Thánh Tâm và Lòng Thương Xót
1. Nền tảng Kinh Thánh cho việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu
Nền tảng Kinh Thánh cho việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đó là đoạn Tin Mừng Gioan 19,31-37, về việc xảy ra sau khi Chúa Giêsu chết trên cây Thánh Giá, "một người lính đã lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức có máu cùng nước chảy ra."
Hôm ấy trên đồi Golgotha bỗng náo nhiệt rồi im dần. Hai người trộm cướp còn đang ngắc ngỏai trên thập giá liền bị đánh giập ống chân cho chết, còn Chúa Giêsu lúc ấy đã từ trần. Ông Longinô – tên người lính ấy – cầm đòng đâm vào cạnh sườn Chúa, tức thì máu và nước chảy ra (Ga 19,34). Đó là sự kiện cách đây hơn hai ngàn năm.
Còn cách đây 300 năm, vào thế kỷ XVII, khi mặc khải Thánh Tâm cho Thánh nữ Margaritta Maria Alacoque, một nữ tu khiêm nhường của Dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial, Chúa Giêsu đã cho thánh nữ thấy Thánh Tâm Ngài có lửa cháy, bị vòng gai quấn quanh, và bị lưỡi gươm đâm thâu.
Chúa mở ngực ra và chỉ vào trái tim Người như một tòa lửa sáng rực như mặt trời, trong suốt như thủy tinh, chung quanh có vòng gai và trên cùng là Thánh Giá.
Thánh nhân kể rằng: Chúa đã cho tôi biết lòng Chúa nóng nẩy khát khao được nhân lọai mến yêu, và Người muốn giải thóat nhân lọai khỏi vòng trụy lạc. Vì thế, Chúa có ý tỏ trái tim Người cho nhân lọai, một trái tim chan chứa tình yêu, đầy tràn ân sủng và cứu rỗi. Một lần khác, đang sốt sáng chầu Mình Thánh Chúa, Margarita lại được xem thấy Chúa, tòan thân Người sang láng vinh quang với năm vết thương chói lòa như vầng đông, và nhất là trái tim của Chúa tựa như lò than hồng. Rồi lần hiện ra trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu (Corpus Christi) năm 1675, Chúa Giêsu nói: “Hãy ngắm nhìn Thánh Tâm Ta yêu thương nhân loại biết bao… Nhưng thay vì được biết ơn, Ta chỉ nhận được sự vô ơn…”.
Quả thật, Chúa đã yêu thương lòai người đến nỗi chấp nhận cái chết trên thập giá. Ta thấy Chúa hằng giang tay ra ngày đêm như muốn ôm cả nhân lọai vào lòng. Chúa Giêsu nghiêng đầu cúi xuống như tha thiết kêu gọi người ta trở về cùng Chúa. Trái tim Người mở ra để chứng tỏ lòng yêu thương không bờ bến. Tình yêu thương vô cùng ấy chưa được nhận biết. Hơn nữa tình yêu ấy lại còn bị khinh dể và phản bội. Chính vì vậy, Chúa Giêsu yêu cầu thánh nữ vận động thành lập lễ kính Thánh Tâm vào Thứ Sáu sau lễ kính Mình Máu Thánh. Và ngày 11/6/1899, theo lệnh của ĐGH Lêô XIII, cả thế giới đã được tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.
2.Chức năng của trái tim
2.1.Cơ thể con người là một kỳ công của Thiên Chúa
Cả cơ thể con người là một khối hòa điệu kỳ diệu. Mỗi cơ phận đều là một thế giới diệu kỳ, nhưng trái tim là cơ phận đặc biệt nhất. Tim có nhiệm vụ phân phối máu đi khắp các mạch máu, kể cả trung tâm não bộ. Nếu mắc nối tiếp các mạch máu trong cơ thể sẽ thành một đường dài 96.559 km. Tim còn có điểm đặc biệt là tự đập nhịp, không nhờ sự giúp đỡ của não hoặc cột sống, vì khi lấy tim ra thì nó vẫn “nhảy nhịp”. Và mỗi cơ tim đều tự đập được.
