Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 23/06/2017

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu (Mt 11:25-30)


25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.27 "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.28 "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."
 
SUY NIỆM 1

Một buổi sáng, đi dạo trong khu vườn vắng của nhà xứ, vừa thể dục vừa thư giản. Bỗng một chú chim non đang tập chuyền cành rớt giữa đường bay. Thấy có người, dù bị ngã sóng xoài nhưng cố gượng dậy cất cánh bay lên. Vẫn chưa hoàn sức đầy đủ, vì thế chú bay lên lưng chừng, rồi lại rớt xuống. Lần này té còn nặng hơn cú té lần trước. Đập cánh mãi, cố đứng dậy, nhưng đôi chân yếu ớt, chú chim non lại ngã lăng quay.

Tôi tới gần, lại càng làm chú chim sợ hãi, cố hết sức vùng dậy để bay. Nhưng sự cố gắng lớn của chú chim chỉ có thể giúp chú nhảy vài bước tới phía trước tránh người lạ, rồi lại phải ngã mình nằm xuống.

Tôi đưa chú chim non lên lòng bàn tay vuốt ve vài cái để chú yên tâm. Tôi tìm một chút nước rắc nhẹ lên mình chú chim để chú mau hồi tỉnh. Tôi lại đặt chú lên một phiến đất khô để chú nằm nghỉ.

Vài phút sau tôi trở lại thăm. Lần này, vừa mới nhát thấy bóng tôi, chú chim non vội vàng giương cánh bay lên cành cao. Chú chim non sợ tôi. Nó không nhìn tôi với đôi mắt biết ơn. Nó cũng chẳng coi tôi là người giúp đỡ nó. Nó vẫn coi tôi là kẻ thù không hơn, không kém.

Hôm nay và cả tháng Sáu này, Hội Thánh tôn vinh tình yêu của Thiên Chúa được cụ thể hóa nơi trái tim dịu hiền của Chúa Giêsu. Có dịp suy niệm lại tình yêu của Chúa, tôi mới giật mình thản thốt: Hình như đã từ lâu lắm rồi, mình chỉ là một chú chim non đầy phản trắc, một chú chim non chưa bao giờ cảm nghiệm đầy đủ tình yêu của một Người Cha cao cả dành cho mình.

Bởi thực tế, trong cuộc sống đời mình, tôi dễ dàng quên lời Thiên Chúa dạy: hãy yêu thương, hãy tha thứ, hãy hiến thân, hãy cho đi, hãy nhân từ, hãy hiền lành, hãy nghèo khó, hãy khiêm nhường, v.v. nhưng lại nhớ rất rõ và chấp nhất rất nhiều bất cứ kẻ nào nặng lời với tôi, nói xấu tôi, xúc phạm tôi bằng bất cứ hình thức nào.

Tôi chưa bao giờ bằng lòng với cái tôi của mình, và với những gì tôi đang có, ngược lại rất nhiều lần tìm kiếm những tiện nghi, sống nếp sống trưởng giả, đặt mình trên người khác để thỏa lòng kiêu ngạo của bản thân…

Tôi không chỉ đã đi quá xa tình yêu của Chúa, mà hình như khi không chấp nhận anh chị em, và chỉ lo tìm kiếm sự an thân vật chất cho mình, tôi đặt mình đối diện với Thiên Chúa, không đứng về phía Người, nhưng vô tình trở thành kẻ đối lập với Người.

Thái độ ấy cho thấy tôi chưa tin tưởng vào tình yêu của Chúa, nghi ngờ Chúa. Hậu quả thật khó lường: dần dà chính tôi đã tự đẩy mình ra khỏi Thiên Chúa.

Tôi chỉ là một chú chim non rong ruổi trong cuộc đời. Tầm nhìn của chú chim non bé quá, chỉ thấy cái hiện tại và đuôi mù trước một thế giới bao la phía trước. Chú chim non cần lắm bàn tay Chúa dìu đưa để ngày một trung thành hơn trong lòng mến và trong tình yêu.

Lễ Thánh Tâm và tháng Sáu, chúng ta ca tụng Chúa và tôn vinh tình yêu của Người là phải lẽ. Nhưng trên hết mọi sự, có một điều cần thiết nhất, phải làm ngay, đó chính là hãy ý thức mình bé nhỏ, yếu đuối, non nớt, hay phản trắc, v.v. để thực tâm quay về với tình yêu ấy. 

