Ngày còn bé, tôi nghĩ: Thánh Lễ là “trò chơi” tuyệt vời nhất! Kỉ niệm về Thánh Lễ trong tôi vừa sống động, vừa muôn màu như chính cuộc đời.
Hồi nhỏ xíu, đi tham dự thánh lễ là điều đương nhiên với một em thiếu nhi có vẻ “tốt lành” như tôi. Đi lễ, tôi chẳng nhớ các cha nói điều gì, chỉ nhớ có cha vui tính, có cha nghiêm lắm, có cha nóng tính; có cha nói dễ hiểu, có cha nói tôi chẳng hiểu gì. Tôi chăm chỉ đi lễ, nhưng hay nói chuyện riêng, và khó lòng mà ngồi yên được. Nếu tôi không nói và ngồi im, điều ấy có nghĩa là tôi đang ngủ.
Dịp xưng tội lần đầu ấy, tôi nhớ mãi. Khi đó tôi học lớp 2, do ham đi lễ năm thánh tại một nhà thờ trên thành phố, mà tôi quên mất ngày mình xưng tội lần đầu tại nhà thờ giáo xứ. Thế là tôi “trễ” so với bạn bè, nhưng tôi được mọi người rất ưu ái. Chiều hôm đó, một mình tôi với mẹ đến nhà thờ. Trời mưa lớn, mát lạnh, khá buồn. Tiếng mưa rơi và tiếng gió tạt qua khung cửa sổ càng làm cho bầu không khí thêm tĩnh lặng. Mẹ giúp tôi xét mình. Sau đó, cha tới giải tội cho tôi. Tôi chẳng nhớ mình xưng tội gì, chỉ nhớ một cảm giác là lạ, êm đềm, dễ chịu. Thế rồi hôm sau, tất cả chúng tôi rước lễ lần đầu. Tôi cảm thấy thật vui sướng và nhẹ nhõm. Chạy nhảy ngoài sân nhà thờ, tôi cảm thấy nhẹ như thể bay lên được. Người ta có thể nói, đó chỉ là thứ cảm giác của trẻ con. Thế nhưng, nếu trẻ con có được một cảm nhận trong sáng, tốt lành mà bền vững như thế, thì quả là đáng quý biết bao. Tôi gọi đó là ơn Chúa ban tặng.
Rước lễ là niềm vui thực sự của tôi. Đôi khi bị bạn bè chọc ghẹo là “đạo đức quá” khi rước lễ thường xuyên. Tôi cảm thấy không thoải mái trước chuyện này. Tôi biết, mình cũng dở lắm, cũng nhiều tội, nhưng tôi thích rước lễ. Có lần, tôi “chịu thua” trước “áp lực dư luận” của bạn bè, và thế là tôi không rước lễ nữa. Nhưng lòng tôi không yên. Lòng tự nhủ: tôi không rước lễ vì sĩ diện, nhưng tôi cũng không thể “ngưng rước lễ” chỉ vì đám đông. Tuổi thiếu nhi của tôi là thế. Tôi quyết định, tôi sẽ rước lễ, sẽ vượt qua sự khoe khoang của bản thân và vượt qua dư luận của các bạn. Lòng tôi tĩnh lặng. Tôi vui theo từng thánh lễ, dù đi với người khác hay đi một mình.
Lần kia, nhà thờ rất lớn, do vị trí ngồi trong nhà thờ thiếu thuận lợi, nên bác thừa tác viên không tới khu vực tôi ngồi để cho rước lễ. Trước đó, tôi cứ nghĩ là bác sẽ tới. Lòng tôi bồn chồn, bơ vơ vì không được rước Chúa. Sự trống vắng này theo tôi tới hết thánh lễ, tới khi tôi về nhà; và tới tận bây giờ, nó vẫn còn in đậm trong tâm hồn tôi.
