Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 15/06/2017

Filled under:


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu (Mt 5: 20-26)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi tòa án. Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị tòa án luật phạt. Ai bảo anh em là "ngốc", thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hòa với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan tòa, quan tòa trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát ra khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng !".
 
SUY NIỆM 1

Qua đoạn Tin Mừng này, chúng ta thấy sự kiện toàn của Chúa Giêsu nơi giới luật yêu thương:“yêu tha nhân và tha thứ cho họ”.

Vì sao Chúa Giêsu lại dạy phải yêu tha nhân và tha thứ cho họ? Bởi vì, tất cả đều là anh chị em với nhau, đều là con của cùng một người cha trên trời. Khi được sinh ra trên đời này, không ai chỉ sống cho mình mà thôi, cũng không ai là một hòn đảo. Mà sống là sống với, sống trong, sống vì nhau và sống cho nhau.

Tuy nhiên, cuộc sống chung cũng mang lại cho con người nhiều thực tế thật thử thách. Trong mối tương quan hàng ngày có khi chúng ta phải chứng kiến những cái chướng tai gai mắt, những khuyết điểm, những khuôn mặt, cử chỉ lời nói thiếu tế nhị, rồi những ghen ghét hờn giận, đến những đố kỵ lừa gạt nhau. Do mỗi người mỗi ý, nên để được nên một và hiệp nhất với nhau, Chúa Giêsu đã kêu gọi lòng nhẫn nhục và tha thứ cho nhau.

Đối với Chúa Giêsu, Người không gây bất công cho ai bao giờ mà còn bị đối xử bằng thập giá. Còn chúng ta thì sao? Có khi mình làm khổ nhục người khác còn nhiều hơn họ làm khổ mình đó. Con người còn sống là còn khuyết điểm, nên luôn cần được tha thứ và tha thứ cho nhau.

- Nếu chúng ta không chịu tha thứ cho anh chị em mình, thì Thiên Chúa cũng sẽ không thứ tha cho chúng ta (Kinh lạy Cha).

- Lấy oán báo oán, oán ấy sẽ chồng chất. Lấy đức báo oán, oán ấy sẽ tiêu tan (Đức Thích Ca).

- Lấy tình thương xóa bỏ hận thù.

- Thêm bạn bớt thù,...

Lời dạy của Chúa thật cao siêu và vượt quá tầm hiểu biết của nhiều người. Nhưng Thiên Chúa là Đấng thượng trí vô cùng, không bao giờ bắt chúng ta phải làm việc gì mà Ngài biết chúng ta không là được. Luật Chúa khó thật. Nhưng Chúa dạy phải làm, làm với lòng muốn và ý chí, vì đó là phần phúc cho chúng ta. Hơn nữa, chúng ta làm trong ơn thánh thì sẽ được Chúa ban phúc lành.

Chúng ta tin tưởng và sống theo lời dạy của Chúa, để cuộc sống thêm tốt đẹp; đồng thời cũng đem lại phần phúc cho mình và cho người khác. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


SUY NIỆM 2
  1. Hai đức công chính
Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Đức Giêsu nói: “Nếu sự công chính của anh em không vượt qua sự công chính của các luật sĩ và Pharisiêu, thì anh em không được vào Nước Trời”. Như vậy, có hai sự công chính:
  • Sự công chính thứ nhất đến từ việc giữ luật, và luật căn bản nhất là luật chớ giết người mà Đức Giêsu nói tới trong bài Tin Mừng hôm nay; và bởi vì luật này liên quan đến sự sống, chúng ta được mời gọi hiểu lời của Đức Giê-su liên quan đến tất cả lề luật, vì lề luật có mục đích bảo vệ, duy trì và làm cho sự sống lớn lên.
  • Sự công chính thứ hai đến từ lòng ước ao và sống hết mình theo Lời của Đức Giêsu; và không chỉ sống theo, nhưng còn sống bằng lời của Ngài, vì chúng ta được tạo dựng bởi Ngài và cho Ngài (St 1; Ga 1, 3; Cl 1, 16-17). Chúng ta nên nhớ rằng Lời của Đức Giêsu và ngôi vị của Ngài là một, bởi lẽ Ngài là Ngôi-Lời.
Sự khác biệt giữa hai đức công chính thật là triệt để: đức công chính thứ nhất chỉ dừng lại ở việc giữ Luật theo mặt chữ không có khả năng dẫn người ta vào Nước Trời; trái lại, đức công chính mà Đức Giêsu công bố và thể hiện cách tuyệt hảo và tuyệt đối nơi cuộc Thương Khó, mới là sự công chính của Nước Trời và dẫn người ta vào Nước Trời.

