Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 12: 13-17)
Khi ấy, người ta sai mấy người thuộc nhóm biệt phái và đảng Hêrôđê đến Chúa Giêsu để lập mưu bắt lỗi Người trong lời nói. Họ đến thưa Người rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật không vị nể ai, vì Thầy chẳng xem diện mạo, nhưng giảng dạy đường lối Thiên Chúa cách rất ngay thẳng. Vậy chúng tôi có nên nộp thuế cho Cêsarê không? Chúng tôi phải nộp hay là không?". Nhưng Người biết họ giả hình, nên bảo rằng: “Sao các ngươi lại thử Ta? Hãy đưa Ta xem một đồng tiền". Họ đưa cho Người một đồng tiền và Người hỏi: "Hình và ký hiệu này là của ai?". Họ thưa: "Của Cêsarê". Người liền bảo họ: "Vậy thì của Cêsarê, hãy trả cho Cêsarê, của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa". Và họ rất đổi kinh ngạc về Người.
SUY NIỆM 1
Muốn hiểu được ý nghĩa của câu: “… của Thiên Chúa hãy trả về cho Thiên Chúa”, tôi thiết nghĩ, trước hết, tôi phải có khả năng nhận ra “cái gì là của Thiên Chúa”, và sau đó tôi phải có khả năng để nhận ra rằng nếu tôi “không trả về cho Chúa” những gì là của Người thì tôi là một kẻ ăn cắp.
Vậy những gì trong đời tôi, không phải của tôi, mà là của Chúa? Nhiều lắm, cuộc đời, sự nghiệp, quá khứ, tương lai, kể cả toàn thân tôi nữa…, nhưng chúng ta chỉ kể ra những điểm cốt lõi này:
1. Bởi:
- Sự sống là của Thiên Chúa. "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta… Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình… Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 1,26-27.2,7). Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, và dựng nên tất cả. Chỉ duy nhất một mình Thiên Chúa là chủ tể sự sống. Chỉ một mình Người là Đấng có quyền ban và cất đi sự sống của con người mà thôi.
- Thời gian là của Thiên Chúa. “Thiên Chúa phán: Phải có ánh sáng. Liền có ánh sáng. Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối. Thiên Chúa gọi ánh sáng là ‘ngày’, bóng tối là ‘đêm’” (St 1,3-5). Chính Thiên Chúa phân định thời gian. Chỉ một mình Thiên Chúa là chủ thời gian, không có ai có thể thay đổi, hay kéo dài, hoặc làm cho ngày hay đêm co giãn được.
- Tài sản là của Thiên Chúa. “Thiên Chúa phán: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất… Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi” (St 1, 28-29).
Mọi tài sản trong vũ trụ đều do một mình Thiên Chúa tạo dựng. Chỉ một mình Thiên Chúa là chủ của tất cả mọi tài sản mà tôi và mọi người đang quản lý, từ trí thông minh, sự khôn ngoan, tri thức, bằng cấp, tài đánh đàn, khiếu âm nhạc, khiếu nấu ăn, khiếu cắm hoa, tài ca hát, nhảy múa, sáng tác âm nhạc, khả năng hội họa, khả năng chữa bệnh… cho đến công ăn việc làm, tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, vật dụng trong gia đình… đều là của Thiên Chúa chứ không phải của tôi.
Người ban cho tôi để tôi sử dụng trong tình mến đối với Người, và trong tình yêu liên đới, sớt chia đối với anh chị em xung quanh tôi. Vì là của Chúa, nên tôi phải giúp đỡ mọi người, phải sống bác ái với mọi người như Chúa dạy.
2. Vì thế:
- Đối với sự sống, con người phải trả lại ngay cho Thiên Chúa chủ quyền của sự sống. Không bao giờ con người được phép nhân danh khoa học, nhân danh luật pháp, hay nhân danh bất cứ điều gì để sát hại sự sống, dù là giết hại nhau, sát thương nhau, hay nạo phá thai, cấy thai, thụ thai trong ống nghiệm, sinh sản vô tính trên người…, hay bất cứ hình thức nào làm tổn thương sự sống…
Người ta phải nhận ra rằng chỉ duy nhất một mình Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và là chủ sự sống: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con” (Tv 139, 13). Vì thế, chỉ duy nhất một mình Thiên Chúa có quyền cất đi mạng sống của con người.
Dù bạn là khoa học gia, bác sĩ, y tá hay những chính trị gia, những nhà làm luật… tài giỏi mấy đi nữa, thì bạn không được quên, bạn chỉ là một con người, chỉ là một thụ tạo, không ai có quyền tạo nên hay truất phế sự sống của chính mình hay của người khác!
- Đối với thời gian, con người phải trả ngay cho Thiên Chúa chủ quyền làm chủ thời gian. Người không đòi hỏi ta nhiều. Chỉ cần mỗi ngày, dành một chút thời gian để tưởng nhớ Chúa, để cầu nguyện, để cám ơn Chúa.