…
Thời sinh viên, buổi chiều nọ, do nhầm lẫn giờ lễ, tôi đi trễ. Phải đứng ngoài nhà thờ, vì thánh lễ đã được quá nửa. Hôm đó trời mưa lạnh, cái mưa bụi mưa bay của mùa xuân càng thêm làm cho người ta động lòng. Có một chút đơn côi, một chút hoài niệm, một chút lủi thủi… Cũng không dám vào nhà thờ, vì sợ sẽ làm chia trí người khác. Đứng ở ngoài mà tôi tiếc nuối, lòng tiếc mãi về một thánh lễ. Một số ngày trong tuần, tôi đi gia sư để kiếm tiền phụ việc học, ngang qua nhà thờ đang thánh lễ, tôi cảm thấy thiếu thốn, khát khao. Chúa ơi! Xin ngự vào lòng con và “tha lỗi” cho con vì con còn bộn bề với cuộc sống. Thánh lễ thường ngày thật cao quý, nhưng đôi khi con đành “hy sinh”…
…
Những tháng ngày sống cùng các cha già nhà hưu, ngày ngày thánh lễ, vừa lạ vừa quen. Quen là vì thánh lễ lúc nào cũng giờ ấy, nhà nguyện ấy, cũng những bài đọc ấy, những con người ấy. Lạ là vì trời có nóng có lạnh. Trong nhà có lúc máy điều hòa cho mát, khi thì bật máy sưởi cho ấm. lạ là vì có các cha hôm khỏe hôm yếu, bữa tỉnh bữa ngủ. Ngày đi ngày vắng. Lạ là vì mỗi cha thích dâng lễ có một chút khác nhau. Quen là vì các cha giảng tuy khác nhau, nhưng nói chung tôi không hiểu lắm các ngài nói gì. Quen với những cái nhăn mặt của các cha già vì tôi tỏ ra chưa hiểu các ngài, quen với những nụ cười và cái chúc lành mà các ngài dành cho tôi mỗi khi có vẻ tôi làm được theo ý các ngài nói. Lạ với cái cảm giác đột ngột và bất ngờ, không biết khi nào các ngài sẽ nhăn mặt, khi nào các ngài sẽ chúc lành. Nhưng Chúa thì vẫn có đó, âm thầm, nhìn và thấu hiểu chúng tôi. Có lẽ Chúa mỉm cười với cuộc sống đơn sơ của những con người bình dị nơi đây.
…
Thánh Lễ cứ thế và cuộc đời cũng vậy. Trôi đi và còn lại. Chúa Giêsu vẫn có đó và con vẫn có đây. Đời đưa đẩy nhưng Chúa vẫn vững bền. Trò chơi cuộc đời trở nên sáng sủa nhờ trò chơi Thánh Lễ. Lòng người đổi thay. Sự đổi thay này sẽ tiêu cực nếu đắm chìm vào dòng xoáy cuộc đời. Sự đổi thay này sẽ tích cực nếu ngập chìm trong chiều sâu Thánh Lễ. Cám ơn Giêsu nhỏ trong Thánh Thể. Cám ơn những con người bé nhỏ trong cuộc đời.
Có một loại tình rất lạ
Gọi là người yêu người nào đó chấp nhận tình yêu của mình. Tình yêu của mình đã tìm đến đúng chủ nhân và được người kia trân trọng và giữ lấy. Người đó cũng phát ra một tín hiệu yêu dành cho ta, và dĩ nhiên, ta vội vàng giữ chặt, đặt nó vào nơi cao quý nhất của trái tim mình. Tình yêu khi ấy đã được hiện thực hoá nơi con người cụ thế, nên ta gọi đó là người yêu. Nếu tình yêu của họ được gia đình, bạn bè và xã hội chấp nhận, hẳn là họ sẽ trở thành những người hạnh phúc nhất thế gian. Chung quanh họ là Thiên Đường. Họ chìm đắm trong những miên man ngọt lịm của tình yêu, bởi đã tìm thấy được một nửa còn thiếu. Họ hãnh diện khi tự do tỏ bày tình yêu của mình trước tất cả mọi người qua những cái nắm tay, những nụ hôn, những sự chăm sóc, quan tâm, những tin nhắn hay những lời nói rót mật vào tai. Trở thành người yêu của người mình yêu, đó hẳn là khao khát của bất cứ con người nào.
Khi yêu ai đó nhưng lại không nhận được lời chấp nhận, đó được gọi là tình đơn phương, và người sở hữu nó là người yêu đơn phương. Đơn phương có nghĩa là một chiều. Tiếng yêu đó có thể được diễn tả ra, hoặc cũng có khi đang được giữ trong lòng, không cho ai biết, đặc biệt là đối tượng kia. Giữ trong lòng có khi vì chưa tìm được dịp thuận tiện để tỏ lộ, hoặc cũng có thể vì biết là dù có nói ra, câu trả lời vẫn chỉ là một ánh mặt đượm buồn hay một câu “xin lỗi”. Dù biết như thế, họ vẫn cứ giữ trong lòng mối tình câm nín, với hy vọng vào một ngày mới nào đó, người kia sẽ cảm nhận được tấm lòng chân thành của mình và mở trái tim ra để đón lấy. Họ và người kia, dù không được danh chính ngôn thuận trao gửi đến nhau những câu nói ngọt ngào, nhưng dù sao, thấy người mình yêu hạnh phúc, vui vẻ, người ôm mối tình một chiều ấy cũng mãn nguyện trong tận sâu cõi lòng rồi.