Để cụ thể hóa việc trở về ấy, điều ta cần làm hôm nay là: “Hãy kết hợp việc tôn sùng Thánh Tâm và tôn thờ Thánh Thể lại với nhau, vì qua bí tích Thánh Thể, tình yêu của Thánh Tâm Chúa rõ rệt hơn, và chúng ta cũng có phương tiện bày tỏ lòng tri ân cảm mến của chúng ta cách dễ dàng hơn” (Thư mục vụ tháng 6.2006 của Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giáo phận Phú Cường).

Lạy Chúa Giêsu, Trái Tim của Chúa là Trái Tim rộng mở đón nhận hết mọi người và ôm trọn cả loài người chúng con. Xin chúng con biết nại đến tình yêu tha thứ của Trái Tim thánh thiện Chúa mà đứng lên, trở về cùng Chúa bằng sự ăn năn thớng hối. Xin cho trái tim chúng con biết đập bằng nhịp đập của tình yêu Chúa, biết cảm thông, chia sẻ để chúng con vui với ai mừng vui và khóc với ai đang khổ sầu. Amen.

GKG
Đ Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2
Niềm vui ca tụng
Trước hết, chúng ta hãy ra khỏi mình để chia sẻ niềm vui với Đức Giê-su, chia sẻ mỗi ngày, vì đây là « niềm vui vĩnh cửu » của Người. Niềm vui của Người đến từ việc đón nhận cách hành động của Cha với sự cảm phục và dâng lời ca tụng : Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
Tương tự như Đức Maria, Mẹ của chúng ta, đã thốt lên trong Thánh Thần : « Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa » vì đã nhận ra « những điều cao cả » Người làm cho Mẹ, là « Nữ Tì hèn mọn » và tương tự như vậy, cho « những ai kính sợ Người », cho « mọi kẻ khiêm nhường », cho « kẻ đói nghèo », cho tôi tớ đau khổ của Người là Israen.
Và chuyển động ra khỏi mình để chia sẻ niềm vui ca tụng Chúa Cha của Đức Giê-su, chỉ trọn vẹn, khi chính chúng ta cũng được Thánh Thần tác động (x. Lc 10, 21-22), để nhận ra cùng một cung cách hành động của Chúa Cha được thể hiện trong cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta, và ca tụng Người trong niềm vui. Đó chính là con đường thiêng liêng, là « linh đạo » làm cho chúng ta trở nên giống Đức Ki-tô. Và đây là linh đạo của mọi linh đạo, vì đến từ Kinh Thánh được hoàn tất nơi Đức Ki-tô.
Đức Giê-su ca tụng Chúa Cha, vì Chúa Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Những người mà Chúa Cha và Đức Giêsu muốn mặc khải Nước Thiên Chúa cho, đó là những người bé mọn. Vậy ai là những người khôn ngoan và ai những người thông thái ? Ai là những người bé mọn ? Và để xác định, chúng ta phải dựa theo tiêu chuẩn nào, dưới mắt ai hay đứng trên bình diện nào ?
a. Những người bé mọn là tất cả mọi người chúng ta, vì con người chúng ta tự bản chất là bé nhỏ, bé nhỏ trong thân phận, điều này được cảm nhận nhất là khi chúng ta chứng kiến những người thân yêu của chúng ta qua đi, bé nhỏ đối với cộng đồng, bé nhỏ trong không gian, bé nhỏ trong thời gian, thật bé nhỏ trong vũ trụ bao la, và rất nhỏ bé trước Thiên Chúa, Đấng dựng nên chúng ta. Nếu chúng ta có cao vời kiểu này hay cao vời kiểu kia, khôn ngoan thông thái ở bình diện này bình diện kia, đó là vì mình tự phong cho mình hoặc chúng ta tự phong cho nhau một cách ảo tưởng.
b. Những người bé mọn còn là mỗi người chúng ta trong tư cách là con Thiên Chúa, bởi lẽ « Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa ». Căn tính thần linh này được ghi khắc trong chốn sâu thẳm của chúng ta, dù chúng ta ý thức hay không ý thức. Chúng ta trở nên những người bé mọn, khi chúng ta đón nhận ơn gọi làm Con Thiên Chúa và sống ơn gọi này theo cách của Đức Giêsu, Người Con duy nhất của Chúa Cha.