Tim điều phối máu. Trong máu có sự sống. Máu còn được chia thành nhiều nhóm – dựa theo một số chất cacbohydrat và protein đặc thù trên hồng cầu. Có khoảng 46 nhóm khác nhau, nhưng các nhóm chính là O, A, B và yếu tố Rhesus (Rh). Máu của mỗi nhóm có thể có kháng thể chống lại những nhóm kia. Do đó, khi truyền máu khác nhóm vào, kháng thể của người nhận có thể phá hủy máu, gây tác hại cho cơ thể. Không chỉ vậy, tim còn là “trung tâm tình cảm” (đầy đủ thất tình của con người). Tim là trung tâm sự sống, tim chết thì người ta chết. Não chỉ là trung tâm điều khiển. Vì thế, tim rất quan trọng, nó cần duy trì khỏe mạnh ổn định chứ không thể yếu hoặc thất thường. Tim mà đau thì cả thân xác rời rã. Cơn đau tim có thể xảy ra với bất kỳ ai, dù già hay trẻ, dù nam hay nữ. Khi lên cơn đau tim, người ta có thể tử vong trong một thời gian cấp kỳ.
2.2.Trái tim, một công trình tạo dựng siêu bền.
Trái tim rất nhỏ được đặt trong lồng ngực, nhưng hoạt động cách lạ lùng : Mỗi 24 giờ, trái tim bơm và lọc được 20.000 lít máu. Như công việc của trái tim, tôi không thấy cụ thể những điều trái tim đang làm việc, nhưng tôi biết trái tim vẫn không ngừng rung nhịp đập với trung bình 70 lần một phút trong tôi. Theo từng nhịp đập của trái tim ấy, Thiên Chúa đang hoạt động trong tôi, bởi vì tôi biết rằng Người đã dựng nên tôi cho tôi sự sống và sự sống ấy không ngừng lưu chuyển, cho đến khi tôi được yên nghỉ trong Người. Nếu một ngày nào đó trái tim ngừng đập và tôi trở thành người thiên cổ, nhưng trong lòng yêu thương của Thiên Chúa tôi đang an nghỉ. Hôm nay, lúc này, xin tạ ơn Chúa trái tim vẫn còn đập. Và như vậy là đang sống và như vậy là đang lặn ngụp trong tình yêu của Thiên Chúa. Khám phá ra điều này, tôi nhận thức rằng, mỗi ngày tôi có cả ngàn lý do để tạ ơn Chúa. Sự sống nào không phải là hồng ân Chúa ban tặng để tạ ơn Người luôn mãi. Như chức năng lọc của trái tim, Thiên Chúa đang thanh luyện cuộc đời tôi bằng Thánh Thần của Người. Lọc những vị kỷ để còn vị tha, lọc hiềm thù để còn yêu thương, lọc những gì là ô uế để còn những gì tinh trong. Nếu trái tim không lọc rửa, dòng máu sẽ trở thành dòng sông đen và chết chóc. Nếu Thánh Thần không được ban xuống trong tôi, như trái tim không còn lọc tẩy, cuộc sống sẽ chết dần chết mòn trong ô uế và tội lỗi. Thánh thần đang đổi mới cuộc đời tôi.
3.Thánh Tâm và Lòng Thương Xót không thể tách rời
Thánh Tâm chứa đựng Lòng Thương Xót, và Lòng Thương Xót là nhịp đập yêu thương của Thánh Tâm. Trái tim nằm trong cơ thể, vì thế mà Thánh Tâm cũng bất khả phân ly đối với Thánh Thể. Đó là mối liên kết mầu nhiệm trong mối tình tha thiết của Chúa Giêsu.
Trái tim biểu hiện tình yêu. Tình yêu phát xuất theo chiều trái tim.
