Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

Tuyên xưng Chúa Kitô cho dù phải chịu những bách hại

Filled under:

















Làm chứng cho Chúa, chịu sự bách hại, cầu nguyện. Đó là là ba điểm nổi bật trong cuộc đời thánh Phaolô Tông Đồ, một cuộc đời luôn sẵn sàng lên đường. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta ngày 1/6/2017.

Loan báo Chúa Kitô

Thánh Phaolô luôn trên đường rao giảng và tuyên xưng Chúa Kitô. Ngài đi hết nơi này đến nơi khác. Ngài không chỉ ngồi một chỗ trong bàn làm việc của mình. Không như thế. Ngài luôn di chuyển, luôn chuyển động. Ngài luôn lên đường mang theo sứ điệp về Chúa Giêsu Kitô. Trong lòng ngài có đầy tràn lửa nhiệt thành, bừng cháy ngọn lửa tông đồ, thúc đẩy ngài tiến về phía trước. Ngài không để cho mình bị níu kéo, nhưng luôn tiến về phía trước, và ngài sẵn lòng đón nhận những khó khăn rắc rối.

Đón nhận sự bách hại

Thánh Phaolô đã bị đưa ra xét xử. Nhưng Thần Khí giúp Phaolô tìm thấy một điều có thể gây bất đồng nội bộ giữa những kẻ đang tố cáo ngài. Đó là niềm tin vào sự sống lại. Phaolô biết rằng, nhóm Xađốc không tin vào sự phục sinh, còn nhóm Pharisêu lại tin vào sự phục sinh. Biết thế, nên Phaolô lên tiếng nói: “Hỡi anh em là những người Pharisêu. Tôi là người Pharisêu, là con của một người Pharisêu. Chúng ta đang hy vọng vào sự phục sinh từ cõi chết.” Ngay khi ngài nói điều ấy, đã xảy ra cuộc tranh cãi sôi nổi giữa những người thuộc phái Pharisêu và những người thuộc phái Xađốc. Những kẻ ấy, những kẻ muốn xét xử và kết án thánh Phaolô, dường như họ hiệp nhất với nhau, nhưng kỳ thực họ chia rẽ nhau.

Cũng thế, có những người muốn bảo vệ Lề Luật, muốn gìn giữ giáo lý của Dân Chúa, muốn gìn giữ đức tin, nhưng thực tế lại khác. Thực tế họ lại đánh mất Lề Luật, đánh mất giáo lý, đánh mất đức tin, bởi vì họ đã biến những điều ấy trở thành các ý thức hệ.

Sức mạnh của đời cầu nguyện

Sức mạnh của thánh Phaolô đến từ đời cầu nguyện, đến từ cuộc gặp gỡ của thánh nhân với Chúa Kitô. Nhiều lần ngài nói ngài được đưa lên tầng trời thứ bảy và có những cuộc gặp gỡ thần bí với Chúa Giêsu. Lần đầu tiên chính là cuộc gặp gỡ giữa ngài với Chúa Giêsu trên đường Damas, khi ngài muốn đi bắt bớ các Kitô hữu. Phaolô là người đã gặp Chúa, là con người của cầu nguyện.

Như thế ba điểm nổi bật của cuộc đời thánh Phaolô là hăng say loan báo về Chúa Kitô, sẵn lòng đón nhận bắt bớ, và cầu nguyện gặp gỡ Chúa. Thánh Phaolô tiếp tục tiến bước như thế giữa những bách hại của thế gian và đi trong sự an ủi của Thiên Chúa. Xin Chúa ban ân sủng, để chúng ta có thể sống ba điều đặc biệt như thánh Phaolô đã sống.


Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục trẻ
VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các linh mục trẻ chuyên chăm cầu nguyện, luôn tiến bước, thành tâm chia sẻ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 1-6-2017, dành cho 100 tham dự viên khóa họp toàn thể của Bộ giáo sĩ, tiến hành dưới quyền chủ tọa của ĐHY Tổng trưởng Benjamino Stella.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC ghi nhận khả năng của các linh mục trẻ, tinh thần sáng tạo, lòng hăng say của các vị. Ngài ca ngợi chương trình đào tạo căn bản (Ratio Fundamentalis) dành cho giáo sĩ mới được Bộ giáo sĩ công bố cách đây vài tháng, nhắm đến một sự huấn luyện toàn diện, bao trùm mọi khía cạnh của đời sống, chỉ dẫn con đường đào tạo môn đệ thừa sai, và ĐTC nhấn mạnh đến 3 thái độ quan trọng đối với các linh trẻ:

- Trước tiên là cầu nguyện không mệt mỏi. ĐTC nói: ”Chúng ta chỉ có thể là những người ”đánh cá người”, nếu trước tiên chúng ta nhìn nhận mình đã được sự dịu dàng của Chúa thu hút. Ơn gọi của chúng ta bắt đầu khi, rời bỏ lãnh vực cá nhân chủ nghĩa và những dự phóng bản thân của chúng ta, chúng ta tiến bước trong cuộc ”du hành thánh”, phó thác cho Đấng là Tình Yêu đã tìm kiếm chúng ta và Tiếng Nói đã làm rung động tâm hồn chúng ta”.