Cái tên người tình có lẽ không làm người ta thích thú mấy, vì nó gợi lên chút gì đó không minh bạch, thiếu rõ ràng, cái không được công nhận, nằm ngoài sự cho phép của luân thường đạo lý. Đó có thể là người đã chậm một bước, để rồi chỉ có thể vui hưởng chút tình cảm nhỏ giọt từ một người vốn đã thuộc về người khác. Đóng vai người tình thường chẳng bao giờ sung sướng, vì giống như đang ngửa tay ăn xin lòng thương xót của người ta. Chắc là những người ấy cũng có chút băn khoăn và mặc cảm tội lỗi vì đang lén lút chen ngang một tổ ấm nào đó, đang từ từ đục khoét để làm nó vỡ tan. Do lòng ích kỷ thúc đẩy, họ chỉ muốn chiếm đoạt người mà mình trao trọn trái tim, mà chẳng hề bận tâm đến bất cứ điều gì khác. Thật ra, người tình là người đáng thương; còn người biến người ta thành người tình mới là người đáng trách. Một người có thể phản bội lại người đã kết ước với mình thì cũng có thể phản bội bất cứ ai. Vì thế, nếu có thể trở thành người yêu thì hãy cố gắng, chứ đừng bao giờ dại là tự nguyện trở thành người tình.
Nhưng, trong lãnh vực tình cảm, cũng tồn tại trên thế gian này một loại người nữa. Một loại người không có tên, ra đời từ một loại tình không có tên. Vốn dĩ nó không có tên vì chỉ cần đặt cho nó một cái tên, nó không còn là nó nữa. Đó là loại tình cứ âm âm ỉ ỉ trong lòng. Chỉ dám đứng nhìn và quan tâm người đó từ đàng xa chứ không thể lại gần. Sợ sẽ mất đi những gì tốt đẹp đang có. Đó là loại tình có thể sống chết vì nhau, có thể trao hiến cho nhau tất cả, dành cho nhau tất cả… nhưng bị một bức tường vô hình nào đó cách ngăn. Bước thêm một bước thì không dám, lui lại phía sau thì chẳng đành. Không thể giữ người ấy bên mình mà buông ra thì không nỡ. Muốn nói một lời nhớ thương nhưng lý trí ngăn lại. Muốn quan tâm một chút nhưng lại sợ sẽ làm người ta đau. Muốn đến gần nhau nhưng sợ không thể buông ra được… Loại tình này đưa người ta vào trong những mâu thuẫn. Lý trí và con tim đánh nhau, bất phân thắng bại.
Đây là loại người, có thể nói, đau khổ nhất trong tất cả, vì chỉ cách một bước chân thôi, nhưng không thể với tới. Họ chơi vơi chẳng rõ mình là ai, mình phải làm gì, mình phải hành xử ra sao, phải quyết định thế nào để cả hai được hạnh phúc. Chỉ cần một câu nói thì mọi chuyện sẽ được giải quyết, nhưng có thể sẽ làm mất đi người này mãi mãi, mà đó lại là điều họ không muốn tí nào. Vẫn mong điều tốt cho nhau, vẫn mong được nhìn thấy tiếng cười của nhau. Nhưng để trở thành người yêu của nhau, có cái gì đó đang ngăn trở. Dù có khi bằng tiếng nói của con tim, họ cảm nhận được tiếng lòng của bên kia, nhưng chỉ có thể dừng lại ở đó mà thôi, chứ không thể gọi tên loại tình này. Bạn ư? Không phải, vì nó thiếu sự tự nhiên. Người yêu ư? Không phải, vì có bao giờ thốt lên tiếng yêu đâu. Người tình? Càng không, vì đâu có ai bị ràng buộc bởi người nào khác. Đơn phương? Chắc cũng không, vì nó đâu phải là một chiều.
Cuộc đời là thế: nhiều khi vì quá trân trọng cái gì đó, ta chỉ có thể đứng ngắm, chứ không thể đụng đến, vì chỉ cần một cái chạm nhẹ, nó sẽ vỡ tan ngay. Nó hệt như những cái bong bóng nước long lanh, người ta chỉ có thể nhìn, thưởng ngoạn cái đẹp, chứ không nên đụng đến, bởi đụng đến cũng có nghĩa là đánh mất. Thôi thì cứ trân quý những gì đang có trong tay, đang diễn ra ở phút giây hiện tại. Cứ mặc cho thời gian diễn vở kịch của nó, cho nhân gian chơi trò chơi của nó. Ta còn bên nhau thì cứ ở bên nhau thôi. Vui được lúc nào thì vui cho hết mình, để khi thật sự phải chia xa thì cũng không hối tiếc về những gì của quá khứ.
Mà cũng đâu nhất thiết phải gọi tên loại tình đó là gì, và người đang vướng vào đó là người gì. Cuộc đời đâu phải lúc nào cũng đòi phải rõ trắng và đen, đúng và sai. Chỉ đơn giản là mình biết rõ chọn lựa của mình. Giữ khoảng cách đôi khi cũng là một sự khôn ngoan để không làm mất đi cái tốt đẹp đã có. Có chút gì đó chưa rõ ràng để làm cho cuộc sống thêm hương vị và còn cho nhau một khoảng nhỏ nhiệm mầu để tiếp tục khám phá. Ta sẽ luôn ở gần nhau, sẽ càng xích lại với nhau, dù không biết bao giờ mới đụng đến nhau. Cũng hay mà!
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