Chúng ta là những loài thụ tạo được đặt để trong thời gian. Thời gian qua đi kéo theo những sự thay đổi của tất cả những gì bị nó chi phối. Mới ngày nào còn nhỏ xíu, giờ đây, bỗng nhìn lại, ta đã thấy mình lớn lên lúc nào chẳng hay. Có biết bao điều xảy ra trong quãng thời gian ấy.
Cuộc sống của chúng ta hệt như một chấm nhỏ trượt dài trên một sợi dây. Nơi chấm nhỏ ấy hiện diện chính là hiện tại. Nơi nào chấm nhỏ ấy đã trượt qua chính là quá khứ. Và khoảng không phía trước mà chấm nhỏ ấy tiến về được gọi là tương lai. Quá khứ – hiện tại – tương lai là ba thành phần làm nên lịch sử dài của cuộc sống.
Ta sống là sống ở giây phút hiện tại. Chính lúc này và ở đây mới là cuộc sống của ta. Những hoài niệm và mơ ước góp phần làm cho sự hiện hữu của ta thêm phong phú, nhưng nó không làm nên ta vào chính thời điểm này. Thực ra, ta chẳng biết thế nào là “bây giờ”, vì ngay khi ta ý thức nó thì nó đã trở thành quá khứ và cái tương lai phía trước đã trở thành hiện tại của ta. Nhưng ít ra, có một khoảng thời gian ngắn ngủi hiện hữu chung quanh ta, giúp ta thực hiện một hành vi gọi là “sống”. Lúc này đây, ta đang hít thở, đang có tương quan này, đang làm công việc này, đang đối mặt vấn đề kia. Người nào không ý thức đủ và tận dụng thích đáng những gì “đang” có lúc này đây, người ấy không thực sự sống, nhưng chỉ tồn tại như kiểu bị buộc phải hiện hữu mà thôi. Giây phút hiện tại là cái sống động, khơi dậy trong ta tất cả những tiềm năng và sức mạnh ẩn giấu, làm cho ta được thể hiện hết mình và triển nở sung mãn nhất.
Khác với hiện tại, quá khứ là cái gì đã qua đi, cái của hôm qua, của ngày trước. Thời gian lặng lẽ trôi đi làm cho quá khứ của ta càng ngày càng dài thêm. Nghĩ về quá khứ, cái gợi đến trong ta thường là một cảm giác lâng lâng, man mác khó tả đến vô cùng. Người không có chút ấn tượng nào về quá khứ là người đánh mất đi cội rễ của mình. Người ấy sẽ thấy chơi vơi, lạc lõng như con thuyền bị dứt sợi dây neo không biết nơi đâu đỗ bến. Quá khứ là nơi cất giữ tất cả những kỷ niệm của ta: kỷ niệm thời thơ ấu, kỷ niệm thời học sinh, kỷ niệm với biết bao người ta thương mến. Quá khứ lưu giữ những khoảnh khắc thơ ngây, hồn nhiên, những tiếng cười tiếng khóc thật vô tư và trong trẻo. Có thể quá khứ của ta không đẹp và êm đềm như mơ nhưng nó luôn hàm chứa trong đó những bài học quý giá vô cùng. Những lỗi lầm, những đau khổ, những mất mát, những thiệt hại đều trở thành những kinh nghiệm tuyệt vời mà ta không thể tìm thấy được nơi sách vở. Thái độ mà ta nên có khi nhìn về quá khứ là trân trọng hết tất cả những điều ấy, xem nó như là một phần của cuộc đời mình, rồi sử dụng nó như một bệ phóng để ta dựa vào đó mà nhắm đến tương lai, chứ không phải áy náy, buồn rầu, tự ti hay mặc cảm. Lý do là vì chúng ta không thể thay đổi được quá khứ nữa. Chuyện gì xảy ra thì đã xảy ra rồi. Sẽ tốt hơn nếu ta biết tha thứ cho mình và đưa nó vào kho, rút ra bài học từ nó để làm phong phú hơn cho cuộc sống hiện tại của mình.