Để chu toàn việc cầu nguyện không ngừng, ĐTC nhắn nhủ các LM trẻ hãy cố gắng sống sự hòa hợp giữa kinh nguyện, làm việc và nghỉ ngơi, sự hòa hợp ấy là nguồn năng lực quí giá để đối phó với những vất vả tông đồ.. Mỗi ngày chúng ta cần dừng lại, lắng nghe Lời Chúa và ở lại trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa. Và cũng cần lắng nghe thân xác chúng ta, là một bác sĩ giỏi, báo động cho chúng ta khi sự mệt mỏi vượt quá giới hạn. Cầu nguyện, tương quan với Thiên Chúa, chăm sóc đời sống thiêng liêng mang lại cái hồn cho sứ vụ, và có thể nói, sứ vụ mang lại hình dạng cho đời sống thiêng liêng: vì linh mục thánh hóa bản thân và tha nhân trong việc thực thi cụ thể sứ vụ, nhất là khi giảng giải và cử hành các bí tích”.

- Tiếp đến là thái độ luôn tiến bước, vì LM không bao giờ là người đã tới đích. LM luôn luôn là một môn đệ, lữ hành trên những nẻo đường của Tin Mừng và cuộc sống, đối diện với ngưỡng cửa mầu nhiệm Thiên Chúa và Thánh Địa của những người được ủy thác cho LM. Không bao giờ LM có thể cảm thấy thỏa mãn và dập tắt sự lo âu lành mạnh làm cho LM để cho Chúa huấn luyện và làm đầy tràn. Vì thế, linh mục luôn cập nhật và cởi mở đối với những bất ngờ của Thiên Chúa! Trong sự cởi mở như thế đối với điều mới mẻ, các linh mục trẻ có thể có tinh thần sáng tạo trong việc loan báo Tin Mừng, với tinh thần phân định, lui tới những môi trường mới mẻ trong lãnh vực truyền thông với tinh thần phân định, nơi mà linh mục gặp những khuôn mặt, những chuyện đời và câu hỏi của con người, phát huy khả năng xã hội tính, tương quan và loan báo đức tin. Đồng thời linh mục cũng liên lạc với các linh mục khác, và ngăn cản không cho ”con sâu” của bệnh tự tham chiếu cản trở kinh nghiệm hồi sinh của tình hiệp thông linh mục”.

- Sau cùng, LM cần có thái độ thành tâm chia sẻ, vì cuộc đời LM không phải là một văn phòng bàn giấy và cũng không phải là một tập hợp các việc tôn giáo hoặc phụng vụ phải thi hành. Làm linh mục có nghĩa là dành trọn cuộc sống cho Chúa và anh chị em, mang trong tâm hồn niềm vui và lo âu của Dân Chúa, dành thời gian lắng nghe và chữa lành các vết thương của người khác, cống hiến cho họ sự dịu dàng của Chúa Cha.

ĐTC cũng nhận xét rằng đi từ kinh nghiệm sinh hoạt với người trẻ trong giáo xứ, khi còn trẻ, LM trẻ có cơ hội lớn sống tinh thần chia sẻ ấy với những người trẻ, ở giữa họ, không những như một người bạn, nhưng còn như một người biết thành tâm chia sẻ cuộc sống của họ, lắng nghe những vấn nạn và tham gia cụ thể vào những thăng trầm khác nhau trong đời sống của họ.

ĐTC nói thêm rằng ”LM không cần phải là một chuyên gia về thánh thiêng, hoặc là một anh hùng, từ trên cao và từ bên ngoài, trả lời cho những vấn nạn băn khoăn của người trẻ. Đúng hơn, người trẻ bị thu hút do những người biết chân thành can dự vào cuộc sống của họ, đồng thành với họ trong tinh thần tôn trọng và lắng nghe họ với lòng yêu mến. Vấn đề ở đây là có một con tim đầy lòng cảm thông, nhất là với người trẻ” (SD 1-6-2017)