Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

5 Phút cho Lời Chúa ngày 14/6/2017

Filled under:

VIỆC NHỎ, GIÁ TRỊ KHÔNG NHỎ
“Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời.” (Mt 5,19)
Suy niệm: Trong môn toán, chỉ cần lộn dấu cộng thành dấu trừ hay đặt dấu chấm, dấu phẩy sai chỗ là dẫn đến kết quả sai cho cả bài toán. Trong đời sống thường nhật cũng thế, người ta vẫn nói “lỗ nhỏ làm đám thuyền.” Chúa Giêsu dạy chúng ta tuân thủ lề luật dù “một chấm một phết” cũng không thể bỏ qua; không phải là Ngài chủ trương duy luật lệ, câu nệ từng tiểu tiết, nhưng bởi vì những việc lớn được dệt thành từ vô vàn việc nhỏ bé, và vì “Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16,10). Người biết làm những công việc nhỏ, nhưng với một sự cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm là người có một nhân cách lớn. Cũng thế, người biết nên thánh bằng cách chu toàn những việc bổn phận nhỏ bé chính là người lớn nhất trong Nước Trời.
Mời Bạn: Có bao giờ bạn đã từng tự nhủ mình thế này không: “Tội nhẹ, chẳng sao cả! - Mình chỉ thử thôi mà! - Một lần thì đã sao!”? Ngược lại, có khi nào bạn khinh suất, bó qua không làm những việc lành chỉ vì chúng nhỏ bé, âm thầm, hèn mọn?
Chia sẻ: Việc “nhỏ bé” nào, hoặc người “nhỏ bé” nào trong cộng đoàn của bạn đang bị bỏ qua, quên lãng?
Sống Lời Chúa: Chọn một việc bổn phận nhỏ bé hằng ngày mà bạn vẫn thường quên sót để làm một cách thật chu đáo và với ý hướng tông đồ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã không ngại hạ mình nên người nhỏ nhất để chúng con được Chúa nâng lên. Xin cho con luôn biết học với Chúa để nên thánh từ những việc bổn phận nhỏ bé nhất trong cuộc sống hằng ngày.



Thánh Albert Chmielowski
(1845-1916)
Sinh ở Igolomia gần Krakow, Ba Lan, Thánh Albert là người con cả trong gia đình giầu có, và tên rửa tội là Adam. Trong cuộc cách mạng 1864 chống với Nga Hoàng Alexander III, Adam bị thương và bị cụt chân trái.
Với khả năng hội họa Adam đã theo học ở Warsaw, Munich và Balê. Sau khi trở về Krakow, Adam gia nhập dòng Phanxicô Thế Tục. Vào năm 1888, Adam lấy tên là Albert khi sáng lập tổ chức các Thầy Dòng Ba Phanxicô. Công việc chính yếu của tổ chức là giúp đỡ người nghèo và người vô gia cư, bất kể tuổi tác, tôn giáo hay chính kiến.
Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho Thầy Albert năm 1983 và phong thánh cho ngài sáu năm sau.
Lời Bàn
Trong cuốn sách kỷ niệm kim khánh linh mục năm 1996, khi chia sẻ về ơn thiên triệu của chính mình, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho biết Thầy Albert đã có một ảnh hưởng trong ơn gọi ấy "bởi vì tôi tìm thấy nơi ngài sự hỗ trợ tinh thần và một tấm gương khi từ bỏ thế giới nghệ thuật, văn chương và kịch nghệ, để nhất định chọn lựa ơn gọi linh mục". Khi là một linh mục trẻ, Ðức Giáo Hoàng đã viết một kịch bản về cuộc đời Thầy Albert để tỏ lòng biết ơn thánh nhân.

Tôi Biết Chạy Ðến Với Ai

Sau khi phản bội Chúa bằng một cái hôn, Giuda cảm thấy thất vọng đến độ không còn nghĩ rằng mình có thể được tha thứ nữa. Ông cầm 30 đồng bạc là giá của sự phản bội và đi vào Ðền thờ để trả lại cho các thượng tế và kỳ lão. Sau đó, ông ra ngoài lấy dây thắt cổ tự vận.
Câu chuyện ấy đã được xen vào vở tuồng thương khó nổi tiếng của dân làng Oberammergau bên Ðức. Cứ 10 năm một lần, theo một lời thề hứa mà ông cha đã để lại từ mấy trăm năm qua, người dân làng diễn ra cuộc tử nạn của Chúa giêsu. Vở kịch thu hút khán giả từ khắp nơi trên thế giớị
Người ta kể lại rằng lần kia, một em bé gái 7 tuổi ngồi cạnh mẹ để xem vở tuồng. Người đóng vai Giuda, trong cơn thất vọng não nề đã thốt lên: "Tôi biết đi đến với ai bây giờ? Tôi đã phản bội Thầy tôi. Thế là hết! Tô không biết phải chạy đến với ai nữa".
Em bé ngồi bên cạnh mẹ cảm thông cho số phận của kẻ chìm đắm trong thất vọng. Em muốn tìm cách để cứu vớt con người khốn khổ ấy. Em bèn quay sang mẹ và nói lớn đến độ tất cả mọi khán thính giả có mặt trong hội trường đều nghe được: "Má ơi, sao ông ta không chạy đến với Mẹ Mariả".
Chúa Giêsu cũng có một người Mẹ như mọi người, và nhất là Ngài cũng trải qua một thời thơ ấu như mọi người. Kỷ niệm của những giây phút ngồi trên gối Mẹ, những lần sà vào lòng Mẹ, những lần mếu máo khi lạc mất Mẹ, hay những lần vòi vĩnh Mẹ... hẳn phải luôn đậm nét trong ký ức của Chúa Giêsu. Có lẽ chính kinh nghiệm của bản thân ấy đã trở thành bài học về hồn nhiên trong trắng, tin tưởng, phó thác của tuổi thơ mà Chúa Giêsu luôn đề ra cho chúng ta khi Ngài nói: "Nếu các ngươi không nên giống như trẻ nhỏ, các ngươi không được vào nước Trời".
Tuổi thơ thường gắn liền với mẹ. Còn âm thanh nào bộc phát, tự nhiên, quen thuộc và êm dịu trên môi của trẻ thơ cho bằng tiếng "Mẹ". Khi vui, trẻ thơ kêu mẹ, lúc đói, trẻ thơ cũng kêu mẹ. Khi tỉnh thức, trẻ thơ cũng kêu mẹ, lúc ngái ngủ, trẻ thơ cũng kêu mẹ... Mẹ là tất cả của trẻ thơ.
Mời gọi chúng ta mặc lấy tâm tình của trẻ thơ để được vào nước Trời, hẳn Chúa Giêsu cũng muốn nhắn gửi chúng ta cho Mẹ của Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng có nghĩa là biết chạy đến với Mẹ Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng có nghĩa là mặc lấy tâm tình của chính Mẹ Ngài, bởi vì còn ai trong trắng, tin tưởng, phó thác cho bằng Mẹ.