c. Những người bé mọn cũng là “tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề”, như chính Đức Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng. Thân phận con người chúng ta tự nó là một gánh nặng và chúng ta được mời gọi đến cùng Đức Giêsu và học với Ngài, để nhận được sự nghỉ ngơi. Đó là sự nghỉ ngơi mà loài người chúng ta hằng khao khát, như thánh Augustinô nói : « Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa, và con tim của chúng con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ ngơi trong Chúa. » Thực vậy, những người thân yêu của chúng ta đang thật sự nghỉ ngơi trong Chúa.
Đức Giê-su nhận ra và ca ngợi cách hành động của Thiên Chúa Cha, bởi vì chính Người đã trở nên người bé mọn nơi mầu nhiệm Nhập Thể hướng tới và được hoàn tất bởi mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh.
2. Hiệp thông và chia sẻ
Phần tiếp theo trong lời của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng vừa bày tỏ cho chúng ta những điều sâu kín nhất của mối tương quan giữa Ngài và Chúa Cha, và vừa bày tỏ cho chúng ta những điều sâu kín nhất của mối tương quan giữa Ngài và chúng ta. Những điều sâu kín nhất ấy cũng đồng thời là những điều an ủi nhất đối với chúng ta. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ Người Con, trừ Chúa Cha ;cũng không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.
Ở đây, chúng ta tiếp tục được mời gọi ra khỏi mình, ra khỏi những vấn đề hay những bận tâm của mình để chiêm ngắm và ca ngợi sự hiệp thông trọn vẹn, cả ở bình diện sở hữu lẫn bình diện hiểu biết, nghĩa là hiệp thông sự sống, giữa Chúa Cha và Người Con là Đức Giêsu. Tuy nhiên, và đây là niềm an ủi lớn nhất cho chúng ta, sự hiệp thông trọn vẹn giữa Chúa Cha và Đức Giêsu không phải là một sự hiệp thông kín. Hiệp thông kín là hiệp thông chỉ có hai người với nhau thôi, không mở ra cho những người khác, như chúng ta vẫn thường thấy trong cuộc sống. Nhưng, hiệp thông chỉ đích thực, khi đó là một hiệp thông mở rộng, hiệp thông chia sẻ. Và đây, Đức Giêsu muốn chia sẻ sự hiểu hiểu biết của Ngài về Cha cho con người chúng ta. Đó chính là sứ mạng của Ngài và đó cũng chính là Tin Mừng về Nước Thiên Chúa.
Nhưng ai là những người mà Người Con muốn mặc khải Chúa Cha ? Đó chẳng phải là những người bé mọn hay sao ? Bởi vì Cha nào Con nấy ! Sứ điệp đến từ lời của Đức Giê-su thật rõ và mạnh : để đón nhận, theo cách nói của K. Rahner, « sự tự thông truyền » (auto-communication) của Chúa Cha và Đức Giêsu, chúng ta phải là người « bé mọn », phải là bé mọn ngay vào lúc chúng ta chuẩn bị « làm lớn » hay đang “làm lớn” ở một bình diện nào đó ! Đức Giêsu đã là “người bé mọn”, vì thế Ngài là khuôn mẫu để chúng ta trở nên bé mọn; hay đúng hơn, chúng ta được mời gọi mặc lấy, mang lấy tâm tình trong Thánh Tâm của Ngài, Tin Mừng của Ngài, và chính bản thân Ngài để trở nên bé mọn với Cha, với nhau và với người khác.
3. “Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong tim”
Trong phần này, Đức Giê-su ngỏ với tất cả những ai đang vất vả và đang mang gánh nặng nề. Phải chăng đó chính là những người Ngài muốn mặc khải Chúa Cha. Những người đang vất vả. Chúng ta vẫn thường nói số người này vất vả, số người kia nhàn hạ. Nhưng đó chỉ là vất vả hay nhàn hạ bề ngoài mà thôi. Thân phận con người, tự nó là “vất vả”. Kinh nghiệm nhân sinh nói rất đúng về mình, khi gọi đó là: “kiếp người”. Kinh nghiệm Nhà Phật cũng nhìn nhận: đời là bể khổ. Và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong bài hát Một Cõi Đi Về, đã chất vấn mình và cũng là chất vấn đời người: “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Vất vả ở đây còn có thể hiểu theo nghĩa hiện sinh; các triết gia hiện sinh nói: con người bị buộc phải tự do (l’homme est condamné à être libre). Và để tự do, thì rất “vất vả”. Cuối cùng, vất vả còn theo nghĩa ơn gọi, ơn gọi làm người. Để trở thành “nhân linh”, “con người” phải vất vả biết bao!