Người ta thường lấy trái tim để làm biểu tượng tình yêu. Có lẽ trái tim là trung tâm của cơ thể con người. Trái tim có nhiệm vụ cung cấp máu cho toàn bộ cơ thể. Trái tim không còn bơm máu, cơ thể sẽ khó thở. Trái tim ngừng đập, con người coi như đã chết. Vì vậy, trái tim có một tầm quan trọng đối với cơ thể con người. Từ đó, người ta thường dùng từ ngữ “Trái tim” để diễn tả tình yêu. Có lẽ cũng vì lý do đó mà khi tỏ mình ta cho Thánh Margarita Maria Alacốc, Chúa Giêsu đã cho Thánh nữ được xem thấy Trái Tim của Ngài. Và để diễn tả tình yêu, Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ rằng: “Đây là Trái tim đã thương yêu loài người vô cùng. Không tiếc gì với họ”.
Thật vậy, Trái tim Chúa Giêsu đã thương yêu chúng ta vô cùng. Đó là Trái tim nhân hậu, yêu thương, cảm thông, tha thứ và hy sinh tất cả không tiếc gì với chúng ta.
3.1.Trái tim nhân hậu. Ngài quan tâm hết mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Ngài quan tâm đám đông vì họ bơ vơ không có gì ăn nên đã hoá bánh ra nhiều nuôi họ(x. Mc 8,1-10). Ngài “chạnh lòng thương” trước đám tang người con trai duy nhất của bà goá thành Naim nên đã làm cho chàng sống lại(x. Lc 7,11-17). Ngài đã thổn thức trong lòng và xao xuyến khi thấy Maria khóc thương Lazarô nên Ngài đã cho Lazarô sống lại (x Ga 11,1-45). Ngài đã chữa lành nhiều bệnh tật, xua trừ ma quỷ: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế”(x. Cv 10,38).
3.2.Trái tim biết cảm thông và tha thứ. Ngài cảm thông sâu sắc với những người tội lỗi. Ngài đã đến cùng ăn cùng uống với họ để có thể cảm hoá họ trở về nẻo chính đường ngay.
- Với Maria Mađalêna. Cuộc sống quá khứ đầy tội lỗi. Con một gia đình phú quý sang trọng. Sau khi Cha mẹ qua đời, cô được hưởng một gia tài kếch xù. Với gia tài lớn lao này, cô đã sống sa đoạ, truỵ lạc đến nỗi trở nên nô lệ cho ma quỷ. Mađalêna đã được Chúa cảm thông. Chúa chữa cô khỏi bảy quỷ. Chúa tha thứ tội lỗi cho cô. Sau khi sống lại, Chúa còn hiện ra với cô để trao sứ mệnh loan báo tin mừng phục sinh.
- Với người phụ nữ ngoại tình. Chị bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Luật Môisê qui định tội này là tội chết. May mắn thay, chị gặp được Đức Giêsu. Ngài đã cứu chị một bàn thua trông thấy. Ngài tha thứ cho chị. Ngài không kết án: “Ta không kết án chị đâu” (Ga 8,11). Ngài muốn cho chị có cơ hội làm lại cuộc đời “chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”.
- Với Giakêu, Mathêu là những người thu thuế. Người Do Thái thời Chúa Giêsu coi người thu thuế là người phản đạo và phản quốc. Họ thuộc hạng tội lỗi ngang hàng với gái điếm, người ngoại và người Samari. Bốn hạng người này bị loại trừ bằng vạ tuyệt thông và cách ly, không ai được phép quan hệ với họ. Thế mà, Chúa Giêsu đã kêu gọi Mathêu, chọn ông làm tông đồ. Mặc cho nhiều người chỉ trích “nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào”, Chúa Giêsu vẫn chủ động mời ông Giakêu xuống khỏi cây sung và đến viếng thăm nhà ông. Qua cuộc viếng thăm của Chúa Giêsu đã tạo ra một sự biến chuyển lớn lao trong cuộc đời của Giakêu. Ông hoán cải và thay đồi toàn diện đời sống. Bằng chứng là ông đã đứng lên thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,.8).
- Với người trộm lành. Ông đã từng đi đàng tội lỗi lâu năm. Vì những trọng tội mà xã hội Do thái phải trừng phạt ông bằng cực hình đóng đinh. Nhưng ông đã nhận biết tội lỗi mình nên xin cùng Chúa Giêsu rằng: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của Ông xin nhớ đên tôi. Và Người nói với ông: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 42,43). Chúa đã tha thứ tội lỗi cho ông và cho ông vào thiên đàng ngay hôm đó.