  1. Đức công chính của Lề Luật
Đạt được đức công chính theo Luật, trong thực tế đôi khi không dễ, nhưng xét cho cùng, nằm trong tầm tay của chúng ta. Chẳng hạn, chẳng ai trong chúng ta đã vi phạm luật “chớ giết người”, và có lẽ đến cuối đời, chắc chắn cũng chẳng bao giờ vi phạm. Nhưng, phải chăng như thế đã là công chính, khi mà cõi lòng của chúng ta đầy giận hờn ghét ghen, khi mà lời nói của chúng ta gây ra tai họa cho người khác, thậm chí có khả năng “giết chết”? Sách Huấn Ca nói: “Có nhiều kẻ gục ngã vì lưỡi kiếm, nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người?” (Hc 28, 18)
Và thánh Gioan nói rằng ai ghét anh em mình đã là kẻ sát nhân rồi. Lời này của thánh Gioan là một kết luận thật chính xác từ chính lời của Đức Giê-su nói với chúng ta hôm nay: ai giận, mắng hay chửi anh em thì đáng bị xét xử y như người phạm tội giết người. Bởi lẽ, khi ghét anh chị em của mình, là chúng ta đã loại trừ người ấy ngay trong lòng của mình rồi; và nghiêm trọng hơn, lòng ghen ghét là nọc độc gây chết chóc cho người mang nó trong người và cho cả người phải gánh chịu nó. Chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng nào khi nhận ra rằng có ai đó ghét bỏ mình. Bởi vì lòng ghen ghét tự nó có khả năng gieo rắc bầu khí chết chóc. Vậy mà loài người chúng ta, giữa người với người, giữa các nhóm và giữa các dân tộc với nhau, đang sống trong một bầu khí như thế đó!