Những người đang mang gánh nặng nề còn là những người, khi đến tuổi trưởng thành, lập gia đình hay đi tu, phải mang lấy trách nhiệm hay phận vụ, mà trách nhiệm và phận phận vụ là một gánh nặng; rồi có cả những gánh nặng chúng ta được mời gọi mang vác cho nhau; không kể những gánh nặng chúng ta tự chất cho mình hay chất cho nhau; sau này (bình thường, từ 40 tuổi trở lên), chúng ta còn phải mang gánh nặng của tuổi tác, bệnh tật và chính cái chết.
Như thế, Đức Giêsu nhìn thấy không phải một số người, nhưng là tất cả mọi người với thân phận con người, trong đó có mỗi người chúng ta, là những người đang vất vả và đang mang gánh nặng nề. Ngài nhìn mỗi người chúng ta với lòng thương cảm, và vì thế Ngài mời gọi chúng ta hãy đến với Ngài và Ngài sẽ ban cho sự nghỉ ngơi. Lời mời gọi thật nhưng không, chúng ta chỉ đến và lãnh nhận.
Điều lạ lùng là nghỉ ngơi cũng chính là cùng đích của loài người. Con người được dựng nên cho Thiên Chúa, và chỉ tìm thấy an nghỉ trong Thiên Chúa mà thôi, thánh Augustinô nói như thế. Cùng đích này được biểu lộ trong:
–   Trình thuật “Sáng Tạo Bảy Ngày” (St 1). Ngày thứ bảy, điểm tới của công trình tạo dựng, là ngày Thiên Chúa ngưng mọi việc. Là ngày duy nhất, Thiên Chúa vừa chúc phúc và vừa thánh hóa.
–   Ngày Sabát hay ngày Chúa Nhật, là ngày con người được mời gọi tự do với gánh nặng của cuộc sống, cảm nếm một chút sự nghỉ ngơi và nhất là hướng về sự nghỉ ngơi mãi mãi trong Chúa.
–   Khao khát thẳm sâu của con người. Con người ước ao nghỉ ngơi, nhất là lúc “nhắm mắt suôi tay”; và chúng ta cầu chúc cho người quá cố: Requiescat In Pace (RIP) – Hãy nghỉ ngơi trong bình an.
Nhưng với Đức Giêsu, sự nghỉ ngơi được ban cho chúng ta ngay hôm nay, khi chúng ta mang lấy ách và gánh của Ngài. Nhưng điều này thật là nghịch lí quá: làm sao mà có được sự nghỉ ngơi khi vẫn phải mang phải vác, cho dù có dễ và nhẹ đi chăng nữa? Và kinh nghiệm cho thấy rằng chúng ta đâu được nghỉ ngơi gì nhiều khi mang ách và chịu gánh của Chúa. Có khi chúng ta còn cảm thấy ngược lại!
Đó là vì chúng ta chưa thực sự đến và ở lại để học với Ngài. Đến với Đức Giêsu, chúng ta không thể không yêu mến Ngài, vì Ngài hiền lành dịu dàng (đối lại với bạo lực) và khiêm nhường trong tim. Vì thế, khi chúng ta chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giê-su, chúng ta còn được mời gọi nhận ra sự hiền lành và khiêm nhường của Ngài. Chắc chắn chúng ta có kinh nghiệm này rồi. Và chúng ta luôn cảm thấy được an nghỉ khi đến với Người mình hằng mến yêu. Nếu có ách và có gánh, thì ách và gánh này đã được yêu mến rồi.
Và Không ở đâu Đức Giêsu bày tỏ Thánh Tâm của mình, nghĩa là sự hiền lành và khiêm nhường rõ hơn là trên Thánh Giá. Hơn nữa, với Thánh Giá, Ngài mang lấy hết mọi ách, mọi gánh của chúng ta rồi. Dù chúng ta có “mang gánh nặng nề” như thế nào, chúng ta vẫn được mời gọi kinh nghiệm sự nghỉ ngơi ở trong Chúa, Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá. Vì như ngôn sứ Isaia nói: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta. (Is 53, 4; x. Mt 8, 17)
(Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ)