Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

Tin Công giáo thế giới ngày 12/06/2017

Filled under:



Thời Sự Giáo Hội Và Thế Giới Hôm Nay Chúa Nhật 11 6 2017



Niềm an ủi đến từ nhận và trao

Niềm an ủi là quà tặng đến từ Thiên Chúa và đến từ việc phục vụ tha nhân. Để kinh nghiệm được niềm an ủi ấy, cần có trái tim rộng mở của tâm hồn nghèo khó. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Niềm an ủi không có tính tự động
Kinh nghiệm về niềm an ủi là kinh nghiệm thiêng liêng, luôn cần được người khác làm đầy. Đây không phải là kiểu tự an ủi chính mình, không phải như thế. Nếu người ta chỉ biết cố gắng tự an ủi chính mình, thì sớm hay muộn người ta tự dẫn tới chỗ chỉ biết ngắm bản thân mình trong gương. Kiểu ngắm nghía chính mình như thế sẽ càng làm cho bản thân thêm khép kín, càng làm cho bầu không khí thêm ngột ngạt. Như thế, niềm an ủi không phải là sự trang điểm vì trang điểm không giúp phát triển. Tự an ủi theo kiểu soi gương không phải là niềm an ủi mà chúng ta nói ở đây, vì càng ngắm nhìn bản thân sẽ càng khép kín và càng lãng quên tha nhân.
Trong Tin Mừng có nhiều người tự an ủi chính mình theo kiểu soi gương. Đó là người phú hộ cảm thấy đầy đủ tất cả và thỏa mãn, ông còn dự định xây thêm nhiều kho lẫm để chứa của cải. Đó là thái độ của người Phariseu khi cầu nguyện trước bàn thờ. Ông nói: Con tạ ơn Chúa vì con không giống như bao nhiêu người khác. Đây chẳng phải là cầu nguyện mà chỉ là soi gương tự ngắm nghía chính mình. Chúa Giêsu chỉ cho thấy, những kẻ sống như thế sẽ không bao giờ tiến đến chỗ hoàn thiện mà chỉ là con đường hư vinh hư danh phù vân.
Niềm an ủi đến từ trao tặng và phục vụ  
Niềm an ủi chân thực đến từ lòng vị tha. Trước hết, chúng ta có niềm an ủi vì Thiên Chúa là Đấng ủi an chúng ta, Ngài ban cho chúng ta niềm an ủi. Sau đó, chúng ta trao tặng niềm an ủi cho người khác bằng đời phục vụ. Niềm an ủi là món quà được nhận lãnh và để trao tặng.
Niềm an ủi đồng thời có ý nghĩa kép: vừa là món quà mà tôi nhận được, vừa là quà tặng tôi cần trao đi. Và như thế, nếu tôi trao tặng bạn món quà an ủi mà tôi nhận được từ nơi Chúa, thì cũng có nghĩa là tôi cần được ủi an. Tôi cần được an ủi, bởi vì chỉ có được món quà an ủi khi tôi nhận ra rằng tôi cần được an ủi. Khi đó chính Chúa sẽ đến an ủi chúng ta, và ban cho chúng ta sứ mạng đi an ủi tha nhân. Thật không dễ để mở lòng đón nhận món quà an ủi, cũng không dễ để đi phục vụ.
Người được chúc phúc
Để có được niềm an ủi, cần có trái tim rộng mở. Những người như thế được gọi là người có phúc, người được chúc phúc. Đó là người có tâm hồn nghèo khó, là người sầu khổ, là người hiền lành, là người khao khát công lý đấu tranh cho công lý, là người biết xót thương người khác, là người có tâm hồn trong sạch, là người xây dựng hòa bình, là người bị bách hại vì sống công chính vì yêu mến công lý. Những tâm hồn như thế mở ra, và Chúa đến ban niềm an ủi vào cõi lòng và sai họ đi an ủi tha nhân.
Thế nhưng, cũng có nhưng người đang khép kín cõi lòng, những người cảm thấy tự đủ, những người không biết khóc than khi thấy điều bất công. Có người luôn gây bạo lực mà không biết đến sự hiền lành. Có người gây ra biết bao bất công, có kẻ không xót thương ai, có kẻ không bao giờ tha thứ vì họ cảm thấy không cần phải được thứ tha. Có những trái tim nhơ bẩn luôn tìm cách vơ vét và khai thác chứ không bao giờ muốn hòa bình. Những tâm hồn khép kín như thế sẽ chẳng bao giờ nhận được món quà an ủi của Thiên Chúa, đồng thời họ cũng chẳng thể ủi an tha nhân.
Lạy Chúa, tâm hồn con hiện tại đang thế nào? Xin cho con biết mở rộng cõi lòng, để xin ơn an ủi của Chúa, và để có thể trao tặng niềm an ủi ấy cho tha nhân. Con cần nhẩm đi nhắc lại điều ấy nhiều lần, để khắc ghi và dâng lời tạ ơn Chúa vì Ngài luôn luôn tìm cách ủi an chúng con. Xin cho con biết mở cửa tâm hồn, dù là hé mở một chút, để Chúa có thể đến và ngự vào.



Bà Cố có 4 người con là Linh Mục


Gia đình có một người con tận hiến đời mình cho Chúa đã là quý, đàng này ... gia đình có 7 mà lại hiến dâng đến 5. Phải chăng đó là quà tặng, là ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa ban cho gia đình ông bà cố Liêm – Mẫn.

Bà Cố có 4 người con là Linh Mục
HỒNG ÂN CHÚA NHƯ MƯA NHƯ MƯA

          Thiên Chúa vẽ đường thẳng bằng compa để rồi mối tình giữa chàng lính nhà quan gốc Huế lại gặp cô thôn nữ hiền lành đạo đức ở mảnh đất Quảng Ngãi dấu yêu.

          Sinh ra trong gia đình quan Pháp làm về ngành đường sắt cũng có vai vế trong xã hội thời bấy giờ và vì công việc nên gia đình của anh chàng Phêrô Trương Đình Mẫn (sinh năm 1920) tiến vào Quãng Ngãi. Chả hiểu sao nơi mảnh đất Quảng Ngãi lại se duyên cho chị Matta Nguyễn Thị Liêm (sinh năm 1921). Ơn Chúa đã kết nối hai anh chị và rồi hoa quả sinh ra cho gia đình hai họ Trương – Nguyễn được tất cả 7 người con.

          Như đã nói, nghèo nhưng sạch, rách nhưng thơm và nhất là thụ hưởng từ truyền thống đạo đức gia đình để rồi sau khi lập gia đình, cô nàng Liêm thời bấy giờ vẫn chu toàn bổn phận của một người vợ, một người mẹ và thêm vào đó trọng trách của người nấu cơm cho cha Xứ họ Trà Câu. Lối sống đạo đức cứ ảnh hưởng và ăn dần vào đời sống của những đứa con tự khi nào không biết để rồi người con cả là nữ tu Matta Nguyễn Thị Đức tận hiến đời mình trong dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn.

“Chị mình đi tu chả lẽ mình không tu sao ?” Thế là Phêrô Trương Đình Tu và Giuse Trương Đình Hiền ngày ấy là hai cậu Lễ sinh của họ đạo Trà Câu – Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã đi tu và sống thật hiền lành với 2 cái tên mà cha mẹ của 2 cậu đặt cho. Tu và Hiền đã vào Chủng Viện Quy Nhơn tu và sống thật hiền cho đến ngày nay dẫu đảm trách chức vụ chánh xứ, quản hạt và như cha Hiền hiện nay là Tổng Đại Diện giáo phận Quy Nhơn. Ai nào đó tiếp xúc với Cha Hiền sẽ nhận ra đúng là hiền với cái tên mà ông bà cố đã chọn.

Hai người anh đi tu làm cho hai người em cũng tò mò theo tới.

Người em út G.B. Trương Đình Hà năm nay cũng đã ngót nghét 57 tuổi đang làm chính xứ Thủ Lựu của giáo phận Bà Rịa thân thương. Trên cha Hà là người anh trầm tính nhưng không kém phần hài hước là Tôma Trương Đình Sơn.

Ai nào đó đã gặp Cha Sơn ắt hẳn sẽ được nghe nhiều câu chuyện tục nhưng lại thanh để góp vui cho đời. Chắc có lẽ Cha Trương Đình Sơn nhiễm máu của Cha già cố Giuse Trần Hữu Thanh (DCCT – đã về nhà Cha năm 2007 tại DCCT Thái Hà) để rồi thu thập những câu chuyện hài gửi gấm góp chút niềm vui.

Có lẽ, nếu nhắc đến Cha Toma Sơn mà không nhắc đến hành trình gần 10 năm dấn thân truyền giáo ở mảnh đất đầy gian khó Haiti.  

Sinh năm 1959, học đến lớp 6 trường làng, chú Tôma khăn gói quả mướp tìm hiểu ơn gọi tại DCCT Huế những năm 1970. Mùa hè đổ lửa 1972 đã đưa chú Sơn vào DCCT Thủ Đức cho đến ngày mất nhà mất đất.

Đường tu dù dài dù khó nhưng chú Sơn vẫn tiếp tục theo học Đại Học Sư Phạm ngành Pháp văn và vẫn giữ vững đường tu. Sau những năm tháng khó khăn, chú Sơn về giúp giáo xứ Xuân Thịnh (Vườn Ngô) những 5 năm. Thời điểm này, Cha Sơn cũng đã hướng dẫn, đào tạo nhiều ơn gọi và nay có một mầm ơn gọi đã trổ hoa là Cha Giêrônimô Nguyễn Đình Thuật đang phục vụ cho anh chị em thiểu số ở Hà Bầu – Gia Lai.

10 năm âm thầm sống ở Phú Dòng, sau đó lãnh sứ vụ linh mục và lên đường truyền giáo. Sau những ngày tháng bôn ba giữa những khó khăn của cuộc sống, hiện tại Cha Tôma sống đời mục tử nhỏ bé âm thầm bằng cách giúp các xóm giáo mà Nhà Dòng coi sóc ở Kỳ Đồng.

Phần ông bà cố, sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, ông bà dắt díu nhau tạm cư ở vùng Bàu Cá Trảng Bom.

5 người dấn thân vào đời sống ơn gọi, có một người con gái là chị Mađalêna Trương Thị Như lập gia đình và chị có 7 người con.

Nếu như kể về gia đình đặc biệt này ngoài người đặc biệt là ông bà cố và 5 người con đi tu và chị Như mà không kể đến chị Trương Thị Trinh quả là điều thiếu sót thật lớn. Giản đơn là chị Trinh vì chữ hiếu, vì cha mẹ và vì các chị và em nên chị sống như vậy cho đến bây giờ để thay mặt những người đi tu lo cho cha mẹ già.

Ai ai cũng biết rằng nuôi người già chả khác gì nuôi một đứa trẻ lên 5 lên 3. Cái tuổi già là cái tuổi cực chướng của cuộc đời. Có khi cho ăn rồi lại đi rêu rao rằng bị bỏ đói, có khi thuốc uống mấy cử nhưng cứ bảo “chúng nó quên tui rồi”. Và như vậy, để chăm bẵm cho những “em bé có quyền đòi hỏi” quả thật là điều nan giải.

Kinh nghiệm trong gia đình ai ai cũng biết những “em bé có quyền đòi hỏi” này khó tính như thế nào. Thà chăm trẻ con thì mình còn có quyền trên nó nhưng chăm cha mẹ già thì mình vừa chăm, vừa cực nhưng lại hoàn toàn bị tước quyền công dân trước những vị này. Chính vì thế, chị Trinh, có lẽ là người được Giáo Hội ghi công và nhắc đến vì sự hy sinh rất lớn của chị.

Trước ánh sáng lấp lánh của một chị phụ trách cộng đoàn như chị nữ tu Matta Nguyễn Thị Đức hay rực rỡ trong những ngày kỷ niệm Ngân Khánh – Kim Khánh thì lại lóe lên hình ảnh của người em tên Trinh thay chị lo cho cha mẹ già.

Trước vẻ đẹp lung linh của 4 anh em làm linh mục và có cha Hiền làm Tổng Đại Diện của một giáo phận thì đàng sau đó lại lóe lên hình ảnh của người chị gái tần tảo lo cho cha mẹ già.

Chúa gọi ông Cố về với Chúa năm 1998 khi ông Cố thọ 78 tuổi. Và, bà Cố may mắn hơn ông, phần phúc hơn ông là hiện giờ Bà còn minh mẫn ở cái tuổi mà khối kẻ mong, vạn người muốn là gần 100 tuổi mà vẫn nhìn thấy con mình sống trọn vẹn trong đời tận hiến.
Ta hãy cùng tạ ơn Chúa với gia đình ông bà cố Mẫn – Liêm, với 5 anh chị em của gia đình này và với nhiều gia đình khác nữa đã tận tình và hết lòng dâng hiến cho Chúa 4, 3, 2 người con. Và đặc biệt, có cả gia đình hiện ở giáo xứ Dốc Mơ dâng cho Chúa 2 người con trai trong một hội dòng và coi như chả có kẻ nối dõi tông đường. Những tấm lòng tận hiến như vậy quả là hoa quả tuyệt vời dâng lên cùng Chúa.

Xin Chúa gìn giữ bà Cố Liêm, quý ông bà cố, quý gia đình đã quảng đại dâng cho Chúa những người con để phục vụ trong cánh đồng truyền giáo. Xin Chúa cho Hội Thánh ngày càng có thêm nhiều thợ gặt để gặt lúa về như lòng Chúa mong muốn.