Nếu quá khứ là những gì đã qua thì tương lai là những gì chưa đến. Vì chưa đến, nên nó là một khoảng trời chứa đầy những điều bí ẩn mà ta chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Có khi nó đến như những gì ta tính toán. Cũng có khi nó chẳng giống gì với những hoạch định của ta. Sự huyền bí ấy của tương lai giúp làm cho cuộc sống của ta thêm lôi cuốn và hấp dẫn. Tương lại dạy ta bài học về sự phó thác, vì ta đâu biết được mình sẽ ra sao chút nữa. Tương lai nói cho ta biết rằng ta không phải là chủ tế tuyệt đối của chính mình. Tương lại đặt ta vào thế bấp bênh, để ta phải tìm kiếm một bàn tay vững chắc nào đó mà bám lấy. Nhưng khoảng trời rộng chưa thành hình của tương lai cũng là một lối mở cho ta. Nó luôn tạo cho ta cơ hội để làm lại, bắt đầu lại, khi quá khứ của ta có những thất bại hay gục ngã. Tương lai hiện hữu là để cho ta tự mình đắp xây cuộc sống của mình, dựa trên những gì ta đã chắt chiu được từ quá khứ. Bởi thế, nghĩ đến tương lai, ta được mời gọi để có một niềm hy vọng thật lớn, vì cuộc sống không bao giờ chắn lối của ta, cắt đứt hết mọi hướng đi của ta. Vẫn còn đó những điều tuyệt vời đợi chờ ta phía trước, vẫn còn đó những bất ngờ đang chờ ta khám phá ra. Như thế, tương lai biến cuộc sống của ta thành một cuộc phiêu lưu với biết bao điều thú vị.
Tạo Hóa đã khôn khéo khi sắp đặt cho cuộc sống của chúng ta có một quá khứ và một tương lai. Hiện tại là nơi ta sống, ta thi triển hết tất cả những gì làm nên mình. Quá khứ là kho tàng nơi ta cất giữ những bài học và kinh nghiệm quý giá. Tương lai là cơ hội được mở ra cho ta với biết bao điều huyền nhiệm đang chờ ta khai mở. Điều quan trọng là ta phải có một cái nhìn tích cực và đúng đắn về sự sắp xếp tài tình này của Tạo Hóa để không đi ngược với ý muốn tốt lành của Người. Ta không nên nuối tiếc quá khứ, cũng đừng chỉ biết mơ mộng tương lai. Nếu muốn xây dựng một cuộc sống bình an và tốt đẹp, hãy bắt đầu từ giây phút này, ngay chính khoảnh khắc này. Quá khứ và tương lai là trợ lực cho ta, còn hiện tại chính là cuộc sống!
Huyền nhiệm một con người!
Chị là một giáo viên quê ở Đà Lạt. Chị và anh đã có với nhau hai cô con gái, và người con chị đang cưu mang cũng là một bé gái. Chồng chị nhất quyết không chấp nhận cho bào thai ấy mở mắt chào đời, vì anh muốn có con trai. Chị hoàn toàn không nỡ giết bỏ bào thai vô tội này, vì lương tâm không cho phép. Đọc câu chuyện của chị, tôi bỗng tự hỏi mình: bào thai mà chị đang mang có phải là một vấn đề, hay nó là một huyền nhiệm?
Thông thường, người ta gọi “vấn đề” là chuyện chẳng lành, rắc rối và khó khăn, cần có giải pháp rốt ráo để giải quyết. Đó là cái nằm bên ngoài tôi và bị đặt ra trước mặt để tôi phán quyết, định đoạt, điều khiển và thao túng. Chẳng hạn, cái chân tôi đang bị đau và cái dằm đang ghim vào chân tôi, gây cho tôi cơn đau này là vấn đề. Tôi cần phải loại bỏ nó ra bằng mọi cách. Như vậy, dưới góc nhìn của vấn đề, bào thai trên đây có thể cân đo, tính toán thiệt hơn và đưa ra một phải pháp rốt ráo. Với người cha kia, bào thai ấy không là điều anh ta mong chờ, không mang lại lợi ích gì cho anh, thậm chí, nó có thể là một gánh nặng, nên tốt hơn là phá bỏ! Gabriel Marcel (1889-1973), một triết gia Công Giáo hiện sinh, đã nói rằng một khi nhìn con người thuần tuý dưới nhãn quan là “vấn đề”, ta có nguy cơ lãng quên khía cạnh rất quan trọng của con người, đó là sự hiện hữu. Vậy, nếu không dựa trên “hiện hữu người” với những phẩm giá thánh thiêng thì người ta vẫn còn gây cho nhau nhiều đau thương và tang tóc.