Chẳng hạn, ta cám ơn Chúa khi thức giấc, đọc một lời cầu nguyện trước khi ăn cơm, siêng năng tham dự thánh lễ, đọc kinh, tham dự giờ chầu Thánh Thể, thăm viếng bệnh nhân, đọc Kinh Thánh, nguyện tắt… Qua tất cả những việc làm đạo đức ấy, chúng ta đang “trả về cho Thiên Chúa” một phần thời gian của chính Thiên Chúa.
- Đối với tài sản, con người trả ngay cho Thiên Chúa một phần tài sản của mình để xây dựng nhà Chúa, xây dựng Hội Thánh, giúp đỡ người túng thiếu…
Tôi có thể đóng góp của cải cho giáo xứ, giúp đỡ các dòng tu tùy khả năng. Tôi dành bớt thời gian làm việc để dấn thân dạy giáo lý, tham gia ca đoàn, tham gia hội đoàn, thăm kẻ liệt, an ủi người bất hạnh, khuyên dạy người nguội lạnh, người sống xa cách đức tin, đánh đàn, cắm hoa, nấu ăn, cắt cỏ, tỉa cây… cho nhà thờ, giáo xứ nơi mình sinh sống…
Những lúc chúng ta làm được những điều như thế, là chúng ta đang ý thức để “trả về cho Thiên Chúa” những gì của Thiên Chúa, theo lời Chúa Giêsu răn dạy.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết trả lại chủ quyền của Chúa trên tất cả đời sống chúng con. Nhờ luôn biết trả cho Chúa những gì của Chúa, chúng con sẽ trưởng thành trong lòng mến đối với Chúa, trong tình yêu đối với anh chị em, và trong sự tôn trọng mọi thụ tạo của Chúa. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
- Hai nhóm Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê
« Họ cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-dê đến cùng Người để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy ». Họ ở đây là các thượng tế, kinh sư và kỳ mục (Mc 11, 27). Như thế, đàng sau những người trực tiếp đến gặp Đức Giê-su để gài bẫy, còn có cả một nhóm người thuộc giới lãnh đạo. Những người sẽ lên án Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó như đã có mặt hết ở đây rồi, hay nhìn một cách khác, âm mưu giết Đức Giê-su đã khởi động rồi (x. Mc 11, 18). Và cái bẫy họ giăng ra lần này rất đặc biệt, vì không phải là những vấn nạn liên quan đến Luật của Chúa ; chẳng hạn : điều răn nào trọng nhất, ai là người thân cận, có được phép rẫy vợ không ; cái bẫy họ giăng ra lần này liên quan đến vấn đề đóng thuế, nghĩa bổn phận dân sự. Trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su sẽ bị kết án trên cả hai bình diện, bình diện tôn giáo và bình diện dân sự. Và vì Đức Giê-su là Đấng Vô Tội tuyệt đối, cả hai bình diện đều để lộ ra bộ mặt gian dối của Sự Dữ.
Tuy nhiên, bộ mặt gian dối đã lộ diện ở đây rồi. Thật vậy, những người Pha-ri-sêu vốn không chấp nhận sự đô hộ của người Roma, nhưng lại đi hợp sức với những người phe Hê-rô-đê, là nhóm người cộng tác với người Roma, đi chất vấn Đức Giê-su. Hai nhóm, Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê, không cùng lập trường, nhưng lại bí mật bắt tay nhau để gài bẫy Đức Giê-su. Đối diện với Đức Giê-su, sự dữ có trong lòng của họ phải lộ diện, dù có khi chính họ không ý thức. Như thế, họ sẽ mắc vào cái bẫy, mà chính họ giăng ra để hại người khác ; như lời Thánh Vịnh loan báo :
Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài,
còn con đây, thì được thoát khỏi.
còn con đây, thì được thoát khỏi.
(Tv 141, 10)
Và ở những mức độ và bình diện khác nhau, cả loài người chúng ta, từng người chúng ta cũng phải như thế, nghĩa là phải là mình trong sự thật, khi đến với Đức Giê-su. Bởi vì, lời của Ngài và ngôi vị của Ngài là ánh sáng, soi tỏ hết mọi sự sâu kín trong lòng và trong quá khứ của chúng ta ; nhưng không phải để lên án, nhưng để chữa lành. Ngài sẽ mặc khải Tội và chữa lành chúng ta khỏi Tội cách triệt để bằng Thập Giá.
- Cái bẫy
Như chúng ta đều biết và có kinh nghiệm nữa, để gài bẫy thì phải có mồi nhử và nhất là phải che đậy với vẻ bề ngoài bình thường hay đẹp đẽ để thu hút đối tượng. Chính vì thế, bẫy của họ giăng ra cho Đức Giê-su bắt đầu bằng một câu khen ngợi :
Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa.
