta an ủi đỡ nâng, nhất là trong những lúc chúng ta gặp đau khổ, thử thách. Chúa Giêsu như muốn nói với chúng ta rằng Ngài đang có đó, Ngài có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta, Ngài mang lấy tất cả những sầu đau, buồn tủi của chúng ta. Mãi mãi, Ngài vẫn là Ðấng Cứu Chuộc chúng ta. Mãi mãi, Ngài đến với chúng ta như đến với những người phong hủi, những kẻ bệnh tật, kẻ tội lỗi, phường thu thuế... Ngài đón nhận tất cả mọi khổ nhọc, khó khăn của chúng ta. Và bởi vì Ngài mang lấy mọi khổ đau của con người, cho nên Ngài cũng tự đồng hóa với con người, nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh. Trên những khuôn mặt gần như không còn hình tượng của con người nữa, chúng ta phải nhận diện được chính Ngài. Ngài đã từng nói với chúng ta: "Ai cho những kẻ bé mọn nhất, dù chỉ một chén nước lã thôi, họ đã cho chính Ta vậy".
Trút lên Ngài tất cả gánh nặng của khổ đau, được ngài nâng đỡ bổ sức, chúng ta cũng hãy mang lại an ủi đỡ nâng cho mọi người xung quanh. Sự đau khổ nào cũng có sức liên kết con người. Kết hiệp với Ðức Kitô trên thập giá, chúng ta cũng dễ dàng liên đới, cảm thông với mọi người đang đau khổ...