Ngày nay, nhiều người xem thường thân xác mình và người khác vì cái nhìn thiếu chính xác về thân xác. Theo Marcel, có một sự khác biệt giữa hai quan niệm: tôi có thân xác và tôi là thân xác. Khi nói rằng “tôi có thân xác” thì “thân xác” được hiểu như là cái gì đó mà tôi đang sở hữu; “thân xác” và “tôi” là hai thực thể tách biệt. Nhưng khi nói “tôi là thân xác” thì giữa “tôi” và “thân xác” chẳng có gì phân tách cả. Quả thực, nếu không có thân xác thì tôi không phải là tôi. Sở dĩ người ta có thể nhìn thấy, nhận biết tôi là nhờ tôi có thân xác. Khi tay tôi đau, thì không phải là “cái tay của tôi” đau, nhưng là chính tôi đau. Thân xác làm nên tôi và nó chính là tôi. Vì thân xác chính là con người nên xác phạm đến thân xác là xúc phạm đến chính con người, hủy hoại thân xác là hủy hoại chính con người. Chính vì vậy, nếu xem bào thai kia là một con người, hiểu theo nghĩa là một hiện hữu, thì việc phá bỏ hay giết chết nó là một tội ác thật kinh tởm.
Vì xem con người là một vấn đề nên ngày nay mối dây giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo. Con người trở nên lãnh đạm thờ ơ. Họ không còn xem sự hiện diện và sự sống của nhau như một quà tặng và một phẩm chất vô cùng thánh thiêng. Con người có giá trị độc tôn bởi tính huyền nhiệm của nó. Con người, dù kết cấu sinh học giống nhau, nhưng không ai giống ai cả, không ai có thể sống thay cho người khác và thay thế vị trí của người ấy trên thế giới này được. Sự hiện diện mà con người thụ hưởng từ Tạo Hóa làm cho con người trở nên huyền nhiệm. Gọi là huyền nhiệm vì chúng ta không thể nào hiểu nỗi và vì mỗi con người, xét cho cùng, chỉ thuộc về quyền định đoạt của Tạo Hóa mà thôi. Theo nghĩa đó, một người con là tặng phẩm Tạo Hóa trao gửi cho bố mẹ, chứ không phải là một cái do tự tay bố mẹ tạo ra và muốn làm gì với nó thì làm. Vậy, người cha có quyền để bỏ bào thai kia chứ?
Nếu xem con người là một huyền nhiệm, người ta sẽ nhìn nhận và kính yêu tha nhân như chính mình. Ta dành một sự tôn kính dành cho Thiên Chúa – Đấng huyền nhiệm – như thế nào, thì ta cũng phải dành cho chính mình và cho những con người khác, vốn là hình ảnh của Ngài, một sự tôn kính như vậy. Bởi lẽ, chính bản thân mỗi hiện hữu con người là hình ảnh của Ngài, và được thông chia sự huyền nhiệm của Ngài. Tư tưởng này giúp định hướng cho thái độ của ta đối với mọi con người, thậm chí là những sinh linh đang còn trong bụng mẹ. Thật quan trọng biết bao khi ta biết tập để chuyển cái nhìn về con người, từ “vấn đề” trở thành “huyền nhiệm”. Xem con người là “huyền nhiệm” chính là đưa con người về đúng phẩm giá cao quý của họ. Còn xem con người là “vấn đề” chính là hạ thấp phẩm giá của người khác, đồng thời tự hủy đi nét cao quý của chính mình.
Tôi muốn kết đề tài này với tin vui của gia đình chị trên đây. Chị cho biết: “Nhờ vào lời cầu nguyện của một nữ tu, người đã lắng nghe và chia sẻ những bối rối của chị, mà Thiên Chúa đã phù hộ cho chồng chị thay đổi cái nhìn”. Bây giờ anh chị có thêm một cô công chúa xinh đẹp ngoan hiền, trong một gia đình hạnh phúc; nơi đó sự hiện diện của mỗi thành viên là một huyền nhiệm, một quà tặng cao quý.
Lạy Chúa, xin ban cho con ánh mắt của Chúa để chúng con có thể nhìn tha nhân với lòng yêu mến và tôn trọng, vì Chúa dựng nên con người một cách quá huyền nhiệm và lạ kỳ. Xin đừng để con đặt anh em mình thành vấn đề để giải quyết, nhưng nhìn anh em như là một huyền nhiệm để sẻ chia và nâng đỡ.