4.Một con tim biết yêu thương
4.1.Người ta thường lấy trái tim để làm biểu tượng của tình yêu
Chắc có lẽ trái tim là trung tâm của cơ thể con người (hiểu theo kiểu trọng yếu chứ không theo không gian); nghĩa là, nơi cung cấp máu cho toàn bộ cơ thể. Nên thường trước đây để biết người đó chết hay sống thì xem tim họ còn đập hay không. Tim mà ngừng đập thì con người coi như đã chết, hoặc tim không bơm máu thì cơ thể sẽ khó thở. Tựu trung, trái tim rất quan trọng đối với con người. Từ đó, người ta thường dùng từ ngữ "trái tim" để nói vế một người nào đó có tấm lòng ra sao. Nếu người đó sống rộng lượng, khoan dung họ được coi là người có trái tim nhân hậu, biết chia sẻ. Bằng ngược lại sẽ bị coi là trái tim ích kỷ. Sống có tình có nghĩa sẽ được gọi là trái tim rộng lớn hay quân tử. Ngược lại. sẽ bị coi là trái tim chai đá, nhỏ nhen.
4.2. Một con tim biết yêu thương
Vậy thì hãy mở rộng con tim của mình thay vì đóng khung quan điểm bằng việc đón nhân những khuyết điểm nơi tha nhân.
Hãy cung cấp máu cho con tim thay vì để hao mòn và cất giữ bằng cách tiêu hao những gì mình có không tính toán hơn thiệt.
Hãy cùng cảm xúc theo nhịp đập con tim của tha nhân thay vì chai đá, “xơ cứng" bằng cách"vui với người vui, khóc với người khóc".
Hãy luôn biết thay máu cho con tim thay vì cứ tích tụ thành ao tù mà không thông thoát bằng cách canh tân đời sống, sẵn sàng cho và nhận mà không đòi hỏi.
Hãy xoa dịu con tim của mình thay vì lên cơn nóng giận, tức tối, khó chịu bằng cách tỏ ra rộng lượng khoan dung trước sự kiện và những ai xúc phạm hay gây cớ cho mình như Chúa Giêsu thốt lên : "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" .
Hãy luôn hiệp nhất với anh em trong cùng dòng Máu Đức Kitô thay vì chia rẽ, tách biệt, tính toán cá nhân thụ hưởng bằng cách luôn đón nhận cá tính khác biệt để chung sức xây dựng bầu khí huynh đệ trong một tập thể như ước nguyện của Thầy Chí Thánh của mình : "Lạy cha, ước gì họ nên một như Chúng Ta là một".
Và cuối cùng hãy can đảm, xé nát con tim mình ra mà trao cho người khác để máu trong cơ thể có thể thống thoáng, châu lưu mà không bị một bế tắc nào, ao tù nào tồn đọng bằng cách hy sinh vật chất, giờ giấc và chính bản thân khi tha nhân cần đến.
4.3.Dâng lên Chúa những quả tim
Thánh Benoit Joseph Labre là đấng thánh đi ăn xin và đã qua đời tại Rôma năm 1783, đã kể lại một câu chuyện như sau:
Ngày kia, khi đi thăm một người đau nặng, ngài dạy cho ông ta biết dâng của lễ gì cho đẹp lòng Chúa.
Ngài nói: Phải dâng cho Chúa ba quả tim:
- Quả thứ nhất bằng lửa, nghĩa là quả tim đầy tình yêu đối với Chúa.
- Quả tim thứ hai bằng thịt, nghĩa là một quả tim đầy tình yêu đối với tha nhân.
- Quả tim thứ ba bằng đồng, nghĩa là một quả tim mạnh mẽ để chống lại các đam mê, nhất là tình tư dục và lo hãm mình ép xác.
Hàng ngày hãy nhắc lại sự phó dâng ấy để luôn lúc nào cũng hướng về Chúa và cầu xin: “Lạy Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, xin ban cho con kính mến Trái Tim Chúa một ngày một hơn. Amen.”