  1. Đức công chính của Đức Giê-su
Trong bài Tin Mừng hôm nay và trong những ngày sắp tới, đến từ Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su mời gọi chúng ta vượt qua đức công chính theo Luật; và để vượt qua, Người mời gọi chúng ta hành động khởi đi từ “nguồn gốc”:
  • Nguồn gốc của mọi hành động xấu xa, và trong trường hợp hành vi giết người, nguồn gốc của nó là sự giận dữ trong lòng và ở những lời mắng chửi. Đức Giêsu mời gọi chúng ta loại trừ hành vi giết người ngay từ gốc rễ của nó!
  • Hành động khởi đi từ nguồn gốc, còn là hành động khởi đi từ gốc rễ sâu thẳm nơi cõi lòng chúng ta, đó là sự thiện tuyệt đối, khiến chúng ta có khả năng đi bước trước làm hòa với người anh em mà không cần đặt vấn đề theo luật định: ai đã gây ra chuyện này, ai đã bắt đầu trước? Và khiến chúng ta có khả năng làm hòa với nhau, thay vì đem nhau ra tòa, ở đó mỗi người sẽ phải lớn tiếng tự biện minh cho mình; và để biện minh cho mình, thì phải kể tội, phải chứng minh người kia có tội, nghĩa là “tố cáo” nhau[1]; sau đó tất yếu theo luật định, một trong hai người sẽ bị tuyên án và bị giam vào tù ngục; và điều gì bảo đảm rằng quan tòa sẽ chí công vô tư, sẽ đứng về phía người ngay? Đức Giêsu mời gọi chúng ta đừng ứng xử với nhau theo Luật, đừng để cho hệ thống Lề Luật giải quyết tương quan của chúng ta với nhau, vì sẽ là tai họa. Kinh nghiệm sống của chúng ta cho thấy như vậy. Đức Giêsu mời gọi chúng ta thực hiện điều mà chính Ngài đã thực hiện cho chúng ta: nơi Thập Giá của Đức Ki-tô, Thiên Chúa không ứng xử với chúng ta theo Luật (x. Rm 8, 1).
  • Hành động theo nguồn gốc, còn là hành động theo ơn huệ tuyệt đối nhưng không mà mỗi người chúng ta đều nhận được ở khởi đầu của sự sống: nhận được nhưng không, thì cho nhưng không. Cũng vậy, ở khởi đầu của công trình sáng tạo, Thiên Chúa ban ơn một cách tuyệt đối nhưng không.
  • Hành động khởi đi từ nguồn gốc, còn là hành động theo cung cách của chính Thiên Chúa, Cội Nguồn của mọi sự, như Đức Giê-su mời gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng Hoàn Thiện” (c. 48). Điều này có nghĩa là, Người mời gọi chúng ta sống điều chúng ta vẫn nói trong đời thường: “Cha nào con nấy”; và Thiên Chúa, Đấng hoàn thiện “ở trên trời”, nhưng cũng hiện diện nơi sâu thẳm của mỗi người chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.
*  *  *
Như thế, sự công chính đích thực mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống, không hệ ở việc giữ luật thật chi li, bởi vì nơi của sự công chính đúng hơn nằm ở trung tâm vô hình sâu thẳm của con người. Chính con người cũng chẳng đạt tới đó được nếu chỉ với nỗ lực riêng của mình. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới “thanh tẩy” được chốn thâm sâu đó của con người mà thôi. Một cách tận cùng, lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi đến tâm tình khiêm tốn, khiêm tốn với Thiên Chúa, khiêm tốn với người khác và khiêm tốn với chính mình, như lời nguyện Thánh Vịnh diễn tả:
Nhưng nào ai nhận định được các lầm lỗi của mình ?
Xin thanh tẩy con khỏi những lầm lỗi vuột khỏi con.
(Tv 19, 13)
Dấu chỉ của tình trạng người ta vẫn còn dừng lại ở bề mặt của Lề Luật, đó là khi người ta dựa vào Lề Luật để dò xét, tố cáo và kiêu ngạo. Điều này đúng cả với những lời của Môsê và với những lời của Đức Kitô. Thánh Vịnh 19 là một lời nguyện hướng tới việc tuân giữ Lề Luật (c. 12), nhưng điều tuyệt vời là lời nguyện này lại kết thúc với lời cầu xin cho mình đừng rơi vào cái bẫy lớn nhất mà ma quỉ giăng ra, bẳng cách dựa vào Lề Luật: “Con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18, 11-12):
Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo,
đừng để nó thống trị con.
Như thế con sẽ không có gì đáng trách,
thanh sạch khỏi một trọng tội.
(c. 14)
Xa khỏi bề mặt của sáng tạo, xa khỏi bề mặt của Lề Luật, ẩn dấu điều bí mật lớn nhất của chúng, đó là sự khiêm tốn. Theo lời nguyện của Tv 19, sáng tạo và Lề Luật được hoàn tất trong sự khiêm tốn, vốn là điều dấu ẩn nhất. Bởi vì, Đức Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể, là Đấng “hiền lành và khiêm nhường” (x. Mt 11, 28-29).
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Theo mặc khải Kinh Thánh, “tố cáo” là hành vi đặc trưng của Satan, đến độ Satan có thêm một tên riêng là “Kẻ Tố Cáo” (x. Kh 12, 10).