(c. 14)
Lời khen thật hay, nhưng hoàn toàn giả dối, vì lời này giống như là mồi nhử hay giống như lớp ngoài che đậy hiểm họa chết người bên trong. Như thế, cái bẫy có hai đặc điểm : dối trá và bạo lực, vốn là những đặc điểm của sự dữ ; và các Thánh Vịnh hay dùng hình ảnh « cái bẫy » như dụng cụ ưa thích của sự dữ (x. Tv 9, 17 ; 18, 6 ; 38, 14 ; 64, 6 ; 66, 11 ; 119, 110 ; 124, 7 ; 140, 6; 141,10).
Lạy Chúa, khi hồn con tiêu hao mòn mỏi,
thì chính Chúa đã am tường mọi nẻo con đi.
Trên quãng đường con đang tiến bước,
người ta đã gài bẫy rình chờ.
thì chính Chúa đã am tường mọi nẻo con đi.
Trên quãng đường con đang tiến bước,
người ta đã gài bẫy rình chờ.
(Tv 142, 4)
Đức Giê-su biết họ giả hình, nên, trước khi trả lời, Ngài đã lấy đi con mồi hay lột bỏ vẻ bề ngoài đẹp đẽ, khi nói : « Tại sao các người lại thử tôi ? » (c. 15) Quả thật, câu hỏi có vẻ đơn giản : « Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không ? », nhưng đó là cái bẫy rất nguy hiểm :
- Nếu trả lời được phép, Đức Giê-su sẽ bị lên án là tay sai cho ngoại bang, là phản quốc !
- Nếu trả lời không, Ngài sẽ bị lên án là chống lại người Roma !
- Xê-da và Thiên Chúa
Như thế, cái bẫy này đã loan báo cuộc Thương Khó của Đức Giê-su rồi, vì Ngài sẽ bị cả hai lên án, người Do thái và người Roma, một cách vô cớ, nghĩa là với những lí do hoàn toàn gian dối. Đức Giê-su trả lời :
Của Xê-da, trả về Xê-da;
của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.
của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.
(c. 17)
Đây là một trong những câu nói của Đức Giê-su, được biết đến nhiều nhất, nhưng thường được hiểu theo nghĩa xã hội ; theo đó Đức Giê-su muốn nêu ra nguyện tắc : phân biệt giữa thần quyền và thế quyền. Hiện nay, tương quan giữa Giáo Hội và thế quyền được xây dựng dựa trên nguyên tắc này. Nhưng trong lịch sử, sự phân biệt này đã không được tôn trọng, hoặc về phía Giáo Hội (nghĩa là Giáo Hội ở trên thế quyền), hoặc về phía thế quyền (nghĩa là quyền dân sự can thiệp vào sinh hoạt của Giáo Hội).
Tuy nhiên, lời của Đức Giê-su không nhắm đến việc tổ chức quyền bính của Giáo Hội và xã hội ; mặc dù, người ta có thể áp dụng lời của Đức Giê-su vào trong lãnh vực này. Lời của Ngài thuộc bình diện thiêng liêng, đụng chạm đến chiều sâu của tâm hồn trong tương quan với Thiên Chúa và những gì không thuộc về Thiên Chúa.
Thật vậy, trên đồng bạc có khắc hình và danh hiệu của Xê-da, và ngày nay, trên các đồng tiền giấy hay tiền kim loại, cũng có những hình và chữ như thế. Đồng tiền nhỏ bé, nhưng lại nói lên ba điều : tiền của, quyền lực và danh vọng ; vốn rất dễ trở thành ngẫu tượng, trở thành tuyệt đối trong đời sống con người, cả trong xã hội lẫn trong Giáo Hội. Và đó sẽ là tai họa cho sự sống. Vậy thì, hãy trả lại cho Xê-da, những gì của Xê-da. Chúng ta cần nhận ra rằng, để có tiền của, quyền lực và danh vọng, hành động gian dối, tóm bắt và bạo lực, giống như những người gài bẫy Đức Giê-su, là không thể tránh khỏi.
Chúng ta đừng bỏ qua một chi tiết nhỏ, nhưng rất có ý nghĩa : Đức Giê-su không có đồng tiền trong túi, vì thế Ngài nói : « Đem một đồng bạc cho tôi xem » (c. 15). Điều này không chỉ cho thấy rằng Ngài rất nghèo, nhưng sâu xa hơn thế nữa, tiền của, quyền lực và danh vọng không thuộc về lẽ sống của Ngài. Còn những người chất vấn Đức Giê-su, hoặc chủ trương đóng thuế hay không đóng thuế, lại có sẵn đồng tiền trong túi !
« Những gì thuộc về Thiên Chúa » là những gì ? Đơn giản là những điều ngược lại với tiền của, quyền lực và danh vọng ; đó là chia sẻ, phục vụ và khiêm tốn. Và chúng ta nhận ra những điều này thật rạng ngời nơi khuôn mặt của Đức Giê-su.
Vì thế, cách thức tốt nhất để sống lời mời gọi của Đức Giê-su: « Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa », là đi theo Đức Ki-tô, là lắng nghe và sống lời của Ngài, là để Ngài trở thành sự sống của chúng ta, ngang qua bí tích Thánh Thể.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc